Vì sao người trẻ Nhật Bản quen ngủ vật vã nơi công cộng
Khi “Karoshi” – thuật ngữ tiếng Nhật chỉ những người chết vì làm việc quá sức, thiếu ngủ – trở thành vấn nạn, người dân xứ Phù Tang đang phải học cách quý trọng giấc ngủ hơn.
Zing.vn trích dịch bài viết Why overtired Japan is turning to office siestas của tác giả Mari Shibata đăng trên BBC nói về việc người Nhật cố gắng thay đổi thói quen tranh thủ ngủ mọi lúc mọi nơi “Inemuri” – vốn nổi tiếng là nét đặc trưng của đất nước Đông Á.
Khoảng 3h chiều, trong các quán cà phê ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản, không khó để bắt gặp cảnh những người gục mặt, ngủ gật trên bàn trong khi laptop đang mở.
Họ là những nhân viên văn phòng lén lút rời khỏi chỗ làm để tranh thủ chợp mắt giữa giờ họp chiều.
Tất cả quá mệt mỏi nên chẳng quan tâm chỗ ngủ có thoải mái hay không. Vài giờ sau, những người may mắn có thể kiếm được chỗ ngồi trên tàu điện ngầm chật kín giờ tan tầm để “đánh” thêm một giấc nữa.
Tuy xa lạ trong mắt nhiều người ngoại quốc, hình ảnh này không khiến người dân xứ Phù Tang để tâm hay ngạc nhiên.
Ở đất nước được mệnh danh là “thiếu ngủ nhất thế giới” như Nhật Bản, inemuri – những người kiệt sức vì công việc, có thể bạ đâu ngủ đó – đã trở thành một nét đặc trưng.
Người Nhật Bản ngủ gật trên tàu điện ngầm sau giờ tan sở. Ảnh: 101thingsinjapan.
Chết vì thiếu ngủ, kiệt sức
“Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, tôi có thể ngủ mọi lúc mọi nơi”, Takanori Kobayashi nhớ lại thời điểm anh còn là một người làm công ăn lương.
Lịch làm việc khủng khiếp đã phá hỏng thói quen ngủ nghỉ của nam thanh niên. Mất ngủ về đêm nhưng anh chàng có thể ngả lưng ngủ ở bất kỳ đâu từ tàu điện ngầm, bàn làm việc, quán ăn, tiệm cà phê… vào ban ngày.
“Chỉ đến gần đây tôi mới nhận ra việc ngủ bừa bãi, không thoải mái ở nơi công cộng đã ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào buổi tối như thế nào”, Kobayashi nói.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD năm 2019, Nhật Bản có giấc ngủ trung bình ngắn nhất trên thế giới với khoảng 7,3 giờ mỗi ngày.
Hàn Quốc cũng là một trong những nước ngủ ít với thời gian trung bình 7,85 giờ mỗi ngày. Trong khi đó, các quốc gia như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Trung Quốc đều ngủ hơn 8,3 giờ mỗi ngày.
Inemuri – những người kiệt sức vì công việc, có thể bạ đâu ngủ đó – đã trở thành một nét đặc trưng của Nhật Bản. Ảnh: Getty.
“Karoshi” – thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ – trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc trong những năm gần đây.
Năm 2013, nữ phóng viên 31 tuổi của đài truyền hình quốc gia NHK được phát hiện chết trên giường trong khi tay vẫn cầm điện thoại. Trước đó, người phụ nữ này đã làm thêm gần 160 giờ và chỉ được nghỉ hai ngày mỗi tháng.
Năm 2017, một nhân viên 24 tuổi của công ty quảng cáo Dentsu đã nhảy từ cửa sổ tòa nhà sau khi đăng trạng thái: “Tôi sẽ chết. Tôi quá mệt mỏi!” lên mạng xã hội. Công ty này sau đó bị phạt và CEO đã phải từ chức.
Đối với Takanori Kobayashi, tình trạng thiếu ngủ triền miên đã khiến anh quyết tâm nghỉ việc ở công ty cũ và thành lập NeuroSpace, startup chuyên xây dựng chương trình ngủ trưa cho các công ty, tập đoàn ở Nhật Bản.
“Sau khi tốt nghiệp và trở thành người làm công ăn lương, tôi đã bước vào một chu kỳ khủng khiếp. Tôi không thể ngừng suy nghĩ về những áp lực từ các đồng nghiệp lớn tuổi hơn khi đi ngủ.
Điều đó có nghĩa là tôi không thể ngủ nhiều. Ngày hôm sau chuyện thiếu ngủ lại khiến tôi không thể làm việc hiệu quả”, Kobayashi nói.
Thay đổi từ thói quen ngủ nghỉ đến văn hóa làm việc
Tháng 4/2019, luật mới giới hạn thời gian làm thêm giờ có hiệu lực tại Nhật Bản. Quy định chỉ cho phép mỗi người làm thêm tối đa 45 giờ mỗi tháng và 360 giờ mỗi năm nhằm chống lại văn hóa làm việc quá giờ và góp đảm bảo giờ ngủ cho người lao động.
Video đang HOT
Nhiều công ty đưa ra chính sách khuyến khích nhân viên ngủ trưa. Tại GMO Internet Group, một công ty có trụ sở ở Tokyo, trang bị một phòng nghỉ trưa cho nhân viên với 27 giường xếp và các loại tinh dầu thơm giúp ngủ ngon.
Sae Takahashi, đại diện GMO Internet Group nói: “Chúng tôi không khuyến khích ‘inemuri’. Mọi người nên biết cách tận dụng khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi thoải mái. Bằng cách này, chúng tôi hy vọng nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều”.
Công ty Nhật Bản nỗ lực để nhân viên được ngủ trưa một cách đàng hoàng. Ảnh: GMO Internet Group.
Kể từ năm 2014, NeuroSpace đã làm việc, tư vấn cho hơn 70 công ty để thay đổi văn hóa nghỉ trưa. Chỉ trong đầu năm 2019, số dự án NeuroSpace đã tăng gấp 3, 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cuộc khủng hoảng xung quanh ‘karoshi’ đã thúc đẩy các công ty phải làm điều gì đó. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ mong đợi sự quan tâm và thay đổi thái độ nhanh chóng như trong vài năm gần đây”, người sáng lập NeuroSpace, Kobayashi nói.
Các chương trình của NeuroSpace giúp giám sát giờ nghỉ và thói quen ngủ trưa của nhân viên, xây dựng văn phòng ngủ trưa, còn được biết với tên gọi “kamin” trong tiếng Nhật, tại các công ty.
“Sự phổ biến của các ‘kamin’ sẽ giúp hạn chế tình trạng ngủ vật vã nơi công cộng trong tương lai”, Kobayashi nói.
Học cách ngủ trưa đàng hoàng
Seiji Nishino, giám đốc phòng thí nghiệm sinh học tại ĐH Stanford, cho rằng mặc dù các quy định và chính sách của nhà nước, doanh nghiệp ngày càng đề cao giá trị của giấc ngủ, vẫn còn chặng đường dài để khiến người Nhật từ bỏ thói quen bạ đâu ngủ đó.
“Trước đây, học sinh thường ngủ trưa ở trường. Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, trẻ em đã không còn có thói quen này nữa. Điều này khiến người Nhật ngày nay rất hiếm khi ngủ trưa”, ông Nish Nishino nói.
Năm 2018, trường trung học Meizen ở Fukuoka gây chú ý khi số học sinh đỗ vào ĐH Tokyo – một trong những ngôi trường uy tín của Nhật Bản – tăng gấp đôi so với năm trước.
Một trong những bí quyết thành công được nhà trường tiết lộ không phải là việc gia tăng giờ học, các lớp luyện thi hay bài tập về nhà… mà chính là áp dụng thời gian nghỉ trưa 10 phút sau mỗi bữa ăn trước khi bắt đầu tiết học thứ 5 trong ngày.
“Karoshi” – thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ – trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc. Ảnh: AP, CNN.
Tại thành phố Osaka, chính quyền địa phương đã hợp tác với ĐH Osaka để theo dõi và phân tích thói quen ngủ của học sinh tiểu học và trung học trên toàn tỉnh.
Đến tháng 1/2019, 6.000 trẻ em đã tham gia nghiên cứu này. Kết quả cho thấy 15% học sinh không hề mệt mỏi khi ngủ trung bình 8,7 giờ mỗi ngày và 16% cho biết họ cực kỳ mệt mỏi khi ngủ ít hơn 7,7 giờ.
Khi chất lượng giấc ngủ ngày càng được xem trọng, các thiết bị, sản phẩm để giúp con người ngủ ngon hơn, được gọi chung là ngành công nghiệp ngủ, có cơ hội phát triển.
Nhiều ứng dụng có sẵn trên thị trường hiện được sử dụng cùng với các chương trình ngủ tại các công ty, tập đoàn lớn của Nhật.
“Lý tưởng nhất là khi không cần phải phụ thuộc vào công nghệ, chúng ta vẫn có thể ngủ ngon. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chúng tôi cần thực hiện điều chỉnh thói quen một cách tự nhiên và từ từ từng bước một”, Kobayashi của công ty NeuroSpace nói.
Theo Zing
Người trẻ ở 'quốc gia đáng sống' nghỉ việc vì kiệt sức
Thụy Điển luôn nằm trong danh sách những quốc gia hạnh phúc, đáng sống nhất thế giới. Nhưng ngày càng nhiều người trẻ nước này nghỉ việc vì căng thẳng.
Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC về thực trạng, nguyên nhân của "burnout" - hội chứng gây ra bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát ở nơi làm việc - đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người trẻ Thụy Điển và giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Natali Suonvieri, 27 tuổi, sống ở vùng Gothenburg bên bờ biển phía tây Thụy Điển, làm quản lý marketing cho một công ty khởi nghiệp nhỏ. Mỗi ngày, cô chỉ làm việc theo giờ tiêu chuẩn từ 8h-17h. Đôi khi cô làm thêm một chút ngoài giờ hoặc kiểm tra email vào buổi tối.
Năm 2017, nhiều người xung quanh bất ngờ khi cô gái trẻ được chẩn đoán rơi vào tình trạng "burnout".
"Tình trạng ngày một nặng nề hơn. Tôi phải nghỉ ốm tận một năm. Trong khoảng 3-4 tháng liền, tôi chỉ nằm bẹp trên giường. Tôi không thể nào tập trung và rất khó khăn để ghi nhớ mọi thứ", Natali kể.
Là công dân ở một quốc gia được xếp vào danh sách những nơi hạnh phúc, đáng sống nhất thế giới nhưng Natali Suonvieri không phải là người trẻ hiếm hoi rơi vào "hiện tượng mang tính nghề nghiệp này".
Ngày càng nhiều người trẻ Thụy Điển rơi vào căng thẳng trong công việc. Ảnh: BBC.
Theo BBC, Thụy Điển nổi tiếng có văn hóa làm việc linh hoạt, chính sách nghỉ phép dài ngày và những khoản phúc lợi xã hội hào phóng nhất trên thế giới.
Thế nhưng, nghịch lý là số người trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh liên quan đến căng thẳng mạn tính (bao gồm tình trạng "burnout") - tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, tình trạng này chiếm hơn 20% các trường hợp trợ cấp ốm đau ở tất cả các nhóm tuổi.
Tính từ năm 2013, tỷ lệ đã thay đổi đáng kể ở những người lao động trẻ, tăng đến 144% cho những người 25-29 tuổi.
Hội chứng này cũng là lý do phổ biến nhất khiến người dân ở đất nước Bắc Âu nghỉ việc vào năm 2018.
Cuộc chạy đua vô hình
Nghĩ tới Thụy Điển, người ta thường nghĩ tới hình ảnh của các văn phòng làm việc kiểu dáng sang trọng, những giờ nghỉ ngơi bên bàn cà phê, trà bánh và ngày làm việc cuối tuần kết thúc sớm vào chiều thứ 6.
Mặc dù không phải mọi người đều được hưởng những dịch vụ xa xỉ nhưng các số liệu đưa ra cho thấy ít hơn 1% người Thụy Điển phải làm việc quá 50 giờ một tuần, công dân được đảm bảo ít nhất 5 tuần nghỉ lễ trong một năm.
Bởi vậy, thật khó tưởng tượng tới chuyện một nhân viên nào đó bị rơi vào tình trạng kiệt sức vì phải hoàn thành các nhiệm vụ tại cơ quan hay chuyện họ chẳng được nghỉ ngơi lúc đã rời bàn làm việc về nhà.
Tuy nhiên, giáo sư Marie Asberg, bác sĩ tâm thần tại Viện Karolinska - trung tâm nghiên cứu y học lớn nhất Thụy Điển - giải thích rằng tình trạng "burnout" bao hàm nhiều yếu tố chứ không chỉ là cảm giác của những áp lực đơn thuần từ công việc.
Cecilia Axeland, 25 tuổi, đến từ Stockholm đồng ý với quan điểm này.
Hai năm trước, cô rơi vào tình trạng stress vì công việc.
Dù làm việc trên mức thời gian trung bình và đi lại rất nhiều nơi do đặc trưng công việc bán hàng nhưng đó lại không phải nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng của Cecilia.
Cô gái trẻ cảm thấy áp lực phải tập luyện thể thao và cố gắng làm những điều có ý nghĩa trong thời gian rảnh rỗi lại là tác nhân chính khiến cô kiệt sức.
"Tôi vô cùng áp lực. Những định kiến như bạn phải khỏe khoắn, ăn uống lành mạnh, bạn nên thư giãn nhưng cũng cần đi ra ngoài kia khám phá thế giới, những kế hoạch khiến tôi dường như chẳng bao giờ thực sự được nghỉ ngơi", cô nói.
Vòng xoáy của áp lực cuộc sống khiến ngày càng nhiều người trẻ rơi vào căng thẳng. Ảnh: Op-med.
"Cũng không trách được khi những người nước ngoài khó để tin là những người dân Thụy Điển đang kiệt sức bởi họ nhìn thấy chúng tôi được hưởng nhiều phúc lợi đặc biệt", Pia Webb - chuyên gia nghiên cứu về cuộc sống và công việc nhận định.
Người này cho rằng một trong những yếu tố tạo nên "Swedish problem" (tạm dịch: vấn đề của Thụy Điển) là khi mọi người kết thúc ngày làm việc lúc 17h, thậm chí sớm hơn, và "thật tệ khi người ta không làm gì".
Giáo sư Marie Asberg nhận định việc không sắp xếp thời gian thư giãn thích hợp là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến kiệt sức lâm sàng và khẳng định "burnout" không chỉ là một phản ứng khi làm việc nhiều giờ.
"Bộ não của chúng ta đôi khi không thể phân biệt giữa việc 'làm việc' và các nhiệm vụ giống như công việc khác. Chẳng hạn như lên kế hoạch cho nhiều hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, sở thích cá nhân hoặc thức khuya để lướt mạng xã hội cũng được não xếp vào loại việc cần tốn công sức", nữ giáo sư phân tích.
Áp lực của xã hội hiện đại
Giáo sư Marie Asberg chỉ ra rằng bên cạnh phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại thông minh, có những áp lực đương đại khác có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng các rối loạn tâm lý ở Thụy Điển.
Trong thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, nơi những người trẻ tuổi có thể đấu tranh để đảm bảo việc được làm lâu dài trong các lĩnh vực phổ biến, nhiều người rất nhạy bén, mong muốn chứng tỏ họ là một người giỏi và cố gắng làm việc chăm chỉ hơn mức cần thiết để thể hiện điều đó.
Xã hội hiện đại thường cổ vũ con người theo đuổi ước mơ cũng là một dạng khiến người ta căng thẳng vì vốn bản thân họ đôi khi không biết mình đam mê điều gì, cũng chẳng có kế hoạch rõ ràng.
Nữ giáo sư cho rằng những người lâm vào căng thẳng thường có tính cách tham vọng. Họ thường muốn thành công và muốn cho thấy cả thế giới thấy họ tuyệt vời đến mức nào. Bởi vậy chính họ tự làm việc quá sức và vượt giới hạn chịu đựng của mình.
Nhiều người mệt mỏi khi phải liên tục cố gắng để chứng minh năng lực bản thân trong công việc cũng như cuộc sống. Ảnh: BBC.
Một số chuyên gia cho rằng cấu trúc xã hội Thụy Điển cũng là nguyên nhân tạo ra căng thẳng cho những người trẻ tuổi về sức khỏe tâm thần.
Selene Cortes, đến từ Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần, chỉ ra có một chuẩn mực văn hóa khuyến khích người Thụy Điển nên độc lập từ khi còn trẻ. Điều này vô tình khiến nhiều người cảm thấy nó như một gánh nặng.
"Những người trẻ tuổi khá cô đơn trong quá trình xây dựng cuộc sống tương lai", cô nói.
Đã sống ở Anh và làm việc với các khách hàng khắp châu Âu, Pia Webb đồng ý với quan điểm này.
"Các nền văn hóa khác có xu hướng gắn bó gia đình, mọi người giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng điều đó giúp họ có nhiều thời gian thư giãn. Ví dụ một cuộc gặp gỡ gia đình trong bữa tối, hay người Anh thường cùng nhau ngồi uống trà chiều", cô nói.
Tử tế với bản thân
Sau 4 tháng nghỉ ngơi, Cecilia Axeland đã thoát khỏi hội chứng căng thẳng của mình. Cô học một ngành mới và chuyển công việc sang lĩnh vực công nghệ.
Dành thời gian để thư giãn hoàn toàn là lời khuyên của Cecilia Axeland cho những người rơi vào tình trạng giống mình.
Cô có ý thức hơn trong việc tìm ra thời gian để thoát khỏi mối bận tâm về công việc và tìm kiếm sở thích hàng ngày.
"Tôi thường đi dạo để thư giãn đầu óc và để điện thoại ở nhà. Không ai có thể tiếp cận với tôi lúc đó. Trước đây, tôi luôn cố chứng minh bản thân mình. Còn bây giờ tôi sẽ nói rằng tôi rất tử tế với bản thân, đó mới là điều quan trọng nhất", cô gái 25 tuổi nói.
Khó để có một sự so sánh tương quan về hội chứng "burnout" trên toàn cầu, bởi không phải quốc gia nào cũng thừa nhận những chẩn đoán về nó.
Nhiều quốc gia không chính thức công nhận "burnout" là một tình trạng y tế nhưng nó đã được chẩn đoán hợp pháp ở Thụy Điển kể từ năm 2003.
Những con số lớn được đưa ra ở Thụy Điển đã giúp xây dựng những căn cứ y khoa cho thực trạng này.
Nghiên cứu về hội chứng này giúp phá vỡ những định kiến, cổ vũ mọi người đối mặt và giúp những người lao động nhận thức, sẵn sàng chấp nhận vấn đề của bản thân.
"Nhiều người vẫn nghĩ vấn đề này là vô nghĩa song những cuộc tranh luận về sức khỏe tâm thần cũng như hội chứng 'burnout' ngày càng tăng lên cũng khiến nhiều người lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ và quan tâm đến nó nhiều hơn", Selene Cortes - phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Sức khỏe Tâm thần Thụy Điển - nói.
Theo Zing
Nữ giới Nhật Bản 'đau đầu' tìm cách trở thành phụ nữ vẹn toàn Văn hóa làm việc đến kiệt sức của Nhật Bản khiến phụ nữ trẻ khó khăn khi vừa cố gắng gây dựng sự nghiệp thành công, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân hạnh phúc. Yuko không giấu được vẻ mệt mỏi khi ngồi trong một quán rượu nhỏ nằm gần đường ray xe lửa, thuộc khu vực quận Kanda của Tokyo. Cô...