Vì sao doanh nghiệp ‘quay lưng’ với phát hành trái phiếu ra công chúng?
Giới đầu tư cho rằng nên có cơ chế khuyến khích hình thức phát hành ra công chúng, vốn minh bạch và an toàn hơn cho nhà đầu tư.
Hình thức phát hành ra công chúng, vốn minh bạch và an toàn cho nhà đầu tư hơn, lại không được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trở nên sôi động trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, hoạt động phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp, dù về mặt lý thuyết, phát hành ra công chúng sẽ có lợi thế hơn về khả năng huy động được một nguồn vốn vốn.
Thống kê từ HNX và các doanh nghiệp trong năm 2019 cho thấy, có 211 doanh nghiệp chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành. Tổng số trái phiếu phát hành thành công cả năm là 280.141 tỷ đồng và hầu hết phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, trong 211 doanh nghiệp chào bán trái phiếu, có 129 doanh nghiệp chưa niêm yết, chất lượng thông tin và trách nhiệm công bố thông tin vì vậy còn tương đối hạn chế.
Hiện tượng này vẫn tiếp diễn trong nửa đầu năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 168.328 tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt trên 156.300 tỷ đồng, tăng 88,1% so với mức 89.480 tỷ đồng năm 2019, chiếm tới 92% tổng lượng phát hành.
Nói về sự chênh lệch này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính cho biết, nếu là một doanh nghiệp, ông cũng sẽ chọn hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. “Phát hành ra công chúng thì bị giới hạn bởi rất nhiều các luật định, phải trình qua Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, rồi doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nhất định mới phát hành ra công chúng được. Trong khi đó phát hành riêng lẻ thì khác, anh chỉ cần chọn một tổ chức tư vấn phát hành, họ sẽ biết ai cần mua, và rồi “tiền trao cháo múc” chẳng có ai kiểm soát công ty phát hành trong ngành nghề nào, sử dụng vốn để làm gì”, ông Hiếu nói.
Theo Thông tư 75/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành trái phiếu ra công chúng, yêu cầu tổ chức đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể: Vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký phát hành tối thiểu là 10 tỷ đồng, tính theo giá trị sổ sách; Có lợi nhuận sau thuế trong năm liền trước, không lỗ luỹ kế đến năm đăng ký phát hành; Phương án khả thi về việc sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu là phương án đã được HĐQT thông qua; Phải có tổ chức bảo lãnh phát hành; Hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng được gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; công bố bản cáo bạch trước khi phát hành….Thời gian chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng từ Uỷ ban Chứng khoán là 30 ngày.
Trong khi đó doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ, các quy định cũ liên quan đến điều kiện phát hành, trình tự thủ tục phát hành cũng như vấn đề công bố thông tin khá lỏng. Doanh nghiệp chỉ cần có trên 1 năm hoạt động, có báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất có lãi, có nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và mục đích sử dụng vốn. Trước phát hành 10 ngày chỉ cần gửi thông báo tới sở giao dịch chứng khoán, không phải thực hiện và nộp hồ sơ chào bán lên Ủy ban Chứng khoán chờ xét duyệt.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ sớm suy giảm trước các quy định khó khăn và rõ ràng hơn từ Nghị định 81/2020/NĐ-CP và Luật Chứng khoán 2019.
Cụ thể, Nghị định 81 quy định: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Khối lượng trái phiếu được phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất. Đồng thời, dư nợ trái phiếu (tính thêm cả khối lượng dự kiến phát hành) và yêu cầu dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (riêng các tổ chức tín dụng không áp dụng quy định này).
Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ đợt phát hành riêng lẻ theo nhóm, đợt khác nhau để tăng huy động từ các nhà đầu tư cá nhân, NĐ 81 quy định giảm số lần phát hành trái phiếu bằng việc yêu cầu các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.
Nghị định 81 cũng yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải xác định rõ mục đích sử dụng vốn trong hồ sơ phát hành. Đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cần nêu cụ thể mục đích phát hành để tăng vốn cấp 2 và/hoặc sử dụng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác. Thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành được rút ngắn từ tối thiểu 10 ngày làm việc xuống tối thiểu 3 ngày làm việc.
Nghị định 81 tăng cường tính chuyên nghiệp và khả năng giám sát đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bằng quy định bắt buộc tổ chức phát hành ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu.
Video đang HOT
Có thể dự báo trước rằng Nghị định 81 sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng cuối năm 2020, tạo bước đệm cho việc tiếp tục siết hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Tại sao phải siết lại hoạt động phát hành riêng lẻ
Trước khi những quy định trong Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực, bạn – một nhà đầu tư cá nhân, với một lượng vốn vừa phải có nhu cầu đầu tư vào một kênh có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở một mức nhất định, tự đặt câu hỏi: Việc đầu tư TPDN liệu có còn dễ dàng và đơn giản như trước? Tại sao phải siết lại TPDN phát hành riêng lẻ?
Việc quy định cấm nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từng gây nhiều tranh cãi trên thị trường khi quy định này có thể làm chậm lại sự phát triển của thị trường trái phiếu, tước đi một kênh đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, một kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định cho rằng, siết lại hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ tạo cơ hội cho hình thức chào bán ra công chúng, chỉ là việc mở rộng thị trường sẽ chậm lại nhưng sẽ an toàn hơn cho cả nhà đầu tư cá nhân và cả nền kinh tế.
Với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường tài chính Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nhà đầu tư Việt Nam rất mạo hiểm và cả tin. Họ sẵn sàng nhảy vảo những kênh đầu tư mà họ có rất ít thông tin và chỉ được bảo chứng bằng những lời hứa của một ai đó. Vì thế trái phiếu phát hành riêng lẻ được mở rộng trong thời gian qua không chỉ vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp mà còn là nhu cầu từ phía nhà đầu tư khi có lãi suất hấp dẫn, phương thức mua bán đơn giản. Tuy nhiên, điều này lại vô cùng rủi ro cho các nhà đầu tư và cả nền kinh tế.
Đây có lẽ cũng là lý do tại sao, đa số các chuyên gia tài chính đều đồng tình với Bộ Tài chính là phải siết lại hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ với nhà đầu tư cá nhân và phát hành trái phiếu riêng lẻ nói chung.
Về kênh phát hành trái phiếu ra công chúng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện nay các quy định của Việt Nam khá phù hợp với quốc tế, thậm chí còn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng quy định thì các doanh nghiệp đã phát hành riêng lẻ thành công thời gian qua, đáng chú ý là các doanh nghiệp bất động sản sẽ có khoảng 80% là không thể “chui lọt lỗ kim” của Uỷ ban Chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng siết lại kênh phát hành riêng lẻ, buộc các doanh nghiệp phải phát hành rộng rãi ra công chúng là điều cần thiết. Nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân phải tìm kênh đại chúng để đầu tư sẽ giảm được rủi ro cho bản thân và hệ thống tài chính.
Về phần doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải phát triển theo hướng ngày càng bài bản hơn. Cùng với đó là sự phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức tư vấn tài chính độc lập, chuyên nghiệp để hướng tới một thị trường tài chính bền vững.
Để Luật Chứng khoán 2019 chính thức được áp dụng và đi vào thực tiễn, trong thời gian tới sẽ có những Nghị định mới sửa đổi quy định về hoạt động phát hành TPDN được ban hành để hướng dẫn cho phù hợp với Luật đã được Quốc hội thông qua. Muốn phát triển thị trường trái phiếu, thiết nghĩ cần có thêm những quy định theo hướng khuyến khích phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức tư vấn tài chính độc lập, chuyên nghiệp, đủ sức nâng đỡ sự phát triển của thị trường. Thêm vào đó là các công cụ tuyên truyền của Nhà nước về hoạt động trái phiếu doanh nghiệp để các nhà đầu tư cá nhân hiểu và lựa chọn.
Cần rộng đường cho doanh nghiệp gọi vốn qua thị trường chứng khoán
Nhiều cơ chế đối với hoạt động gọi vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang vấp phải e ngại từ giới chuyên gia, tổ chức phát hành.
Gặp khó gọi vốn qua trái phiếu
Về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, điểm mới tại dự thảo Nghị định là phải có báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm về tổ chức phát hành của tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp: tổng giá trị trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán chấp thuận...
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, nội dung trên chưa ổn, vì không quy định rõ ràng kết quả xếp hạng là như thế nào, dẫn đến gây khó cho việc áp dụng.
Mặt khác, từ kinh nghiệm của một tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Kỹ thương cho rằng, việc đặt ra điều kiện về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp như vậy là hơi chặt trong bối cảnh thực tế hiện nay.
Một khi thị trường xếp hạng tín nhiệm chưa phát triển, mà yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo xếp hạng tín nhiệm nếu muốn phát hành trái phiếu sẽ gây khó cho tổ chức phát hành.
Được biết, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody's, Standard & Poor's thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm. Kế hoạch này sẽ giúp ích cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng để thực hiện được, cần phải có thời gian.
Trước thực tế thị trường định mức tín nhiệm chưa phát triển, khó đáp ứng được đòi hỏi của tổ chức phát hành, Công ty Chứng khoán VNDirect đề nghị, dự thảo cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan đến yêu cầu về báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với công ty đại chúng chào bán trái phiếu ra công chúng.
Theo đó, quy định về báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm chỉ nên áp dụng sau 2 năm kể từ khi nghị định có hiệu lực, vì số lượng các công ty định mức tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xếp hạng tín nhiệm còn rất hạn chế và là các công ty mới, chưa có kinh nghiệm, uy tín hoạt động trên thị trường.
Về hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo quy định tổ chức phát hành phải có báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trong vòng 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký chào bán.
Ý kiến từ thị trường cho rằng, 12 tháng là khoảng thời gian quá dài, khiến cho nhà đầu tư, tổ chức bảo lãnh phát hành, cũng như các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối mặt với rủi ro vì khó cập nhận biến động về hiệu quả kinh doanh, sức khỏe tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, cần rút ngắn thời gian báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm xuống 3 - 6 tháng, thay vì 12 tháng như dự thảo.
Cơ chế huy động vốn qua cổ phiếu có nhiều bất ổn
Liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng tại Việt Nam của doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, điểm mới tại dự thảo Nghị định là ràng buộc điều kiện: báo cáo tài chính của tổ chức phát hành phải được lập theo hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước sở tại chấp thuận..., ý kiến từ doanh nghiệp đề nghị dự thảo làm rõ đó là chuẩn mực nào, có phải IFRS hay không.
Liên quan đến báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng, Bộ Tài chính, UBCK đề xuất, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả chào bán chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán, UBCK có trách nhiệm: thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành về nhận được báo cáo kết quả chào bán, hoặc có quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong trường hợp kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức phát hành thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c, khoản 1, Điều 28, Luật Chứng khoán;
Đồng thời gửi cho sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; đăng tải thông tin về nhận được báo cáo kết quả chào bán, hoặc quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trên trang thông tin điện tử của UBCK...
Nhìn nhận quy định này chưa đảm bảo tính bao quát và rõ ràng, ý kiến từ thị trường cho rằng, nếu sau 3 ngày mà UBCK không có ý kiến phản hồi thì sao, doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước gì tiếp theo?
Do đó, cần bổ sung vào dự thảo: sau thời hạn 3 ngày này mà UBCK không ra văn bản đã nhận được đầy đủ tài liệu hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu, doanh nghiệp được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
Ý kiến này được doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra trong bối cảnh họ cho rằng việc chậm ra thông báo của UBCK là có.
Cần cho chuyển tiếp 1-2 năm mới yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo xếp hạng tín nhiệm
Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam
Việc ràng buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra đại chúng phải được tổ chức định mức tín nhiệm đánh giá, xếp hạng sẽ giúp cải thiện tính minh bạch của tổ chức phát hành, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn trước các rủi ro phát sinh.
Tuy nhiên, với thực tế hiện mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, trong đó mới một công ty hoạt động là khó đáp ứng được lượng hồ sơ doanh nghiệp chờ xếp hạng để được phát hành như yêu cầu của dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi doanh nghiệp xếp hạng định mức tín nhiệm được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động, thì cũng không dễ và nhanh chóng đi vào hoạt động, nhất là trước đòi hỏi phải tập hợp được đội ngũ nhân sự có chất lượng, uy tín.
Do vậy, dự thảo cần sửa đổi theo hướng cho phép có thời gian chuyển tiếp từ 1-2 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực, mới buộc doanh nghiệp phải có báo cáo xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu ra công chúng...
Nên cho phép CTCK được làm đại diện người sở hữu trái phiếu
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc CTCK Kỹ thương
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, đại diện người sở hữu trái phiếu là thành viên lưu ký được tổ chức phát hành chỉ định đại diện cho người sở hữu trái phiếu và không phải là tổ chức bảo lãnh thanh toán nợ của tổ chức phát hành, cổ đông lớn, người có liên quan của tổ chức phát hành...
Trên thực tế ở Việt Nam, hầu như các ngân hàng thương mại đang là đại diện người sở hữu trái phiếu.
Thế nhưng, với nội dung mới tại dự thảo như trên, chỉ các thành viên lưu ký mới được tham gia làm đại diện người sở hữu trái phiếu, nên sẽ không có nhiều bên tham gia, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết các tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do vậy, cần bổ sung vào dự thảo, nếu công ty chứng khoán đã làm thành viên lưu ký, cơ chế nên mở cho phép tổ chức này được làm đại diện người sở hữu trái phiếu, đồng thời được nhận quản lý tài sản đảm bảo, từ đó hoàn toàn chủ động trong chọn các bên quản lý tài sản, cũng như xử lý tài sản đảm bảo khi có vấn đề...
Một quy định chưa phù hợp tại dự thảo là yêu cầu doanh nghiệp muốn đăng ký niêm yết cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán, thì phải đáp ứng điều kiện đã giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm...
Ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, quy định điều kiện của doanh nghiệp niêm yết phải là công ty đã chào bán cổ phiếu ra công chúng/cổ phần hóa hoặc đã giao dịch trên UPCoM cần cân nhắc lại để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký niêm yết, huy động vốn đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán, vì thực tế một số doanh nghiệp lớn khi có nhu cầu niêm yết hoặc huy động vốn qua giao dịch chứng khoán gắn với niêm yết cổ phiếu ngay trên sở giao dịch chứng khoán, chứ ít khi đăng ký giao dịch trên UPCoM vì sàn này không thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, cần cân nhắc mở rộng điều kiện doanh nghiệp niêm yết không nhất thiết phải là doanh nghiệp đã giao dịch trên UPCoM...
Nâng chất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp Từ 1/9 tới đây, Nghị định 81/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chính thức có hiệu lực. Một số thay đổi đang được đánh giá sẽ góp phần giúp thị trường này phát triển một cách có tổ chức. Hạn chế tần suất phát hành trái phiếu cũng như giá trị phát hành...