Vì sao các ‘ông lớn’ vẫn chưa mặn mà với điện ảnh Việt?
Tỉ lệ ăn chia cao là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư dè dặt với ‘mảnh đất’ mang tên điện ảnh Việt.
Vào những năm 2000, tổng doanh thu phim điện ảnh trên toàn thị trường Việt Nam đạt 45 tỷ đồng. Hai thập kỷ sau, 45 tỷ chỉ bằng con số mà Tiệc trăng máu – bộ phim cán đích thứ 5 trong danh sách những tác phẩm phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử, thu về trong tuần đầu tiên. Với sự nở rộ của các chuỗi rạp chiếu phim chất lượng và văn hóa thưởng thức giải trí ngày càng được nâng cao của giới trẻ, thị trường điện ảnh nội địa càng ngày càng sôi động, các tác phẩm có doanh thu cao, tiếng vàng tốt xuất hiện mỗi lúc một nhiều.
Dù vậy, thị trường phim điện ảnh Việt vẫn chỉ là cuộc chơi của những người làm điện ảnh, các bên đầu tư chủ chốt vẫn là những công ty chuyên về sản xuất phim mà hoàn toàn vắng bóng các ‘ông lớn’.
Câu chuyện trầy trật từ Hãng phim Chánh Phương
Ban đầu, Hãng phim Chánh Phương được diễn viên, đạo diễn Nguyễn Chánh Tín thành lập vào năm 1995 tại California, Mỹ với tên Cinema Pictures. Sau 20 năm, hãng mới đổi tên thành Chánh Phương và rót vốn đầu tư vào những tác phẩm ‘đỉnh cao’, mở đầu cho trào lưu làm phim hành động như Dòng máu anh hùng hay Bẫy rồng .
Nhưng vào thời điểm những năm 2007 – 2009, hệ thống rạp chiếu hạn hẹp, đề tài khá mới mẻ cùng với việc khán giả chưa có thói quen ra rạp xem phim đã khiến cả Dòng máu anh hùng lẫn Bẫy rồng thua lỗ khá nặng nề. Cả hai phim đều được đầu tư khoàng 1.5 – 1.6 triệu USD, nhưng Dòng máu anh hùng thu về chỉ 10 tỷ đồng, còn doanh thu của Bẫy rồng nhỉnh hơn chút đỉnh – gần 12 tỷ đồng.
Dòng máu anh hùng…
Hay Bẫy rồng đều là những bộ phim ‘tường thành’ của dòng phim hành động Việt Nam.
Năm 2012, Hãng phim Chánh Phương cùng Galaxy Studio, Meitan Entertainment,… bắt tay vào thực hiện bộ phim đề tài hành động, xã hội đen mang tên Bụi đời Chợ Lớn . Cuối tháng 10 năm 2012, Cục điện ảnh đưa ra văn bản yêu cầu hãng phải sửa chữa, tiết chế hành động bạo lực trong phim, tuy nhiên hãng đã sản xuất phim mà không trình thẩm định lại. Tháng 6 năm 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định cấm phim, đồng nghĩa với việc 16 tỷ đầu tư vào Bụi đời chợ lớn hóa thành mây khói.
Chẳng những vậy, chỉ một tháng sau lệnh cấm, Bụi đời Chợ Lớn bị rò rỉ trên mạng, đĩa lậu bán tràn lan trên mạng khiến đạo diễn Charlie Nguyễn sốc nặng.
Không qua được cửa kiểm duyệt, Bụi đời chợ lớn bị cấm chiếu vĩnh viễn.
Video đang HOT
Dẫu sau này, Hãng phim Chánh Phương đã thu về khoản lợi nhuận kếch xù từ những cú ‘hit’: Tèo em, Để mai tính 2, Em chưa 18, Cưới ngay kẻo lỡ ,… thì trước đó, việc hãng phim gánh lỗ suốt thời gian dài đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến tài tử Nguyễn Chánh Tín lâm vào cảnh phá sản, khốn đốn suốt quãng thời gian dài.
Câu chuyện của Hãng phim Chánh Phương khiến khá nhiều nhà đầu tư e dè bước chân vào thị trường nghệ thuật thứ bảy: Những dự án lớn mang lại khoản lỗ ’sấp mặt’ thay cho lợi nhuận, phim bị cấm chiếu, phim chưa phù hợp với thị hiếu của số đông khán giả, phải có những tác phẩm lọt top doanh thu ‘khủng’ mới dám làm phim nghệ thuật, hoặc phim có nội dung hóc búa, vì dòng phim này chắc chắn sẽ… không có lời.
Bài toán cán cân thăng bằng
Nhìn vào những Hello cô Ba, Nhà có 5 nàng tiên, Trạng Quỳnh ,… khá dễ để đọc ra công thức của những tác phẩm có doanh thu cao: Mời nhiều diễn viên hài, cốt truyện, thông điệp được đưa ra trong phim gần gũi với cuộc sống, ra mắt đúng thời điểm,… Công thức này được lặp đi lặp lại suốt nhiều năm.
Giá trị nghệ thuật mà những bộ phim kể trên mang lại không lớn, chỉ mang lại tiếng cười trong chốc lát. Đặc điểm chung của dòng phim này là đầu tư không quá ‘khủng’, nhưng lại thu về lợi nhuận ‘ngất trời’ vì đánh trúng tâm lý muốn xem phim hài để giải tỏa căng thẳng, tìm một ‘nụ cười đầu xuân’, ‘nụ cười dịp nghỉ lễ’.
Khi đã có những khuôn mẫu như trên, hay ‘cao cấp’ hơn có thể kể đến Tèo em, Để mai tính 2, Em chưa 18 ,… các nhà làm phim đã biết chính xác cách làm sao để ‘moi’ được tiền từ hầu bao của khán giả. Dù biết làm phim hài rất dễ thu hồi vốn, nhưng một nền điện ảnh đang phát triển không thể chỉ duy trì bằng những thước phim gây tiếng cười, cười xong rồi… để đó. Các nhà làm phim vừa cần tiền, vừa cần được vẫy vùng trong giấc mộng nghệ thuật của mình.
Em chưa 18 từng trở thành hiện tượng lớn khi đạt doanh thu trăm tỉ.
Có một nghịch lý đang diễn ra ở điện ảnh Việt: làm phim quá nghệ thuật thì khó thu hút khán giả ra rạp, bởi không phải ai cũng có thể ‘ngấm’ được tư tưởng, ý đồ mà ekip làm phim muốn truyền tải, làm phim hài – tình cảm thì ‘dưới tầm’ của nhiều đạo diễn.
Ở vị trí các nhà đầu tư, khá khó để dốc tiền cho một dự án không thu được lợi nhuận, thậm chí là lỗ vốn, trong khi giấc mơ phim nghệ thuật của các đạo diễn nổi tiếng lẫn kém nổi tiếng, mới vào nghề là rất lớn. Bởi vậy, rất nhiều đạo diễn, biên kịch tìm cách dung hòa giữa tính nghệ thuật và thương mại của phim, dù thế, kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.
Bao giờ có yêu nhau – bộ phim giúp Dustin Nguyễn đoạt giải Cánh diều vàng năm 2017 mang đến một câu chuyện tình đẹp, có phần ‘liêu trai’ trong một bối cảnh nên thơ, hữu tình. Phim thể hiện rất rõ khát khao muốn đưa yếu tố nghệ thuật phim thị trường, nhưng vẫn chưa thực sự thành công. Với Dustin Nguyễn, anh lại đưa thêm vào ‘bộ sưu tập’ của mình một tác phẩm chất lượng, nhưng từ phía Bebe Phạm – nhà sản xuất, cũng chính là bà xã của anh, thừa nhận rằng mình mất nhiều trên phương diện tài chính.
Bao giờ có yêu nhau thắng lớn về giải thưởng, nhưng doanh thu không quá khả quan
Trong số những bộ phim thương mại có tính nghệ thuật ‘đậm đặc’, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là trường hợp thắng lớn trên cả phương diện giải thưởng lẫn doanh thu. Bản thân Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng là một bộ phim khá đặc biệt của điện ảnh Việt – tác phẩm cộng tác giữa tư nhân (Hãng phim Thiên Ngân) và nhà nước (Cục điện ảnh).
Sức ép từ nhiều phía khiến nhà đầu tư ngần ngại
Khoảng những năm 2010 trở về trước, các nhà làm phim không bao giờ dám mơ tới con số doanh thu trăm tỷ, phải đến một vài năm mới có một bộ phim điện ảnh Việt được ‘trình làng’, bởi hệ thống rạp chiếu còn hạn hẹp, giá vé khá cao nên công chúng chưa hình thành thói quen thưởng thức bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Còn ở thời điểm hiện tại, với sự bành trướng của các hệ thống rạp lớn như CGV, Galaxy, Lotte, BHD cùng giá vé ưu đãi phim điện ảnh Việt tới với khán giả gần hơn bao giờ hết.
Để phim có thể xuất hiện trên những hệ thống này, nhà sản xuất chấp nhận chia đôi doanh thu với rạp. Theo công thức này, nếu một bộ phim được đầu tư khoảng 10 tỷ, thì doanh thu nhận về phải lên đến 20 tỷ mới huề vốn với rạp, từ mốc 20 tỷ trở lên là sinh lời. Song, không phải rạp nào cũng chấp nhận mức ăn chia 50%.
Năm 2016, có tới 8 nhà sản xuất phim kiện hệ thống rạp có quy mô lớn nhất Việt Nam – CGV vì nâng mức chia doanh thu từ 50% lên 55%. Cùng năm, việc Ngô Thanh Vân và CGV không đạt được thỏa thuận kinh doanh khiến Tấm Cám: Chuyện chưa kể không thể phát hành trên hệ thống rạp này cũng làm xôn xao dư luận. Trước đó, CGV từng bị cho là ưu tiên phim Hàn, chèn ép phim Việt.
CGV là cái tên ‘quen thuộc’ trong những vụ đấu tố về ăn chia doanh thu trong điện ảnh Việt.
Ngoài việc ‘cắn răng’ để rạp lấy một nửa doanh thu, các nhà đầu tư còn phải bỏ thêm chi phí quảng cáo, làm truyền thông, cố gắng đưa phim đến càng gần với khán giả càng tốt.
Sau khi tốn hàng loạt chi phí, ràng buộc ‘nền’ để phim có thể ra rạp, nhà sản xuất còn phải ứng phó với nạn phim lậu, quay lén – nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu trong thời gian đầu công chiếu. Chẳng những vậy, trong thời gian này, cả ekip làm phim còn phải để ý đến từng lời ăn, tiếng nói, hành động trên mạng xã hội, bởi chỉ một sơ suất nhỏ, khán giả hoàn toàn có thể tẩy chay, quay lưng lại với phim.
Bỏ vốn lớn, phải chia đôi doanh thu, tốn kha khá chi phí ‘mào đầu’ trong khi con số lợi nhuận mà phim mang về gần như không thể dự báo trước, những điều này trở thành rào cản lớn khiến các ‘ông lớn’ e dè với thị trường phim điện ảnh, dẫu biết nếu ‘thắng’ sẽ thắng ‘đậm’.
Viettel Media – Nhà đầu tư mới cho phim Việt
Bước vào sân chơi điện ảnh, Viettel Media tuyên bố sẽ hỗ trợ và chắp cánh cho đạo diễn trẻ làm phim indie.
‘Chúng tôi có niềm tin vào các tài năng trẻ và cam kết sẽ luôn nỗ lực tạo ra không gian phát triển xứng đáng cho họ.’ - Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media chia sẻ khi nhắc tới việc đầu tư cho những người trẻ đam mê làm phim.
Nhận thấy điện ảnh Việt đang sở hữu một nguồn nhân lực điện ảnh trẻ có rất nhiều ý tưởng mới lạ, sáng tạo nhưng lại thiếu một môi trường cọ xát cũng như nhà đầu tư có tiềm lực vững vàng, Viettel Media hướng tới những kế hoạch phù hợp để thế hệ tiếp theo của điện ảnh Việt có thể tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.
Với sự đầu tư đúng mực, vừa có thể giúp các nhà làm phim trẻ giải quyết được bài toán chi phí, vừa tạo bước ‘gối đầu’ để họ làm quen với môi trường làm việc bài bản, chuyên nghiệp, Viettel Media hy vọng sẽ mang đến cho công chúng những bộ phim điện ảnh có ‘chất’ thông qua lăng kính và bàn tay của những con người đang miệt mài trau dồi, học hỏi kỹ năng làm phim.
Đồng Ánh Quỳnh có đủ "trình" để thành "đả nữ" mới?
Đồng Ánh Quỳnh trở thành gương mặt được quan tâm sau khi Ngô Thanh Vân lựa chọn làm vai chính trong bộ phim "Thanh Sói" chuẩn bị thực hiện.
Đồng Ánh Quỳnh được kỳ vọng sẽ tiếp nối Ngô Thanh Vân trở thành "đả nữ" phim hành động Việt Nam
Cô được ê-kíp phim giới thiệu là thế hệ "đả nữ" màn ảnh Việt tiếp theo, được kỳ vọng sẽ tiếp nối Ngô Thanh Vân cho dòng phim hành động của Việt Nam.
Bản thân Đồng Ánh Quỳnh đã phải trải qua những bài luyện tập khó khăn, từ diễn xuất đến võ thuật và hành động để nhận được cái gật đầu từ Ngô Thanh Vân.
Thế nhưng, khán giả lại đang có cái nhìn nghi ngờ dành cho Đồng Ánh Quỳnh. Cô không phải diễn viên chuyên nghiệp, kỹ năng diễn xuất chưa được chứng minh nên cách gọi "đả nữ mới của màn ảnh Việt" khiến nhiều người băn khoăn.
Đồng Ánh Quỳnh có đủ "trình" để thay thế Ngô Thanh Vân hay không, chưa ai có thể chắc chắn khi bộ phim chưa ra mắt.
Vì trên thực tế, trong làng điện ảnh Việt Nam, số gương mặt diễn viên đóng phim hành động không ít, nhưng được gọi là "đả nữ" chỉ có Ngô Thanh Vân và Trương Ngọc Ánh.
Trương Ngọc Ánh từng cho thấy khả năng đóng phim võ thuật của mình qua các bộ phim như "Hương ga", "Truy sát". Ngô Thanh Vân cũng đã có thời gian dài chứng minh bản thân với các bộ phim võ thuật như "Hai Phượng", "Bẫy rồng", "Dòng máu anh hùng"... Cả hai được coi là những "đả nữ" hiếm hoi của làng điện ảnh Việt.
Thế nhưng, điểm chung của họ là không chỉ kỹ thuật đánh đấm mà còn khả năng diễn xuất. Cả hai đều là những diễn viên tài năng, có kinh nghiệm diễn xuất, hướng tới hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ trên màn ảnh. Họ nổi bật và toát lên thần thái riêng, tạo được dấu ấn riêng giữa hàng loạt các diễn viên nam, nữ đóng phim hành động khác.
Đối với Ngô Thanh Vân, dù thấy nhiều diễn viên trẻ tiềm năng tại Việt Nam cho loại vai "đả nữ", nhưng cô cảm thấy họ quá an toàn, chưa chịu đẩy mình vào những thử thách đòi hỏi phải vượt qua giới hạn của bản thân.
Thêm nữa, phía sau danh xưng "đả nữ" là cả một sự khổ luyện, cực nhọc và hy sinh. Ngoài việc phải có khả năng diễn xuất, diễn viên buộc phải có thể lực tốt, nền tảng võ thuật căn bản và sự lăn xả, không ngại khó. "Đó là một quá trình rèn luyện và cố gắng, nỗ lực từng ngày nếu muốn khán giả công nhận", cô nhận định. Thế mới thấy, để trở thành "đả nữ" vốn chẳng hề dễ dàng.
Galaxy Studio độc quyền phim chiếu rạp của The Walt Disney tại Việt Nam Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) chính thức đạt thỏa thuận với Công ty The Walt Disney (khu vực Đông Nam Á) trở thành nhà phát hành các phim điện ảnh chiếu rạp của The Walt Disney Studios tại Việt Nam. Galaxy Studio sẽ chính thức phát hành toàn bộ những tác phẩm điện ảnh của công ty The Walt...