Vì sao đau đầu gối khi chơi thể thao?
Khi tập thể thao, đầu gối của cháu bị đau, càng ngày đau hơn. Xin hỏi tại sao cháu mắc tình trạng này, thưa bác sĩ? (Hưng)
Cháu năm nay 14 tuổi. Mỗi khi chơi thể thao ở cường độ trung bình, đầu gối chân phải của cháu bị đau. Lúc đó, cháu vẫn tập bình thường và mang băng gối chân để giảm đau. Gần đây cháu đau nhiều hơn, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn, đầu gối chân trái cũng bắt đầu có dấu hiệu đau như chân phải. Mong bác sĩ tư vấn về trường hợp của cháu.
Trả lời:
Trường hợp của cháu là bị đau khớp gối. Đau khớp gối do tập luyện thể thao dễ xảy ra ở thanh niên và người già. Khi hoạt động, nhất là chạy bộ, đá bóng… đầu gối phải gánh một trọng lượng rất lớn, nếu người tập không chọn đúng môn, đúng bài tập, tập quá sức hoặc khởi động không tốt thì rất dễ bị đau khớp gối.
Cháu không nói rõ tập luyện môn gì nên rất khó để đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, cháu tập với cường độ trung bình mà vẫn bị đau khớp gối thì rất có thể đã tập sai cách.
Trên thực tế, nhiều người lúc đầu đau một bên khớp gối nên chủ quan không đi khám hoặc không xem xét lại quá trình tập luyện của mình, mang băng gối chân đi tập. Tình trạng này để lâu sẽ đau nhiều hơn dẫn đến biến chứng khớp gối, thoái hóa khớp gối.
Thoái hóa khớp gối có những biểu hiện như khớp kêu lục cục mỗi khi co duỗi kèm khó vận động, đau tê lúc ngồi xổm, leo cầu thang. Trường hợp của cháu đã đến tình trạng vận động đứng lên ngồi xuống khó khăn, là tiền đề của chứng thoái hóa khớp gối. Cháu cần dừng việc tập luyện thể thao lại và đi khám ngay tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn kỹ hơn.
Trong thời gian này, khi ở nhà, cháu nên có chế độ nghỉ ngơi lành mạnh, hạn chế đi lại, leo cầu thang. Nên bổ sung thực phẩm giúp xương khớp khỏe mạnh như cá, cải bó xôi, nước cam, hành tây, giảm đường, giảm muối trong khẩu phần ăn của mình. Ngoài ra, có nhiều bài tập tại nhà giảm đau khớp gối như nằm ngửa nhấc chân, nâng chân, đứng tay đơn kéo chân. Cháu có thể tìm hiểu tham khảo và tập luyện nhé.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hồng Vân
Khoa chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức
Video đang HOT
Theo Vnexpress
Một vài dấu hiệu cảnh báo đầu gối của bạn đang gặp những vấn đề không nhỏ
Chính bởi tần suất hoạt động cao cũng như áp lực hoạt động lớn, những chấn thương đầu gối là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất.
Gối là khớp lớn nhất trong cơ thể và hầu hết mọi chuyển động của cơ thể đều cần đến chúng. Chính bởi tần suất hoạt động cao cũng như áp lực hoạt động lớn, những chấn thương đầu gối là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất.
Có rất nhiều tổn thương liên quan tới khu vực này và dấu hiệu nhận biết cũng khác biệt với từng trường hợp. Robert Kaufman, chuyên gia y khoa lâm sàng tại viện nghiên cứu Rehabilitation Langone (Mỹ) cho biết, điều nguy hiểm với những chấn thương đầu gối là chúng thường hình thành từ từ, làm khớp gối thiếu đi sự linh hoạt và nhanh nhẹn, khiến bạn khó nhận biết hơn.
Dưới đây là một vài dấu hiệu cảnh báo đầu gối của bạn đang gặp những vấn đề không nhỏ:
Cơn đau dưới gối
Miho Tanaka, giáo sư Khoa Phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Johns Hopkins, Baltimore đồng thời là giám đốc dự án Thể thao dưới góc nhìn y học cho biết, những cơn đau ở phần dưới gối hoặc lan tỏa tại mặt trước của xương bánh chè có thể là dấu hiệu của viêm gân.
Hiện tượng này xảy ra khi bạn vận động quá nhiều, vượt sức chịu đựng của cơ khớp gối. Đây là cơn ác mộng với những vận động viên, người chơi thể thao hay người thường xuyên tập luyện với cường độ cao. Nếu bạn thuộc nhóm trên, hãy đảm bảo luôn khởi động kĩ để tránh những chấn thương không đáng có.
Sưng đau và nóng rát
Zachary Rethorn, chuyên viên vật lý trị liệu kiêm giảng y khoa viên lâm sàng tại Đại học Tennessee - Chattanooga cho biết, cảm giác sưng đau và sờ thấy ấm, nóng tại đầu gối là dấu hiệu của viêm bao hoạt dịch.
Bao hoạt dịch là những túi nhỏ đầy chất lỏng bao quanh gối. Chúng có tác dụng đệm giữa xương và bôi trơn khớp, giảm ma sát khi bạn vận động. Khi bao hoạt dịch bị viêm, chúng sẽ sưng to làm tăng cường ma sát và khiến cử động của bạn trở nên khó khăn.
Tổn thương càng lớn, cử động của bạn càng khó khăn và những cơn đau cũng lớn thêm.
Một số nguyên nhân gây nên vấn đề này là chấn thương và áp lực trong thời gian dài lên đầu gối. Khi đối mặt với tình trạng này, điều đầu tiên bạn cần làm là nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động. Tiếp đó, nhẹ nhàng massage từ 10-15 phút mỗi tiếng và cơn đau sẽ dần dần thuyên giảm.
Tiếng kêu trong gối đi kèm với đau nhức
Chấn thương dây chằng chéo trước là một dạng tổn thương sở hữu đặc điểm nhận dạng khá đặc biệt. Những vận động viên với cường độ tập luyện cao, đặc biệt trong các môn liên quan đến nhảy là những người có nguy cơ gặp phải chấn thương này nhiều nhất.
Mercedes Eustergerling, chuyên viên vật lý trị liệu ở Calgary, Canada cho biết cho biết, ở mức độ nhẹ, khi dây chằng chưa bị tổn thương, bạn sẽ chỉ bị bong gân. Trong trường hợp nặng hơn, khi dây chằng bị tổn thương, bạn sẽ phải nhờ đến phẫu thuật để khôi phục lại hoạt động cho nhóm cơ này.
Tiến sĩ Mercedes cũng cho biết thêm, dù đóng vai trò thiết yếu trong việc di chuyển và vận động nhưng nếu thiếu chúng, bạn vẫn có thể đi lại và hoạt động bình thường. Với những vận động viên đòi hỏi sự dẻo dai và tần suất hoạt động cao, họ thường chọn tiến hành phẫu thuật để xử lý triệt để đồng thời khôi phục tối đa khả năng vận động như trước.
Đau gối khi vận động
Đau nhức khi cử động kèm theo sưng đau gối có thể là dấu hiệu của tổn thương sụn chêm đầu gối. Đây là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở khớp gối, khi lớp sụn bọc xương gối bị rách. Keith Overland, bác sĩ chỉnh hình kiêm phát ngôn viên tại Hiệp hội Chiropractic của Hoa Kỳ cho biết, ở những người trẻ tuổi, tình trạng này thường xảy ra bởi chấn thương hoặc hoạt động với cường độ cao.
Ở những người có tuổi, hiện tượng này cũng xảy ra do sự lão hóa và khả năng đàn hồi của lớp sụn không còn tốt. Thông thường, bạn sẽ cần đến phẫu thuật để xử lý triệt để tình trạng này.
Sưng đau và cứng khớp
Viêm khớp có thể gây nên tình trạng đau nhức kèm theo co cứng đầu gối. Thông thường, khi bước qua tuổi 30, các bộ phận trong cơ thể bắt đầu tiến vào giai đoạn lão hóa và mô đệm ở gối cũng không phải ngoại lệ. Giống như việc tóc bạc xuất hiện hay sức khỏe giảm sút, lớp sụn ở gối sẽ mòn dần và làm bạn không còn dẻo dai như trước. Nếu sở hữu nhiều thói quen thiếu lành mạnh, bạn sẽ còn gặp phải các chứng viêm khớp dạng thấp hoặc gút.
Đau kéo dài từ phía trong khớp gối đến hông
Nếu là một người thường xuyên chạy bộ hoặc đi xe đạp, bạn rất dễ mắc phải loại chấn thương này. Dải chậu chày là một dải gân chuyển tiếp giữa cơ mông to và cơ đùi. Gân này có hình dạng đặc biệt, rất mỏng, giống một lưỡi dao, bám vào phần ngoài của gối.
Rolland Nemirovsky, bác sĩ trị liệu thần kinh cột sống tại trung tâm Manhattan Sports Therapy cho biết, hội chứng dải chậu chày hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm và xử lý tích cực. Tuy vậy, không nghỉ ngơi hợp lý hoặc cố gắng vận động khi đang bị đau có thể khiến tình trạng thêm tồi tệ.
Nguồn: Pre
Theo Helino
Mục xương do dùng thuốc sai cách Nghe lời người khác, nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp đi tiêm thuốc cho nhanh khỏi nhưng đó lại là cách tự hại mình Bà N.T.M (60 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng khớp gối phải sưng nóng, đỏ, đau kèm sốt cao, suy thận. Bà cho biết bị đau khớp gối cách đây 2 năm, đã chữa trị...