Vì sao HAGL suýt thua An Giang?
Nếu đối thủ hôm qua không phải An Giang mà là một CLB V.League, đội dự bị của HAGL sẽ thua bao nhiêu bàn trước khi Văn Toàn vào sân?
Cơn địa chấn chút nữa đã xuất hiện ngay trong ngày mở màn Cúp Quốc gia (23/4) trên sân của CLB đứng đầu V.League khi An Giang vươn lên dẫn trước HAGL. Những dự đoán trước giờ bóng lăn đã trở thành sự thật khi đội hình dự bị của HAGL gặp rất nhiều khó khăn để thắng 2-1 trước đối thủ hạng Nhất.
Chiến thắng ngẹt thở trước đối thủ yếu cho thấy HAGL của Kiatisuk Senamuang vẫn còn rất nhiều vấn đề.
Đội hình dự bị của HAGL gặp cực kỳ nhiều khó khăn trước An Giang. Ảnh: Quang Thịnh.
Phút sợ hãi của HAGL
Dù cất 10 cầu thủ đá chính, chất lượng nhân sự của HAGL vẫn vượt trội đối thủ. Phần lớn đội hình HAGL là các tuyển thủ, cựu tuyển thủ quốc gia và U23, nhiều người dày dạn kinh nghiệm V.League như Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Văn Việt, Triệu Việt Hưng… Bên kia sân, An Giang tới từ giải hạng Nhất với phần lớn đội hình vô danh. Cầu thủ An Giang quen thuộc nhất lại là một người được cho mượn từ chính HAGL: Âu Dương Quân.
Lực lượng vượt trội, cộng thêm lợi thế sân nhà và tâm lý e dè từ đối thủ, HAGL lẽ ra phải có chiến thắng dễ dàng. Nhưng suốt 86 phút đầu, những gì đội hình hai HAGL làm tốt chỉ là kiểm soát bóng và tạo ra vài cơ hội. Việc thiếu thực tiễn thi đấu làm ảnh hưởng tới cảm giác bóng của họ. Ở nhiều tình huống quyết định, cầu thủ HAGL đều xử lý không chuẩn chỉ. Điều đó xuất hiện tại cả hàng công và hàng thủ.
Tình huống điển hình của trận đấu tới ở phút 71. Từ một pha triển khai tại sân nhà, không chịu áp lực nào đáng kể, Văn Việt vẫn cầm bóng đâm thẳng vào tiền đạo An Giang. Anh bị Lê Hữu Phước lấy bóng trong chân, để cầu thủ 20 tuổi của An Giang thoải mái phô diễn kỹ thuật trước khi mở ra tình huống dẫn tới bàn thắng cho An Giang.
Ở tuổi 32, Văn Việt không thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Trình độ của anh được thừa nhận khi đá chính cho tuyển Việt Nam trong trận giao hữu với U22 hồi năm ngoái tại Quảng Ninh. Nhưng việc thiếu thực tiễn thi đấu đã ảnh hưởng không nhỏ tới anh. Mùa này, Văn Việt mới 3 lần vào sân, được đá vỏn vẹn 98 phút.
Cựu trung vệ của CLB Quảng Ninh không phải người duy nhất lóng ngóng. Phút 17, Trần Bảo Toàn đối mặt thủ môn An Giang nhưng dứt điểm vội vàng, bỏ lỡ cơ hội. Phút 61, tiếp tục là Bảo Toàn giật mình sau pha phối hợp tinh quái của Việt Hưng và Nguyễn Tuấn Anh. Anh dường như không tính được rằng Tuấn Anh sẽ đánh gót hay như thế, và suýt nữa đã bỏ lỡ cơ hội tấn công nguy hiểm.
HAGL lẽ ra đã nhận thất bại nếu Kiatisuk không vội vã thực hiện 5 quyền thay người trong hiệp hai. Chỉ trong 6 phút, Văn Toàn cùng nhóm đá chính đã làm được điều mà toàn bộ đội hình dự bị không làm nổi suốt cả trận.
Video đang HOT
Lần thứ hai ở mùa giải này, HLV Kiatisuk phải dùng hết cả 5 quyền thay người. Ảnh: Quang Thịnh.
Chênh lệch lớn giữa nhóm đá chính và dự bị
Đối đầu An Giang mới là lần thứ hai ở mùa này, HLV Kiatisuk phải dùng hết cả 5 quyền thay người. Trong đó, 4 quyền được sử dụng cùng lúc ở phút 79, 7 phút sau bàn mở tỷ số của An Giang. Những người được tung vào sân đều thuộc hàng công. Họ là Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Trần Minh Vương và chân sút nhập tịch Nguyễn Trung Đại Dương.
Sự xuất hiện đồng loạt của họ nghĩa là Kiatisuk đã hết kiên nhẫn. Ông tin rằng những cầu thủ đang đứng trên sân là không đủ để giúp HAGL ngược dòng trước An Giang. Thực tế cũng chứng minh điều đó. Hai bàn của HAGL đều được thực hiện trực tiếp bởi nhóm cầu thủ vào sân thay người. Văn Toàn mang về quả phạt đền, Văn Thanh dứt điểm thành công ở bàn đầu tiên. Tiếp tục là Toàn kiến tạo cho Đại Dương tại bàn thứ hai. Những người phát động cho Văn Toàn lần lượt là Tuấn Anh và Minh Vương. Tuấn Anh vào sân trước 4 người đồng nghiệp (phút 52).
Nếu không có nhóm này, HAGL đã bị loại ngay tại vòng đầu Cúp Quốc gia 2021.
Kiatisuk đang rất thành công ở V.League, nhưng dấu hiệu phụ thuộc vào nhóm đá chính đã xuất hiện. Hầu hết đội hình chính đá đủ hoặc gần đủ 10 trận tại V.League. Ngoài Tuấn Anh, số còn lại đều khỏe mạnh, chưa dính chấn thương nào nghiêm trọng. Vấn đề là họ sẽ duy trì điều đó bao lâu? Cỗ máy HAGL sẽ vận hành thế nào nếu thiếu vài bánh răng như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn?
“Chúng tôi đã không kiểm soát được 15 phút cuối khi HAGL tung nhiều cầu thủ chính vào sân. Chênh lệch đã thể hiện.” – HLV Trịnh Văn Hậu (An Giang)
90 phút trước An Giang cho thấy chênh lệch cực lớn giữa nhóm đá chính và dự bị của HAGL. Ở V.League 2021, không CLB nào có chênh lệch phút thi đấu lớn như vậy.
Mùa trước, cũng trong trận đầu tại Cúp Quốc gia, cũng trước một đối thủ hạng Nhất (Đồng Tháp), CLB Hà Nội ra sân với 6 vị trí dự bị nhưng vẫn đè bẹp đối thủ 3-0. Họ đã làm điều đó trong nhiều mùa, trước nhiều đối thủ, thậm chí cả ở V.League hay cúp châu Á. Đương kim vô địch Viettel cũng nhiều lần làm được điều này. HAGL thì chưa.
Nếu đối thủ hôm qua không phải An Giang mà là một CLB V.League, đội dự bị của HAGL sẽ đứng vững trong bao nhiêu phút? Văn Toàn, Văn Thanh có kịp cứu đồng đội từ ghế dự bị?
HLV Kiatisuk đã nhìn ra vấn đề của HAGL. Chia sẻ với báo giới sau trận, ông bảo: “HAGL có đến 26 cầu thủ. Làm sao để họ có cùng một tư duy, cùng một năng lực, cùng một đẳng cấp mới là cân bằng giữa cầu thủ dự bị và cầu thủ chính thức. Tôi nghĩ các CĐV của HAGL hiểu vì sao tôi sử dụng đội hình này. Các cầu thủ dự bị cần được thi đấu”.
Chỉ khi nào tận dụng được hết sức mạnh của cả đội hình, Kiatisuk và HAGL mới có thể nghĩ về ngôi vương.
Công Phượng cứu sự nghiệp Hữu Tuấn
Công Phượng mở ra cho Hữu Tuấn cánh cửa khác trong sự nghiệp của trung vệ người Đà Nẵng khi anh phải rời CLB TP.HCM.
Nguyễn Hữu Tuấn bây giờ là chốt chặn đáng tin cậy trên con đường chinh phục V.League 2021 của thầy trò Kiatisuk Senamuang. Trung vệ sinh năm 1992 đang có những tháng đẹp đẽ ở phố núi, giống như giai đoạn anh từng thể hiện ở CLB TP.HCM cách đây 2 năm để được ông Park Hang-seo gọi lên tuyển Việt Nam.
Và cũng chính ở CLB TP.HCM, mọi thứ thay đổi với Hữu Tuấn. Từ một trụ cột, tuyển thủ quốc gia cho đến cầu thủ bị thanh lý sớm khi vừa gia hạn hợp đồng. Bước ngoặt tưởng chừng như đẩy chàng trai Đà Nẵng vào đường cùng, nhưng lại mở ra cho Tuấn cánh cửa khác.
Cú sốc sự nghiệp
Hữu Tuấn cũng không nghĩ được rằng vì 2 trận đi đá phủi mà mình bị thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, HLV Chung Hae-seong vốn coi kỷ luật là sức mạnh. Ông cho cậu học trò cưng cơ hội sửa sai, nhưng không thể để tình trạng tự ý đá phủi tái diễn trong nội bộ đội bóng.
Sau sự việc đó, CLB TP.HCM có hẳn phụ lục về việc đá phủi được đính kèm trong các hợp đồng cầu thủ. Hữu Tuấn là bài học điển hình. Anh từng là công thần trong con đường trở thành á quân của CLB TP.HCM, nhưng cũng không thể là ngoại lệ. Đội bóng chấp nhận thiệt thòi khi bỏ một tuyển thủ quốc gia.
Hữu Tuấn (trái) từng là trụ cột ở CLB TP.HCM trước khi gia nhập CLB HAGL theo cách không thể ngờ. Ảnh: Quang Thịnh.
Hữu Tuấn được lãnh đạo đội bóng cơ cấu trở thành hạt nhân của CLB TP.HCM cho tương lai. Anh gia hạn hợp đồng thêm 2 năm vào tháng 7/2020. Những đãi ngộ về tài chính ở đội bóng đại gia của V.League là không cần bàn cãi, nhưng vấp ngã đó là bài học khó quên với cầu thủ 29 tuổi.
CLB TP.HCM là nơi mà Hữu Tuấn gắn bó đến 9 năm trong sự nghiệp quần đùi áo số. Anh trưởng thành với CLB Đà Nẵng, nhưng rời đi vào năm 2011 sau 7 mùa giải. Những năm lăn lộn cùng đội bóng TP.HCM tại giải hạng Nhất của Hữu Tuấn được đền đáp khi họ lên hạng ở mùa giải 2016.
Anh là một trong số ít cầu thủ được giữ lại khi V.League 2017 khai cuộc. Trong 3 mùa đầu tiên, Hữu Tuấn chơi gần như trọn vẹn với trung bình 23 trận. Anh luôn là lựa chọn trong đội hình của 4 đợi HLV ngoại ở CLB TP.HCM, từ Alian Fiard, Toshiya Miura cho đến Chung Hae-seong, nhưng tất cả là quá khứ.
Tháng 11/2020, không ai nghĩ Hữu Tuấn rời đi lúc đó. Mùa giải 2021 sẽ bắt đầu sớm, các đội đều đang ráo riết chuẩn bị nhân sự. Hơn nữa, việc đội bóng thanh lý một tuyển thủ chất lượng lúc đó là cú sốc. Bản thân Hữu Tuấn cũng không biết mình sẽ đi đâu, về đâu.
Khi thấy Hữu Tuấn tỏa sáng trong màu áo HAGL ở mùa giải này, nhiều người vẫn tự hỏi vì sao anh lại chơi hay như vậy. Kiatitusk đã "hồi sinh" một trung vệ thép của bóng đá Việt Nam trong sơ đồ 3 trung vệ. Hữu Tuấn đá lệch trái, Kim Dong-su ở giữa và Damir Memovic thi đấu lệch phải. HAGL có bức tường kiên cố.
Hữu Tuấn và Công Phượng có tình bạn đặc biệt mà nó giúp trung vệ người Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Ảnh: Quang Thịnh.
Công Phượng lên tiếng
Hữu Tuấn gia nhập HAGL trước khi Kiatisuk đến Việt Nam. Người mở ra cơ hội cho bước đi ấy chính là Công Phượng, đồng đội cũ của Hữu Tuấn ở CLB TP.HCM trong nửa mùa giải 2020. Định mệnh giúp cả hai bén duyên và cũng chính nó tạo ra bước ngoặt của trung vệ sinh năm 1992.
4 ngày sau khi nhận giấy thanh lý, Hữu Tuấn nhanh chóng đạt được thỏa thuận với HAGL. Trong khoảnh khắc bơ vơ nhất sự nghiệp, lời tư vấn của Công Phượng giúp Hữu Tuấn quyết định mà không cần suy nghĩ. Đúng người, đúng thời điểm khi HAGL muốn xây hàng phòng ngự trước khi Kiatisuk tiếp quản CLB.
Hữu Tuấn lớn tuổi hơn Công Phượng, nhưng có nhiều thứ mà anh phải học ở đàn em. Công Phượng thi đấu ở nước ngoài nhiều và có những chia sẻ hữu ích khi trở về. Quãng thời gian nửa năm chơi bóng cùng nhau giúp cả hai hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhau như thế nào, đủ hiểu để giúp đỡ nhau.
Vẻ ngoài bặm trợn, nhiều hình xăm, chơi máu lửa trong sân, nhưng Hữu Tuấn lại khá khờ khạo. Còn Công Phượng nhiều lúc vào bóng quá non, dễ ăn đòn của các hậu vệ, nhưng bên ngoài sân cỏ, anh lại là con người nhanh nhạy. Không dễ cho HAGL có thể bổ sung hậu vệ chất lượng như Tuấn mà không vấp phải rào cản nào.
Công Phượng còn làm nhiều hơn thế, anh như chiếc cầu nối khi Tuấn dọn đồ lên Pleiku. Tình bạn xuất phát từ CLB TP.HCM được cả hai duy trì khi tái ngộ ở HAGL. Có sự hòa nhập nhanh một cách ngạc nhiên trong lối chơi và sinh hoạt ở đội bóng như vậy là nhờ Công Phượng. Anh cũng giúp Kiatisuk hiểu hơn về con người của Hữu Tuấn.
Hữu Tuấn bây giờ tập trung cho sự nghiệp và gia đình ở Pleiku. Ảnh: Lê Minh.
Hữu Tuấn vẫn có sai lầm. Đó là sai lầm "chết người" trong ngày Kiatisuk ra mắt V.League trên sân Thống Nhất trước CLB Sài Gòn. Pha xử lý hỏng của anh giúp Đỗ Merlo biến thành bàn thắng duy nhất của trận đấu. Đó cũng là thất bại duy nhất của HAGL sau 10 vòng, và Hữu Tuấn chơi không thiếu phút nào trong 900 phút.
Tân binh HAGL có chuyên môn tốt, nhưng không phải lúc nào anh cũng duy trì được điều đó, để giữ đôi chân một cá nhân dưới mặt đất cần tập thể đồng lòng. Điều này không chỉ cần một mình Công Phượng mà là cả một tập thể HAGL. Hữu Tuấn từng có năm 2019 bùng nổ, nhưng cũng đánh mất mình một năm sau đó bằng màn trình diễn kém dần.
Đó là lý do vì sao anh mất suất tập trung đội tuyển vào tháng 12/2020. Và bây giờ dù chơi rất hay trong sơ đồ sở trường của HLV Park Hang-seo ở HAGL, Tuấn vẫn không có tên. Tuy nhiên, những người hiểu Tuấn cho rằng như vậy sẽ tốt hơn cho trung vệ người Đà Nẵng, còn Tuấn nghĩ sao thì chỉ anh mới hiểu.
HAGL thắng nhọc ở Cúp Quốc gia: Nói khó vô địch lại... tự ái Trận thắng nhọc An Giang ở Cúp Quốc gia Bamboo Airways 2021 như minh chứng rõ nhất cho nhận định đội bóng nhà bầu Đức không dễ vô địch V-League, bất kể đang bay cao. 1. Giống nhiều đại diện khác tại V-League khi bước vào vòng đầu Cúp Quốc gia Bamboo Airways 2021, HAGL không tung đội hình mạnh nhất cho trận...