Vì sao MU sẽ kiếm bộn tiền từ Ronaldo?
MU kết hợp cách làm thương mại đỉnh cao với giá trị hình ảnh của Ronaldo để đảm bảo thành công trong thương vụ này.
Khi dự án Super League đứng bên bờ vực sụp đổ vào cuối mùa giải trước, Chủ tịch Juventus Andrea Agnelli được hỏi liệu ông có hối tiếc về việc mang về Cristiano Ronaldo vào tháng 7/2018.
“Sai lầm khi mang Ronaldo về ư? Không bao giờ”, Agnelli nói với La Repubblica . “Tôi sẵn sàng làm lại nó ngay ngày mai”.
Đó là tuyên bố gây tò mò của người đứng đầu Juve. Sau khi gia nhập Juventus từ Real Madrid, Ronaldo giúp Bianconeri vô địch Serie A trong 2 mùa giải, nhưng thất bại toàn diện tại Champions League. Và ở mùa giải năm ngoái, Juve thậm chí đại bại tại đấu trường trong nước khi về thứ 4, kém nhà vô địch Inter Milan 13 điểm và chỉ giành vé dự Champions League vào vòng cuối.
Ronaldo có lại áo số 7 tại MU. Ảnh: MU.
101 bàn sau 134 trận cho Juve là thông số ấn tượng của CR7, nhưng chắc chắn tầm nhìn khi Agnelli mang siêu sao này về sân Allianz không chỉ dừng lại ở đó. Báo chí Italy coi đây là canh bạc thất bại về chuyên môn của Juventus. Song Agnelli có cớ để hài lòng.
Hiệu ứng Ronaldo vượt xa khỏi sân Allianz. Doanh thu của Juve tăng phi mã trong 3 năm qua. Lượng áo đấu bán ra, tăng trưởng trên mạng xã hội, số nhãn hàng cộng tác để quảng cáo cũng tăng lên. Những gì Ronaldo mang lại còn hơn là những bàn thắng.
Manchester United cũng sẽ nhận sự tăng trưởng khủng khiếp ấy từ CR7.
MU sẽ sớm hồi vốn?
Phó chủ tịch MU Ed Woodward được cho là sớm thông báo với nhà Glazer về lợi ích thương mại mà Ronaldo mang lại cho CLB. Joel Glazer, người con tham gia vào nhiều hoạt động nhất của MU, bị thuyết phục hoàn toàn bởi ý tưởng của thương vụ này.
MU đã nhìn ra cách lấy lãi từ CR7. Với chi phi 12,9 triệu bảng cùng mức lương khoảng 450.000 bảng/tuần, MU sẽ mất cho Ronaldo 60 triệu bảng trong 2 năm hợp đồng. Nếu điều khoản tự động gia hạn được kích hoạt, con số sẽ lên mức 90 triệu.
MU lúc này bắt đầu quá trình hồi vốn khi trao cho Ronaldo chiếc áo số 7 biểu tượng. Những nhà tài trợ bắt đầu tăng tiền, và việc tìm kiếm nhà tài trợ mới cho sân tập đang nằm trong ưu tiên của “Quỷ đỏ”.
Ronaldo sẽ ngốn của MU ít nhất 60 triệu bảng. Ảnh: Getty.
MU không cần ai hiến kế cách để tận dụng ích lợi từ Ronaldo. Vì tất cả quá rõ ràng. “Ảnh hưởng của Ronaldo là không thể tin nổi, đặc biệt đối với doanh thu thương mại và sân vận động, và nó còn có thể kinh khủng hơn nữa nếu không có đại dịch”, Andrea Sartori, trưởng bộ phận thể thao của KPMG, viết trong cuốn sách “Từ Madrid tới Turin: Ngành công nghiệp Ronaldo”.
“Nếu nhìn vào doanh thu thương mại, Ronaldo giúp Juve tăng từ ngưỡng 123 triệu bảng vào mùa 2017/18 lên mức 150 triệu bảng vào mùa 2019/20. Về tiền tài trợ áo đấu, con số tăng từ 14,5 triệu bảng lên 39,5 triệu với Jeep, và từ 23 triệu bảng lên 51 triệu bảng với Adidas”, Sartori viết.
“Trên mạng xã hội, Juve có hơn 50 triệu lượt theo dõi trước khi Ronaldo về. Con số này giờ là 110 triệu, tức hơn gấp đôi. Lượng bán áo đấu của Juve cũng tăng như vậy, bất chấp đại dịch”.
Song lần trở lại MU của Ronaldo mang tới điểm xuất phát khác biệt hoàn toàn so với Juventus. Bởi MU vốn là bậc thầy trong khoản thương mại tầm quốc tế.
Báo cáo mới nhất của Deloitte tiết lộ doanh thu các hoạt động quảng bá của MU trong mùa giải 2019/20 là 282 triệu bảng, chiếm 55% doanh thu tổng của CLB. Con số này đứng đầu Premier League. Trên thế giới, Barca, Real Madrid và Bayern làm tốt hơn “Quỷ đỏ”.
Juventus, ngay cả khi có CR7, đạt ngưỡng 162 triệu bảng, nhiều hơn Tottenham. Khi Juve mang về Ronaldo, doanh thu của đội bóng này chỉ là 343 triệu bảng, kém 300 triệu so với Real, Barca hay MU.
“Premier League hay MU vốn là những thương hiệu toàn cầu về thể thao, kéo theo nguồn doanh thu khủng”, Sartori nhấn mạnh. “Tôi không nghĩ khả năng tăng trưởng của MU với Ronaldo cần so sánh với thời còn Juventus. Điểm xuất phát của 2 CLB là khác nhau, và cả vì đại dịch nữa”.
Từ giai đoạn đầu những năm 2000, MU luôn biết cách tận dụng tối đa lượng CĐV được ước tính lên tới 1,1 tỷ người trên toàn cầu. Với Woodward và Richard Arnold trong vai trò giám đốc, MU giờ có 24 nhà tài trợ.
Teamviewer, công ty trở thành nhà tài trợ áo đấu chính từ mùa này, đồng ý trả 47 triệu bảng/năm cho MU theo hợp đồng có thời hạn 5 năm. Con số với Adidas là 80 triệu bảng/năm.
Nhiều nguồn tin cho biết Adidas thất vọng tràn trề với MU trong những mùa giải qua khi lượng áo đấu bán ra không tốt. Song, mọi thứ sẽ chỉ là dĩ vãng khi Ronaldo quay lại Old Trafford. Dĩ nhiên, MU không thu về quá nhiều tiền chỉ nhờ việc bán áo đấu.
“CLB sẽ có được bao nhiêu tiền từ việc bán áo đấu? Có thể là 10% (từ giá bán công khai) nếu họ may mắn”, Ehsen Shah, giám đốc điều hành của B-Engaged, chuyên gia về thương mại thể thao, nhấn mạnh. “Phần còn lại thuộc về Adidas. Ai là kẻ chiến thắng trong vụ Ronaldo về MU? Câu trả lời là Adidas”.
“MU là một trong những cỗ máy kiếm tiền thương mại mạnh nhất thế giới. Họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ Ronaldo? Họ có đối tác và vốn đã cực kỳ thông minh trong chuyện này. MU làm được điều không CLB nào làm được trong khâu thương mại. Và theo tôi, chắc chắn họ sẽ kiếm được lãi lớn từ Ronaldo”.
Nâng tầm vị thế
Việc Ronaldo trở lại MU thực tế không chỉ dừng lại câu chuyện tiền bạc. Lãnh đạo của một CLB hàng đầu châu Âu nói với The Athletic : “Kế hoạch dài hơi của CLB có thể bị bỏ qua để ký hợp đồng với cầu thủ như Ronaldo. Sự trở lại Old Trafford của CR7 củng cố vị trí hàng đầu củ MU trong thế giới bóng đá”.
“Đây là điều MU đã thiếu vắng trong thời gian dài”, Shah nói. “Ronaldo mang tới giá trị nhiều hơn số dư trong ngân hàng. Việc ký hợp đồng với CR7 xác nhận “Quỷ đỏ” vẫn có thể vươn tới những ngôi sao hàng đầu”.
MU được kỳ vọng cạnh tranh chức vô địch Premier League trong mùa giải này. Ảnh: Getty.
“Ronaldo và Messi là những cá nhân ở tầm riêng trong thế giới bóng đá. Có một trong hai giúp CLB của bạn giữ vững vị thế của một ông lớn”, Shah nhấn mạnh.
Sự trở lại của CR7 tạo ra hiệu ứng khủng khiếp cho MU trên mạng xã hội. Tài khoản của MU trung bình thu hút thêm 30.000 lượt theo dõi mới vào mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau khi CLB xác nhận đạt thỏa thuận với CR7, con số đã tăng thêm 800.000. Khi hợp đồng được ký, con số tăng đạt mức 3,1 triệu.
Màn trở lại này của CR7 trở thành vụ chuyển nhượng được nhắc tới nhiều nhất lịch sử, qua mặt vụ chuyển nhượng Messi tới PSG.
Ronaldo là người khổng lồ thực sự trên mạng xã hội, thậm chí lớn hơn chính MU. Lượng theo dõi của CR7 là 337 triệu. Anh cũng là VĐV được theo dõi nhiều nhất trên Twitter (94 triệu). Chỉ Barack Obama, Justin Bieber, Katy Perry và Rihanna nhiều lượt theo dõi hơn CR7.
MU không thể so bì với CR7. Lượng theo dõi tối đa mà “Quỷ đỏ” có chỉ là gần 200 triệu.
Cơ hội để tăng trưởng thương mại của MU từ Ronaldo là rất rõ ràng. Vậy chuyện trên sân cỏ thì sao? CR7 nhiều khả năng ra mắt MU ngay trong trận đấu với Newcastle ngày 11/9. MU đã trải qua 8 mùa giải trắng tay tại Champions League.
Tại Champions League, ngưỡng xa nhất MU vươn tới từ năm 2011 là vòng tứ kết. CR7 được kỳ vọng thay đổi thực tế đó, dù chặng đường trước đó tại Juventus của siêu sao này đã kết thúc với những dang dở về chuyên môn.
Song dù sao, điều MU có cũng sẽ là rất nhiều tiền, cùng vị thế một trong những CLB mạnh nhất châu Âu. Điều đó khác so với những năm gần đây, khi MU có giá trị thương mại, còn lại thì thua những kình địch như Man City, Liverpool hay Chelsea.
Phản ứng của Maguire khi Ronaldo về MU Trong lúc hội quân cùng tuyển Anh trước trận gặp Hungary ở vòng loại World Cup, đội trưởng Man United bày tỏ sự phấn khích với bản hợp đồng mới nhất của đội bóng.
Super League phản bội để sinh tồn
Việc chia phe ở sự kiện như Super League là điều dễ hiểu, song nếu nhìn nhận vào bản chất, UEFA và 12 CLB đòi lập giải đấu riêng đang nói và làm những vấn đề khác nhau.
"Andrea Agnelli? Tôi sẽ không nói nhiều về anh ta. Đó là thất vọng lớn nhất. Chúng tôi nói chuyện vào hôm thứ bảy, và anh ta nói đó chỉ là tin đồn, hẹn gọi sau một tiếng và tắt máy. Hôm sau, tuyên bố được đưa ra. Tôi chưa bao giờ thấy một người có thể dối trá đến như vậy".
Đó là những lời lẽ đầy cay đắng mà Chủ tịch Aleksander Ceferin nhắm tới Chủ tịch Juventus Andrea Agnelli và cũng là cựu chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA).
New York Times tiết lộ Agnelli là cha đỡ đầu của con trai Ceferin. Sự phản bội của Agnelli hay 12 CLB châu Âu với UEFA vì vậy càng được tô vẽ như một con dao đâm sau lưng ông.
Ceferin mô tả mình bị Agnelli đâm sau lưng. Ảnh: Getty.
Giá trị sinh tồn
"Cuộc phản bội" này được đón chào bằng sự tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của Juventus và MU đều tăng mạnh giá trị trong phiên ngày 19/4.
Cổ phiếu của Juve tăng 17,85% lên ngưỡng 0.91 euro/cổ. Con số này với MU là 6,74%, lên ngưỡng 17.26 USD/cổ. Tháng 3/2020, cổ phiếu của Juve, MU hay nhiều CLB khác đền chạm mốc thấp nhất trong 3 năm qua.
Nguyên nhân đều bởi dịch Covid-19. Từ đó tới giờ, tài sản tượng trưng cho giá trị của những CLB hàng đầu châu Âu đều chỉ lình xình và chưa từng quay lại đỉnh cũ.
Những thương vụ bom tấn như Cristiano Ronaldo rời MU gia nhập Real Madrid không thể xuất hiện lúc này. Ảnh: Getty.
Những nhà đầu tư trên toàn thế giới rõ ràng đón nhận thông tin về Super League với sự lạc quan. Họ không quan tâm tới các giá trị đạo đức bị xâm phạm như cách Ceferin chỉ trích Agnelli hay Ed Woodward.
Việc các sân vận động không thể đón khách, trong khi tiền vẫn phải trả để duy trì hoạt động là lý do khiến các CLB bóng đá trở nên mất giá trị trong mắt các nhà đầu tư. Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez, xác định điều này trong cuộc phản pháo UEFA sau khi Super League tạo ra hỗn loạn chưa từng có.
"Khi không có nguồn thu nào khác ngoài bản quyền truyền hình, bạn sẽ nghĩ đến việc tạo ra các trận đấu cạnh tranh hơn, và chúng tôi đã thống nhất tạo ra Super League. Chúng tôi sẽ có giải pháp hạn chế lại những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra", ông nói.
"Tình hình mà chúng ta đang trải qua là một thảm họa. Những gì chúng tôi muốn làm là cứu lấy bóng đá. Để rồi chúng tôi có thể yên ổn sống trong 20 năm.
UEFA là tổ chức độc quyền, và nó phải dừng ở đây. Bóng đá đang trên bờ vực biến mất. Chúng ta phải hành động và hành động nhanh. UEFA đưa ra thể thức mới năm 2024, nhưng đến 2024, các CLB có thể đã phá sản hết rồi".
Cuộc phản pháo của Perez chỉ ra 2 điều. Super League với Real Madrid, Barca, MU, Juventus, Liverpool... là giải pháp sinh tồn duy nhất lúc này, khi các CLB đều oằn mình gồng nợ mà không có phương pháp nào giải quyết trọn vẹn nếu cứ tiếp tục thi đấu như mô hình cũ.
UEFA đang không tạo ra sân chơi đủ tốt và công bằng về mặt kinh tế cho những CLB hàng đầu. Bắt đầu từ mùa giải 2024/25, UEFA sẽ tăng số lượng CLB dự giải lên thành 36 đội.
Các đội bóng sẽ phải thi đấu nhiều trận hơn, trong khi tiền thưởng lại ít đi. Những CLB hàng đầu không thể chấp nhận điều này. Họ phải "làm" nhiều hơn, trong khi chi phí thu về lại bị cắt nhỏ.
Super League sẽ tự động mang về 400 triệu euro cho mỗi CLB tham dự. Khoản tiền này gấp 4 lần lợi nhuận trung bình một CLB có được khi vô địch Champions League.
Đối mặt với tình hình căng thẳng về tài chính và bỗng nhận được miếng bánh to hơn, 12 CLB hàng đầu châu Âu rõ ràng có lý để gật đầu và cam kết tới 23 năm với dự án tham vọng được hậu thuẫn tới 6 tỷ USD từ ngân hàng JP Morgan.
Super League có tôn trọng lịch sử?
Tuyên bố "Super League xóa bỏ lịch sử 70 năm của bóng đá châu Âu" của Sir Alex Ferguson là một trong những chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào giải đấu này từ các nhân vật kỳ cựu của bóng đá lục địa già. Làn sóng ấy vẫn chưa dừng lại.
Bên ngoài sân Anfield, các CĐV treo khăn tang tri ân ngày chết của "The Kop" cùng khẩu hiệu "Liverpool chống lại Super League". "Tạo ra bởi người nghèo, bị đánh cắp bởi người giàu" là khẩu hiệu khác được dựng ở ngoài sân Old Trafford.
Khúc mắc giữa UEFA và 12 CLB đứng ra để thành lập Super League là tiền. Đồ họa: Minh Phúc.
Các quan chức hàng đầu UEFA đang chỉ trích và đe dọa Super League trong tuyệt vọng. Chủ tịch Ceferin tuyên bố cầu thủ của các CLB dự Super League sẽ không được dự World Cup và EURO. "Super League chia rẽ thế giới bóng đá, và chúng tôi sẽ không cho phép họ làm điều đó", Ceferin nói.
UEFA đang bấu víu vào lịch sử, truyền thống và tình yêu bóng đá, những giá trị trừu tượng, để đấu với Super League, dù những người đứng đầu giải đấu này nhấn mạnh ngay từ đầu vấn đề là tiền.
Giá trị của UEFA Champions League nằm ở UEFA, hay ở 12 CLB tách ra làm Super League? 21 trong tổng số 28 chức vô địch Champions League đến từ 12 CLB này.
Chính họ tạo ra hào quang cho giải đấu con cưng của UEFA, nhưng không có quyền quyết định nào về thể thức và tiền thưởng của giải đấu này. Khi họ không thể giải quyết nổi bài toán kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, những thay đổi buộc phải đưa ra.
Những CĐV và truyền thông châu Âu chỉ trích dữ dội Super League. Gary Neville thậm chí đòi xử MU, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Man City xuống hạng để răn đe.
Song CĐV hay những người như Gary Neville phải nhìn nhận ra sự thật sau: Nếu Super League không ra đời để cứu các CLB hàng đầu châu Âu trong bối cảnh các sân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình của dịch bệnh, đội bóng con cưng của họ có thể sẽ phá sản thật như lời chia sẻ của Perez và biến mất.
Truyền thống, lịch sử, các CĐV hay UEFA liệu có cứu được những gã khổng lồ ngã ngửa khi ấy?
Chủ tịch UEFA khẩu chiến với Juventus vì Super League Tình bạn giữa Aleksander Ceferin (Chủ tịch UEFA) và Andrea Agnelli (Chủ tịch Juventus) tan vỡ vì Super League. Những cuộc khẩu chiến giữa 2 bên chưa dừng lại. "Đối với tôi, Agnelli không còn tồn tại. Tôi từng nghĩ chúng tôi là bạn bè, nhưng cậu ấy lại nói dối tôi. Agnelli đảm bảo tôi không phải lo lắng về bất kỳ...