Vì sao ngay cả các doanh nghiệp đứng đầu ngành F&B như Golden Gate và nhiều đơn vị lớn vẫn khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng?
Các doanh nghiệp F&B cho rằng khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn yêu cầu tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động.
Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 với 7 giải pháp trọng tâm.
Các giải pháp tập trung được Thủ tướng nêu ra, trước hết là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Đơn cử như ngành nhà hàng và ăn uống, nhiều chuyên gia gọi Covid-19 là cơn địa chấn và ngành này có thể xem là ở tâm chấn khi chịu tác động nặng nhất. Hàng loạt nhà hàng, cửa hàng ăn uống không thể trụ lại và rời khỏi thị trường khi xuất hiện hàng loạt mặt bằng trống tại các vị trí đắc địa tại Hà Nội hay Tp. HCM. Rất nhiều khó khăn đang đè nặng lên doanh nghiệp.
Mặc dù có nội lực mạnh hơn các hàng quán nhỏ lẻ, nhưng nhiều chuỗi cửa hàng ẩm thực lớn cũng đang có dấu hiệu xuống sức vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
“Để thuê trong khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội thì trung bình tiền thuê mỗi mặt bằng rơi vào khoảng 200 đến hơn 200 triệu đồng. Vốn mình chuẩn bị cũng đã cạn kiệt rồi”, ông Bùi Tuấn- Đại diện công ty TNHH Thương mại dịch vụ Golden bell Hà Nội trả lời phỏng vấn VTV.
Một số nhà hay chuỗi khác như Bếp Cụ Nho, Viva Star Coffee cho biết, doanh thu hàng này không đủ để chi trả tiền mặt bằng, thậm chí giảm 60%. Những nhà hàng này buộc phải cắt giảm chi phí nhân sự, điện nước, thậm chí nếu dịch kéo dài sẽ buộc phải đóng cửa, chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Video đang HOT
“Trong trường hợp xấu nhất không thể thương lượng với chủ nhà thì bài toán bây giờ làm sao để trụ lại, hạn chế các chi phí”, chị Đặng Thị Hồng Ngọc – Giám đốc điều hành nhà hàng Pachi Pachi cho biết.
Với những gã khổng lồ như Golden Gate hay Redsun cũng không ngoại lệ, thậm chí cũng phải chọn hướng đóng cửa một số địa điểm. Cụ thể “đại gia” F&B Golden Gate với kinh nghiệm 14 năm trên thị trường cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Ngày 12/3 trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Hà Thúc Tú, Giám đốc chi nhánh miền Nam của Golden Gate Group, chia sẻ, tại Hà Nội, Golden Gate chỉ đóng tạm vài nhà hàng ở các trung tâm thương mại, có thể cuối tuần ổn hơn thì mở lại. “Lý do chúng tôi đóng cửa là do quá ít khách. Miền Nam thì chưa đóng cửa hàng nào. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình kinh doanh”, ông Tú cho biết. Tuy nhiên đến ngày 16/3, trên trang Fanpage của tập đoàn này tiếp tục thông báo đóng cửa thêm nhiều nhà hàng.
Thông tin từ VTV cho biết, doanh thu trên toàn hệ thống Golden Gate sụt giảm lên tới hàng chục tỷ đồng, hơn 30 nhà hàng trong hệ thống phải dừng hoạt động.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) với chủ đề “Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh”, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, nhất là với DN vừa và nhỏ hoặc các DN trong lĩnh vực F&B, bán lẻ liên quan đến F&B.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, đại diện Công ty Chảo Đỏ (Red Wok), sở hữu các chuỗi nhà hàng ở TP.HCM và các địa phương lân cận, cũng cho biết đã gặp khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn đòi tài sản thế chấpnếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động.
Golden Gate – chuỗi F&B dẫn đầu thị trường và trụ khá vững trong thời gian dịch bệnh vừa qua nhưng cũng đang gặp khó trong tiếp cận gói tín dụng. Hiện không chỉ Golden Gate mà các DN bán lẻ khác cũng bị từ chối cho vay thêm, đặc biệt là sau ngày 26/03 khi hàng loạt nhà hàng đóng cửa, theo thông tin từ báo Công thương.
Theo đại diện Golden Gate, một số ngân hàng thương mại có hỗ trợ giãn nợ, muốn vay thêm phải có bất động sản đảm bảo, nhưng đối với ngành F&B, mặt bằng chủ yếu là thuê, không có nhiều bất động sản là tài sản đảm bảo… Đại diện này cho biết hy vọng gói tín dụng hỗ trợ có thể dễ dàng tiếp cận hơn đối với các ngành, DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có F&B nói chung và Golden Gate nói riêng.
Thảo Nguyên
Covid-19: Ngành dịch vụ ăn uống lao đao, sụt giảm doanh thu từ 50-90%
Từ khi có dịch Covid-19 tới nay, doanh thu của của ngành dịch vụ ăn uống (F&B) sụt giảm từ 50-90%, nhiều cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng. Kể từ khi có lệnh giới nghiêm của hai thành phố Hà Nội và TP.HCM thì các quán ăn nhỏ cũng tạm đóng cửa nốt.
Trước khi có chủ trương của Chính phủ yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, những nơi tụ tập đông người từ ngày 26/3, thì ngành F&B đã phải chứng kiến một cuộc đào thải khắc nghiệt. Một loạt các nhà hàng quán ăn, quán cà phê phải đóng cửa vì không có khách. Ngay đến ông lớn trong ngành như Golden Gate doanh số từ sau Tết sụt giảm từ 30-50%. Thậm chí đã có rất nhiều các nhà hàng trong hệ thống đã phải đóng cửa ngừng hoạt động. Coffee House cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Theo thống kê của Dcorp R-Keeper Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống trong đó có đến 430.000 cửa hàng nhỏ, 22.000 cửa hàng cà phê và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư bài bản theo mô hình chuỗi. Tuy nhiên, khi dịch Covid -19 bùng phát mạnh thì đây lại là ngành chịu ảnh hưởng sớm nhất và khá nặng nề.
Đóng cửa, trả mặt bằng, nhượng quán vì Covid-19
Trước sự tấn công mạnh mẽ của dịch bệnh, cùng với những chính sách tuyên truyền của nhà nước khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập đông người, tránh nguy cơ lây lân dịch bệnh đã khiến nhiều các nhà hàng, quán ăn lâm vào trạng thái vắng vẻ. Đi dọc các tuyến đường sầm uất của Hà Nội và TP.HCM rất nhiều các quán ăn dù mở ra cũng vắng khách, nhiều quán đã treo biển đóng cửa, hoặc tạm ngừng hoạt động, thậm chí trả lại mặt bằng vì không có khách, không có doanh thu và không đủ vốn để bám trụ lại khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hàng loạt quán ăn đóng cửa mùa dịch Covid-19.
Không chỉ các ông lớn kinh doanh theo mô hình chuỗi nhà hàng, quán ăn mà các tiểu thương, các nhà hàng nhỏ bị ảnh hưởng. Anh Phạm Chí Công, chủ chuỗi 3 quán Cafe Bụi ở TP.HCM cho biết, từ tháng 1 ngay khi bắt đầu xuất hiện dịch ở Vĩnh Phúc, anh đã nhanh chóng sang nhượng lại 3 quán Cafe của mình. Cho đến sau Tết, anh định thuê mặt bằng mở quán bán bánh mì, nhưng do tình hình dịch bệnh nên tạm thời dừng kế hoạch này lại.
"Tôi sang lại quán từ trước Tết, chứ sau Tết thì rất khó sang lại quán. Hiện tại nhiều quán không có khách, việc đàm phán với chủ nhà để giảm giá thuê cũng khó khăn lắm. Mấy ngày nay nhiều quán chính quyền đã tới tận nơi thông báo dọn dẹp, đóng cửa theo lệnh của thành phố. Nên thiệt hại rất lớn cho các hộ kinh doanh nhỏ", anh Công nói.
Từ ông lớn đến ông nhỏ đều đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh gây ra. Không ít ông chủ sẽ rơi vào tình trạng phá sản, nợ nần nếu như dịch bệnh kéo dài và không có nguồn lực để phục hồi trở lại.
Xoay chuyển để tồn tại và thích ứng với khó khăn
Thời gian qua, rất nhiều các tổ chức nghiên cứu thị trường đã đưa ra nhận định xu hướng của ngành F&B tại Việt Nam trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đó là khách hàng đang thay đổi hành vi tiêu dùng. Thay vì việc họ đến các nhà hàng để ăn uống thì giờ đây họ sẽ có thói quen gọi đồ mang đến tận nhà.
Thói quen mua hàng offline sẽ chuyển dần sang nền tảng online. Các App giao hàng online đang chứng kiện một sự bùng nổ về số lượng người dùng và số lượng đơn hàng. Và sự thay đổi này là tất yếu. Nó đòi hỏi các chủ nhà hàng phải thay đổi để thích ứng với thị trường và khách hàng. Dịch vụ "giao hàng tận nhà" sẽ trở nên phổ biến hơn và trở thành xu thế trong thời gian tới.
Dịch vụ giao hàng online phát triển mạnh trong mùa dịch Covid-19.
Ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Piza Home chia sẻ: Những ưu thế của việc online hóa sẽ tối giản nhân sự, tối giản không gian mặt bằng, tối giản chi phí đầu tư ban đầu, ưu thế này càng phát huy khi tình hình dịch bệnh Covid bùng nổ. Xu hướng chuyển đổi từ offline sang online tất yếu mà những người đang làm trong ngành F&B cần phải sớm bắt kịp.
Để có thể cầm cự và tồn tại trong mùa dịch, rất nhiều các đơn vị kinh doanh ngành F&B đang phải thích nghi và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Và các ông lớn cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Việc giao hàng tại nhà trở nên phổ biến hơn. Ai nhanh nhạy, thích nghi tốt với sự thay đổi của thị trường người đó sẽ thắng. Khi hành vi người tiêu dùng thay đổi, bắt buộc các chủ cơ sở kinh doanh cũng phải thay đổi theo để thích ứng và tồn tại được trong thời gian tới.
Huyền Phạm
Lãi 21 tỷ, công ty 'chơi trội' chi 47 tỷ trả cổ tức Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết quyết định chi cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn chỉ 2.100 đồng. Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ...