Vì sao Nhật Bản tiêm vaccine Covid-19 chậm?
“Bóng ma tâm lý” tồn tại nhiều thập kỷ sau những bê bối vaccine ở Nhật đã khiến chính phủ trì hoãn triển khai tiêm phòng Covid-19.
Số ca nhiễm nCoV mới ở thủ đô Tokyo và toàn nước Nhật liên tục lập kỷ lục trong vài ngày gần đây, khiến nhiều người dân Nhật Bản không còn mặn mà với Olympic Tokyo 2020, vốn được tổ chức với hàng loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cấm khán giả đến theo dõi trực tiếp các cuộc thi đấu.
Một trong những nghịch lý ở Nhật Bản là dù họ có thể tiếp cận nguồn cung vaccine, chương trình tiêm chủng diễn ra rất chậm. Trong khi tiêm chủng đại trà đã giúp giảm ca nhiễm vào mùa xuân này ở Mỹ và châu Âu, chỉ khoảng 3% người Nhật tiêm ít nhất một liều vào giữa tháng 5.
Trước Olympic, Nhật Bản đã nỗ lực tăng tốc tiêm chủng nhưng vẫn tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác. Hiện hơn 38% người Nhật đã tiêm ít nhất một mũi, so với 71% của Canada, 69% của Anh, 61% của Đức và 57% của Mỹ, theo Our World In Data.
“Nếu Nhật Bản triển khai vaccine Covid-19 sớm hơn vài tháng thì họ đã có thể ngăn virus lây lan và cho khán giả vào xem Olympic, Kenji Shibuya, cựu quan chức WHO hiện phụ trách giám sát tiêm chủng ở Soma, cho biết. “Nhưng giờ họ ở trong tình trạng khẩn cấp với tỷ lệ phủ vaccine thấp, trong khi biến thể Delta đang khiến ca nhiễm tăng trở lại”.
Một lãnh đạo cơ quan y tế Nhật tiêm vaccine tại Tokyo hồi tháng ba. Ảnh: Reuters .
Nguyên nhân khiến Nhật Bản trì hoãn tiêm vaccine là nỗi lo của người dân Nhật Bản về tác dụng phụ của vaccine , đã tồn tại hàng thập kỷ trước khi Covid-19 xuất hiện.
Tiêm chủng được quy định là bắt buộc ở Nhật Bản từ sau Thế chiến II, khi quân đội Mỹ cố gắng ngăn chặn các loại dịch bệnh hoành hành vào thời điểm nhiều người dân Nhật nghèo đói và suy dinh dưỡng. Những người lính mang vũ trang vây bắt những thường dân không tuân thủ. Chương trình đã cứu sống nhiều người, nhưng cũng có một số vấn đề nảy sinh, trong đó có một vụ tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu bị lỗi khiến 68 trẻ em thiệt mạng.
Đầu những năm 1990, Nhật Bản nhận được rất nhiều lời phàn nàn rằng vaccine 3 trong 1 sởi – quai bị – rubella (MMR) của nước này dẫn đến các ca viêm màng não vô khuẩn và các phản ứng có hại khác. Chính phủ Nhật Bản đã phản ứng bằng cách ngừng tiêm vaccine vào năm 1993, dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Nhật Bản hiện không khuyến nghị tiêm vaccine MMR.
Bê bối đã làm lung lay niềm tin của công chúng vào vaccine, khiến truyền thông chú ý nhiều hơn về tính an toàn của vaccine và dẫn đến hàng loạt vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Khi một phán quyết của tòa án quy định Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tác dụng phụ nào từ vaccine, điều đó khiến chính phủ e dè thúc đẩy tiêm chủng và chuyển sang cách tiếp cận thận trọng hơn để tránh rủi ro.
Video đang HOT
Năm 1994, Nhật Bản giảm phạm vi chương trình tiêm chủng quốc gia và biến tiêm chủng trở thành lựa chọn cá nhân thay vì yêu cầu bắt buộc. Kentaro Iwata, bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, mô tả rằng Nhật Bản “rất thụ động” đối với việc phát triển và phê duyệt vaccine mới cho trẻ em, khiến quốc gia tụt hậu trong lĩnh vực này.
Niềm tin của công chúng đối với vaccine bị xói mòn hơn nữa vào năm 2013 khi truyền thông Nhật Bản đưa tin về tác dụng phụ đối với thần kinh của vaccine HPV dù không có bằng chứng. Nhật Bản đã rút lại khuyến nghị tiêm vaccine này dù nó đã được chứng minh là ngăn ngừa ung thư cổ tử cung an toàn và hiệu quả ở những nơi khác.
Theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái trên tạp chí Lancet, tỷ lệ tiêm phòng HPV của Nhật đã giảm từ 70% xuống dưới 1%. Nghiên cứu ước tính rằng nếu không thay đổi, Nhật Bản sẽ bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa được 11.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung trong vòng 50 năm tới.
Nhà nhân chủng học Heidi Larson, giám đốc Dự Án Niềm tin Vaccine tại London, cho biết: “Đây là năm thứ tám chính phủ Nhật Bản nói: Nếu người dân yêu cầu, chúng tôi sẽ cung cấp, nhưng chúng tôi sẽ không chủ động đề xuất. “Đó là cách tiếp cận không rõ ràng khiến công chúng do dự và nghi ngờ. Nếu chính phủ không quảng bá, mọi người sẽ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn”.
Tháng 9/2020, Larson là đồng tác giả của một phân tích về xu hướng niềm tin vaccine toàn cầu. Cuộc khảo sát với 149 quốc gia cho thấy Nhật Bản nằm trong nhóm có niềm tin vào vaccine thấp nhất.
Đó là tình trạng ở Nhật Bản cách đây 1,5 năm khi nCoV lần đầu tiên xuất hiện ở nước này. Khát khao tiêm vaccine của người Nhật không mạnh mẽ như những nơi khác trên thế giới. Thành công của Nhật Bản trong việc ngăn chặn những đợt đại dịch đầu tiên cũng có thể đã khiến họ chủ quan. Số người chết và tỷ lệ lây nhiễm ở Nhật vào năm 2020 đều thấp hơn nhiều Mỹ hoặc các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề khác.
“Chính phủ ban đầu không hiểu tầm quan trọng của vaccine và không thúc đẩy nó. Sau này họ mới nhận ra vấn đề và đang nỗ lực rất nhiều”, Iwata nói.
Năm 2016, một nhóm cố vấn của Bộ Y tế Nhật Bản cảnh báo rằng Nhật Bản không được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó nếu đại dịch bùng phát. Báo cáo của họ mô tả ngành công nghiệp dược phẩm của Nhật Bản là không có tính cạnh tranh, đặt câu hỏi liệu họ có thể phát triển hiệu quả vaccine cho công dân Nhật Bản hay không và nhấn mạnh rủi ro của việc mua vaccine từ nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng.
Shibuya, một trong những tác giả của báo cáo, đã ví ngành dược phẩm của Nhật Bản giống như ngành tài chính của họ trước khi sụp đổ năm 1991. “Rất nhiều công ty, thiếu khả năng cạnh tranh, được trợ cấp nhiều, thiếu quy mô toàn cầu”, ông nói.
Đánh giá của Shibuya và các đồng nghiệp dường như đã dự đoán đúng tình hình 5 năm sau đó. Các công ty dược phẩm Nhật Bản thiếu nguồn lực và kinh phí để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, buộc nước này phải mua vaccine Covid-19 ngoại thay vì tự phát triển.
Khi Nhật Bản đặt mua đủ lượng vaccine Pfizer và Moderna để phủ dân số, chính phủ phải đối mặt với một quyết định quan trọng: Họ nên tiêm vaccine cho người dân khi ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng và Olympic diễn ra vào tháng 7? Hay họ nên thận trọng hơn bằng cách tuân theo quy trình chuẩn và thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở Nhật Bản, với hy vọng chứng minh cho người dân rằng vaccine ngoại an toàn?
Nhật Bản đã chọn tiến hành nhanh phương án thứ hai, khác với hàng chục quốc gia khác đã chấp nhận kết quả của các cuộc thử nghiệm đa quốc gia do Pfizer tiến hành và bắt đầu tiêm chủng ngay lập tức. Haruka Sakamoto, nhà nghiên cứu tại Đại học Keio ở Tokyo, đã chỉ trích quyết định của chính phủ Nhật Bản, nói rằng nó mang động cơ chính trị và “không cần thiết về mặt y tế”.
“Chính phủ quyết định tiến hành thêm thử nghiệm lâm sàng để chống lại phong trào chống vaccine, truyền thông và các đảng đối lập. Do đó, chương trình tiêm chủng đã bị trì hoãn 2-3 tháng”, Sakamoto cho biết.
Ngay cả sau khi Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm chủng muộn màng vào giữa tháng hai, tiến độ ban đầu rất chậm. “Với những loại vaccine trước đây, đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao chưa bao giờ là nhiệm vụ ở Nhật Bản. Giờ đây chính phủ chật vật thực hiện điều họ thậm chí chưa từng thử”, Iwata viết hồi tháng 5.
Yuji Yumada là thành viên của nhóm 10 bác sĩ cố gắng đẩy nhanh quá trình bằng cách xua đi nỗi dè chừng của công chúng với vaccine. Hồi tháng hai, họ thực hiện chiến dịch quảng cáo để chống lại những tin đồn trên mạng xã hội và chia sẻ kinh nghiệm từ nước ngoài. Họ đã sử dụng một chú chó hoạt hình đáng yêu mặc áo blouse trắng có tên là Corowa-kun để làm điều đó.
Corowa-kun, chatbot trả lời câu hỏi về vaccine Covid-19 ở Nhật. Ảnh: Reuters .
Corowa-kun là một chatbot có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của người dùng về vaccine. Yumada cho biết 80.000 người đã trò chuyện với “chú chó” kể từ tháng hai. “Người Nhật Bản thường thích phim hoạt hình”, ông nói.
Yumada và các đồng nghiệp đã nghiên cứu hiệu quả của Corowa-kun trong suốt mùa xuân. Hơn 10.000 người đã phản hồi cuộc khảo sát. “Trước khi sử dụng ứng dụng, tỷ lệ tin cậy vào tiêm chủng của người dùng là 59%”, Yumada nói. “Nhưng sau khi sử dụng ứng dụng này, 80% người dùng rất tin tưởng vào vaccine”.
Việc chia sẻ thông tin chính xác và tình trạng ca nhiễm gia tăng vào mùa xuân đã đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Ca nhiễm gia tăng đã cản trở nền kinh tế Nhật Bản và khiến hệ thống y tế quá tải, buộc các bệnh viện ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải sử dụng phòng chờ và hành lang để đặt thêm giường bệnh.
Nhận thức được sự cần thiết của vaccine, chính phủ Nhật Bản đã cho phép các kỹ thuật viên khẩn cấp, nha sĩ và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm hỗ trợ chương trình tiêm vaccine. Hơn một triệu người Nhật đang tiêm vaccine mỗi ngày và Nhật có thể hoàn thành tiêm chủng cho tất cả công dân đủ điều kiện vào tháng 11.
Giới chuyên gia có cách nhìn đa chiều về quyết định trì hoãn tiêm chủng của Nhật Bản trong mùa đông để thử nghiệm lâm sàng bổ sung. Yamada cho rằng vaccine Covid-19 có thể đã gặp số phận tương tự như những loại vaccine khác ở Nhật Bản nếu chính phủ không thực hiện biện pháp để củng cố lòng tin đó.
“Vì vậy, không thể nói rằng đó thực sự là một sai lầm”, anh nói, “nhưng xét trên góc độ Olympic không có khán giả, đó là một sai lầm”.
Sakamoto có lập trường gay gắt hơn. “Nếu vaccine được tiêm sớm hơn, số người chết sẽ thấp hơn và thiệt hại kinh tế sẽ ít hơn”, bà nói. “Có khi họ còn có thể cho khán giả vào xem Olympic”.
Đan Mạch cho phép người dân tự lựa chọn về vaccine của AstraZeneca
Giới chức y tế Đan Mạch ngày 19/4 thông báo người dân có thể tự lựa chọn việc tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do hãng dược phẩm AstraZeneca sản xuất.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ishoj, Đan Mạch, ngày 27/12/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tuần trước, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ngừng hoàn toàn việc tiêm vaccine của AstraZeneca do nguy cơ tiềm ẩn của việc xuất hiện cục máu đông hiếm gặp.
Cùng ngày, Hàn Quốc cho biết sẽ nhập thêm khoảng 7 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tháng 5 đến tháng 6 tới, đủ tiêm cho khoảng 3,5 triệu người dân.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết 7 triệu liều vaccine AstraZeneca được chuyển tới nước này trong tháng 5 và tháng 6 là hai lô vaccine đầu tiên được cung cấp theo hợp đồng trực tiếp giữa tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển và chính quyền Seoul nhằm tiêm vaccine cho 10 triệu người.
Theo thông báo của Chính phủ Hàn Quốc, vaccine của AstraZeneca sẽ chiếm khoảng 60% tổng lượng vaccine được triển khai trên toàn quốc vào cuối tháng 6, với mục tiêu tiêm vaccine cho 12 triệu trong tổng số 52 triệu người dân. Trước đó, Hàn Quốc cam kết đảm bảo lượng vaccine đủ tiêm cho 79 triệu người, cao hơn so với tổng dân số nước này.
Trong khi đó, Australia cũng lên kế hoạch đẩy nhanh việc tiêm chủng cho những người trên 50 tuổi sau khi khuyến cáo những người dưới 50 tuổi không nên sử dụng AstraZeneca do lo ngại nguy cơ máu đông.
Phát biểu với báo giới ngày 19/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết tại cuộc họp nội các, các quan chức nước này đã nhất trí thúc đẩy việc tiêm vaccine cho những người trên 50 tuổi, không chỉ là những người làm việc trên tuyến đầu, người già, người khuyết tật và người có bệnh lý nền. Dự kiến, chính phủ sẽ thông qua chính thức việc tiêm phòng vaccine cho những người trên 50 tuổi vào ngày 22/4 tới. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng đồng ý thiết lập các điểm tiêm chủng trong bối cảnh nguồn cung vaccine tăng.
Việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Australia đã ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn cung ở châu Âu trì trệ và những lo ngại vaccine AstraZeneca có liên quan đến nguy cơ máu đông.
Cho đến nay, Australia đã tiêm 1,59 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Australia cũng đã đặt thêm vaccine của Pfizer, song các lô hàng này dự kiến sẽ được chuyển tới vào quý IV.
Anh điều tra biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ Giới chức y tế Anh đang điều tra về một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ, tuy nhiên chưa có đủ bằng chứng để nhận định biến thể này nguy hiểm đến đâu. Giáo sư Susan Hopkins, Giám đốc của Cơ quan Y tế công của Anh (PHE) cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn với kênh BBC...