Vì sao Mỹ để mặc Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông?
Nước Mỹ giờ đây quá phụ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế, nên dù có lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành động bành trướng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Washington có thể không dùng vũ lực chống Bắc Kinh, thậm chí phải thỏa hiệp với nước này, theo một bài viết trên Reuters.
Công nhân Trung Quốc trong nhà máy sản xuất màn hình LCD ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – Ảnh: Reuters
Mỹ yếu thế vì quá phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế?
Vào thập niên 1990, những quan chức Mỹ ủng hộ tự do thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ kéo theo sự cùng tồn tại hòa bình. Tuy nhiên, hiện Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc Mỹ, tác giả Barry C. Lynn viết trong bài bình luận tựa đề Vì sao Trung Quốc thắng thế trên Biển Đông? đăng trên Reuters ngày 3.6.
Mỹ và đồng minh lập ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa thập niên 1990 và mời Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau trong những ngành công nghiệp do WTO xúc tiến đã trao thêm “quyền lực kinh tế” vào tay Trung Quốc.
Trong thời Chiến tranh lạnh, Mỹ cũng xúc tiến sự cùng tồn tại và thịnh vượng với các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, Đức, Anh và Canada. Lúc bấy giờ, Mỹ chọn không phụ thuộc hoàn toàn vào những đồng minh thân cận về bất kỳ loại hàng hóa quan trọng nào.
Tuy nhiên, ngày nay Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc vì những sản phẩm mà người dân Mỹ dùng hàng ngày đều sản xuất tại Trung Quốc. Gần 100% linh kiện điện tử và hóa chất ở Mỹ đều do Trung Quốc sản xuất. Một số chất hóa học do Trung Quốc sản xuất còn được dùng để làm ra những loại dược phẩm quan trọng nhất ở Mỹ, bao gồm thuốc kháng sinh.
Hàng hóa Trung Quốc sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó ở thị trường Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại không có nguồn cung dự phòng nào.
Ngược lại, Trung Quốc ít phụ thuộc vào Mỹ. Bắc Kinh khôn ngoan nhập số lượng lớn để dự trữ, tránh phụ thuộc và bị làm giá, chẳng hạn nhập các kim loại từ Mỹ.
Mới đây, Trung Quốc thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được nhiều nước trong đó có đồng minh của Mỹ ủng hộ. Việc Trung Quốc thành lập AIIB được cho nhằm tránh các nước châu Á liên minh với Mỹ (cả về kinh tế lẫn quân sự), đồng thời thách thức vị trí số một thế giới của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ lại đang loay hoay với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để kiềm chế Trung Quốc. Nhà Trắng muốn hoàn tất sớm TPP, nhưng đến nay đàm phán TPP vẫn chưa đi về đâu do những bất đồng trong nội bộ nước này, tác giả Lynn nhận định.
Không chỉ về kinh tế, Trung Quốc được cho đã “lấn át” Mỹ về mặt địa chính trị ở biển Hoa Đông và Biển Đông, một tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa quan trọng trên thế giới.
Video đang HOT
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hồi năm 2014 ước tính Biển Đông có trữ lượng 11 tỉ thùng dầu và 5,3 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên. Đây cũng là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới, với 10 triệu thùng dầu được vận chuyển qua trên Biển Đông mỗi ngày.
Mỹ sẽ không dám dùng vũ lực với Trung Quốc?
Bài viết trên Reuters đặt vấn đề: Phải chăng chính vì sự phụ thuộc của Mỹ quá nhiều vào Trung Quốc, Bắc Kinh có thể kết luận rằng Mỹ sẽ không dám dùng vũ lực đáp trả những hành động gây hấn của Trung Quốc?
Năm 2013, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Mỹ và đồng minh đã phản ứng gay gắt, Washington liền điều máy bay ném bom B-52 bay ngang thách thức ADIZ của Trung Quốc, nhưng cuối cùng ADIZ vẫn còn đó.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép những đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng. Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích, đòi bảo vệ quyền tự do hàng hải, rồi điều động máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại nhất P-8A Poseidon đến chụp ảnh, ghi hình hoạt động xây dựng trái phép này và bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon – Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1.6 cũng cảnh báo Trung Quốc rằng những hành động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông là “phản tác dụng”, và kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt những hành động gây hấn ở khu vực.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La hồi tuần rồi ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều động tàu và máy bay quân sự đến tuần tra Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động xây dựng trái phép.
Lầu Năm Góc còn lên kế hoạch điều máy bay và tàu chiến tuần tra trong phạm vi cách các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây khoảng 12 hải lý (22 km). Tuy nhiên, máy bay Mỹ vẫn chưa bay trực tiếp vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định chỉ có những hòn đảo “được hình thành tự nhiên” mới có vùng biển chủ quyền 12 hải lý bao quanh. Cũng theo UNCLOS, xây dựng đảo nhân tạo không sản sinh ra chủ quyền ở vùng biển và vùng trời xung quanh. “Như vậy, việc Mỹ tuần tra cách các đảo nhân tạo 12 hải lý sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho Bắc Kinh củng cố chủ quyền tại đó?”, đài CNN (Mỹ) nêu vấn đề.
Tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp cận Đá Tư Nghĩa (Hughes), nơi Trung Quốc chiếm của Việt Nam và đang cấp tập hoạt động xây dựng trái phép- Ảnh: Mai Thanh Hải
Trong một viễn cảnh khác, Mỹ có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những đảo nhân tạo trên Biển Đông để đổi lại Trung Quốc giúp Mỹ lập lại hòa bình ở Afghanistan và đảm bảo an ninh và ổn định ở Trung Á, theo nhận định của tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản).
Nihon Keizai Shimbun cũng đưa ra dẫn chứng cho nhận định trên là những cuộc đàm phán giữa chính quyền Afghanistan và Taliban ngày 3.5 có sự hiện diện của quan chức Trung Quốc bên cạnh các quan chức Mỹ.
Chuyên san The National Interest (Mỹ) từng nhận định rằng Mỹ không thể ngăn Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo chuyên san này, chỉ có một ASEAN đoàn kết ra tối hậu thư mới có thể khiến Bắc Kinh dừng lại.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Sáng kiến gần nửa tỷ USD của Mỹ cho an ninh biển Đông Nam Á
Mỹ dự kiến dành gần nữa tỷ USD chi cho Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á, hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển năng lực trên biển, trong đó có Việt Nam, Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh: AFP.
"Chúng ta phải tăng cường năng lực của kiến trúc an ninh khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong bài phát biểu chủ chốt tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2015 tổ chức cuối tuần qua ở Singapore, trước khi công bố Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á. Sáng kiến này được quốc hội Mỹ đưa ra, với ngân sách 425 triệu USD
Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á không xuất phát từ Lầu Năm Góc. Nó hình thành từ ngân sách Ủy ban Quân vụ Thượng viện (SASC) và được Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch SASC theo dõi chặt chẽ.
David Shear, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Lầu Năm Góc muốn dùng Đối thoại Shangri-La để thể hiện sự ủng hộ với ông McCain, vào thời điểm chiến thuật của Mỹ là tập trung xây dựng kiến trúc an ninh hàng hải nhằm đối phó với hành động cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Tôi nghĩ điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của quốc hội cũng như sự đồng thuận giữa lưỡng đảng về những gì chúng tôi đang thực hiện trong khu vực", ông Shear nói.
Thượng nghị sĩ McCain, tới tham dự diễn đàn cùng một số đồng nghiệp tại Thượng viện, cho biết khoản tiền hỗ trợ "nhằm giúp các quốc gia trong khu vực tổ chức tập trận, tiếp nhận trang thiết bị (và) tăng cường khả năng phòng thủ".
Theo SASC, khoản hỗ trợ sẽ cung cấp cho Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Chúng "có thể bao gồm cung cấp thiết bị, vật tư, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ" cùng đào tạo cho các lực lượng. Ngoài ra, kinh phí huấn luyện có thể được dành cho Brunei, Singapore và Đài Loan nếu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề nghị.
Khi được quốc hội thông qua, sáng kiến sẽ cấp 50 triệu USD cho năm tài chính 2016, 75 triệu USD cho năm 2017 và 100 triệu cho mỗi năm 2018, 2019, 2020.
Ông Shear gọi sáng kiến là một nỗ lực để "phát triển nhiều nguồn lực hơn" cho quốc gia đối tác. "Xây dựng năng lực cho đối tác là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của chúng tôi suốt một thời gian", ông giải thích. "Chúng tôi đang xem xét những thiếu sót an ninh hàng hải của các đối tác. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với họ về thứ họ cần và cách sử dụng nó".
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, cho biết ông "cảm thấy vui mừng về tiềm năng" khoản tiền hỗ trợ và cách nó sẽ giúp đối tác trong nhận thức hàng hải.
Ông Ashton Carter tham quan tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại Vùng Cảnh sát biển một. Ảnh: canhsatbien.vn.
Chủ đề xây dựng đối tác an ninh hàng hải trong khu vực được tiếp tục thể hiện trong hai chuyến thăm tiếp theo của ông Carter đến Việt Nam và Ấn Độ.
Tại Việt Nam, ông Carter đến cảng Hải Phòng, động thái ông gọi là "chuyến thăm chưa từng có tới sở chỉ huy Hải quân Việt Nam và Cảnh sát biển". Ông Carter sau đó tới cảng miền đông Visag, nơi được mô tả là chìa khóa trong chiến lược Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Van Jackson, chuyên gia Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới Mỹ, nhận định xây dựng năng lực cho đối tác trong khu vực là điều quan trọng để duy trì ổn định ở Thái Bình Dương. Nó bao gồm tăng cường tuần tra chung trên biển, huấn luyện chung cũng như đảm bảo các đồng minh trong khu vực còn có thể liên hệ với nhau thay vì chỉ thông qua Mỹ.
Tuy nhiên, Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, tỏ ra thận trọng khi được hỏi về sáng kiến mới. "Nếu sáng kiến mới thúc đẩy được nhận thức của từng nước, là sẽ phản ứng một cách hòa bình, tôi nghĩ điều đó là tốt", ông nói. Nhưng "chúng ta hi vọng rằng nó không được dùng để làm gia tăng căng thẳng và nói phải được sử dụng trong khuôn khổ luôn thúc đẩy giải pháp hòa bình".
Như Tâm
Theo Defense News
Philippines kêu gọi Mỹ quan tâm khẩn cấp đến Biển Đông Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Mỹ quan tâm khẩn cấp đến những diễn biến mới đây ở Biển Đông và xoay trục một cách "thực chất", trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tạo đất trên các đá. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 12/5 phát biểu tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington...