Vì sao Nga quyết bảo vệ Syria?
Tân Tổng thống Pháp Franois Hollande mới đây gây sốc khi tuyên bố, Syria có thể phải đối mặt với khả năng can thiệp quân sự từ bên ngoài, làm dấy lên tranh luận về việc liệu phương Tây sẽ thực sự can thiệp vào Syria.
Chia rẽ
Trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng thống Pháp hôm 29/5, người đứng đầu điện Elysee nhấn mạnh, khả năng can thiệp quân sự vào Syria không nên được loại trừ nếu được Hội đồng Bảo an phê chuẩn. Ông còn tuyên bố có thể yêu cầu Tổng thống Putin không cản đường.
Khi đó, tuyên bố của Tân tổng thống Pháp tạo ra những phản ứng khác nhau, phải đón nhận những luồng quan điểm trái chiều từ các nhà hoạch định chính sách tại Washington, Moscow và Liên Hiệp Quốc…
Trong phát biểu ngay sau đó trước đông đảo sinh viên ở Copenhagen, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton buông lời chỉ trích Nga: “Tôi từng cảnh báo người Nga, chính sách của họ có khả năng góp phần dấy lên cuộc nội chiến ở Syria”. Từ đầu năm, cả Mỹ và Anh không ngừng lên tiếng cáo buộc Nga tự “vấy máu vào tay mình” khi ủng hộ chế của Tổng thống Syria Assad; khi 2 lần phủ quyết Nghị quyết chống lại Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và tuyên bố rõ ràng rằng, họ sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria.
Ông Putin phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
Ngoài việc phản đối Nga, ông Hollande còn “chạm nọc” Đức – đồng minh quan trọng của Pháp, hợp thành trụ cột của Liên minh châu Âu (EU). Tương tự Nga, Đức đang bị chỉ trích khá nhiều khi quá “thờ ơ” với cuộc chiến tại Syria và không mặn mà với các cuộc tranh luận của phương Tây về khả năng can thiệp quân sự nhằm chấm dứt khủng hoảng tại đất nước Tây Á.
Do đó, ngay sau tuyên bố của tân Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phản ứng: “Từ lập trường của chúng tôi, chúng tôi không muốn bận tâm về khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Chúng tôi muốn giúp dân thường Syria và muốn ngăn chặn sự can thiệp quân sự rộng khắp khu vực”.
Video đang HOT
Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức nhận được sự ủng hộ của đông đảo chính trị gia trong nước. “Tôi rất sững sờ trước những phát ngôn của ông Hollande. Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius còn mạnh mẽ tuyên bố sẽ không có bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào chống lại Syria”, Ruprecht Polenz, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức nhấn mạnh.
Chưa dừng lại ở đó, người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội Đức Hans-Ulrich Klose cũng quan ngại: “Tôi rất nghi ngờ về khả năng kiểm soát hậu quả của chúng ta nếu can thiệp quân sự vào Syria”. Ngoài ra, người phát ngôn của đảng đối lập Đức còn đưa ra kiến nghị, thay vì vin vào sức mạnh quân sự, Tòa án Hình sự Quốc tế – cơ quan từng đưa ra phán quyết kết án cựu lãnh đạo người Liberia Charles Taylor 50 năm tù – nên bắt đầu quá trình tố tụng tương tự đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trước những động thái này, người đứng đầu chương trình an ninh quốc tế tại Viện các Vấn đề Quốc tế và An ninh tại Berlin là Markus Kaim dự đoán: Đức từng bỏ phiếu trắng về vấn đề Lybia tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và thẳng thừng từ chối bất cứ lời kêu gọi nào để can dự vào Libya. Quyết định trên được ủng hộ bởi đông đảo cử tri trong nước nhưng lại làm phật lòng nhiều đồng minh phương Tây. Hậu quả là, chính phủ của Thủ tướng Merkel có vẻ như bị cô lập trên chính trường thế giới. Một khi tiếp tục ra một phiếu trắng khác (về Syria), Đức chắn chắn không tránh khỏi sự ghẻ lạnh. Tuy nhiên, Đức có thể không phải lo lắng; bởi việc Nga hậu thuẫn mạnh mẽ chính phủ Syria sẽ giúp họ tránh được việc đưa ra những quyết định và chọn lựa khó khăn.
Nga, Đức có lập trường khá tương đồng trong vấn đề Syria.
Cứu người là cứu mình
Nhiều người từng suy đoán lập trường cứng rắn, chống can thiệp quân sự vào Syria của Nga dường như bắt đầu lung lay sau vụ thảm sát Houla tuần trước, khi Nga cùng các thành viên Hội đồng Bảo an lên án chính phủ Assad. Đây là một động thái khá hiếm hoi của Moscow. Tuy nhiên, những suy đoán trên sụp đổ khi 2 ngày sau đó khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng nhấn mạnh: bạo lực là do cả hai bên và giới chức Nga cũng nhanh chóng bác bỏ việc thay đổi lập trường đối với Syria.
Phát ngôn viên của của Tổng thống Putin là Dmitry Peskov nhấn mạnh, chính sách của Nga về Syria sẽ không thay đổi vì bất cứ sức ép nào. Ông tuyên bố trên hãng tin Interfax rằng, lập trường của Nga là “rõ ràng, cân bằng, nhất quán và hoàn toàn hợp lý. Do đó, chẳng có gì để tranh cãi về việc Nga thay đổi lập trường dưới sức ép của bất cứ ai”.
Lý giải vấn đề này, một số nhà phân tích cho rằng, Syria từ lâu là một trong những đồng minh gần gũi nhất của Nga ở Trung Đông. Đồng thời, “người bạn Syria” cũng là một trong những “khách sộp” của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Nga; cộng với việc cảng Tartus của Syria hiện là căn cứ hải quân bên ngoài lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ duy nhất của Nga.
Hơn 100 người Syria (gồm nhiều phụ nữ và trẻ em) thiệt mạng trong vụ thảm sát Houla tuần trước. Tuy nhiên, theo Shashank Joshi, một nhà nghiên cứu của Viện Royal United Services tại London cho hay, sự kiện này có thể không dẫn tới chiến tranh; thay vào đó là tăng cường ngoại giao. Ông nhận định: “Chừng nào Nga vẫn ủng hộ chế độ Assad thì thảm sát chưa dẫn tới sự can thiệp quốc tế”.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Trung Đông học có trụ sở tại Moscow là Yevgeny Satanovsky cho rằng: “Nga có một số lợi ích ở Syria nhưng không đáng kể, ngoại trừ căn cứ hải quân chiến lược Tartus”. Do đó, nguyên nhân đằng sau lập trường của Nga về vấn đề Syria không chỉ đơn giản vì lợi ích vật chất.
Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Nga Putin ủng hộ chế độ Assad bắt nguồn từ mối quan ngại liên quan đến các cuộc biểu tình chống lại điện Kremlin nổi lên mạnh mẽ và khó lòng dập tắt dứt điểm trên khắp nước Nga thời gian qua.
“Syria là một phần quan trọng trong các chính sách đối nội của Putin. Tân Tổng thống Nga không ngại cam kết bảo vệ chế độ Assad trong suốt chiến dịch tranh cử và dễ hiểu cho đến thời điểm này, ông Putin hoàn toàn không có lý do để thay đổi lập trường, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại Nga gần đây vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt”, nhà phân tích Alexander Shumilin, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Xung đột Trung Đông tại Moscow tiết lộ.
Ngoài ra, ông Alexander Shumilin còn cho hay: “Hầu hết người dân Nga tin tưởng vào thông tin được phát đi từ truyền hình nhà nước rằng, thảm sát tại Houla là do khủng bố, phương Tây và họ trút mọi tội lỗi lên đầu Tổng thống Assad. Đối đầu với phương Tây trong vấn đề Syria chính là hình ảnh mà ông Putin đang nỗ lực gây dựng trong lòng người dân trong nước”.
Thêm vào đó, nguyên cớ sâu xa khác khiến Nga kiên định lập trường cứng rắn về vấn đề Syria còn xuất phát từ quan điểm về chủ quyền của điện Kremlin. “Quan điểm về chủ quyền của điện Kremlin cho phép các chế độ chính trị thực thi quyền lực tối cao bên trong lãnh thổ của họ. Đây chính là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nga. Sau cuộc chiến ở Libya, quan điểm này càng được ủng hộ và mở rộng”, đài phát thanh FM Kommersant nhận định.
Cụ thể hơn, các nhà chính trị Nga vẫn thường nhấn mạnh rằng, bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia nào cũng là một hình thức biểu hiện của Chủ nghĩa đế quốc, ngay cả khi nó “núp bóng” sự can thiệp nhân đạo. Đây là hành động nhằm bảo vệ lợi ích địa chính trị của các cường quốc hơn là vì mục đích nhân đạo. Luận chứng điển hình cho luận điểm này chính là các cuộc chiến tranh tại Kosovo, Iraq và mới đây nhất là can thiệp quân sự vào Libya của NATO.
RIA Novosti đúc kết:“Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, Nga bị lừa nên mới mở đường cho can thiệp quốc tế tại Libya và thề không bao giờ để điều này xảy ra lần nữa”.
Chia sẻ quan điểm này, ông Pavel Gusterin, một chuyên gia phân tích tại Viện Đông phương học nhận định: “Phương Tây hứa hẹn rằng, can thiệp quân sự tại Libya sẽ chỉ nhằm mục đích bảo vệ dân thường nhưng thực tế chúng tôi đã bị lừa. Do đó, chúng tôi mới đồng ý cho phương Tây can thiệp vào Libya. Sao chúng tôi để họ lặp lại điều đó lần nữa với Syria”.
Còn ông Yevgeny Satanovsky, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Moscow chia sẻ: “Như bất cứ ai khác, chúng tôi hiểu thế giới này vận động như thế nào và chính sách đối ngoại của chúng tôi đã hoạt động tích cực ở Trung Đông trong một thời gian dài. Chúng tôi không có bất cứ ảo tưởng nào về một tương lai tốt đẹp hơn khi Tổng thống Syria Assad bị lật đổ. Chúng tôi hiểu rằng nếu chế độ Assad bị lật đổ, Syria sẽ chìm trong hỗn loạn…”.
Tổng thống Nga Putin (phải) quyết bảo vệ đồng nhiệm Assad.
Phương Tây đơn phương đánh Syria?
Nga quyết tâm như vậy nhưng vẫn còn khả năng họ đành bỏ rơi chế độ Assadd bởi không chỉ Pháp, Mỹ cũng ám chỉ một cuộc can thiệp quân sự đơn phương chống lại chế độ Assad. Đây là kịch bản không thể bỏ qua dù nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho phương Tây.
Thứ nhất, đánh Syria là đi ngược lại nguyện vọng của phe đối lập đang nổi dậy chống Assad ở Syria. “Nhiều người Syria không hoan nghênh lập trường của Nga nhưng họ cũng không muốn bị can thiệp quân sự từ bên ngoài. Tất cả chúng ta đều đã thấy bao nhiêu người phải chết dưới bom của NATO ở Libya”, ông Yusuf, một nhà báo người Syria đang làm việc tại Moscow cho hay.
Cũng theo ông Yusuf, dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi can thiệp vào Syria thì thực sự phương Tây dường như không có ý định mở cuộc chiến mới ở Syria. “Phương Tây biết xâm lược Syria sẽ tốn kém nhường nào nên họ lảng tránh nó bằng cách đổ tội cho Nga và Trung Quốc không đồng ý can thiệp vào Syria”, ông Yusuf đánh giá.
Tương tự, RIA Novosti nhấn mạnh: “Ngay cả khi phương Tây bỏ qua Liên Hiệp Quốc và đánh Syria, họ cũng không thể đạt được điều họ mong đợi. Điện Kremlin sẽ không bao giờ chấp thuận nghị quyết ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng như một quan chức ngoại giao cấp cao Nga từng nhấn mạnh cách đây vài tuần rằng, nếu phương Tây quyết nhúng mũi vào Syria, chúng ta không thể ngăn cản họ. Nhưng các quốc gia phương tây sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho hậu quả sau này”.
Theo Innfonet.vn