Vì sao Modric bị dân Croatia ghét?
Một ‘vết đen’ trong quá khứ khiến chiến binh của đội tuyển Croatia bị chính cổ động viên nhà ghét bỏ.
Luka Modric có màn trình diễn xuất sắc cùng đội tuyển Croatia ở World Cup 2022. Ảnh: Mirror
Nếu ghi bàn giúp đội tuyển Pháp bảo vệ thành công chức vô địch World Cup tại Qatar, Kylian Mbappe sẽ được đối xử như “vị vua trẻ” của nước Pháp. Nếu cùng các đồng đội ở đội tuyển Argentina làm nên lịch sử ở World Cup 2022, Lionel Messi sẽ được phong thánh như huyền thoại Diego Maradona tại quê nhà.
Nhưng nếu là Luka Modric đem về vinh quang cho đội tuyển Croatia thì phản ứng tại quê nhà chưa chắc đã được như 2 siêu sao kể trên. Modric không “được lòng” người hâm mộ quê nhà, nếu không muốn nói là bị phần lớn dân chúng ghét bỏ, theo tờ ESPN.
Vì sao một cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Croatia, luôn tỏa sáng ở các kỳ World Cup lại phải nhận sự “ghẻ lạnh” từ chính người hâm mộ quê nhà?
“Vết đen” quá khứ
Mọi chuyện xoay quanh mối quan hệ của Modric với một trong những người đàn ông quyền lực nhất bóng đá Croatia – Zdravko Mamic.
Khi còn thi đấu ở câu lạc bộ trong nước Dinamo Zagreb, Modric ký hợp đồng với Mamic giống như nhiều cầu thủ khác. Mamic thời điểm đó đảm nhiệm các chức vụ như phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Croatia, giám đốc điều hành của câu lạc bộ Dinamo Zagreb và có thời điểm được xem là “ông trùm” của bóng đá Croatia.
Theo thỏa thuận được ký, Mamic hỗ trợ tài chính ban đầu cho các cầu thủ để đổi lấy một phần thu nhập của họ khi nổi tiếng. Các điều khoản sẽ được cài vào hợp đồng của cầu thủ, trong đó nêu rõ nếu cầu thủ được bán cho câu lạc bộ khác, khoản phí chuyển nhượng của họ sẽ bị cắt giảm. Các cầu thủ sẽ dùng số tiền cắt giảm này để trả cho Mamic.
Trong trường hợp của Modric khi chuyển tới câu lạc bộ Tottenham năm 2008, phí chuyển nhượng của anh là 10,5 triệu euro. Tuy nhiên, phần lớn trong số này (8,5 triệu euro) phải trả cho Mamic.
Rắc rối xảy ra khi Mamic bị buộc tội cài cắm một số điều khoản thu phí chuyển nhượng sau khi các cầu thủ như Modric, Dejan Lovren, Sime Vrsaljko hay Mateo Kovacic đã được bán.
Năm 2015, Mamic bị bắt và bị buộc tội tham nhũng, trốn thuế và cuối cùng bị kết án cùng 3 đồng phạm. Tháng 6/2018, Mamic bị kết án 6,5 năm tù giam nhưng sau đó bỏ trốn sang Bosnia-Herzegovina trước khi có phán quyết của tòa.
Modric trong lần làm chứng tại tòa năm 2017. Ảnh: Getty
Vậy Modric liên quan gì để phải nhận sự thù ghét của người hâm mộ Croatia. Tháng 6/2017, tiền vệ thuộc biên chế câu lạc bộ Real Madrid cùng cầu thủ Dejan Lovren đã làm chứng trong phiên tòa xét xử Mamic. Modric khai rằng “Tôi không nhớ” khi được hỏi về những chi tiết như số tiền cầu thủ này kiếm được trong những ngày đầu thi đấu cho Dinamo Zagreb và khi ra mắt cho đội tuyển quốc gia.
Đặc biệt, Modric khai rằng các điều khoản trong hợp đồng được đề cập đã có sẵn trước khi anh chuyển sang thi đấu cho câu lạc bộ Tottenham năm 2008.
Lời khai trên khác hẳn với các lời khai trước đó, khiến chúng không thể trở thành căn cứ để buộc tội Mamic. Tháng 3/2018, Modric bị buộc tội khai man. Truyền thông thời điểm đó đưa tin, tiền vệ này có thể đối mặt với bản án 5 năm tù nếu bị kết tội.
Modric đã giúp Mamic, người có lẽ được anh coi là ân nhân, thoát án tù. Nhưng việc Modric “phản cung” đã khiến người hâm mộ nổi giận, thù ghét anh. Nhiều người gọi anh là “kẻ phản bội”. Trước đó, Modric cũng không nhận được nhiều thiện cảm ở Croatia. Người hâm mộ Croatia đã phát ngán với nạn tham nhũng của bóng đá trong nước. Và mối quan hệ của Modric với Mamic được cho là một phần của vấn đề.
Video đang HOT
Khó được tha thứ?
Tại Euro 2016, một số cổ động viên Croatia đã ném pháo sáng xuống sân trong trận đấu của đội nhà với Cộng hòa Séc. Đây là phản ứng đầy tiêu cực của nhóm cổ động viên Croatia muốn nói rằng liên đoàn bóng đá Croatia không trong sạch. Có những con người đang thao túng toàn bộ nền bóng đá nước này.
Tại World Cup 2018 ở Nga, sự ác cảm của người hâm mộ Croatia với Modric vẫn được thể hiện. Một cổ động viên Croatia mặc chiếc áo số 10 (số áo thi đấu của Modric) với dòng chữ “tôi không nhớ” (lời khai của Modric tại tòa).
Trên các bức tường tại Zagreb, nhiều người đã vẽ lên dòng chữ: “Modric, một ngày nào đó anh sẽ phải nhớ ra thôi”, mỉa mai về lời khai của cầu thủ này.
Dòng chữ: “Modric, một ngày nào đó anh sẽ phải nhớ ra thôi” ghi phía trước nhà hàng, nơi Modric và gia đình từng sống tị nạn khi còn chiến tranh ở Croatia. Ảnh: Twitter
Modric có lẽ không muốn đem các vấn đề ngoài sân cỏ vào bóng đá, theo ESPN. Khi được một phóng viên của tờ Guardian (Anh) hỏi trước một trận đấu ở World Cup 2018 rằng liệu vụ lùm xùm có khiến anh và toàn đội Croatia mất tập trung hay không, Modric thẳng thắn đáp lại: “Anh không có câu hỏi nào thông minh hơn ư? Đây là sân chơi World Cup, không phải tòa án. Anh mất công chuẩn bị chỉ để hỏi câu đó thôi à?”.
Các cầu thủ thường xuyên bị phân tâm hoặc bị loại khỏi các trận đấu khi tinh thần của họ bị ảnh hưởng bởi các lùm xùm ngoài sân cỏ, nhưng Modric đã có màn trình diễn đáng kinh ngạc ở World Cup 2018 dù biết rằng có thể phải đối mặt với án phạt khai man tại tòa.
Tại World Cup 2018, Modric cùng các đồng đội đã đi tới trận chung kết và chỉ chịu thất thủ 2-4 trước dàn sao của đội tuyển Pháp. Đích thân Tổng thống Croatia khi đó, bà Grabar-Kitarovic, đã xuống trao huy chương, an ủi và lau nước mắt cho Modric. Tháng 12 cùng năm, một tòa án phúc thẩm ở Croatia tuyên bố không đủ bằng chứng để kết tội khai man của Modric. Cầu thủ này thoát án tù.
Tổng thống Croatia Grabar-Kitarovic lau nước mắt, an ủi Luka Modric năm 2018. Ảnh: Reuters
Tờ ESPN từng ví von rằng, trong thế giới bóng đá hiện đại được xác định bởi những khoảnh khắc, Modric được xem là một bộ phim hấp dẫn dài 3 tiếng.
Nhưng những thành công trong bóng đá có làm mờ “vết đen” quá khứ của tiền vệ Croatia. Theo ESPN, câu trả lời có lẽ là không hoàn toàn. Một khảo sát cho thấy nhiều người có ác cảm với Modric sẽ không thay đổi quyết định của họ. Một số người cho rằng, nếu chỉ xét ở World Cup, Modric chắc chắn là một người hùng. Nhưng ác cảm của người hâm mộ Croatia về cầu thủ này khó có thể thay đổi.
Màn trình diễn xuất sắc của Modric ở World Cup 2018 và World Cup 2022 liệu có giúp xóa mờ “vết đen” quá khứ? Ảnh minh họa: Mirror
Tại World Cup 2022 ở Qatar, Modric cùng các đồng đội một lần nữa chiến đấu kiên cường để vượt qua vòng bảng, loại ứng viên vô địch – đội tuyển Brazil – ở tứ kết và hiên ngang bước vào bán kết gặp Argentina của Lionel Messi vào 2h sáng 14/12 (giờ Việt Nam). Modric có thể giúp Croatia đi xa hơn và giành chức vô địch World Cup 2022. Nhưng điều đó có giúp anh giành lại hoàn toàn thiện cảm của người hâm mộ nước nhà hay không, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Sự khác biệt phi thường của tuyển Croatia
Chiến thắng trước đội tuyển Brazil hùng mạnh không phải là lần đầu tiên đội tuyển Croatia tạo nên bất ngờ tại các kỳ World Cup hay Euro.
Croatia là vùng đất có bề dày lịch sử bóng đá. Dù quy mô diện tích khiêm tốn ở khu vực Balkan, với dân số thuộc hàng thấp nhất châu Âu, Croatia lại thường sản sinh ra những cầu thủ đẳng cấp thế giới.
"Chúng tôi giống như khu vực ngoại ô của một siêu đô thị ở Brazil. Brazil có dân số 200 triệu người. Còn Croatia chỉ có trên dưới 4 triệu", Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Croatia Zlatko Dalic nói, theo Le Monde.
Thế nhưng hôm 10/12, Croatia tiếp tục làm nên một bất ngờ tại World Cup khi đánh bại gã khổng lồ Brazil tại vòng tứ kết.
Đội bóng lớn trên vùng đất nhỏ
Chỉ riêng ở châu Âu, 30 quốc gia có dân số lớn hơn Croatia. Thế nhưng kể từ khi giành được độc lập năm 1991, quốc gia Balkan đã dần khẳng định sức mạnh của mình trên bản đồ bóng đá thế giới.
Với Zlatko Dalic và các cầu thủ của ông, tinh thần chiến đấu mà họ đã thể hiện tại kỳ World Cup năm nay giống như một phần DNA của đất nước.
"Đừng bao giờ đánh giá thấp Croatia. Tuy là một đất nước nhỏ bé, chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", Huấn luyện viên Dalic nói sau khi đội bóng của ông vượt qua Nhật Bản ở vòng 16 đội bằng tỷ số 3-1 trên chấm phạt đền, theo Guardian.
"Đội bóng này phản ánh tâm hồn của người dân Croatia. Chúng tôi là dân tộc siêng năng, chăm chỉ, chiến đấu cho những gì mình muốn đạt được. Lịch sử đang tiếp tục lặp lại", ông Dalic cho biết.
Các cầu thủ Croatia ăn mừng sau khi đánh bại Nhật Bản tại vòng 16 đội. Ảnh: Reuters.
4 năm trước trên đất Nga, Croatia là đội bóng Á quân khi thất bại 4-2 trong trận chung kết trước đội tuyển Pháp. Cùng năm đó, đội trưởng Luka Modric nhận danh hiệu Ballon d'Or.
Thế hệ hiện nay của Croatia được truyền cảm hứng và đang tiếp bước đội hình từng về thứ 3 tại World Cup 1998 trên đất Pháp sau khi thất bại tại bán kết trước đội chủ nhà. Năm đó, đội hình Croatia có những tên tuổi đã trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới như Davo Suker, Zvonimir Boban.
"Họ là thần tượng của đất nước, chúng tôi muốn làm những gì tốt nhất có thể như họ từng đạt được, thậm chí có thể tốt hơn", đội trưởng Luka Modric nói trước khi vòng chung kết World Cup 2022 khởi tranh.
Ngọn nguồn lịch sử
Để hiểu vì sao một vùng đất nhỏ bé với vỏn vẹn 4 triệu dân có thể sản sinh nhiều ngôi sao sân cỏ đến vậy, cần nhìn vào lịch sử của Croatia.
"Bóng đá đã ngự trị tại vị trí đặc biệt trong quá trình xây dựng độc lập của Croatia", Loic Trégourès, tác giả cuốn sách "Bóng đá trong cơn hỗn loạn ở Nam Tư", nói.
Sau khi Croatia giành độc lập từ Nam Tư cũ, các nhà lãnh đạo của quốc gia non trẻ quyết định sử dụng thể thao làm công cụ để xác định và củng cố danh tính đất nước.
"Ngay từ Euro 1996, các cầu thủ đã cảm nhận được sự thôi thúc chứng minh quyền được tồn tại của đất nước Croatia", ông Trégourès nói.
Danh thủ Davor Suker trong trận đấu với đội tuyển Pháp ở World Cup 1998. Ảnh: AP.
Kể từ khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, đội trưởng Luka Modric, vận động viên giá trị nhất của nền thể thao Croatia và hiện là ngôi sao của Real Madrid, đã nhiều lần khẳng định "được thi đấu cho Croatia là điều linh thiêng". Ở tuổi 37, Modric tiếp tục xua đi các tin đồn anh có ý định giải nghệ sau World Cup.
Dưới triều đại Tổng thống Josip Tito, thể thao nói chung đạt được những sự phát triển đáng chú ý tại Nam Tư cũ. Truyền thống này tiếp tục được duy trì sau khi Croatia rời khỏi Nam Tư để trở thành quốc gia độc lập.
"Cấu trúc nền thể thao và các huấn luyện viên giỏi vẫn còn đó", ông Trégourès lý giải.
Dinamo Zagreb là một trong những câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống và thành công nhất Croatia cho đến ngày nay. Câu lạc bộ là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ ngôi sao sân cỏ.
"Dinamo Zagreb biết cách đào tạo các cầu thủ, biết cách tìm thấy họ, huấn luyện họ, khiến họ trở nên giỏi giang và bán đi. Không giống như bất cứ nơi nào khác, câu lạc bộ biết cách làm tốt nhất dù ngân sách eo hẹp hơn nhiều", ông Trégourès nói.
Các ngôi sao hàng đầu của Croatia như Luka Modric, Mateo Kovacic, Dejan Lovren đều xuất thân từ Dinamo Zagreb. Trong đội hình đội tuyển Croatia đang thi đấu tại Qatar lúc này, có 4 cầu thủ khác đang chơi cho đội bóng thủ đô.
"Trung tâm huấn luyện của Dinamo thuộc loại tốt nhất châu Âu", Andrej Kramaric, tiền đạo CLB Hoffenheim nói.
Kramaric gia nhập Dinamo Zagreb năm 6 tuổi. Đến nay, cầu thủ này vẫn nhớ về "chương trình đào tạo xuất sắc" ở câu lạc bộ thời niên thiếu của mình.
"Nếu một cầu thủ chen chân được vào đội 1, cậu ấy sẽ có tất cả mọi thứ cần thiết để cạnh tranh trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu", Kramaric nói.
Và những gì ngôi sao của Hoffenheim nói là có căn cứ. Đến nay, Croatia vẫn tiếp tục sản sinh ra những vận động viên ở tầm cỡ thế giới, không chỉ trong bóng đá, mà còn trong những bộ môn khác như bóng rổ, quần vợt, bóng nước.
Sự dị thường của thế giới bóng đá
Công thức thành công của Croatia không được tìm thấy tại các nước Nam Tư cũ khác, ngay cả tại những quốc gia với dân số đông hơn như Serbia.
"Hiện nay, Croatia và Serbia không ở cùng đẳng cấp. Croatia là một thế lực của bóng đá châu Âu, thường xuất hiện ở tất cả giải đấu lớn. Serbia thì không", ông Trégourès nói.
Với vị chuyên gia, sự khác biệt giữa hai nền thể thao một phần đến từ lịch sử của hai nước sau cuộc nội chiến ở Nam Tư.
Luka Modric và Trợ lý HLV Vedran Corluka ăn mừng sau chiến thắng trước Brazil. Ảnh: Reuters.
"Serbia là đội tuyển của một đất nước mặc nhiên trở nên độc lập, là hệ quả của nội chiến. Còn Croatia phải chiến đấu và chiến thắng để độc lập và có đường biên giới như ngày nay. Đó là hai trạng thái cảm xúc khác nhau", ông Trégourès miêu tả về nguồn gốc sức mạnh tinh thần của đội tuyển Croatia.
Đội trưởng đội tuyển Croatia Luka Modric không dưới một lần miêu tả bản thân là "đứa con của chiến tranh", và bóng đá là con đường để "thoát khỏi những gì xảy ra xung quanh anh". Thế nhưng, Croatia ngày nay không còn là hố bom như đất nước này từng trải qua vào cuối thập niên 1990.
Theo Reuters, Croatia hiện là một thành viên của Liên minh châu Âu EU và vừa gia nhập cộng đồng tự do di chuyển Schengen. Croatia là nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, khoảng 18.000 USD/năm, gấp đôi nước láng giềng Serbia.
"Nhưng đất nước nhỏ bé này vẫn tự nhận thức họ là một sự dị thường trong thế giới bóng đá. Và người Croatia tự hào vì điều ấy", ông Trégourès nói.
Sau thất bại trong trận chung kết trên đất Nga năm 2018, đội tuyển Croatia đã được bổ sung nhiều gương mặt mới. Và như HLV Dalic khẳng định, đội tuyển Croatia hiện có "một thế hệ cầu thủ mới", sẵn sàng đối đầu với các ông lớn và có thể tạo nên lịch sử.
Croatia biến tuyển Pháp thành cựu vương UEFA Nations League Để thua 0-1 trước Croatia ngay trên sân nhà, đội tuyển Pháp đã sớm trở thành cựu vương Nations League và còn đứng trước nguy cơ xuống chơi ở League B mùa giải tới. Modric (giữa) ghi bàn thắng giúp Croatia đánh bại Pháp. (Nguồn: Getty Images) Đội tuyển Pháp tiếp tục gây thất vọng lớn tại UEFA Nations League 2022-23 khi để...