Vì sao nên tắt sạc nhanh trên smartphone? Cách tắt sạc nhanh như thế nào?
Sạc nhanh là một trong những cải tiến thú vị cho điện thoại di động trong vài năm qua. Công nghệ này được Qualcomm giới thiệu với tên gọi “ Quick Charge” vào năm 2013, hiện nay đã phát triển vượt bậc và đang được hầu hết các nhà sản xuất nổi tiếng sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ưu điểm của sạc nhanh là khá rõ ràng. Ở cuộc sống mà con người thao tác thường xuyên trên điện thoại, việc smartphone được nạp đầy năng lượng chỉ trong một giờ (hoặc ngắn hơn) mang lại nhiều lợi ích về thời gian. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với một số nhược điểm nhất định.
Tại sao bạn nên tắt tính năng sạc nhanh?
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách giải thích cách sạc nhanh hoạt động. Cho đến nay, các hãng đã sản xuất bộ sạc không cho phép quá nhiều dòng điện đi vào điện thoại hoặc máy tính bảng nhằm ngăn ngừa nguy cơ hư hỏng pin, khiến thiết bị trở nên vô dụng hoặc thậm chí trong những trường hợp xui xẻo hiếm hoi là tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
Vì vậy, sạc nhanh tăng giới hạn điện áp hoặc cường độ dòng điện để rút ngắn quá trình sạc. Về cơ bản thì việc này không gây ra thiệt hại cho điện thoại, nhưng về lâu dài, sạc nhanh mọi lúc mọi nơi không có lợi cho thiết bị.
Trước hết, pin Lithium-Ion (Li-Ion) gắn bên trong điện thoại sẽ xuống cấp nhanh hơn nếu bạn luôn sạc đầy pin. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những ai dự định sử dụng điện thoại từ 18 – 24 tháng hoặc hơn.
Kế đến là vấn đề máy quá nóng. Do sạc nhanh đặt nhiều năng lượng vào thiết bị trong thời gian ngắn, ở một số trường hợp nhất định, việc linh kiện phần cứng bị hỏng là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu bạn đang ở trong phòng máy lạnh thì không sao, nhưng hãy tưởng tượng bạn cắm sạc nhanh khi đang mở game – ứng dụng nặng và thời tiết đang rất nóng.
Bên cạnh đó, chúng ta thường xuyên sạc điện thoại qua đêm, nghĩa là máy được cắm vào ổ điện xuyên suốt giấc ngủ (thông thường vào khoảng 7 – 8 tiếng). Lúc này, sạc nhanh gần như chẳng có gì khác so với sạc thường vì khi thức dậy bạn đều có một chiếc điện thoại đầy 100% pin. Thế nên, để duy trì tuổi thọ của thiết bị, bạn hãy tắt tính năng sạc nhanh bằng 1 số cách dưới đây.
Cách vô hiệu hóa sạc nhanh
1. Thao tác trong phần cài đặt của điện thoại
Video đang HOT
Một vài nhà sản xuất tích hợp nút để bật / tắt tính năng sạc nhanh trong ứng dụng Cài đặt (Settings). Bạn có thể tìm thấy nó trong phần mở rộng của mục Pin (Battery). Ví dụ: Nếu dùng điện thoại Samsung, bạn sẽ thực hiện như sau:
Truy cập Cài đặt -> Bảo trì thiết bị -> Pin.
Nhân chọn dấu 3 chấm ở trên cùng bên phải -> Cài đặt nâng cao. Tại đây, bạn sẽ thấy các nút bật tắt sạc nhanh và sạc không dây.
Với những trường hợp khác, sau khi vào ứng dụng Cài đặt, bạn có thể gõ vào thanh tìm kiếm các từ khóa như “sạc nhanh”, “fast charge” hay “quick charge”.
2. Dùng củ sạc thường
Nếu bạn có cục sạc thường thuộc một thiết bị cũ hơn, hãy tận dụng nó. Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn rằng mình đã có sợi cáp tương thích đi kèm.
Củ sạc thường sẽ không đi kèm mô tả “Adaptive Fast Charging”
Với củ sạc nhanh, bạn sẽ thấy các cụm từ như “Quick Charge”, “Fast Charge”, “Dash Charge” hay “Adaptive Fast Charging” được in trên bề mặt, còn ngược lại, gần như đó là củ sạc thường. Để chắc chắn hơn, bạn có thể kiểm tra điện áp (V) và cường độ dòng điện (A) ghi trên củ sạc. Nếu chỉ số này ở mức từ 5V – 2A trở xuống thì đó là sạc thường.
3. Sử dụng laptop hay máy tính để bàn
Cuối cùng, bạn có thể cắm điện thoại vào bất kỳ thiết bị nào có khả năng sạc qua cổng USB bằng sợi cáp tương thích. Đó có thể là máy tính xách tay, máy tính để bàn, Xbox hoặc cả PlayStation, những thiết bị thường không sở hữu cổng đầu ra công suất cao.
Theo bạn, chúng ta có nên hạn chế sử dụng tính năng sạc nhanh và tại sao? Cùng chia sẻ quan điểm với mọi người thông qua phần bình luận phía dưới nhé.
Nguồn: PhoneArena
Công nghệ sạc nhanh có những loại nào? Sạc nhanh thế có an toàn không?
Tốc độ sạc không phải điều quan trọng duy nhất, yếu tố an toàn của sạc nhanh cũng là điều người dùng luôn quan tâm.
Trong khi các công nghệ mới được tích hợp ngày càng nhiều trên smartphone, nhưng công nghệ pin Lithium-Ion gần như vẫn dậm chân tại chỗ trong nhiều năm nay. Đó là lý do vì sao công nghệ sạc nhanh đang được xem như cứu cánh cho thời lượng sử dụng của các smartphone hiện đại ngày nay. Đó là lý do tại sao nhiều thương hiệu smartphone cũng như các hãng công nghệ tập trung vào phát triển khả năng sạc nhanh cho pin trên smartphone.
Cho dù có đến một rừng các công nghệ sạc nhanh như Samsung Adaptive Fast Charge, Apple Fast Charge, OnePlus Dash Charge, Huawei SuperCharge, Qualcomm Quick Charge, Motorola Turbo Charge, Oppo VOOC và nhiều thứ khác, nhưng nó tập trung vào ba công nghệ chính: Qualcomm Quick Charge, Oppo VOOC và Huawei SuperCharge.
Các công nghệ sạc nhanh như Samsung Adaptive Fast Charge và Motorola Turbo Charge thực ra chính là Quick Charge, còn OnePlus Dash Charge cũng chính là công nghệ sạc nhanh Oppo VOOC.
Các công nghệ sạc nhanh khác nhau không chỉ mang lại các khác biệt về tốc độ sạc, mà còn gây ra một vấn đề đáng quan tâm khác: đó là nhiệt độ. Đối với các viên pin Lithium-Ion đang được sử dụng trên đại đa số smartphone, nhiệt độ có các tác động quan trọng. Pin có thể mất 80% công suất hoạt động nếu ở nhiệt độ 60 độ C trong một năm. Nguy hiểm hơn, nhiệt độ quá cao còn có nguy cơ làm pin bị quá nhiệt hoặc thậm chí cháy nổ. Vậy loại sạc nhanh nào an toàn hơn
Các cách tiếp cận khác nhau về sạc nhanh
Mặc dù có các cách tiếp cận khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản của công nghệ sạc nhanh từ hai hãng trên đều tương tự nhau - truyền tải năng lượng lớn hơn để pin đầy nhanh hơn. Thay vì các củ sạc thông thường với công suất từ 2,5W đến 5W, các củ sạc nhanh có công suất lớn hơn, có thể đến 20W hoặc cao hơn nữa.
Một trong những khác biệt quan trọng giữa công nghệ Quick Charge của Qualcomm và VOOC của Oppo nằm ở cách đạt được dòng sạc công suất lớn. Trong khi Qualcomm sử dụng hiệu điện thế cao hơn (5V, 9V, 12V trên các dòng điện tương ứng 2A, 1.67A, 1,5A) để có công suất sạc lớn hơn (từ 10W đến 18W), Oppo sử dụng dòng điện với cường độ lớn hơn, tới 4A với hiệu điện thế 5V để có được công suất 20W.
Để truyền dòng điện với cường độ lớn bằng VOOC, Oppo sử dụng cổng sạc Micro-USB với 7 chân tiếp xúc (các pins) thay vì 5 điểm tiếp xúc như cổng Micro-USB thông thường trên thiết bị và dây sạc của mình. Ngoài ra pin của Oppo cũng được thiết kế với 8 chân tiếp xúc thay vì 4-5 chân tiếp xúc như thông thường.
Qualcomm có lý do để chọn cách tiếp cận bằng hiệu điện thế cao. Họ cần trang bị tính năng sạc nhanh này cho các thiết bị sử dụng chip Snapdragon của mình, với nhiều loại cáp sạc và củ sạc khác nhau. Việc sử dụng dòng sạc với cường độ cao sẽ làm các sợi cáp mỏng bị nóng lên nhanh chóng và gây nguy hiểm cho người dùng. Do đó, Qualcomm đã chọn cách tăng hiệu điện thế của dòng sạc lên để có thể sạc nhanh mà không sản sinh ra quá nhiều nhiệt trên dây dẫn và giảm điện năng hao phí trên đường truyền tải.
Cũng có cách tiếp cận tương tự như Oppo VOOC, Huawei SuperCharge lựa chọn mức điện áp tương đối thấp và cường độ dòng điện cao hơn để truyền tải năng lượng. Tuy nhiên, kết hợp với giao thức Smart Charge Protocol độc quyền của mình, Huawei SuperCharge tự động điều chỉnh các thông số sạc của mình dựa trên yêu cầu của pin (có thể thay đổi giữa 5V 2A, 4,5V 5A, 5V 4,5A), để có được tốc độ tốt nhất cũng như làm giảm nhiệt độ và tổn thất khi sạc.
Trong khi đó, Super VOOC còn có tốc độ cao hơn nữa khi Oppo cho biết có thể sạc đầy viên pin 3.400 mAh của mình chỉ trong 35 phút, nhờ vào củ sạc có công suất cao tới 50W (10V, 5A) - cao hơn cả sạc của laptop (thường chỉ có 40W). Để làm được điều này, pin của Find X Lamborghini chia thành hai cell 1.700 mAh độc lập. Do đó khi sạc bằng Super VOOC, mỗi viên pin sẽ được sạc với dòng điện 5V/5A (25W) để có thể tốc độ nhanh vượt trội so với sạc cho một viên pin duy nhất.
Đó là lý do tại sao dù SuperCharge có tốc độ ấn tượng khi sạc từ 0 đến 70% cho viên pin 4.200 mAh của Mate 20 Pro chỉ trong vòng 30 phút, nó vẫn thua kém Super VOOC trên Oppo Find X Lamborghini và Oppo R17 Pro khi chỉ mất 35 phút và 38 phút để sạc từ 0 đến 100% cho các viên pin 3.400 mAh và 3.700 mAh của hai thiết bị trên.
Mức độ an toàn của sạc nhanh
Không chỉ có thời gian sạc nhanh hơn, cách tiếp cận của Oppo VOOC và Huawei SuperCharge có một ưu điểm khác so với Quick Charge, đó là nhiệt độ. Do Quick Charge sử dụng hiệu điện thế cao để sạc nhanh, trong khi pin smartphone vẫn chỉ có thể nạp vào dòng điện có hiệu điện thế thấp. Vì vậy, mạch sạc trong điện thoại sẽ phải chuyển dòng sạc đó sang hiệu điện thế thấp và cường độ cao, và do đó sẽ làm nóng điện thoại trong quá trình sạc.
Trong khi đó, củ sạc VOOC của Oppo và củ sạc Huawei SuperCharge đã đảm nhận công đoạn chuyển đổi này, hạn chế khả năng sinh nhiệt trên điện thoại do phải chuyển đổi hiệu điện thế dòng điện. Tuy nhiên, dường như do giao thức SCP của Huawei SuperCharge được trang bị trên cả điện thoại và củ sạc, các thử nghiệm cho thấy nhiệt độ khi sạc thường cao hơn so với công nghệ VOOC của Oppo.
Nóng hơn tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin và đây mới là nguyên nhân chính chứ không phải tốc độ sạc. Tuy nhiên nếu nhiệt độ dưới 40 độ C thì sự giảm tuổi thọ không đáng kể lắm. Bản thân việc sạc pin cũng đã khiến tuổi thọ pin giảm đi rồi, nhanh hay chậm cũng vậy thôi.
Về cơ bản, công nghệ sạc nhanh Super VOOC cũng tương tự như VOOC, với hiệu điện thế thấp và cường độ dòng cao, nhưng được nạp đồng thời vào hai viên pin. Do đó, nó cũng không làm điện thoại bị nóng lên như khi sạc với công suất lớn cho một viên pin duy nhất. Điều này không chỉ duy trì tuổi thọ của pin mà còn đảm bảo được an toàn cho người dùng trong quá trình sạc.
Khả năng giữ cho điện thoại không bị nóng lên trong quá trình sạc còn quan trọng hơn khi xét đến việc người dùng thường có thói quen vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, đặc biệt để xem video hoặc chơi game. Do đây là các tác vụ cần dùng nhiều đến CPU và GPU, nên nó cũng sẽ làm điện thoại nóng lên. Cộng với nhiệt độ sinh ra trong quá trình sạc, sẽ rất dẫn đến hiện tượng quá nhiệt.
Do vậy, các thiết bị sạc nhanh bằng hiệu điện thế cao sẽ chuyển về điều kiện sạc bình thường với mức điện thế thấp, khi vừa sạc vừa xem video hoặc chơi game để tránh gặp vấn đề về quá nhiệt. Trong khi đó, do cả VOOC và Super VOOC đều sử dụng điện thế thấp để sạc nhanh nên sẽ không gặp phải vấn đề quá nhiệt này. Người dùng vẫn có thể vừa sạc nhanh vừa sử dụng smartphone để chơi game hoặc xem video một cách an toàn mà không gặp vấn đề tăng nhiệt. Tuy nhiên chúng tôi cũng không khuyến khích các bạn làm thế.
Vẫn có yếu điểm dù rất an toàn
Mặc dù có tốc độ sạc nhanh vượt trội cùng khả năng đảm bảo an toàn hơn so với các đối thủ cạnh tranh, Super VOOC vẫn có một điểm trừ đáng kể: tính tương thích. Công nghệ sạc này không chỉ đòi hỏi pin phải được thiết kế đặc biệt, mà còn dùng củ sạc và cổng sạc riêng, không thể dùng các loại củ sạc và dây sạc ngoài thay thế.
Theo GenK
Những cách giúp sạc smartphone mau đầy pin Sạc thẳng vào ổ điện, dùng bộ sạc iPad cho iPhone, hạn chế sạc không dây là những cách có thể giúp người dùng nhanh chóng có một chiếc smartphone với lượng pin kha khá để sử dụng. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn sạc nhanh hơn: Tránh sạc qua máy tính Sạc qua máy tính khá tiện lợi nhưng...