Vì sao mật vụ Mỹ gọi Tổng thống Obama là ‘Kẻ bội giáo’
Khi các mật vụ Mỹ thầm thì từ “ Kẻ bội giáo” vào micro, họ đang nhắc tới người quyền lực nhất Nhà Trắng mà họ có trách nhiệm bảo vệ.
Các mật vụ đeo kính đen đi theo bảo vệ Tổng thống Obama. Ảnh: Parade
Mỗi khi Tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện trước công chúng, luôn có rất nhiều mật vụ mặc vest, đeo kính đen, micro gài ở vạt áo đi theo bảo vệ ông và các thành viên trong gia đình trước bất cứ mối nguy hiểm nào. Trong những dịp như vậy, mỗi lần thầm thì vào micro cái tên “Renegade” (Kẻ bội giáo), các mật vụ đang nhắc tới ông chủ Nhà Trắng, người quyền lực nhất nước Mỹ hiện nay.
Theo Telegraph, việc các mật vụ Mỹ gọi ông Obama bằng cái tên kỳ lạ này không phải là hành động bất kính, mà đó chỉ là một mật danh mà họ đặt ra cho tổng thống để đảm bảo thuận lợi nhất cho công tác an ninh.
Mật vụ Mỹ không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về mật danh mà họ đặt cho ông chủ Nhà Trắng, và có vẻ như ông Obama cũng không mấy quan tâm tới nguồn gốc của từ này. Từ “renegade” bắt nguồn từ “renegado” trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “người Công giáo cải đạo thành Hồi giáo”, và thường dùng để chỉ những người phản bội tôn giáo của mình.
Trong khi Tổng thống Obama được gọi bằng mật danh không mấy dễ chịu, mật vụ Mỹ lại gọi các thành viên khác trong gia đình ông bằng những cái tên khác đẹp đẽ hơn, dù tất cả đều bắt đầu bằng chữ “R”. Theo đó, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama được gọi là Renaissance (Phục hưng), tiểu thư Malia Obama là Radiance (Hào quang) và tiểu thư Sasha Obama là Rosebud (Nụ hồng).
Việc sử dụng mật danh cho tổng thống và gia đình được Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) bắt đầu sử dụng từ năm 1950 như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ.
Ban đầu, đây được coi là những thông tin tuyệt mật của quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi công nghệ mã hóa phát triển mạnh, những tên gọi này trở thành những “bí mật mở”, được các nhân viên mật vụ duy trì nhằm giúp quá trình liên lạc qua radio dễ dàng hơn khi họ thường xuyên phải thì thầm vào chiếc micro ở ống tay áo.
Mật danh chung nhất đặt cho tổng thống Mỹ là POTUS (lấy những chữ cái đầu của cụm từ ‘President of the United States’) và cho đệ nhất phu nhân Mỹ là FLOTUS (lấy những chữ cái đầu của cụm từ ‘First Lady of the United States’). Tuy nhiên, mỗi tổng thống lại được mật vụ Mỹ gọi bằng một mật danh riêng.
Năm 1944, cơ quan thông tin Nhà Trắng (WHCA) lần đầu tiên được giao nhiệm vụ đặt mật danh cho Tổng thống Franklin Roosevelt để sử dụng trong các cuộc điện đàm, trao đổi thông tin trong nội bộ nước Mỹ cũng như các sứ quán ở nước ngoài. Tuy nhiên, công việc quan trọng này không thể hoàn thành khi Tổng thống Roosevelt ngột qua đời vì đột quỵ vào ngày 12/4/1945.
Việc đặt mật danh cho tổng thống dường như bị lãng quên cho tới sau vụ ám sát hụt Tổng thống Harry Truman vào tháng 11/1950, USSS mới quyết định nối lại việc nghiên cứu đặt mật danh cho ông là General (Tướng quân), đưa Tổng thống Truman trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên được đặt mật danh.
Cố tổng thống Mỹ Harry Truman. Ảnh: History
Ngoại trừ trường hợp Tổng thống Truman là người duy nhất trong gia đình được đặt mật danh, mật vụ Mỹ đặt mật danh cho các đời tổng thống Mỹ sau này và cả vợ con của họ, với điểm đặc biệt là các mật danh đó đều được bắt đầu bằng một chữ cái chung.
Năm 1953, khi tướng Dwight Eisenhower trở thành tổng thống Mỹ, USSS quyết định đặt mật danh cho ông là Scorecard (Bảng điểm), đệ nhất phu nhân Mamie Eisenhower cũng được đưa vào đối tượng cần được bảo vệ dưới mật danh Springtime (Xuân thì).
Video đang HOT
Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống John F. Kennedy, mật danh của đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy là Lace (Đăng ten), còn tổng thống có thời gian tại nhiệm ngắn nhất lịch sử nước Mỹ này được đặt mật danh là Lancer (Ngọn giáo). Hai con của ông cũng có mật danh là Lyric (Lời bài hát) và Lark (Chim sơn ca).
Người kế nhiệm Tổng thống Kennedy là Lyndon Johnson được đặt mật danh Volunteer (Tình nguyện viên), còn đệ nhất phu nhân Lynda Bird Johnson mang mật danh Velvet (Nhung), tiểu thư Luci Baines Johnson được gọi là Venus (Thần Vệ nữ).
Gia đình cố tổng thống Mỹ John F.Kennedy. Ảnh: History
Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ Gerald Ford có mật danh Passkey (Chìa khóa vạn năng).
Tổng thống George Bush cha được đặt mật danh là Timberwolf (Sói xám) còn bà Barbara vợ ông mang mật danh là Tranquility (Bình an).
Tất cả mật danh của gia đình cựu tổng thống Bill Clinton đều bắt đầu bằng chữ E. Mật danh của ông Clinton là Eagle (Chim đại bàng), của đệ nhất phu nhân Hillary Clinton là Evergreen (Cây thường xanh) và của tiểu thư Chelsea Clinton là Energy (Năng lượng).
Trong khi đó, cựu tổng thống George W. Bush và gia đình lại mang những mật danh bắt đầu bằng chữ T. Mật danh của ông Bush là Tumbler (Con lật đật/cốc/vại) hay Trailblazer (Người mở đường), của đệ nhất phu nhân Laura Bush là Tempo (Nhịp độ), của tiểu thư Barbara Bush là Turquoise (Ngọc lam) và của tiểu thư Jenna Bush là Twinkle (Lấp lánh).
Có thể thấy, hầu hết các mật danh không được mật vụ Mỹ đặt ra theo một logic nào cả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mật danh tổng thống Mỹ có thể gắn liền với một sự việc cụ thể. Chẳng hạn Tổng thống Jimmy Carter được đặt mật danh Deacon (Thầy trợ tế) có thể là vì trong quá khứ, ông Carter đã từng là mục sư. Tương tự, Tổng thống Ronald Reagan được đặt cho mật danh là Rawhide (Roi da chuyên dụng của dân cao bồi) có lẽ là vì vào những năm 40 và 50 thế kỷ trước, khi còn là một diễn viên điện ảnh, ông Reagan đã tham gia vài bộ phim cao bồi, trong đó có phim Knute Rockne – All American (Knute cũng có nghĩa là chiếc roi).
Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang diễn ra hết sức quyết liệt, khi cuộc bầu cử đang ngày càng cận kề. Dù người thắng cuộc là Donald Trump, Hillary Clinton hay Bernie Sanders thì theo thường lệ, một mật danh mới sẽ được mật vụ đặt ra thay thế cho “Kẻ bội giáo” vào tháng 11 tới.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
8 năm ở Nhà Trắng của hai tiểu thư Obama
Từ những cô con gái nhỏ bên cạnh người cha là tổng thống Mỹ, Malia và Sasha giờ đã là hai thiếu nữ phổng phao và duyên dáng.
Malia, 10 tuổi, và Sasha, 7 tuổi, cùng bố và mẹ, bà Michelle, trong buổi mít tinh và phát biểu mừng ông Obama trở thành tổng thống, tại quê nhà Grant Park, Chicago, ngày 4/11/2008. Ảnh: Shutterstock
Ông Obama ôm con gái lớn khi cô bé cùng em gái gặp bố tại vườn thú Honolulu, Hawai, tháng 12/2008. Ảnh: AFP
Ngày 20/1/2009, Malia và Sasha ấm áp trong những chiếc áo khoác của thương hiệu J. Crew tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Obama. Ảnh: AP
Hai con gái ăn kem cùng ông Obama trong kỳ nghỉ ở Kailua, Hawaii, ngày đầu năm mới 2010. Ảnh: AFP
Ba năm sau ngày trở thành con gái của tổng thống Mỹ, Malia và Sasha chững chạc lên nhiều. Trong ảnh, hai cô bé cùng bố từ Nhà Trắng đến nhà thờ St John's ở Washington để tham dự lễ cầu nguyện vào chủ nhật. Ảnh: AFP
Malia đồng hành cùng bố đến Santiago, Chile tháng 3/2011.
Khi đó, ông Obama đã chia sẻ những nỗi lo lắng của một ông bố khi có con gái ở tuổi dậy thì. Ông nói đùa về việc các nhân viên mật vụ bảo vệ cho các con gái của mình: "Tôi điều những người đàn ông mang súng đi theo chúng mọi lúc mọi nơi nên chúng không bao giờ có thể lên xe cùng một chàng trai nào đã uống bia". Ảnh: AP
Khoảnh khắc tình cảm của Obama và hai con gái khi cùng xem TV tại Nhà Trắng, khi bà Michelle có bài phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tháng 9/2012. Ảnh: White House
Ngày 7/11/2012, cả gia đình Obama một lần nữa xuất hiện trước đám đông người ủng hộ tại quê nhà ở Chicago để mừng ông tái đắc cử thêm 4 năm ở Nhà Trắng. Ảnh: Corbis
Sasha, khi đó 12 tuổi, và Malia, 15 tuổi, được "đội quân người lùn" chào đón tại tiệc Giáng sinh ở Bảo tàng Xây dựng Quốc gia năm 2013. Ảnh: Reuters
Hai cô bé tinh nghịch selfie tại lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Obama tháng 1/2013 ở Washington. Ảnh: AFP
Hai cô bé cao lớn cùng bà ngoại Marian Robinson (thứ hai từ trái sang) và mẹ chụp ảnh kỷ niệm với vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 3/2014. Ảnh: Reuters
Gia đình Obama chụp ảnh cùng hai chó cưng Bo và Sunny tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, vào dịp lễ Phục sinh tháng 4 năm ngoái. Ảnh: White House
Khoảnh khắc vui tươi của ông Obama và con gái khi họ chuẩn bị lên chuyên cơ Không Lực Một ở sân bay quốc tế Los Angeles hôm 8/4. Cô bé đã cao hơn cả bố mình. Ảnh:AFP
Malia và Sasha thực sự trở thành những thiếu nữ duyên dáng khi xuất hiện cùng bố mẹ ở sân bay Jose Marti, Havana, bắt đầu chuyến thăm Cuba 3 ngày. Ảnh: Reuters
Malia và Sasha gây ngạc nhiên khi lần đầu tham dự quốc yến chào mừng Thủ tướng Canada Justin Trudeau hồi tháng 3.
Malia hiện là học sinh năm cuối tại trung học Sidwell Friends, một trường tư ở thủ đô Washington. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô bé sẽ nghỉ một năm để theo đuổi đam mê cá nhân trước khi bắt đầu trở thành sinh viên trường Harvard từ mùa thu năm 2017.
Trong khi đó, Sasha đang học trường tư thục Sidwell Friends. Gia đình ông Obama dự định ở lại Washington sau khi hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay để Sasha hoàn thành việc học. Ảnh: White House
Anh Ngọc
Theo VNE
Các lớp bảo vệ tổng thống Mỹ ở nước ngoài Hàng rào an ninh bảo vệ tổng thống Mỹ được phân làm ba lớp nhằm đảm bảo không ai có thể bất ngờ tiếp cận hay gây nguy hiểm cho người đứng đầu Nhà Trắng. Các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống trấn thủ lớp an ninh trong cùng, đảm bảo an toàn cho ông chủ Nhà Trắng. Ảnh minh...