Vì sao một số vi phạm giao thông được đề xuất tăng mức phạt 5-10 lần?
Theo Vụ ATGT, đề xuất tăng nặng một số mức phạt nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tăng mức răn đe đối với các hành vi nguy hiểm.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Theo ông Lê Văn Thanh, đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đồng thời là thành viên Ban soạn thảo Nghị định 100 cho biết việc sửa đổi Nghị định nhằm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật, cụ thể là Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2022.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng bổ sung, tăng nặng một số mức phạt để khắc phục các bất cập, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tăng mức răn đe đối với các hành vi gây bức xúc trong dư luận.
Mức phạt tối đa có thể lên tới 75 triệu đồng
- Xin ông cho biết vì sao chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 trong khi Nghị định này mới ra đời và đi vào vận hành chưa đầy 2 năm?
- Sau gần 2 năm thực thi, Nghị định 100 đã góp phần bảo đảm hiệu quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cần thiết phải sửa đổi một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có Nghị định 100 để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi Nghị định 100 được thực hiện theo kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo quyết định số 126 của Thủ tướng. Đồng thời, ban soạn thảo cũng đã rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các văn bản mới được ban hành liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ tại Nghị định 10, Thông tư 12.
Trong bối cảnh mỗi năm có thêm hàng triệu phương tiện giao thông, tình hình trật tự, an toàn giao thông có nhiều biến đổi, phát sinh nhiều tình huống, chúng tôi cũng sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục một số bất cập. Đây là những nội dung ở góc độ nào đó chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng và gây bức xúc trong dư luận.
- Trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đã tập trung vào những nội dung chính nào thưa ông?
- Trong lần sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 này, cơ quan soạn thảo trước hết đã tập trung vào việc rà soát, điều chỉnh nội dung của Nghị định để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi).
Cụ thể, quy định về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đường bộ từ 40 triệu đồng được đề xuất tăng lên 75 triệu đồng đối với cá nhân. Cụ thể là hành vi chở quá số người quy định, trước đây dù chở quá rất nhiều người thì mức phạt tối đa chỉ đến 40 triệu, nay phạt tối đa lên 75 triệu đồng.
Video đang HOT
Xe chở quá số người quy định có thể bị phạt tới 75 triệu đồng. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Đồng thời, chúng tôi cũng sửa đổi thẩm quyền của các chức danh được phép xử phạt gồm mức xử phạt tiền và thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm. Quy định mới này sẽ giảm việc phải chuyển các vụ việc vi phạm từ cấp dưới lên cấp trên để ra quyết định xử phạt, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ví dụ trước đây trưởng phòng CSGT có quyền phạt tiền đến 8 triệu đồng thì hiện nay được phạt tiền đến 15 triệu đồng. Giám đốc công an cấp tỉnh trước đây có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng thì hiện nay được phạt tiền đến 37,5 triệu đồng.
Dự thảo cũng được sửa đổi, bổ sung các quy định mà Luật Xử lý vi phạm hành chính giao Chính phủ phải quy định chi tiết trong các nghị định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; vi phạm nhiều lần được coi là tình tiết tăng nặng; các trường hợp được coi là tổ chức, coi là cá nhân để xác định mức xử phạt…
Ngoài ra, một số hành vi nguy cơ cao dẫn tới tai nạn, có tính chất gian dối và gây nguy hại cơ sở hạ tầng sẽ được tăng nặng mức phạt như: Không có giấy phép lái xe; che biển số; buôn bán, sản xuất biển số giả; đua xe; chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu đường; điều khiển xe gắn biển số nước ngoài hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép…
Tiếp tục lắng nghe góp ý để hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành
- Trong dự thảo Nghị định đề xuất tăng rất cao đối với hành vi bán và sản xuất biển số xe giả. Tuy nhiên hành vi sử dụng biển giả vẫn giữ nguyên mức phạt 4-6 triệu đồng. Trao đổi với Zing, một số chuyên gia kiến nghị tăng mức xử phạt bởi hành vi này có tính gian dối và gây hệ quả lớn trong bối cảnh đẩy mạnh phạt nguội hiện nay. Ông nghĩ sao?
- Việc sản xuất, bán, sử dụng biển số giả gây ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự, an toàn giao thông; gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình quản lý phương tiện và xác định người điều khiển xe vi phạm. Đặc biệt, hành vi này còn ảnh hưởng đến hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện và xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Về những đề xuất đã được phản ánh, ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận để phối hợp với cơ quan chuyên môn của Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi Chính phủ ký ban hành
Để góp phần ngăn chặn từ “gốc” tình trạng này, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100 đã đề xuất tăng cao mức xử phạt tiền đối với hành vi sản xuất biển số trái phép và hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Đối với hành vi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, theo quy định tại Điều 16 người điều khiển phương tiện ngoài bị phạt tiền 4-6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước bằng lái 1-3 tháng và bị tịch thu biển số không đúng quy định.
Về những đề xuất đã được phản ánh, ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận để phối hợp với cơ quan chuyên môn của Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi Chính phủ ký ban hành.
- Cục CSGT kiến nghị sửa đổi khoản 8, Điều 80 liên quan tới việc chuyển bằng chứng về địa phương, tạo điều kiện cho người vi phạm được lập biên bản ở địa phương, tránh phải đi xa. Vậy tại sao trong dự thảo hoàn chỉnh, điều này không được điều chỉnh thưa ông?
- Một trong những điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính là sửa đổi, bổ sung Điều 64, trong đó giao Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng, đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp…
Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 165 quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
Trong đó sẽ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính thống nhất trong các lĩnh vực, bao gồm cả việc chuyển bằng chứng vi phạm cho các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 không điều chỉnh cụ thể vấn đề này.
- Xin ông cho biết vì sao đối với hành vi xe chở quá tải chỉ còn 3 mức xử lý vi phạm thay vì 5 mức như trước đây? Vì sao cần xử phạt nặng hành vi này?
- Chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường là hành vi rất nguy hiểm nhất là trong bối cảnh nguồn lực để xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn rất hạn chế.
Hiện nay, cơ bản người lái xe, chủ phương tiện đã hiểu rõ các quy định này và chấp hành quy định về tải trọng cầu đường. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận lái xe, chủ phương tiện và doanh nghiệp vận tải vì lợi ích cá nhân vẫn cố tình vi phạm.
Hành vi này gây hư hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khai thác của những tuyến đường mà Nhà nước đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để nâng cấp, cải tạo, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của Nhà nước và của xã hội. Đồng thời hành vi này còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người, phương tiện cùng tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Xe quá tải là nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng hạ tầng giao thông. Ảnh: L.H.
Vì vậy cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn với những trường hợp này. Theo đó, việc điều chỉnh từ 5 mức thành 3 mức gồm quá 10-20%, từ 20-50%, trên 50% để đưa ra mức xử phạt phù hợp hơn. Đồng thời chúng tôi đánh giá việc vi phạm quá tải từ 20% trở lên là mức thể hiện hành vi cố ý vi phạm do vậy sẽ tăng thật nặng mức phạt đối với vi phạm mức này trở lên nhằm đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông.
Tác động, nâng cao ý thức người dân là điều quan trọng nhất
- Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được coi là “thương hiệu” của Nghị định 100. Trong dự thảo mới, cơ quan soạn thảo không điều chỉnh chế tài đối với hành vi này. Vậy theo ông liệu với chế tài như hiện nay đã đủ sức răn đe chưa?
- Một trong những kết quả đạt được lớn nhất của Nghị định 100 là quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó là sự lan tỏa, tuyên truyền, ra quân tích cực của các cơ quan, ban ngành và của chính người dân. Chúng tôi nhận thấy điều này từ những câu chuyện trực tiếp trong đời thường đến không gian mạng. Đến nay, cơ bản người tham gia giao thông đã nắm rõ các quy định, hiểu rõ tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi lái xe; đồng tình với việc xử phạt của lực lượng chức năng đối với hành vi này.
Mức phạt đối với các lỗi vi phạm nồng độ cồn vẫn được giữ nguyên như hiện hành. Ảnh: H.Q.
Đồng thời, phần lớn người tham gia giao thông đã tự thay đổi dần thói quen, góp phần kéo giảm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Việc tác động được đến ý thức người lái xe là điều mong muốn nhất khi xây dựng các quy định pháp luật, nôm na chúng ta hay nói là quy định pháp luật đã được chấp nhận và đi vào cuộc sống.
- Về lâu dài, chúng ta sẽ cần phải tính những giải pháp nào để có thể nâng cao ý thức và quản lý tốt con người, thay vì liên tục tăng mức phạt lên cao như hiện nay?
- Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm chỉ là một trong những giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm hành chính, nâng cao ý thức của người dân.
Để thực hiện tốt việc này, ngoài việc quy định chế tài xử phạt, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật. Bởi việc tác động tới nhận thức con người là việc quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát để điều chỉnh tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử phạt kịp thời, nghiêm minh.
Tăng nặng xử phạt người đi xe gắn máy vi phạm để răn đe
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung tăng nặng nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm để răn đe.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 100/CP/2019 đề xuất tăng nặng nhiều mức phạt liên quan đến người điều khiển xe máy, nhất là không có giấy phép lái xe (GPLX), bảo hiểm trách nhiệm dân sự...
Nghị định 100/CP hiện nay chỉ quy định một mức xử phạt hành vi người điều khiển mô tô, xe máy không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ, với mức xử phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng, dự thảo sửa đổi Nghị định 100/CP dự kiến tăng lên 1 - 2 triệu đồng.
Tăng nặng xử phạt người đi xe gắn máy vi phạm để răn đe. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.
Bên cạnh đó, mức phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng được đề xuất áp dụng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Đáng chú ý, người đi xe gắn máy trên 175 cm3, xe mô tô ba bánh mà không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ hiện bị phạt 3 - 4 triệu đồng, dự kiến tăng 4 - 5 triệu đồng. Người đi xe máy không biển số, biển không rõ chữ số, che biển số, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tăng gấp 10 lần hiện nay.
Dự thảo Nghị định cũng tăng mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng lên 500.000 - 700.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, người điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hiện nay bị phạt 200.000 - 300.000 đồng, dự thảo Nghị định sửa đổi đề xuất tăng lên 400.000 - 600.000 đồng.
Theo Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT), việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi không có GPLX hoặc sử dụng GPLX hết hạn, nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình GPLX, chấp nhận nộp phạt thay vì phải tước GPLX. Thực tế hiện nay, một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, thời gian tước quyền sử dụng GPLX dài, nên nhiều trường hợp vi phạm cố tình không xuất trình GPLX, khai báo mất để trốn tránh việc bị tước GPLX...
Tình trạng xe quá tải tái bùng phát tại nhiều địa phương Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xe chở hàng quá tải bùng phát, ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường địa phương. Chỉ trong 2 tháng 7-8, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn hơn 22.300 phương tiện, phát hiện trên 2.800 xe...