Vì sao đòi nợ thuê vẫn tồn tại?
Bắt giữ người rồi đe dọa, hành hung, thậm chí ra tay tàn độc buộc con nợ phải tìm mọi cách thanh toán là biện pháp của giới đòi nợ thuê. Chủ nợ biết vi phạm pháp luật nhưng vì sao vẫn mướn côn đồ giúp sức?
Trịnh Kiên Cường đang bị truy nã
Hành xử bằng bạo lực
Trước nỗi đau mất người thân của gia đình chị Hồ Thị Hai (ở ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã nỗ lực truy tìm hung thủ tước đoạt mạng sống em trai chị là Hồ Văn Bình (SN 1976). Tuy nhiên, nút thắt quan trọng của vụ án là anh Nguyễn Thanh Hồng (SN 1967, chồng chị Hai) vẫn lánh mặt, không hợp tác với cơ quan điều tra nên vụ việc chưa sáng tỏ.
Tai họa giáng xuống đầu anh Bình xuất phát từ việc người anh rể Nguyễn Thanh Hồng lấy địa chỉ gia đình vợ lập công ty xuất nhập khẩu. Từ lúc trở thành giám đốc (tháng 10-2009), anh Hồng sống với người tình, không về nhà, cũng không chu cấp tiền phụ vợ nuôi con, đã vậy lại nợ nần như chúa chổm. Nhiều lần chủ nợ cho người đến tìm nhưng chị Hai không biết chồng ở đâu mà chỉ, những tay đòi nợ thuê không tin, dọa sẽ “xử” cả nhà khiến ba mẹ con phải trốn chui trốn nhủi.
Video đang HOT
Trưa 1-2-2011, anh Bình đang bồng đứa con gái một tuổi đứng hóng mát trước hiên nhà thì có hai thanh niên đi xe máy tới hỏi thăm anh Hồng. Anh Bình từ tốn trả lời anh Hồng đã bỏ nhà đi hơn năm, cắt đứt liên lạc nên gia đình mù tịt. Anh vừa dứt lời, tên cầm lái hùng hổ quát: “Mày là thằng Hồng mà cố tình chối hả?”. Không cần nghe phân bua, tên ngồi sau móc cây rìu lận sẵn trong người bước xuống lạnh lùng bổ vào đầu nạn nhân một nhát trí mạng.
Dư luận chưa nguôi phẫn nộ hành vi tàn độc trên thì thêm một nạn nhân nữa bị các đối tượng đòi nợ thuê hãm hại. Người xấu số là anh Nguyễn Văn Điệp (SN 1984, ngụ Q12). Chiều 30-3-2011, anh đến nhà người dì ở huyện Củ Chi phụ chăm sóc cây kiểng, bị Trịnh Kiên Cường (SN 1972, quê Hải Phòng) – đối tượng đòi nợ mướn cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tuấn, Kiều Mộng Vân (ngụ Q. Gò Vấp) dùng dao sát hại.
Được biết, năm 2007 vợ chồng ông Tuấn có cho dì ruột của Điệp là bà Đỗ Thị Bích Thịnh (thường trú P3, Q.Gò Vấp) mượn giấy chủ quyền nhà thế chấp ngân hàng vay 1,6 tỷ đồng (tương đương 132 lượng vàng). Đến kỳ thanh toán, bà Thịnh không chịu trả nợ, vợ chồng ông Tuấn khởi kiện ra tòa. Bản án phúc thẩm tuyên buộc trong thời hạn ba tháng bà Thịnh phải hoàn trả khoản tiền trên nhưng bị đơn âm thầm “lặn” từ giữa năm 2009.
Sau thời gian lần tìm, đầu tháng 3-2011, vợ chồng ông Tuấn phát hiện bà Thịnh đang sinh sống tại KP3, thị trấn Củ Chi nên ủy quyền cho gã giang hồ đất cảng đi đòi thay. Sáng 30-3, Trịnh Kiên Cường dắt một số đàn em cùng chủ nợ đến nhà bà Thịnh “nói chuyện”. Đến 17 giờ, không còn cơ hội thoái thác, bà Thịnh hẹn hôm sau giải quyết. Ra về đến cổng, Cường chạm mặt anh Điệp, không rõ nguyên nhân gì dẫn đến đôi bên cãi vã, chỉ đến khi nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm chạy đến thì thấy anh Điệp nằm bất động bên vũng máu.
Không chỉ hoạt động lén lút, nhiều đối tượng còn thành lập hẳn công ty chuyên đòi nợ thuê, sử dụng cả dao búa! Minh chứng là Cty cổ phần thu hồi nợ Phương Đông (trụ sở ở Hà Nội), từ giám đốc đến nhân viên đều thuộc thành phần bất hảo, cả bọn vừa lãnh án về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Tai tiếng không kém là Công ty C.L, trụ sở cũng tại Hà Nội, có chi nhánh ở TPHCM. Bốn nhân viên Cty gồm Nguyễn Trung Hiếu, Hoàng Đức Hải, Nguyễn Văn Sang, Trương Chí Đạt câu kết với một số tên lưu manh bắt giữ ông Phạm Thái Hồng (ngụ Q. Gò Vấp) áp tải về văn phòng ở quận Bình Thạnh, dùng roi điện, dùi cui đánh đập buộc phải thanh toán khoản nợ 900 triệu đồng cho bà Gương (giữa bà Gương với ông Hồng có tranh chấp nợ nần đang chờ tòa án giải quyết). Trong bối cảnh “thập tử nhất sinh”, ông Hồng phải thực hiện yêu cầu của chúng là cam kết trả tiền trong thời hạn năm ngày để bảo toàn tính mạng…
Thắng kiện, khó đòi!
Ông Phạm Thái Hồng bị nhân viên Cty đòi nợ thuê đánh trọng thương
Tìm hiểu thực tế, ngoài những trường hợp vay mượn nhưng do làm ăn thua lỗ thật sự, hết khả năng chi trả, có không ít trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “xù” nợ. Cao thủ trong việc móc hầu bao thiên hạ phải kể đến N.K.L (ngụ Q7). Từ một “cò đất”, L. bỏ tiền thuê xe xịn, mướn nhà mặt tiền sử dụng cho ra vẻ đại gia, đi đâu cũng khoe đang đầu tư dự án bệnh viện sinh thái hàng chục triệu đôla để huy động vốn với mức lãi suất hấp dẫn. Tin lời, nhiều người cầm cố nhà cho L. vay lại để hưởng chênh lệch. Vài tháng đầu bà chủ “dự án” tỏ ra uy tín, khi ẵm gần 40 tỷ đồng thì đột ngột tuyên bố vỡ nợ. Thường những người bị phá sản phải sống trong cảnh ngặt nghèo, đằng này, L. ăn sung mặc sướng, đi du lịch như đi chợ và ngang nhiên thách thức chủ nợ! Nguyên do để L. trở mặt là vì bà ta biết vụ việc được cơ quan chức năng cho là quan hệ dân sự!
Với quy định của luật dân sự hiện hành thì dù có thắng kiện nguyên đơn cũng chẳng hy vọng lấy lại được tiền bởi con nợ đã tẩu tán tài sản, không thể thi hành án. Ông Thịnh – một nạn nhân của L. chua chát kể: do cùng làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng nên anh Nguyễn Hoàng D. (ngụ Bình Dương) thường xuyên cho Nguyễn Thị Tuyết A. (thường trú quận 12) vay tiền với lãi suất 0,6%/ngày, thời hạn từ mười đến hai mươi ngày. Thời gian đầu A. rất đàng hoàng nên từ quý 1 năm 2008, anh D. bơm vốn cho A. nhiều lần, tổng cộng 9 tỷ đồng. Đến đây thì A. thất hứa, dần dần lánh mặt buộc anh D. phải nhờ pháp luật can thiệp. Hội đồng xét xử các cấp đều tuyên A. phải trả số tiền nợ trên cùng khoản lời tính theo lãi suất ngân hàng. Để giảm bớt gánh nặng cho A., anh D. tự nguyện không lấy lãi. Bản án có hiệu lực từ tháng 10-2009, nhưng đến nay anh D. chưa nhận được đồng nào vì ngoài hai căn nhà không giấy tờ ở quận 12 chỉ đáng giá mấy trăm triệu đồng, anh không tìm đâu ra tài sản khác của A. để yêu cầu thi hành án. Anh D. khẳng định, với khoản tiền kếch xù như vậy A. không thể tiêu xài hết mà chỉ có tẩu tán để chiếm đoạt giống “chiêu” của bà L. sử dụng. “Nhìn con nợ ung dung hưởng thụ tài sản của mình mà bất lực, những ai nằm trong hoàn cảnh như chúng tôi mới thấu hiểu bất công này” – ông Thịnh, anh D. cùng than thở.
Trở lại trường hợp của vợ chồng ông Tuấn, nếu bà Thịnh thật sự mất khả năng tài chính buộc phải lánh mặt thì có phần thông cảm. Đằng này, bà ta trốn tránh trách nhiệm thi hành án, âm thầm ôm tiền đi mua đất làm trang trại là không thể chấp nhận. Nóng lòng, chủ nợ đành thuê giang hồ giúp sức. Việc làm này cũng không thể chấp nhận. Tuy nhiên, trong tranh chấp dân sự, thắng kiện cũng chẳng lấy được tiền thì khổ chủ phải tìm cách bảo vệ tài sản của mình bằng lối hành xử bạo lực – đây là nguyên do để đòi nợ thuê vẫn tồn tại!
Giải pháp ngăn chặn
Về hình thức, các vụ vỡ nợ đều na ná giống nhau, vay tài sản số lượng lớn với lãi suất cao rồi lấy lý do nào đó tuyên bố không còn khả năng thanh toán. Pháp luật vào cuộc nhưng có nơi xử lý hình sự, nơi lại cho là tranh chấp dân sự!
Thực tế, trong những vụ vay nợ rồi xù, nếu lực lượng công an can thiệp luôn đem lại hiệu quả cao; bị truy cứu trách nhiệm hình sự, con nợ nhanh chóng khắc phục hậu quả, còn nếu được coi là dân sự, thì phải có điều kiện đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cơ quan điều tra cũng giải quyết được. Một điều tra viên chuyên đấu tranh với tội phạm lừa đảo thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CATPHCM phân tích: Trong các vụ nợ, nếu xuất hiện tội phạm thì thường quy vào tội lạm dụng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để cấu thành tội, phải có hành vi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn hay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng tài sản vay mượn vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng chi trả. Thực tế, để đối phó, con nợ không bỏ trốn, vẫn có mặt khi được triệu tập, cơ quan bảo vệ pháp luật khó làm rõ hành vi gian dối, bất chính… Có thể nói, những vụ vỡ nợ nằm ở làn ranh mong manh giữa hình sự và dân sự, do quy định từ luật mang tính chung chung, nhiều kẽ hở dẫn đến sót lọt tội phạm.
Cũng theo cán bộ điều tra này, ngoài những ràng buộc theo luật định, quan điểm xử lý của các cơ quan tố tụng cũng không thống nhất. Nhiều trường hợp cơ quan điều tra xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm, ra quyết định khởi tố, nhưng khi chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát, nơi đây lại cho rằng chỉ là quan hệ dân sự, hoặc chứng cứ yếu, không phê chuẩn. Thế nên người tố cáo không hiểu, cứ bảo công an làm không tới nơi tới chốn hoặc bao che.
Theo chúng tôi, rất nhiều con nợ đã dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu, khi đặt vấn đề vay mượn: cố tình tạo vỏ bọc tin cậy bằng cách lập công ty “ma”, thuê xe xịn, mướn nhà lầu sử dụng, khoe khoang đang đầu tư dự án lớn và có quan hệ rộng, tỏ ra uy tín trong thời gian đầu. Đây đã là dấu hiệu phạm tội hình sự. Thực ra, các cán bộ điều tra, kiểm sát viên cũng thống nhất với quan điểm này nhưng luật chưa điều chỉnh nên chưa thể mạnh tay xử lý.
Nhằm tránh sót lọt tội phạm và ngăn chặn các đối tượng bất hảo lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, cơ quan lập pháp cần điều chỉnh một số hành vi, như: bỏ yếu tố con nợ bỏ trốn hay sử dụng tài sản vay vào mục đích bất chính; có thể bổ sung thêm tội “bội tín”… Khi pháp luật can thiệp hiệu quả thì chủ tài sản không phải thuê mướn thế lực đen giúp sức, theo đó loại tội phạm này sẽ được đẩy lùi.
Theo CATP