Vì sao giáo viên mầm non vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ?
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã chi tiền về các địa phương hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập. Trong khi nhiều giáo viên vẫn mỏi mòn chờ đợi, nhiều nơi cho biết gặp khó khăn trong vấn đề giải ngân do vướng thủ tục…
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, chỉ đạo các phòng nhanh chóng giải quyết gói hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập – NGUYỄN LOAN
“Tình ngay mà lý gian”
Trên diễn đàn “Hội giáo viên (GV) mầm non TP.HCM”, khi được hỏi về thông tin nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ của UBND TP.HCM, nhiều GV cho biết đã nhận được trên… ti vi.
Nhiều người cho biết rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc nghỉ việc không lương từ nhiều tháng nay. Khi có thông tin hỗ trợ từ thành phố, GV đã liên hệ các trường lập danh sách để gửi lên phòng giáo dục, tuy nhiên đến nay chưa được nhận hỗ trợ.
“Từ tháng 2 tới nay, trường mình thông báo cắt tiền lương và mọi khoản hỗ trợ khác. Vì trường cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch nên mọi người đồng ý không nhận lương trong những tháng nghỉ. Khi nghe nói nhà nước có hỗ trợ cho GV ngoài công lập, trường đã có trong danh sách gửi đi, nhưng từ đó đến nay không nhận được thông tin gì nữa”, cô Phương Thảo, GV mầm non ngoài công lập ở TP.HCM, chia sẻ.
Tương tự, GV ở một trường mầm non ở Q.Bình Thạnh cho biết vì ảnh hưởng bởi dịch từ tháng 2, trường đã không chi lương, nhưng vì muốn duy trì BHXH nên vẫn đóng cho GV đến hết tháng 3. Như vậy, GV của trường đủ điều kiện được nhận hỗ trợ vì thuộc nhóm “nghỉ việc không hưởng lương”.
Trường này đã lập danh sách GV gửi lên phòng giáo dục. Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, hồ sơ của trường bị trả về, lý do là “những người trong danh sách vẫn đang đóng BHXH” nên không được nhận trợ cấp. “Lý do này khác gì ép GV phải nghỉ việc, cắt BHXH?”, GV này nói.
Theo một vị cán bộ Q.Bình Tân, trường hợp trả hồ sơ do vẫn được đóng BHXH nói trên là trường hợp “tình ngay lý gian”.
“Về nguyên tắc, BHXH đóng dựa trên tiền lương. Do vậy, với trường hợp nếu có đóng BHXH là xem như người đó đang nhận lương, mà đang nhận lương thì sẽ không được nhận hỗ trợ”, ông này lý giải.
Giáo viên mầm non đi giao hàng trong những ngày nghỉ dạy vì dịch Covid-19 – ẢNH: NVCC
Video đang HOT
Lý giải thêm vì sao có những trường mầm non bị trả hồ sơ, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh, cho biết vấn đề nằm ở chỗ các trường vẫn đóng BHXH cho nhân viên đến tháng 4. Do vậy, phòng BHXH không thể duyệt hồ sơ vì trên lý thuyết, đóng BHXH nghĩa là có hưởng lương.
Đây là vướng mắc chung của tất cả các quận huyện khi giải ngân. Do vậy, nhiều hồ sơ bị trả lại.
Hồ sơ nhiều nhưng không đủ điều kiện rất cao
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, phòng đã nhận hồ sơ và báo cáo lên Sở GD-ĐT TP.HCM 2.138 trường hợp. Tuy nhiên, sau khi xác minh, duyệt hồ sơ thì một số trường rút không tham gia nữa, cũng có trường bị trả hồ sơ do không đủ điều kiện, số khác thì hồ sơ chưa đầy đủ… Hiện Q.Gò Vấp đã chi được cho hơn 460 trường hợp, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho tháng 4.
“Phòng giáo dục đứng ra lập, xét duyệt danh sách, sau đó gửi về cho các phường. Các phường cũng có rà soát trước khi chi. Nhưng vì thủ tục làm hồ sơ hơi rắc rối nên các trường làm cũng chậm lắm, nhất là các nhóm trẻ gia đình. Nhiều khi chúng tôi phải hối thúc rất nhiều vì cũng mong muốn hỗ trợ được cho GV”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, Q.Gò Vấp đã nhận hơn 6 tỉ đồng tiền hỗ trợ cho GV mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, phòng vẫn phải rà soát, đối chiếu rất kỹ trước khi giải ngân để tránh sai sót. “Số tiền này nếu chi không hết, chúng tôi sẽ trả lại cho ngân sách”, ông Thủy nói thêm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT Q.9, cũng cho biết quận đã chi hỗ trợ cho 397 trường hợp trong đợt 1, còn khoảng 50 hồ sơ khác đang tiếp tục bổ sung đăng ký và sẽ chi trong đợt tiếp theo.
“GV ngoài công lập thì nhiều, nhưng số đủ điều kiện nhận hỗ trợ rất ít vì họ không tham gia BHXH, hoặc đã hưởng bảo hiểm thất nghiệp…”, bà Hiền chia sẻ.
Vị Trưởng phòng GD-ĐT Q.9 nói thêm: “Qua đợt này mới thấy rất nhiều chủ nhóm trẻ, chủ trường tư chưa đóng BHXH cho nhân viên, đặc biệt là ở những nhóm trẻ gia đình. Có những nhóm trẻ nhỏ, thay vì đóng BHXH, họ có thể bổ sung khoản tiền này vào lương hằng tháng cho nhân viên. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng không nhận thức được quyền lợi lâu dài của mình nên chấp nhận, thỏa thuận với điều này. Do vậy, bây giờ họ không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ dù đã mất việc làm, chịu ảnh hưởng bởi dịch”, bà Hiền lý giải.
Còn tại Q.Bình Tân, một cán bộ phòng giáo dục cũng cho biết số hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ rất nhiều, nhưng sau khi rà soát lại thì chẳng còn bao nhiêu. Trong đợt 1, quận này chi được cho 122 người, và hiện đang tiếp tục xét duyệt gần 200 hồ sơ cho đợt 2.
Trước đó, có hơn 2.984 người đăng ký nhưng rất nhiều người không đóng BHXH nên bị loại ra, chỉ còn hơn 1.000 trường hợp có đóng BHXH. Từ 1.000 hồ sơ này, phòng lại tiếp tục phải kiểm tra, đối chiếu và chỉ chi cho những trường hợp đủ điều kiện. “Nhiều hồ sơ bị loại vì một số trường mầm non vẫn trả lương cho GV trong tháng 1, 2, 3, nghĩa là họ không bị mất việc”, vị này chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền (Công ty luật Hợp danh Luật Việt), nếu các chủ trường không đóng BHXH bắt buộc cho người lao động là vi phạm điều 186 bộ luật Lao động; điều 17, điều 21 luật Bảo hiểm xã hội 2014 và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 6 điều 38 Nghị định 28/2020/Nđ-Cp ngày 1.3.2020 (có hiệu lực từ 15.4.2020) với mức phạt từ 50 – 75 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục như truy thu tiền BHXH chưa nộp, trả lãi; ngoài ra còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 214, 215, 216 bộ luật Hình sự.
Điều kiện nhận hỗ trợ
Trước đó, TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng với những người bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định), bao gồm cả GV, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ trên địa bàn TP.HCM.
Để được hưởng hỗ trợ, người lao động cần đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 5 điều 32 bộ luật Lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 3 điều 116 bộ luật Lao động; bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; đã tham gia BHXH đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Đừng làm khó giáo viên !
Trong cuộc họp giao ban chiều hôm qua (19.5) với 24 phòng LĐ-TB -XH các quận, huyện về vấn đề giải ngân các gói hỗ trợ của Chính phủ và gói hỗ trợ của TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH (Sở LĐ-TB-XH), cho biết GV, nhân viên mầm non ngoài công lập có tới 30.570 hồ sơ đăng ký, trong đó có 15.141 người có đóng BHXH, dự kiến hết tuần này sẽ chi khoảng 60%.
“Tại sao vẫn chưa giải quyết? BHXH chỉ cần xác nhận GV trường này đóng BHXH đến tháng 1 là phải chi ngay tiền hỗ trợ tháng 4 cho người ta, 1 triệu đồng/người. Nếu tháng 5 GV chưa đi dạy thì chúng ta tiếp tục hỗ trợ. Vậy tại sao đến giờ vẫn chưa chi, trong khi tiền chúng tôi đã đem về các quận huyện là 306 tỉ rồi. Vướng cái gì, tại sao không giải quyết? Đừng có làm khó GV”, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đặt câu hỏi cho các phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện.
Ông Tấn chỉ đạo các phòng: “Hồ sơ đủ điều kiện thì phải chi ngay. Làm sao phải giải ngân 100% trong tháng 6″. Ông Tấn yêu cầu các quận, huyện phải giải quyết cho những trường hợp đủ điều kiện trước. Với những trường hợp chưa đóng BHXH, sẽ tham mưu với Sở GD-ĐT và xin ý kiến của UBND TP.HCM để tìm cách giải quyết. Riêng với gói hỗ trợ theo Nghị định 42 của Chính phủ, những trường nào đủ điều kiện thì triển khai.
Trường ngoài công lập gồng mình "vượt bão"
Học sinh nghỉ học dài ngày không chỉ khiến cha mẹ vất vả trong việc tìm người trông con. Ngay cả trường ngoài công lập, đặc biệt các trường mầm non rơi vào cảnh lao đao. Nhiều chủ trường đã tính phương án giảm nhân sự, thậm chí giải thể do không có nguồn thu để bù chi.
Giờ chơi ngoài trời ở một trường mầm non tư thục.
Học sinh nghỉ, trường tư gồng mình co kéo
Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Với hệ thống giáo dục mầm nonngoài công lập tại TPHCM, khi 100% thu chi đều dựa vào học phí phụ huynh đóng, việc học sinh nghỉ học dài ngày khiến các trường rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn thu.
Ông Nguyễn Trọng Trung - chủ đầu tư hệ thống Trường Mầm non tư thục Thiên Ân tại quận Thủ Đức cho biết: Dù không có học sinh đi học nhưng mọi chế độ phúc lợi của giáo viên nhà trường phải đảm bảo như: Lương, BHXH và chi phí thuê mướn mặt bằng... "Chúng tôi cố gắng co kéo, đảm bảo đời sống cho hàng trăm giáo viên của mình đến hết tháng 2. Nhưng nếu tiếp tục nghỉ rất khó để gồng gánh vì không có nguồn thu để trả cho giáo viên" - ông Trung nói.
Rơi vào tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Chính - chủ Trường Mầm non tư thục Hoàng Anh 2, quận 12 cũng nỗ lực trước mọi khoản chi có thể để đảm bảo và giữ chân đội ngũ giáo viên của nhà trường trước ảnh hưởng của "cơn bão" dịch Covid-19. Ông Chính cho biết: Trường chỉ có trên 250 học sinh nhưng đội ngũ giáo viên, quản lý tương đối đông - 28 giáo viên, bảo mẫu. Việc bị "đứt" nguồn thu ngay sau Tết khiến nhà trường phải xoay sở rất nhiều với các chi phí định kỳ.
"Hiện tại, mọi chế độ lương thưởng, phúc lợi của đội ngũ vẫn không có gì thay đổi dù không có học sinh. BHXH chúng tôi vẫn đóng đầy đủ. Nếu trường hợp Sở GD&ĐT tiếp tục cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3/2020 sẽ rất khó khăn, nhưng vì an toàn cho sức khỏe học sinh, chúng tôi sẽ cố gắng co kéo để hỗ trợ một phần nhất định, giúp giáo viên vượt khó cùng nhà trường. Không được 100% cũng cố được 50% cho giáo viên, nhân viên" - ông Chính nói.
Ảnh minh họa/ INT
Giáo viên kiếm thêm việc làm để giữ nghề
Hiểu và chia sẻ với khó khăn của chủ trường nên giáo viên mầm non các trường ngoài công lập không còn cách nào khác là phải chấp nhận thực tế khó khăn, xoay sở nhiều công việc khác nhau để cân bằng chi phí trang trải cuộc sống cho gia đình mình.
Cô Nguyễn Ngọc Trang - giáo viên Trường Mầm non Lê Minh, quận 9 cho biết: Trường mới đi vào hoạt động trước Tết được một tháng, sau Tết thì vướng dịch bệnh Covid-19, học sinh không đi học nên không thể yêu cầu chủ trường trả đủ lương vì vậy mình buộc phải tự xoay sở.
Trong lúc chờ lên lớp trở lại, ngoài việc ở nhà phụ mẹ bán quán cà phê, cô Trang còn nhận may gia công cho một công ty gần nhà. "Bản thân tôi chưa có gia đình, vẫn sống chung với bố mẹ nên tạm thời việc học sinh nghỉ học cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Tôi nghĩ chỉ cần mình khéo co kéo, mọi thứ cũng sẽ ổn" - cô Trang nói.
Cũng tìm công việc khác mưu sinh, chờ hết dịch Covid-19, cô Trần Đào Thương - giáo viên Trường Mầm non tư thục Ngôi Sao, quận Thủ Đức nói: Chủ trường đã cố gắng để đồng hành và hỗ trợ giáo viên, nhân viên nên mình cũng phải chủ động vượt khó, chia sẻ với họ.
"Tôi muốn giữ nghề, tiếp tục với đam mê của mình nên cố gắng bước qua khó khăn để đi tiếp" - cô Thương nói.
Được biết, Sở GD&ĐT TPHCM đã ghi nhận chung tình hình khó khăn của các đơn vị trong phòng chống dịch, có chỉ thị các quận, huyện rà soát, tổng hợp báo cáo những khó khăn và kiến nghị để sở tổng hợp ý kiến trình UBND TPHCM theo đúng lộ trình. Nếu đúng đối tượng sẽ được hỗ trợ theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Bởi thực tế, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không chỉ trường tư, mà các trường công cũng gặp khó khăn.
Không có gì xấu hổ khi là giáo viên lại kiêm vai cô bán cam và hoa quả ngoài đường. Cái chính là ổn định được cuộc sống của gia đình mình trước "bão" dịch bệnh để được tiếp tục với nghề mới là điều quan trọng. - Cô Trần Đào Thương
Anh Tú
Theo Giáo dục thời đại
Gần 1.200 giáo viên mầm non ngoài công lập tại Nha Trang mất thu nhập Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TP Nha Trang có gần 1.200 giáo viên mầm non ngoài công lập mất việc, mất thu nhập. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Nha Trang, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến thu thập, đời sống của giáo viên mầm non tư thục. Cho đến tháng 5/2020, chưa có chế độ nào hỗ trợ cho các tổ...