Vì sao bệnh nhân phải tạm ứng viện phí?
Nhiều bệnh nhân phản ánh cứ vào bệnh viện là phải ứng viện phí trước dù có bảo hiểm y tế, có người vì không chuẩn bị tiền phải xoay xở để có tiền ứng.
PV Thanh Niên đã có cuộc khảo sát nhanh tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM về vấn đề tạm ứng viện phí, cũng như tìm câu trả lời vì sao phải ứng viện phí trước từ các BV.
Cứ vào viện là phải ứng tiền?
Ngày 24.11, tại hành lang Khoa Nội (BV Q.7), bà K. ngồi cạnh người mẹ đang nằm truyền nước. Mẹ bà năm nay 75 tuổi, có bảo hiểm y tế (BHYT), bước đầu vào cấp cứu được hướng dẫn làm thủ tục ứng trước 1 triệu đồng, ngày thứ 2 ứng thêm 1 triệu đồng nữa. Bà K. chia sẻ đã quen thuộc với thủ tục đóng tiền trước vì thường xuyên đưa mẹ vào viện. Bà nói thêm: “Có hay không có BHYT thì bệnh nhân (BN) cũng phải ứng trước tiền điều trị. Họ bắt mình ứng trước đó, họ sợ mình chạy, bỏ không đóng viện phí. Nhiều khi mình chữa xong bỏ chạy là xong luôn, nên ứng trước, sau có thừa thì lúc thanh toán họ trả lại”.
Cứ vào bệnh viện là phải ứng viện phí trước dù có bảo hiểm y tế. Ảnh DUY TÍNH
Còn tại Khoa Ngoại (BV Q.7), ông T. (58 tuổi), nhập viện cấp cứu vì bị cưa gỗ rơi trúng chân. Lúc vào cấp cứu, vì hoảng loạn, nên ông T. không mang theo tiền. Đến lúc làm thủ tục, BV yêu cầu nộp trước 6 triệu đồng thì ông mới gọi con mang tiền vào nộp tạm ứng. Ông T. cũng cho hay vì đăng ký nằm giường dịch vụ nên chi phí ứng trước cũng cao.
Ngày 23.11, đang đứng xếp hàng chờ vào thang máy để đưa cháo cho mẹ, anh V. cho biết vừa đưa mẹ bị áp xe gan vào BV Chợ Rẫy điều trị, nhập viện ngày đầu. Mẹ anh V. có thẻ BHYT, khi làm thủ tục nhập viện, trước mắt được thông báo tạm ứng 2 triệu, buổi chiều BV gửi giấy tạm ứng thêm 3 triệu, tổng 5 triệu đồng.
Cũng tại BV Chợ Rẫy, bà H. (ngụ tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết chồng bà bị bệnh về tiền liệt tuyến, 2 vợ chồng khăn gói từ Huế vào TP.HCM mổ với mong muốn được điều trị tốt nhất, có mang theo 200 triệu đồng và đinh ninh BHYT đã chi trả cho mình 95%. Theo bà H., khi nhập viện, bà được yêu cầu ứng trước 30 triệu đồng, nộp xong thì chồng bà được đưa đi mổ.
Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi đang mổ thì chồng bà H. bị nhồi máu cơ tim, nguy hiểm tính mạng, nên lúc này phải một lần điều trị 2 loại bệnh. Lần ứng tiền thứ 2 là 50 triệu đồng, lần 3 ứng thêm 200 triệu đồng, sau đó tiếp tục ứng thêm nhiều lần, mỗi lần 50 triệu đồng… Đến nay mọi chi phí đã ngót nghét 500 triệu đồng, trong đó tiền vay thêm là 250 triệu đồng. “Giờ BV kêu chừng nào thì mình phải ứng chừng đó thôi. Mỗi lần rút tiền cứ một cọc 50 triệu đồng”, bà H. chia sẻ.
Ngày 24.11, bà Q. (ngụ Quảng Ngãi) nhập viện cấp cứu vì đau đầu, tụt huyết áp tại BV An Bình. Bà Q. có thẻ BHYT, khi vào nhập viện ứng trước 2 triệu đồng viện phí. “Bữa tôi vô đây cấp cứu, họ kêu ứng trước 1 triệu xong bắt đầu mới cho vô khám. Tôi khám xong, lên nằm 1 ngày họ kêu đóng thêm 3 triệu nữa mới bắt đầu kêu đi thử nước tiểu, thử máu… Tôi ở đây 4 ngày mà ứng 4 triệu đồng rồi, mà tôi chỉ bệnh bình thường thôi”, bà Q. nói.
Video đang HOT
Bệnh viện “cũng có nhiều nỗi khổ”
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện các BV cho biết với BN cấp cứu thì việc cứu người là quan trọng hàng đầu, sau đó mới tính tiền. Nhưng với BN khó khăn, nghèo thì ngoài BHYT thì BV có cơ chế hỗ trợ.
Nói về tạm ứng viện phí, bác sĩ (BS) Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành BV Q.7, cho biết hiện nay BV Q.7 không thực hiện thu tiền tạm ứng đối với BN có thẻ BHYT đến khám và điều trị ngoại trú, đặc biệt là BN cấp cứu. Riêng đối với BN điều trị nội trú, BV chỉ thu tạm ứng khi có chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao, hoặc có phát sinh chi phí ngoài phần thanh toán của BHYT. “Khi nhập viện, tùy từng mã quyền lợi của BN và chi phí điều trị phát sinh tại khoa, BS sẽ thông báo cho BN, người nhà BN các chỉ định sẽ được tiến hành trong thời gian điều trị và dự kiến tổng chi phí BN phải đồng chi trả hoặc BHYT không thanh toán để chuẩn bị tiền đóng tạm ứng viện phí nội trú”, BS Vũ nói.
“Ví dụ thẻ BHYT có mã quyền lợi 100% như: CC12, TE1, CK2, BT2, TS2… nếu không phát sinh chi phí ngoài phạm vi thanh toán của BHYT thì sẽ không phải đóng tiền tạm ứng viện phí. Trường hợp BN chưa có tiền đóng tạm ứng BV vẫn tiến hành các thủ tục chuyên môn. BN có thể đóng tạm ứng vào ngày hôm sau. Trường hợp BN nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì BV có chính sách hỗ trợ như: có xác nhận hoàn cảnh khó khăn, neo đơn của cơ quan địa phương thì BV sẽ miễn giảm viện phí cho BN hoặc xin nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho BN”, BS Vũ nói thêm.
“BN cấp cứu thì phải cấp cứu, nhiều BN vào cấp cứu xong đi về mà “quên” đóng viện phí, nhất là các ca bệnh không có thân nhân. Ca cấp cứu nhẹ thì BV thất thu vài trăm ngàn đồng, có ca nặng hơn thì vài triệu. Hằng tháng BV bị thất thu 20 – 30 triệu đồng do BN không đóng viện phí”, BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV An Bình, thông tin.
BV An Bình cũng có quỹ dành cho BN nghèo, nhưng quỹ này cũng có giới hạn. Cũng theo BS Trường Giang, tạm ứng chứ không phải thu. BV tạm ứng theo từng ngày khi số tiền phải thu vượt số tiền BN đã đóng chứ không tạm ứng 1 lần. Có trường hợp không tạm ứng, nhất là BN hồi sức cấp cứu, phẫu thuật khi ra viện thì số tiền khá nhiều mà BN không đóng hết được thì cũng “cười trừ” chứ không biết làm sao. Nếu BN có BHYT thì còn đỡ, BV chỉ mất tiền đồng chi trả, nếu không có BHYT thì BV chịu đủ, có rất nhiều ca khó khăn nhưng lại không có BHYT.
BHYT không thanh toán hết chi phí
Còn theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (BV Chợ Rẫy), hiện nay BHYT không thanh toán cho tất cả chi phí. Ví dụ, stent mạch vành, giá thầu hơn 48 triệu đồng mà BHYT trả tối đa 36 triệu, nếu BN có BHYT 100% thì cũng phải đóng hơn 12 triệu, còn BHYT 80% thì phải trả 19,2 triệu chỉ cho riêng stent.
Ngoài ra để đặt stent thì còn nhiều thứ khác nữa (ống thông, bóng…). Nếu đặt 2 stent thì stent thứ 2 BHYT chỉ trả không quá 18 triệu đồng, như vậy BN BHYT 100% phải trả thêm hơn 30 triệu đồng, còn BN BHYT 80% thì phải trả thêm 33,6 triệu đồng chỉ riêng phần stent. Đặt 3 stent thì stent thứ 3 BHYT không trả, BN trả 100%. Ngoài các vật tư y tế bị giới hạn cụ thể như stent mạch vành…, còn lại thì được BHYT thanh toán không quá 45 tháng lương cơ sở (BHYT 100% 67,05 triệu đồng; BHYT 80% thì không quá 53,64 triệu đồng).
“Nếu không tạm ứng tiền viện phí thì khi xuất viện BN không trả thì cũng có làm gì được BN. BV tự chủ thì có khoản nào đâu mà bù vào? Viện phí chính là lương của nhân viên y tế. Vì ở BV tự chủ chi thường xuyên như BV Chợ Rẫy, thu nhập của nhân viên rất liên quan với khoản chênh lệch thu viện phí trừ chi phí thuốc, vật tư y tế, điện, nước, văn phòng phẩm…”, BS Thanh Việt nói.
Mức đóng BHYT thấp nên chi trả thấp
Theo BS Phạm Thanh Việt, các phương pháp điều trị ngày nay tiến bộ hơn rõ rệt, hiệu quả điều trị cao hơn nhưng ngược lại những loại vật tư y tế dùng cho những phương pháp điều trị mới giá cũng cao hơn nhiều. Mức đóng BHYT quá thấp thì quỹ BHYT không thể tính hết mọi chi phí được. Chỉ những phương pháp điều trị cũ xưa, lạc hậu, không dùng vật tư y tế thì BN mới trả ít.
Bệnh nhân bị ép ăn cơm bệnh viện?
Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của nhiều người đang nuôi thân nhân điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) về tình trạng dù không có nhu cầu nhưng vẫn bị "ép" ăn cơm bệnh viện và tiền cơm được tính thêm vào viện phí.
"Không có nhu cầu"
"Tôi là người nuôi bệnh nhân (BN), sau khi người nhà tôi được chuyển điều trị tại khu A thì hằng ngày nhân viên mặc áo căn tin Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch tới ép BN lấy cơm buổi trưa và buổi chiều, 1 giường bệnh ít nhất 1 phần cơm/bữa", một người nuôi bệnh tên S. nói với PV Thanh Niên. Cũng theo ông S., vì không có nhu cầu ăn cơm căn tin BV nên ông phản đối, nhưng nhân viên căn tin vẫn mặc nhiên để phần cơm trên giường bệnh và nói là làm theo ý bác sĩ, tiền cơm sẽ thanh toán khi ra viện. Mỗi suất cơm có giá 30.000 đồng.
"Tôi không biết tại đây có lợi ích nhóm gì không mà ép buộc BN và người nhà như vậy, dù hằng ngày vẫn có nhiều đoàn từ thiện tới phát cơm cho người khó khăn, rất đỡ được chi phí. Đâu phải ai cũng có nhu cầu ăn cơm của căn tin nhưng vẫn bị ép mua cơm. Sự việc gây bức xúc rất lớn cho BN và người nuôi bệnh. Nếu đặt cơm theo nhu cầu BN thì không có gì để nói", ông S. đặt vấn đề.
Nhân viên dùng xe chuyên dùng tiêm thuốc để vận chuyển cơm đi giao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh DUY TÍNH
Từ phản ánh của ông S., PV Thanh Niên vừa qua đã có mặt ghi nhận tại lầu 1, khu A của BV Phạm Ngọc Thạch. Gần giờ cơm trưa, một nhân viên mặc áo màu xanh có chữ BV Phạm Ngọc Thạch đẩy chiếc xe tiêm thuốc chuyên dụng nhưng chất đầy suất ăn đi dọc hành lang. Trên xe, một đầu có 2 thùng màu vàng chứa chất thải nguy hại và một đầu vẫn còn chứa nhiều bơm, kim tiêm chưa sử dụng. Trên từng bọc cơm có đánh số tầng, phòng và giường. Cô nhân viên vào từng phòng và đưa cơm tận tay hoặc để trên giường BN.
Chị H., đang nuôi cha bệnh 2 tuần qua tại BV Phạm Ngọc Thạch, cho hay nhân viên ở đây nói BN "phải ăn theo chế độ của BV, mỗi ngày 2 cữ". Nhưng cha của chị H. bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải thở ô xy nên chỉ uống sữa, súp do nhà nấu mang vào. Chị H. nói không đăng ký thì BV không chịu, bắt buộc phải đăng ký, chị nhận cơm xong thì ngày ngày em gái mang về nhà. Các suất ăn gồm nhiều món tùy theo ngày như cá ba sa kho, thịt gà kho, sườn ram... và canh. "Cứ ăn buổi chiều xong là điều dưỡng mang giấy vào kêu đăng ký suất ăn cho ngày mai, cơm hoặc cháo", chị H. cho biết.
Tính tiền cơm vào viện phí ?
Đi chăm mẹ ở tầng A2 mấy tháng nay, chị Th. (ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết ở phòng mỗi ngày BN đều ăn cơm BV. "Khi bắt đầu nhập viện, nằm giường là đã có người đăng ký suất cơm ở dưới cho mình rồi. Phần cơm đó người ta đăng ký cho BN, còn người nhà ăn gì có thể tự túc. Mỗi suất cơm 30.000 đồng, một ngày 2 cữ, tiền đó thêm luôn vào tiền viện phí", chị Th. chia sẻ. PV hỏi nếu không muốn ăn thì không đăng ký được không, chị Th. trả lời: "Không được em ơi, phần cơm đó BN không muốn ăn thì người nuôi ăn, người nuôi ăn không nổi thì bỏ luôn, chứ tiền vẫn phải đóng".
Bữa cơm được bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp tùy theo bệnh lý gồm: cơm, giá hẹ xào bỏ chung với cơm, 4 miếng sườn ram, 1 bọc canh rau muống, giá 30.000 đồng/suất
Cách đó vài phòng bệnh, ông K. (ngụ Bình Thuận) cho biết vào nuôi bệnh được gần 1 tháng và chi phí hiện đang khá tốn kém. Về phần ăn đăng ký cho người nhà ở BV, ông K. cho hay mỗi ngày có nhiều đoàn từ thiện phát cơm và cháo, ông vẫn xuống để xin, nhưng cơm BN thì vẫn phải đăng ký ở BV. "Cơm ở BV đăng ký cho BN rồi, mà mình không đăng ký thì người ta vẫn đem giấy vô cho đăng ký", ông K. nói.
Ở tầng A4, bà Kh. cho biết người nhà muốn ăn cơm thì ra ngoài mua, còn BN ăn cơm BV. Mỗi BN đều đặn ngày 2 suất cơm, nếu khó khăn quá thì xin giảm xuống 1 suất, nhưng vẫn phải đăng ký "chứ không đăng ký thì họ không chịu". "Người ta nói ăn theo chế độ của họ nhưng cũng y như ngoài chứ có khác gì đâu", bà Kh. đặt vấn đề.
Bệnh viện nói "không ép"
Trả lời PV Thanh Niên, dược sĩ Nguyễn Thị Mai Trang, Phó giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết BV hiện nay có khoa Dinh dưỡng tiết chế đang thực hiện các vai trò trong chăm sóc người bệnh, trong đó có phần chăm sóc dinh dưỡng. Nhưng việc lựa chọn ăn hay không ăn, ăn phần cơm như thế nào là "tùy thuộc vào BN", BV chỉ tiến hành tư vấn dinh dưỡng. Theo bà Trang, "việc nói BV tổ chức ép BN ăn cơm là không đúng", vì nếu có vấn đề này thì BV phải đạt suất ăn 100%, còn hiện nay suất ăn đang dao động trong khoảng 50 - 60%. "Tuy nhiên, nếu có các ý kiến phản ánh về việc ép BN phải ăn suất cơm BV, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát để xử lý", bà Trang nói. Bên cạnh đó, nếu BN nhận suất ăn mà không ăn thì có thể trả lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Yêm, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết thêm tiêu chí dinh dưỡng suất ăn cần phải được cá thể hóa nhưng số lượng BN đông nên BV đưa ra khẩu phần chung, đảm bảo tổng giá trị năng lượng. Người bệnh vẫn được các bác sĩ hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp tùy theo bệnh lý. Quy định của BV là khi BN nội trú thì bắt buộc bác sĩ phải xây dựng chế độ, thực đơn ăn hợp lý, có quy trình đăng ký suất ăn tốt nhất. Suất ăn được đăng ký ở khoa rồi mới chuyển xuống căn tin chế biến, BN có thể ăn hoặc không nhưng bác sĩ khuyên ăn theo chế độ là tốt nhất vì các bệnh nặng như viêm gan, tiểu đường hoặc suy thận thì chế độ ăn gắn liền với việc điều trị.
"Việc nói BV ép BN ăn, chúng tôi khẳng định là không có, nếu có phản ánh, khả năng là do quy trình thực hiện giữa các bên chưa tốt, hoặc quá trình truyền tải tư vấn đến BN gây hiểu nhầm. Vì suất ăn của BV không cao, thay đổi theo tháng, có tháng chỉ đạt 31 - 32%", bác sĩ Yêm thông tin thêm.
Lãnh đạo BV Phạm Ngọc Thạch hứa ghi nhận và sẽ làm việc lại với các bộ phận liên quan đến việc cung cấp suất ăn để tránh việc BN hiểu lầm.
Liên quan đến việc nhân viên BV dùng xe chuyên dùng tiêm thuốc cho BN để vận chuyển cơm, đại diện BV Phạm Ngọc Thạch lý giải BV có xe chuyên dụng để giao cơm đến từng giường bệnh tại các khoa lâm sàng, không có chủ trương dùng xe tiêm thuốc để phát suất ăn cho BN. Ngày PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng trên là do "xe vận chuyển suất ăn bị hư".
Tin COVID-19 chiều 3-10: Ca mới tăng trở lại, không có bệnh nhân tử vong Cả nước ghi nhận thêm 796 ca mắc COVID-19 mới, tăng 306 ca so với hôm qua. Số bệnh nhân nặng cũng tăng nhẹ, lên 69 ca, không có bệnh nhân tử vong. Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.481.314 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ,...