Vì sao Mỹ tự tin tên lửa DF-21D không thể đe dọa tàu sân bay Ford?
Một số nhà quan sát gọi tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D Trung Quốc là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”, mang lại mối hiểm họa lớn đối với các tàu sân bay Mỹ.
Tạp chí Aviation Week(trụ sở tại New York, Mỹ) nhận định khi tàu sân bay thế hệ mới Gerald R. Ford triển khai hoạt động trên biển vào cuối thập kỷ này, nó sẽ phải đối mặt với một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức mạnh quân sự trên biển của Mỹ, đó là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Hải quân Mỹ vẫn tự tin rằng các cải tiến công nghệ cho tàu sân bay lớp Ford cũng như các tàu hộ tống có thể che chắn cho tàu sân bay trước các cuộc tấn công từ tên lửa của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 (CSS-5) mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công các tàu chiến bao gồm cả tàu sân bay hoạt động ở phía Tây Thái Bình Dương với phạm vi khoảng 1.500km.
Một số nhà quan sát gọi DF-21D là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”.
Một báo cáo gần đây của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết: “Các nhà quan sát đã bày tỏ sự lo ngại lớn đối với DF-21D, bởi vì một tên lửa như vậy kết hợp với hệ thống giám sát hàng hải trên khu vực rộng lớn và hệ thống nhắm mục tiêu cho phép Trung Quốc tấn công các tàu sân bay và các tàu quân sự khác của Mỹ hoặc các tàu của lực lượng đồng minh hoạt động ở Tây Thái Bình Dương”
“Trước đó, Hải quân Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chính xác cao, có khả năng tấn công các tàu đang di chuyển trên biển. Vì lý do này, một số nhà quan sát gọi DF-21D là vũ khí thay đổi cuộc chơi”, báo cáo của CRS viết.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo Chuẩn Đô đốc Michael Manazir, Giám đốc chương trình tác chiến trên không của Hải quân Mỹ, trên thực tế, để tấn công tàu sân bay với một tên lửa như vậy khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng.
Chuẩn Đô đốc Manazir phân tích, nhìn tàu Ford từ boong tàu, người ta thường cho rằng nó là một mục tiêu lớn, tuy nhiên, việc ngắm và khóa mục tiêu không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ có mạng lưới gồm nhiều lớp hệ thống phòng thủ, Chuẩn Đô đốc Manazir giải thích trong một chuyến tham quan tàu sân bay Ford tại nhà máy đóng tàu Newport News ở Tidewater, bang Virginia.
Hệ thống radar băng tần kép DBR cùng các hệ thống phòng thủ tiên tiến sẽ cho phép tàu sân bay lớp Ford đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ tên lửa DF-21D của Trung Quốc.
Tiếp cận được tàu sân bay Ford và các tàu hộ tống của nó nghĩa là phải vượt qua được nhóm tác chiến tàu sân bay.
“Chúng tôi sử dụng các hệ thống phòng không của các tàu tuần dương và tàu khu trục để bảo vệ tàu sân bay”, Chuẩn Đô đốc Manazir nói.
Ngay tàu sân bay Ford cũng có hệ thống phòng thủ riêng, Chuẩn Đô đốc Manazir chỉ vào hệ thống tên lửa RIM-116, một hệ thống phòng thủ tầm gần. Bên cạnh đó còn có hệ thống tác chiến điện tử mặt nước (SEWIP) và hệ thống tên lửa MK 57 NATO Sea Sparrow.
Tàu sân bay Gerald R. Ford sẽ được trang bị một radar băng tần kép DBR, đây là một cải tiến công nghệ lớn đối với tàu sân bay lớp Ford cung cấp cho tàu khả năng phòng thủ tên lửa. Hệ thống DBR ban đầu được phát triển cho các tàu khu trục tương lại DDG-1000 Zumwalt.
Chuẩn Đô đốc Manazir cho hay Hải quân Mỹ đang xem xét liệu có tiếp tục sử dụng radar DBR cho các tàu sân bay sau tàu Ford hay sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phát triển một radar khác thích hợp hơn cho chúng. Vấn đề là Hải quân Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng nước này có thể sử dụng một số công nghệ có khả năng ứng dụng rộng rãi trong DBR để phát triển một bộ băng tần kép S và băng tần X để phù hợp với tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ.
Các tiến bộ kỹ thuật khác dành cho tàu sân bay lớp Ford tạo điều kiện để có nhiều hệ thống phòng thủ và vũ khí hơn. Chẳng hạn như hệ thống năng lượng điện trên tàu cho phép kết hợp vũ khí laser và các loại vũ khí năng lượng khác trên tàu sân bay.
Hệ thống lưới điện trên tàu sân bay lớp Ford có hiệu điện thế khoảng 13.800 volt, lớn hơn nhiều so với mức 4.160 volt trên tàu sân bay lớp Nimitz. Tất nhiên con tàu cần nhiều nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho hệ thống radar DBR, máy phóng điện từ và các hệ thống khác nhưng thiết kế con tàu cho phép hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này, thậm chí còn có thể mang nhiều nhiên liệu hơn.
Trong khi đó, theo Chuẩn Đô đốc Manazir, với các tàu sân bay lớp Nimitz, bất cứ cải tiến công nghệ mới nào đòi hỏi nhiều điện hơn đều cần phải tiến hành điều chỉnh thiết kế hệ thống cung cấp năng lượng trên con tàu.
Theo Tri Thức
Trung Quốc: Từ tàu sân bay thứ hai tới chiến lược "hai ngạnh"
Theo giới phân tích, việc hải quân Trung Quốc đang xây dựng tàu sân bay thứ hai, sau tàu sân bay Liêu Ninh, đang khiến hải quân Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc, đứng ngồi không yên ở tây Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam hôm chủ nhật vừa qua cho biết việc xây dựng tàu sân bay kế tiếp của Trung Quốc đã được bắt đầu ở thành phố cảng Đại Liên và ước tính con tàu sẽ hoàn tất vào năm 2018. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với vỏ tàu hoàn toàn do Trung Quốc tự chế và hải quân Trung Quốc muốn có một hạm đội gồm 4 tàu sân bay vào năm 2020. Tờ báo tiếng Anh ở Hồng Kông đã dẫn tin tức trên mạng cho nguồn tin trên. Tuy nhiên, cũng theo Bưu điện Hoa Nam, những tin tức trên mạng sau đó đã bị xóa.
Việc thúc đẩy xây dựng tàu sân bay, tàu hoạt động ngoài khơi xa nhất trong hạm đội được gọi là "nước xanh", diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang mở rộng các tuyên bố chủ quyền của mình ở các vùng biển và phát triển vũ khí cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ cho những tuyên bố chủ quyền đó.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài nữa mới có thể đuổi kịp quy mô của hải quân Mỹ, hiện sở hữu trong tay 10 tàu sân bay lớp Nimitz và đang xây dựng thêm 2 tàu lớp Ford nữa. Với chiều dài 335m, mỗi tàu của Mỹ dài hơn khoảng 30m so với tàu sân bay duy nhất, Liêu Ninh, của Trung Quốc- tàu với vỏ được mua lại từ tàu cũ của Ukraine vào năm 1998. Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ cũng sở hữu 9 tàu tấn công lưỡng cư dài 256m, vốn được hải quân Mỹ đánh giá giống như những "tàu sân bay loại nhỏ". 2 chiếc nữa đang được xây dựng. Và không một nước nào khác có hơn 2 tàu sân bay.
Trung Quốc khẳng định vũ khí của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ, được thiết kế để giữ cho người nước ngoài "tránh xa" Trung Quốc. Theo giới phân tích, hải quân nước ngoài duy nhất có thể đối phó với một Trung Quốc đang ngày một bành trướng, đó là hải quân Mỹ, đội quân mà dưới thời của Tổng thống Obama, đang chuyển hướng tập trung, sức mạnh sang Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng "trục xoay" của Mỹ đã là đủ. "Rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc rất tham vọng và chính sách ngoại giao cùng đội quân của họ đang chuyển hướng tới vị thế một cường quốc lớn hoặc ít nhất là bá chủ khu vực. Để đạt được mục tiêu này họ thực hiện một loạt bước tiến nhỏ, để chỉ vấp phải sự phản kháng nhỏ nhất từ các nước cạnh tranh ở Thái Bình Dương, đồng minh của Mỹ", cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc Seth Cropsey, hiện làm việc ở Viện Hudson, cho biết trước một ủy ban quốc hội Mỹ vào tháng trước. "Mỹ lại đang không xem khả năng này nghiêm trọng như cần có."
Theo Jim Thomas, thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA) gần đây cho biết trước Quốc hội Mỹ rằng, chi tiêu cho quân đội của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong vòng một thập niên qua và hiện đang xấp xỉ bằng 1/3 chi tiêu của Mỹ. Nhưng "không giống như Mỹ, với những trách nhiệm an ninh toàn cầu nặng nề, Trung Quốc có thể tập trung nguồn lực của mình gần như toàn bộ cho việc hỗ trợ chiến lược chống can thiệp vào khu vực của mình", Thomas nhận định. Mục tiêu của họ là: "Tiến hành những chiến dịch ngắn và quyết đoán trước khi bên ngoài, như Mỹ, có thể can thiệp một cách hiệu quả."
Theo giới phân tích, chiến lược của Trung Quốc có "hai ngạnh". Đầu tiên, một hạm đội tàu sân bay là minh chứng cho sức mạnh quân sự lớn mạnh, cho họ có khả năng tấn công các mục tiêu từ xa bờ lục địa. Nhưng chỉ riêng xây dựng những con tàu này đã vô cùng phức tạp, chứ chưa nói đến việc vận hành chúng lại càng phức tạp hơn. Có thể hình dung các tàu sân bay giống như vũ khí hạt nhân, dễ làm người ta nản chí khi xây dựng, phá hủy và sử dụng theo đúng nghĩa quân sự lại càng thách thức hơn.
"Tàu sân bay phức tạp hơn bất kỳ hoạt động triển khai nào chúng tôi đã tiến hành", tướng quân đội Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết vào tháng trước. "Bằng tàu sân bay, người Trung Quốc còn lâu mới là mối đe dọa của chúng ta", ông tuyên bố.
Đó là lý do vì sao "ngạnh" thứ hai trong chiến lược của Trung Quốc lại đóng vai trò quan trọng. Thay vì thách thức tàu sân bay Mỹ ở vùng biển sâu bằng những tàu chiến tương tự, nước này lại đang phát triển tên lửa DF-21D, được đặt trên đất liền và có thể mang đầu đạn mạnh. Tên lửa với biệt danh "sát thủ tàu sân bay" này được thiết kế vươn xa, tấn công tàu sân bay Mỹ từ cách đó ít nhất 1500km.
Năm 1996, hải quân Mỹ đã phái cặp tàu sân bay tới vùng biển ngoài khơi Đài Loan, sau khi Bắc Kinh dọa tấn công tên lửa vào hòn đảo này. Với phát triển DF-21D, Trung Quốc đã khiến Mỹ phải cân nhắc trước khi thực hiện điều đó một lần nữa.
Năm ngoái, Trung Quốc đã thử DF-21D trên sa mạc Gobi. Mặc dù độ chính xác của nó vẫn còn là một nghi vấn, nhưng theo Thomas, thuộc CSBA, Trung Quốc có thể tấn công dồn dập để bù lại khả năng chưa chính xác. "Trung Quốc có khả năng sẵn sàng vung tay tới hàng trăm tên lửa đạn đạo chống hạm, với chi phí ước tính lên tới 25 triệu USD cho một cuộc tấn công nhằm phá hủy hoặc chỉ một sứ mệnh tiêu diệt tàu sân bay cũng có giá tới 10-15 triệu", ông cho hay
Theo Dantri