Vì sao con mới học cấp 1, bố mẹ đã vội cho đi học thêm: Nhà văn nổi tiếng chỉ ra 2 nguyên nhân nhận nhiều đồng tình
Dạy thêm và học thêm một phần cũng xuất phát từ “cung và cầu” của chính xã hội và một phần không nhỏ do bệnh thành tích, xuất phát bởi tư duy trọng bằng cấp của xã hội….
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc còn có bút danh quen thuộc là Penci Black, được độc giả biết tới với những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đời thường như: “Miếu thành hoàng” (năm 2003), “Những hẻm phố Sài Gòn” (năm 2015), “Hồn quê trong phố” (năm 2019),…
Ngoài mảng truyện ngắn, anh Bùi Ngọc Phúc còn là tác giả của nhiều bài viết rất hay và tâm huyết về lĩnh vực giáo dục. Cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” (xuất bản năm 2019) của anh và đồng tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải từng được phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.
Mới đây, anh Bùi Ngọc Phúc đã chia sẻ quan điểm về việc nhiều phụ huynh cho con đi học thêm khi mới ở bậc tiểu học. Quan điểm của anh nhận về không ít sự đồng tình vì phản ánh đúng thực trạng học tập ngày nay. Chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của anh:
Thưa các phụ huynh, ngay ở bậc tiểu học nhiều học sinh ngoài giờ học trên lớp đã quá quen với việc học thêm. Điều này khá phố biến ở các thành phố lớn trong cả nước. Cả một xã hội lao vào học thêm hàng chục năm qua, dù Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các địa phương từng ra nhiều văn bản hướng dẫn về dạy thêm, học thêm. Các Sở ban ngành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, nhưng thực trạng dạy thêm và học thêm vẫn diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Khi thì bùng phát mạnh mẽ, lúc lại giống như làn sóng ngầm nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Theo tôi cái gì tồn tại đều có lý do của nó. Dạy thêm và học thêm một phần cũng xuất phát từ “cung và cầu” của chính xã hội và một phần không nhỏ do bệnh thành tích, xuất phát bởi tư duy trọng bằng cấp của xã hội. Thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, các lớp học thêm mở công khai hay lén lút, núp bóng các trung tâm gia sư, trung tâm bồi dưỡng giáo dục chủ yếu vì mục đích kinh doanh là điều đáng bàn.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ bàn đến một thực tế, tại sao phụ huynh tự nguyện cho con đi học thêm từ bậc tiểu học với hai nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:
Nguyên nhân chủ quan: Sợ con không hiểu bài
Ở bậc Tiểu học, điều thấy rõ nhất ở đa số học sinh, đặc biệt các bạn trai đều có sự mất tập trung khi nghe giảng. Bố mẹ nào có con mới vào lớp 1, lớp 2 chắc thường xuyên gặp phải tình huống con mất đồ dùng học tập, quên không làm bài tập về nhà hoặc mải nói chuyện riêng nên chép bài không kịp.
Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến lực học của các con không đạt kết quả như mong muốn. Vậy nên việc nhiều gia đình lựa chọn gia sư hoặc đưa con mình đến nhà các cô học thêm là điều tất yếu. Một nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh chủ động xin cho con học thêm xuất phát từ việc sợ con học đuối so với các bạn trong lớp. Nhiều phụ huynh luôn có tâm lý so sánh kết quả học tập của con với các bạn khác trong lớp, trong trường. Thậm chí so sánh con với các bạn cùng lứa tuổi ở các trường khác dẫn đến bệnh thành tích và tự tạo sức ép cho con phải học thêm nhiều để thành tích thật cao.
Video đang HOT
Thực tế có phụ huynh buộc phải cho con đi học thêm, dù không muốn vì chính cô giáo gợi ý, o ép. Họ sợ con bị cô giáo “trù” hoặc con sẽ bị điểm kém hơn so với các bạn học thêm ở nhà cô. Bên cạnh đó cũng có nhiều học sinh đi học thêm nhằm bù đắp lỗ hổng kiến thức hoặc học nâng cao kiến thức để phát huy khả năng của bản thân.
Có trường hợp dù cô giáo nói con học trên lớp ổn rồi, nhưng bố mẹ vẫn ép con mình đi học thêm khắp nơi, bởi gia đình nghĩ học như vậy là chưa đủ. Nhiều phụ huynh ngay khi bước vào kì nghỉ hè đã xin cho con học thêm “học kì 3″ vì sợ con thua kém các bạn.
Việc học thêm ở bậc Tiểu học cần được phụ huynh cân nhắc kỹ để phân bổ thời gian học và nghỉ ngơi của con, tránh tình trạng con bị mệt mỏi dẫn đến chán học.
Nguyên nhân khách quan: Tình trạng quá tải học sinh
Nguyên nhân khách quan dẫn đến lỗ hổng kiến thức của học sinh Tiểu học khiến bố mẹ muốn con đi học thêm, đó là tình trạng quá tải sĩ số học sinh ở các lớp học. Theo quy định, sĩ số không quá 35 học sinh một lớp học ở bâc Tiểu học dường như không bao giờ thực hiện được. Điều này thấy rõ ở hầu hết các trường Tiểu học khu vực thành thị. Đặc biệt, tình trạng quá tải học sinh xảy ra ở các thành phố lớn có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Do sĩ số trên lớp quá đông nên việc tiếp thu bài của nhiều con bị hạn chế, thời gian trên lý thuyết để các con hoàn thành môn Toán, Tiếng Việt và thời gian thực sự các con tiếp thu kiến thức có sự chênh nhau không hề nhỏ. Như vậy, với thời lượng trên lớp học không được nhiều, cộng với nguyên nhân sĩ số lớp đông, giáo viên không thể dành 100% thời gian dạy học để truyền đạt kiến thức các môn theo chương trình, dẫn đến thực trạng nhiều học sinh hổng kiến thức khá phổ biến.
Đó là nguyên nhân nhiều con luôn viết chậm, sai lỗi chính tả, kém môn Tiếng Việt, kém môn Toán dẫn đến chán học. Hệ lụy của việc hổng kiến thức từ trên lớp khiến con ngày càng sợ học, nhất là khi nội dung kiến thức nhiều hơn. Nhiều con đi học nhưng không hiểu bài trên lớp sẽ chán học, thậm chí có con bị trầm cảm học đường ngay từ lớp 1.
Phụ huynh thấy con mình học kém, ngay lập tức giúp con làm bài tập ở nhà, để bù đắp lỗ hổng kiến thức trên lớp. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có thời gian, sự kiên nhẫn và khả năng dạy học cho con và việc chọn nơi học thêm cho con là điều tất yếu.
Việc dạy thêm cần được nhìn nhận đúng thực tế, tránh trình trạng “vơ đũa cả nắm”, đổ lỗi cho việc dạy thêm chỉ để các thầy cô kiếm thêm thu nhập, dẫn đến việc cấm dạy thêm học thêm một cách máy móc gây ra nhiều làn sóng học thêm “ngầm” trong thời gian qua.
Thiết nghĩ nếu ngành giáo dục giải quyết được bài toán quá tải học sinh trong một lớp học bậc Tiểu học, một lớp học không quá 35 học sinh, chắc chắn chất lượng giảng dạy trên lớp sẽ tăng lên, học sinh và phụ huynh không phải lo tìm lớp học thêm. Phụ huynh cần cân đối thời gian học của con mình, giảm sự kỳ vọng một cách thái quá, có như vậy tình trạng học thêm mới giảm. Tuy nhiên những điều đó không thể giải quyết một sớm một chiều.
Mỗi năm dân số ở các đô thị vẫn không ngừng tăng, tình trạng quá tải sẽ lặp lại, điều này khiến học sinh bước vào năm học mới vẫn phải đối mặt với áp lực học hành. Tình trạng học thêm vì thế cũng không ngừng tăng theo năm tháng.
Một chia sẻ cực hữu ích từ nhà văn Bùi Ngọc Phúc: Muốn con chắc suất vào trường cấp 3 tốt, bố mẹ cần làm đủ 4 điều đúc kết này
Người đi học là các con nên không ai khác, chính các con phải có sự quyết tâm cao. Nhưng phụ huynh cần là người giúp con có thêm động lực, truyền cảm hứng cho con...
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc còn có bút danh quen thuộc là Penci Black được độc giả biết tới với những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đời thường như: "Miếu thành hoàng" (năm 2003), "Những hẻm phố Sài Gòn" (năm 2015), "Hồn quê trong phố" (năm 2019),...
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc.
Ngoài mảng truyện ngắn, anh Bùi Ngọc Phúc còn là tác giả của nhiều bài viết rất hay và tâm huyết về lĩnh vực giáo dục. Cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" (xuất bản năm 2019) của anh và đồng tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải từng được phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài xuất bản sách, anh Bùi Ngọc Phúc cũng thường xuyên chia sẻ những quan điểm giáo dục thiết thực, đa chiều trên trang Facebook cá nhân. Mới đây, anh đã có đôi dòng gửi đến các bậc phụ huynh về việc: Làm thế nào để đồng hành cùng con trong kỳ thi tuyển đầu vào THPT đầy cam go.
Chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của anh:
Khác với bậc Tiểu học, bước vào bậc THCS, học sinh bắt đầu có sự phân hóa rõ rệt. Nhiều con suốt 5 năm học Tiểu học luôn đứng đầu lớp, nhưng khi học đến lớp 7 thì dần sa sút về mọi mặt. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lí thay đổi nên phụ huynh gặp những cơn đau đầu không biết gọi tên.
Muốn con không bị hổng kiến thức, việc học chậm, học chắc các môn ngay đầu cấp THCS phải được phụ huynh ưu tiên sát sao từ đầu. Bởi vì nhiều con có học lực giỏi các môn tự nhiên, nhưng lúc chọn thi chuyên lại ngập ngừng do kém môn Ngữ Văn.
Nhiều con giỏi tiếng Anh và Ngữ Văn, tuy nhiên môn Toán lại chính là rào cản khó vượt qua. Tất cả những trường hợp đó khi phụ huynh phản ánh, hầu hết các con đã học lớp 9 và đối diện với kì thi chuyển cấp. Chính vì vậy tôi muốn phụ huynh các con học đầu cấp THCS lưu tâm.
Nhiều con suốt 5 năm học Tiểu học luôn đứng đầu lớp, nhưng khi học đến lớp 7 thì dần sa sút về mọi mặt. (Ảnh minh họa)
Như mọi người đều biết trong 12 năm đồng hành cùng con, kì thi chuyển cấp vào 10 được đánh giá là căng thẳng nhất. Đây là kì thi khiến nhiều phụ huynh và học sinh phải òa khóc mỗi khi Sở GD&ĐT công bố điểm chuẩn.
Có nhiều phụ huynh đã tâm sự: Dù bạn lớn nhà em đã học lớp 11 trường công lập, tuy nhiên đến bạn thứ hai vẫn lo lắng hồi hộp như lần đầu. Có nhiều con thật sự xuất sắc đỗ không phải một mà tới ba trường chuyên. Không ít con đỗ vào các trường công lập thuộc tốp đầu, thậm chí còn thừa điểm.
Qua trao đổi nhanh với phụ huynh, điểm chung dễ nhận thấy của các con là sự quyết tâm, tính tự giác trong học tập và đặc biệt là khả năng tự học cao. Ở chiều ngược lại, nhiều con phải ngậm ngùi trước cánh cổng trường công lập, đôi khi chỉ vì thiếu 0,25 điểm. Có những con học lực giỏi, môn chuyên đạt điểm cao nhưng lại vấp ngã ở chính môn điều kiện. Sự nuối tiếc ngậm ngùi hầu như năm nào cũng có.
Năm nay kì thi vào 10 sẽ là cuộc thử sức dành cho các con lứa 2006. Tuy nhiên tôi muốn hướng tới các con đang học lớp 6, 7, 8. Bởi tôi muốn các con học tốt các môn điều kiện, tránh tình trạng học đuối hay bị mất gốc.
Trong một bài viết trước đây tôi đã phân tích, nếu các môn tự nhiên bị mất gốc sẽ khiến việc lấp lỗ hổng mất nhiều thời gian, kể cả môn tiếng Anh cũng vậy. Nhưng với môn Ngữ Văn, nếu mất gốc hoặc sợ các dạng bài Nghị luận xã hội hay Nghị luận văn học, nếu gặp được thầy cô truyền cảm hứng, các con vẫn có hy vọng đạt điểm cao trong thi cử.
Để đạt được kết quả cao trong học tập và tự tin đối mặt với kì thi chuyển cấp đầy thử thách, phụ huynh cần giúp con những điều sau:
1. Học chậm nhưng học đâu chắc đó! Học thêm ít nhưng phải chọn đúng địa chỉ học có uy tín, thầy cô tâm huyết. Sự đồng hành cùng con của phụ huynh ở giai đoạn này vô cùng quan trọng. Bởi nó tạo cho con nền tảng vững chắc cho các năm học sau.
"Phụ huynh muốn con thi chuyên, việc định hướng cùng con càng sớm càng cho kết quả tốt", nhà văn Bùi Ngọc Phúc đúc kết.
2. Ngoài những giờ học trên lớp, những buổi học thêm tại nhà các thầy cô thì điều quan trọng nhất vẫn là việc con phải có khả năng tự học và tính tự giác cao. Giai đoạn này youtube và game là những kẻ sát thủ thầm lặng, chưa kể đến nhiều cám dỗ khác.
3. Phụ huynh muốn con thi chuyên, việc định hướng cùng con càng sớm càng cho kết quả tốt.
4. Người đi học là các con. Bởi vậy không ai khác, chính các con phải có sự quyết tâm cao. Nhưng phụ huynh cần là người giúp con có thêm động lực, truyền cảm hứng thông qua những buổi cùng con đi dự tọa đàm, đi dã ngoại hoặc đơn giản chỉ là cùng nhau xem một bộ phim.
Tôi hy vọng qua những đúc kết này, phụ huynh có con đang học bậc THCS sẽ cùng con định hướng sớm nhất. Có như vậy dù kì thi vào 10 cam go đến đâu, cả phụ huynh và con sẽ không phai chịu quá nhiều áp lực.
CĐM tranh luận việc chọn nghề: Lương thấp mà nhàn hay cao nhưng vất vả Mới đây, nhiều cư dân mạng đã tranh luận sôi nổi trước cuộc khảo sát: " Đi làm lương văn phòng 8 triệu và đi làm công nhân lương 14 triệu thì nên chọn cái nào?". Đây thực tế có lẽ vốn là "bài toán khó" không tồn tại đáp án nào chính xác nhất mà nó được dựa trên chính lựa chọn...