Vì sao cần xây sân bay Long Thành, không mở rộng Tân Sơn Nhất?
Trong bối cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM quá tải, việc mở rộng dù ở mức tối đa thì năng lực tương ứng với 53 triệu lượt khách năm 2030 là việc bất khả kháng. Giải tỏa dân cư để mở rộng sân bay này cũng là chuyện không thể.
Không có đường “tiến” cho Tân Sơn Nhất
Dưới sự chủ trì của ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước – cuộc họp Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành phiên thứ 3 diễn ra hôm qua (15/8) kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ đã xem xét và kết luận về Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Hồ sơ dự án được chủ đầu tư là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cập nhật, hoàn thiện theo ý kiến của phiên họp thứ 2 diễn ra vào trung tuần tháng 3.
Không phải là thành viên Hội đồng Thẩm định, ông Mai Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – đến dự cuộc họp với tư cách là khách mời từ địa phương có Cảng Hàng không quốc tế sôi động bậc nhất Việt Nam và tại đây vị Phó Chủ tịch này đã đưa ra những lý lẽ phân tích về sự quan tâm, so sánh giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM hiện tại có năng lực thông qua 20 triệu lượt hành khách/năm
Theo ông Mai Hữu Tín, hiện nay có 20 triệu lượt hành khách qua Cảng Tân Sơn Nhất/năm, nếu mở rộng sân bay thì tối đa tăng được 25 triệu hành khách/năm và nếu tăng thêm 5 triệu hành khách thì buộc phải giải quyết các vấn đề về hạ tầng. Dự báo, lượng hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2030 đạt 53 triệu lượt/năm, và trong tương lai gần (5-10 năm tới) nếu dự báo này thành hiện thực thì sẽ giải bài toán quá tải ở Tân Sơn Nhất như thế nào? Ở đây có 2 lựa chọn là mở rộng Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, nhưng dù là lựa chọn nào thì cũng phải tính tới tính khả thi và hiệu quả khai thác.
“Về quy hoạch đô thị của TPHCM, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không phù hợp, bởi khi mở rộng sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM. Về quy hoạch vùng, vị trí Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp, khi hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh thì hiệu quả khai thác rất cao” – ông Tín cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua và sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, bởi việc xây dựng là phù hợp và cần thiết cả về trước mắt và lâu dài.
Trong khi đó, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng – cho biết: “Tôi nguyên là phi công chiến đấu, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370 nên tôi rất hiểu về hoạt động bay và bảo đảm an toàn bay, việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không thể”.
Video đang HOT
“Sân bay không chỉ đơn thuần là các công trình mặt đất mà còn là không gian bảo đảm an toàn bay. Vấn đề quỹ đất sử dụng và việc giải tỏa dân cư để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là chuyện không thể. Trong khi đó, cách TPHCM 50km, Biên Hòa là sân bay duy nhất phục vụ quân sự có thể đưa máy bay xuất kích bảo vệ TPHCM khi có tình huống chiến đấu. Vì vậy khả năng cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ quân sự Biên Hòa để đạt công suất như mục tiêu của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là khó khả thi” – Trung tướng Tuấn nhấn mạnh.
Trung tướng Tuấn khẳng định, về nguyên tắc, Cảng hàng không càng rộng càng tốt. Trong bối cảnh lượng hành khách thông qua Cảng ngày càng tăng cao thì việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không khả thi, còn Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đảm nhiệm vai trò trung chuyển quốc tế với công suất 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm là rất tối ưu. Trung tướng Tuấn đề nghị thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Trình Quốc hội dự án sân bay Long Thành trong tháng 10
Tuy chưa có kết quả kiểm phiếu của 16 thành viên Hội đồng Thẩm định là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, nhưng cùng chung những đánh giá về tính khả thi và hiệu quả khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, đa phần các ý kiến của thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước có mặt tại cuộc họp đã tán thành thông qua báo cáo đầu tư Dự án và đề nghị trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua dự án có tổng mức đầu tư 8 tỷ USD này tại kỳ họp vào tháng 10 tới đây.
Việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được khẳng định là cần thiết và phù hợp trong tiến trình phát triển kinh tế
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cần cập nhật bổ sung các ý kiến góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, UBND TPHCM để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư sân bay Long Thành và sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất với những lý giải rõ ràng để người dân không thắc mắc và Quốc hội nhất trí phê duyệt.
“Người giải trình tại Quốc hội về dự án này là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hoặc tôi, chỉ một trong hai người. Vì thế, là chủ đầu tư dự án thì Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam phải hoàn thiện báo cáo đầu tư, hồ sơ dự án thật rõ ràng, mạch lạc và có tính khả thi cao. Đừng để khi chúng tôi đứng giữa Quốc hội lại không giải thích được những thắc mắc của đại biểu và nhân dân, khi đó thì không có chuyện Quốc hội thông qua Dự án đâu” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Về quy mô diện tích xây dựng dự án 5.000 ha, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định chưa có dự án nào mặt bằng thuận lợi như dự án này, bởi hơn 1 nửa diện tích là trồng cao su của Nhà nước. Riêng phần đất của người dân giải tỏa để phục vụ dự án, Bộ trưởng yêu cầu cần có chính sách đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư phù hợp để người dân yên tâm và thoải mái khi di rời.
Đây là dự án rất lớn, nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, vì vậy Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định khẩn trương hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư và có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8 này. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết sẽ có tờ trình trình Thủ tướng ngay sau cuộc họp.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Đường Hồ Chí Minh: Từ nghị trường Quốc hội đến tiến trình thực hiện
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được triển khai đã gần 15 năm. Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia duy nhất đến thời điểm hiện tại được Quốc hội thông qua về chủ chương đầu tư. Tuy nhiên tiến trình thực hiện dự án có nhiều thay đổi.
Muôn vàn khó khăn
Năm 2004, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3.167km. Dự án được chia làm 3 giai đoạn xây dựng, trong đó, giai đoạn 1 (2000 - 2007) và giai đoạn 2 (2007 - 2010) phải hoàn thành vào năm 2010 để nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó đến Đất Mũi với quy mô hai làn xe.
Từ năm 2010 đến năm 2020, tiến hành nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc sẽ mở rộng mặt cắt ngang phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Nguồn vốn cho dự án chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ bởi thời điểm đó việc kêu gọi đầu tư tư nhân hạn chế do các dự án có tổng mức đầu tư lớn, hiệu quả tài chính thấp. Mặt khác việc huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) ngày càng khó khăn do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được triển khai gần 15 năm
Việc triển khai giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ. Song đối với giai đoạn 2, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước. Cũng chính vì vậy mà nguồn vốn bố trí cho dự án "nhỏ giọt", một số dự án thành phần đến cuối năm 2008, đầu 2009 mới có chủ trương đầu tư hoặc đã có chủ trương đầu tư, đã hoàn thành dự án đầu tư nhưng chưa được phê duyệt do chưa bố trí được nguồn vốn. Do vậy việc hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2010 là không thể thực hiện được.
Trước bối cảnh này cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2011 về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tiến hành rà soát các dự án thành phần và chia thành 3 loại: các dự án thành phần tiếp tục triển khai để hoàn thành năm 2015; các dự án thành phần giãn tiến độ đầu tư sau năm 2015 và các dự án thành phần chưa triển khai.
Mặt khác, ngoài nguyên nhân về nguồn vốn cũng còn phải kể đến các nguyên nhân khác như: tiến độ giải phóng mặt bằng; chế độ chính sách thay đổi; biến động giá, năng lực một số khâu của các lực lượng tham gia dự án còn những hạn chế,... cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.
Xác định tiến độ giai đoạn 2 của dự án sẽ không thể hoàn thành như mục tiêu Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội đã đề ra; việc phải điểu chỉnh tiến độ hoàn thành nối thông toàn tuyến là một tất yếu khách quan nên Ban đã tham mưu đề xuất với Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ, các cơ quan giám sát của Quốc hội cũng như báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp thường kỳ cuối năm của Quốc hội từ năm 2009.
Gỡ bỏ nhiều nút thắt
Đầu năm 2013, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng về dự án. Cùng thời điểm này, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KHCN&MT) của Quốc hội đang tiến hành kiểm tra, giám sát tại Tây Nguyên. Sau khi nghe Ban giải trình về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số nội dung của dự án, nhiều đại biểu đã nhất trí ủng hộ và khẳng định, đây là việc làm cần thiết và cấp bách chứ không thể chậm trễ.
Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia duy nhất đến thời điểm hiện tại được Quốc hội thông qua về chủ chương đầu tư
Trong chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội với 93,98% số phiếu tán thành. Với việc Nghị quyết này được thông qua đã gỡ bỏ nhiều "nút thắt" và mở ra nhiều cái mới cho dự án.
Về phân kỳ đầu tư, giai đoạn nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ Pắc Bó đến Đất Mũi được giãn tiến độ đến năm 2020. Danh mục triển khai các công việc từ nay đến năm 2020 cũng đã rõ ràng về thời gian và hình thức đầu tư. Theo đó, nguồn vốn đầu tư để thông tuyến vào năm 2020 bao gồm: vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và nguồn vốn huy động theo các hình thức đầu tư khác (BT, BOT, PPP).
Ngoài ra, để phát huy hiệu quả tổng hợp của đường Hồ Chí Minh ngay khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Quốc hội cũng đã chỉ ra các giải pháp cụ thể, nhiệm vụ mà các bộ, ngành và địa phương liên quan cần thực hiện trong thời gian tới... Đây là những cơ sở, điều kiện thuận lợi để Bộ GTVT nói chung và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục thực hiện triển khai có hiệu quả dự án đường Hồ Chí Minh - Công trình quan trọng quốc gia có ý nghĩa đặc biệt này.
Dương Hồ Minh
Theo Dantri
"Chém gió" về dự án tháp doanh nhân nghìn tỉ trên đất vàng Đưa ra những hứa hẹn tuyệt vời về dự án tòa nhà hỗn hợp tháp doanh nhân, nhiều khách hàng đã bỏ tiền góp vốn cùng chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều năm trời, khu dự án đang biến thành bãi cỏ hoang. 4 năm xây được... bãi cỏ dại Năm 2008, dự án Tòa nhà hỗn hợp tháp doanh nhân nằm...