Vì sao ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh có thể kiểm soát trong 10 ngày?
Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy hai ổ dịch này có thể kiểm soát được trước ngày 25 tháng Chạp.
Sau 3 ngày ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, đến sáng nay (31/1), Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 221 ca mắc Covid-19 tại 7 tỉnh, thành. Tất cả đều liên quan ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh.
Sau 3 ngày với số ca nhiễm liên tục tăng, nỗ lực 7 ngày tiếp theo có giúp ngành y tế kiểm soát được 2 ổ dịch?
Y tế Việt Nam đủ năng lực đảm đương trận dịch lớn
Chia sẻ với Zing , tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết đợt bùng phát dịch lần này là giai đoạn đặc biệt và nguy hiểm nhất với nước ta từ trước đến nay. Số ca mắc mới tăng nhanh, thậm chí, đợt bùng phát tại Đà Nẵng cũng không ghi nhận nhiều ca trong một ngày như vậy.
Theo ông, trong đợt dịch tại Đà Nẵng, thời gian đầu chúng ta có lúng túng nhất định. Tích lũy kinh nghiệm qua nhiều đợt dịch, giờ đây, cán bộ y tế đã tự tin hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, chúng ta có thể tự tin dập dịch trong thời gian sớm nhất.
“Chỉ trong vài ngày, ổ dịch được khoanh vùng. Số lượng rất lớn người liên quan ca bệnh cũng được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Thậm chí, do virus biến chủng, chúng ta còn mở rộng xét nghiệm đến cả F2, F3. Ngoài ra, ngành y tế có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly, trang thiết bị điều trị hiện đại. Đây là nỗ lực rất tuyệt vời của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương”, TS Hùng chia sẻ.
Chuyên gia này nhận định dù đợt dịch lần này hết sức phức tạp và nghiêm trọng, ngành y tế vẫn đang kiểm soát được tình hình.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ đợt dịch này khiến người dân cả nước bất ngờ trong bối cảnh 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Dù vậy, với sự vào cuộc ngay từ đầu, lực lượng y tế đã sớm xác định ổ dịch tại nơi người dương tính làm việc và lấy mẫu xét nghiệm hàng nghìn công nhân. Sau đó, từ khu vực này, các địa điểm khác được tìm ra.
“Theo tôi, số ca nhiễm không nhiều so với số lượng người được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, số ca dương tính càng lớn và tăng nhanh chứng tỏ ngành y tế có năng lực xét nghiệm sớm và đã khoanh vùng được khu vực lớn”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Phát hiện ca dương tính càng sớm đồng nghĩa chúng ta đang vây càng nhanh. Do đó, thời gian kiểm soát và dập được ổ dịch càng được rút ngắn.
“Ngay khi phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã huy động lực lượng tinh nhuệ rất lớn gồm các chuyên gia đầu ngành về điều tra dịch tễ, xét nghiệm, điều trị, công nghệ thông tin. Hải Dương, Quảng Ninh cũng xây dựng bệnh viện dã chiến ngay. Tôi có niềm tin rằng chúng ta đủ năng lực kiểm soát được tình hình”, chuyên gia này chia sẻ.
Video đang HOT
Khoảng một tuần tiếp theo, với năng lực hiện tại, ngành y tế hoàn toàn có thể kiểm soát được 2 ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh.
3 yếu tố then chốt giúp kiểm soát dịch
“Nhiều người gọi điện cho tôi với tâm trạng lo lắng. Tôi luôn trả lời việc kiểm soát dịch phụ thuộc 3 yếu tố, đó là xét nghiệm, lấy mẫu tại chỗ và sự hợp tác của người dân”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 được kiểm soát khi đáp ứng được 3 điều kiện: Bệnh nhân mang virus không lây thêm cho người khác, cách ly người đang mắc bệnh và trường hợp đang ủ bệnh. Các yếu tố này sẽ quyết định dịch có thể được chặn đứng trong thời gian bao lâu.
Chuyên gia này phân tích việc người bệnh không lây nhiễm thêm cho ai phụ thuộc vào chính ý thức của cá nhân đó. Nếu không xác định được nguy cơ của bản thân, chúng ta tốt nhất không tụ tập đông người và đeo khẩu trang đúng cách.
“Hai yếu tố còn lại phụ thuộc vào năng lực lấy mẫu và xét nghiệm của ngành y tế. Hiện nay, Việt Nam đủ sức làm điều đó, nhưng khi người dân có yếu tố nguy cơ, tiếp xúc ca bệnh không khai báo, cố tình giấu, ngành y tế không thể làm gì khác”, ông nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia điều trị Covid-19 chia sẻ với năng lực hiện tại, khi có dịch, cơ quan y tế sẽ phát huy tất cả vai trò và lực lượng của mình, phần còn lại là sự chung tay của người dân.
“Tôi ra đường thấy nhiều người còn lơ là, không đeo khẩu trang và vô tư tiệc tùng, quán xá. Có những khu vực rất nguy hiểm nên người dân đừng chủ quan vì chúng ta không thể biết được xung quanh là ai và họ đến từ đâu”, chuyên gia này khuyến cáo.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế là tập trung tất cả nguồn lực để kiểm soát tình hình, phát hiện sớm thông qua truy vết và xét nghiệm. Tuy nhiên, để thực hiện được, tất cả chúng ta đều phải đồng lòng.
“Bộ Y tế đã xây dựng các tiểu ban, trong đó có tiểu ban hậu cần, bảo đảm từ giờ đến Tết mọi phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng, chuẩn bị cho tình huống có 10.000 người nhiễm trong nước. Chúng ta quyết tâm chặn được dịch trong vòng 10 ngày từ 28/1. Đến 25 Tết, có thể khống chế, kiểm soát được hai ổ dịch này”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Vì sao người liên quan ổ dịch mới phải cách ly tập trung 21 ngày?
Nhiều tỉnh, thành quyết định tăng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày với một số trường hợp về từ vùng dịch tễ Hải Dương và Quảng Ninh.
Trong các đợt bùng phát từ năm 2020, Bộ Y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức cách ly 14 ngày với người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây được xác định là thời gian ủ bệnh với người mang virus SARS-CoV-2 trước khi có triệu chứng bệnh.
Tại đợt dịch vừa bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh, nhiều địa phương áp dụng hình thức cách ly y tế với người đến từ vùng dịch tễ trong vòng 21 ngày. Vì sao có sự thay đổi này?
Truy vết thần tốc, chạy đua với virus "siêu lây nhiễm"
Trong công điện sáng 29/1, Bộ Y tế cho biết tình hình dịch ở Hải Dương rất nghiêm trọng do những bệnh nhân mắc Covid-19 có liên quan trường hợp nhiễm biến chủng "siêu lây nhiễm" B117. Từ hai ca bệnh ban đầu, Việt Nam đã có thêm hơn 200 người mắc mới trong 3 ngày.
Công nhân có kết quả âm tính sẽ cách ly trong vòng 21 ngày, tính từ 28/1. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tất cả trường hợp liên quan ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh phải được truy vết thần tốc, khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung 21 ngày với các trường hợp tiếp xúc gần.
Trong phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh so với những đợt dịch trước, phạm vi phong tỏa, giãn cách xã hội lần này sẽ rộng hơn, kéo dài đến 21 ngày. Quy định này được áp dụng trên toàn TP Chí Linh (Hải Dương) và vùng dịch Quảng Ninh.
Mới đây, TP.HCM ra quy định về cách ly y tế 21 ngày với người rời Hải Dương, Quảng Ninh từ ngày 28/1. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết quy định này được áp dụng theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, với trường hợp khác về TP.HCM từ vùng dịch tễ trong thời gian 15-27/1, trung tâm y tế quận, huyện tiến hành điều tra dịch tễ. Thời gian cách ly được áp dụng là từ 14 đến 21 ngày tùy dịch tễ của mỗi người.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thời gian ủ bệnh là thời gian từ lúc người lành bị nhiễm virus cho đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên. Đối với bệnh Covid-19, thời gian ủ bệnh vào khoảng 2-14 ngày.
Thời gian trung bình kể từ khi nhiễm virus tới khi có các triệu chứng khởi phát bệnh là 4-5 ngày. Tuy nhiên, gần đây, một số ít bệnh nhân được báo cáo có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 3 tuần. Điều này cần xem xét và đánh giá thêm.
Biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng trước đây đến 70%.
Với biến chủng với của virus SARS-CoV-2 tại Anh, TS Hùng nhấn mạnh virus có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Nếu chủng SARS-CoV-2 trước đây mất 5-6 ngày để lây bệnh, chủng mới tại Anh chỉ mất 3 ngày là hết vòng lây nhiễm. Điều này đặt ra vấn đề lớn trong việc truy vết, cách ly trên diện rộng để khoanh vùng dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, cho biết: "Với SARS-CoV-2 biến chủng hiện nay có tốc độ lây lan rất nhanh, do đó, công tác truy vết, khoanh vùng của ngành y tế cần nhanh hơn tốc độ của virus. Để đảm bảo khoanh vùng triệt để, ngành y tế yêu cầu kéo dài thời gian cách ly đến 21 ngày. Dù virus gây bệnh Covid-19 vẫn chỉ ủ bệnh trong 14 ngày, kéo dài thời gian cách ly cũng là điều cần thiết để kiềm chế tốc độ lây lan của biến chủng mới", ông nói.
Làm gì trong 21 ngày?
Trong thời gian cách ly, những người có dịch tễ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Hiện ngành y tế chưa có đầy đủ quy định về mốc thời gian lấy mẫu bệnh phẩm khi cách ly 21 ngày. Tuy nhiên, đại diện HCDC cho biết người cách ly tập trung tại thành phố này được lấy mẫu bệnh phẩm ít nhất 2 lần, gồm ngày đầu tiên và ngày cuối cùng trước khi rời khu cách ly.
Công tác lấy mẫu xét nghiệm người dân trên địa bàn TP Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo.
"Dù SARS-CoV-2 có biến chủng như thế nào đi nữa thì chúng vẫn là virus hô hấp và không bao giờ lọt qua được lớp chắn của khẩu trang. Trong thời gian thực hiện cách ly, người dân phải luôn luôn mang khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Nhất là khi virus có tốc độ lây lan đến 70%, người cách ly cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Ông nhấn mạnh thời gian này vẫn là "cơ hội vàng" để khoanh các vùng dịch, từ đó giúp phát hiện người nhiễm trong cộng đồng. Khi tất cả được vây lại và cách ly trong vòng 21 ngày, ngành y tế có thể kiểm soát được tình hình, không để virus lây lan âm thầm trong cộng đồng.
"Điều này không đơn giản do điểm cực kỳ nguy hiểm của SARS-CoV-2 là ẩn mình rất tốt trong cộng đồng, ngày càng nhiều người nhiễm không triệu chứng, người lành mang trùng. Với biến chủng mới, trong khi chưa tìm được F1 thì có thể F2, F3 đã bị lây nhiễm. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định cách ly dù 14 ngày hay 21 ngày. Virus từ người bệnh không lây được cho người tiếp xúc, nghĩa là lúc đó chúng ta đã kiểm soát được tình hình", ông nói thêm.
Để nhận biết người dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong 21 ngày này, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân... rà soát toàn bộ người có liên quan dịch tễ Hải Dương và Quảng Ninh.
Các cơ sở y tế kích hoạt hệ thống phòng dịch, lưu thông tin khai báo y tế của người ra vào. Đặc biệt, tất cả người có những biểu hiện bệnh hô hấp và nhân viên y tế cũng được xét nghiệm Covid-19.
TP.HCM tìm thấy 446 người liên quan ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh Tính đến 7h ngày 31/1, TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm 446 trường hợp có liên quan ổ dịch mới bùng phát tại Hải Dương và Quảng Ninh. Ngày 31/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố tiếp tục nhận được thông tin khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ Hải Dương,...