Vì sao chuyển phát bằng máy bay không người lái vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam?
Ở nhiều nước trên thế giới, máy bay không người lái đã được sử dụng trong hoạt động chuyển phát, đặc biệt phát huy tác dụng trong bối cảnh bùng phát đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc chuyển phát bằng máy bay không người lái.
Chưa triển khai chính thức tại Việt Nam
Mới đây, một tài khoản mạng xã hội của cán bộ truyền thông Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel ( Viettel Post) đăng tải hình ảnh chiếc máy bay không người lái đang vận chuyển một chiếc hộp nhỏ.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ được coi là hình ảnh rò rỉ trên mạng xã hội chứ chưa phải thông tin chính thức được công bố bởi Viettel Post.
Máy bay không người lái của Drone Delivery Canada.
Trao đổi với ICTnews, đại diện truyền thông Viettel Post cho biết “đây mới là dự án triển khai thí điểm trong nội bộ doanh nghiệp”.
Liên hệ với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) để tìm hiểu về việc triển khai chuyển phát bằng máy bay không người lái, câu trả lời cũng chỉ là “mới đang ở công đoạn nghiên cứu khả năng áp dụng thiết bị, công nghệ này”.
“Hiện vẫn chưa có doanh nghiệp bưu chính – chuyển phát nào xin cấp phép triển khai mô hình chuyển phát hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện bằng máy bay không người lái”, lãnh đạo Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết.
Theo tìm hiểu của ICTnews, một trong những yếu tố quan trọng để có thể triển khai hoạt động chuyển phát bằng máy bay không người lái là phải được sự đồng ý cấp giấy phép bay của Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh.
Theo Nghị định số 36/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, tại Điều 5 quy định: “Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý điều hành, giám sát bay đối với tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển nhưng không cất cánh, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng. Nội dung quản lý bay gồm: (1) Thiết lập, cấp phép, trả lời, thông báo khu vực được tổ chức hoạt động bay; (2) Chỉ định cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, giám sát các hoạt động bay”.
Tại Điều 6 quy định về việc thiết lập sân bay, khu vực hoạt động bay: “Bộ Quốc phòng thiết lập sân bay, khu vực hoạt động bay, khu vực bay thử nghiệm cho tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, bảo đảm đủ điều kiện bay, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và an toàn hàng không”.
Và tại Điều 8 quy định thẩm quyền cấp phép, từ chối, đình chỉ hoạt động bay: “Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng”.
Có thể p hát huy tác dụng trong đại dịch Covid-19
Cũng theo tìm hiểu của ICTnews, trên thế giới, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng máy bay không người lái để giảm lực lượng lao động chân tay, tăng hiệu quả hoạt động, kinh doanh bưu chính, chuyển phát.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thiết bị công nghệ hiện đại này càng có điều kiện khẳng định sự lợi hại của mình.
Mới đây, hãng Elite Consulting đã thiết kế một loại hộp phù hợp với máy bay không người lái DJI Matrice 200 series để di chuyển gạc và thuốc. Máy bay không người lái có thể mang theo hai hộp và bay trong phạm vi 5km.
Vì thế, máy bay không người lái có thể di chuyển vào khu vực ổ dịch, phục vụ những người cách ly. Nếu một người già cần dùng thuốc khẩn cấp, thuốc có thể được giao trong vòng hai phút. Sau khi máy bay không người lái hạ cánh, hướng dẫn lấy thuốc ra khỏi hộp sẽ được cung cấp qua điện thoại. Gạc có thể được giao theo hướng dẫn, cho phép bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm một cách độc lập sau đó gửi chúng trở lại phòng thí nghiệm.
Hình ảnh máy bay không người lái được đăng tải trên mạng xã hội bởi tài khoản cá nhân của một cán bộ truyền thông Viettel Post.
Và một ví dụ khác nữa, tại Canada, công ty công nghệ máy bay không người lái Drone Delivery Canada đang làm việc với các đối tác bao gồm bệnh viện, nhà của người cao niên, phòng thí nghiệm y tế và các tổ chức liên quan… để triển khai hoạt động giao hàng, nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Theo đó, máy bay không người lái sẽ vận chuyển vật tư y tế và dược phẩm đến nơi cần; vận chuyển mẫu máu đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm…
Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, chuyển phát bằng máy bay không người lái vào các khu vực bị cách ly được xem là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh.
Bình Minh
Dùng drone cảnh báo Covid-19
Nhiều quốc gia sử dụng máy bay không người lái (drone) để cảnh báo người dân không tụ tập đông người, giữ khoảng cách nhằm tránh lây lan Covid-19.
Theo Business Insider, một số drone đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời Nice - thành phố lớn thứ 5 của Pháp - từ ngày 19/3. Những thiết bị này sẽ được gắn thêm loa để cảnh báo người dân tuân thủ các biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Trên một số con đường, người dân đã nghe nhiều thông điệp phát đi với âm lượng lớn, như "Đừng ra đường trừ khi gặp tình huống khẩn cấp", "Hãy tôn trọng khoảng cách an toàn"...
Một drone được cảnh sát Nice dùng thông báo cho người dân.
Drone 06, công ty cung cấp thiết bị không người lái cho chính quyền Nice, cho biết ngoài chức năng thông báo, drone sẽ thu thập hình ảnh thông qua camera gắn kèm. Mỗi máy nặng 800 gram và đường kính 30cm, theo Le Parisien.
Thị trưởng thành phố Nice, Christian Estrosi, cho biết số lượng máy bay không người lái được triển khai hiện quá "mỏng" và sẽ tăng cường thời gian tới, đồng thời tăng tần suất thông báo.
Theo Nice Matin, sau Nice, chính quyền dự kiến sẽ triển khai drone để cảnh báo người dân ở những khu vực khác. Hiện các bãi biển khu vực Nice đã bị hạn chế. "Chúng tôi thậm chí đang xem xét các biện pháp giới nghiêm", Estrosi khẳng định.
Tây Ban Nha hôm 16/3 cũng sử dụng drone để cảnh báo người dân nên ở trong nhà thay vì ra đường để hạn chế sự lây nhiễm Covid-19, theo BBC. Một số video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát Tây Ban Nha đã dùng drone có gắn loa, yêu cầu mọi người nên rời các khu vực công cộng và trở về nhà. Việc triển khai được thực hiện sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 13/3.
Việc sử dụng drone cũng khá phổ biến tại Trung Quốc trong thời gian bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, cách làm của nước này mạnh tay hơn, khi hệ thống còn được trang bị thêm cảm biến nhận diện khuôn mặt kể cả khi mang khẩu trang, cũng như máy đo thân nhiệt, cho phép phát hiện người nghi nhiễm nCoV giữa đám đông.
Ngoài ra, drone cũng được Trung Quốc và Hàn Quốc dùng phun thuốc khử trùng tại một số khu vực không thể tiếp cận bằng con người.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng các phương pháp kiểm dịch bằng drone nhìn chung còn hạn chế và chi phí thực hiện cao. Thực tế, drone thương mại có thể gắn các thiết bị khác lên với giá hàng chục nghìn USD, nhưng chỉ có thể vận hành thời gian ngắn (khoảng 20 phút) trước khi cạn pin.
Bảo Lâm
Chán chỉ trích các tỷ phú, giờ đến lượt cả Không quân Mỹ cũng bị Elon Musk cà khịa: "Thời đại của các chiến đấu cơ phản lực qua rồi" Theo dự báo của ông Musk, tương lai của chiến tranh thuộc về máy bay không người lái và ngay cả những máy bay đắt tiền như F-35 cũng vô dụng trước tương lai này. Thật khó tìm được vị CEO công nghệ nào thích cà khịa người khác như Elon Musk, CEO của cả Tesla và SpaceX. Sau khi chê bai hầu...