Vì sao Apple không thể bỏ Trung Quốc?
Trong gần hai thập kỷ, Apple và Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết. Quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ sản xuất phần lớn thiết bị của Apple mà còn là thị trường tiêu thụ quan trọng.
Dù vậy, năm 2022 xuất hiện vài vết rạn trong quan hệ đôi bên. Phần lớn là do chính sách zero-Covid của Trung Quốc với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại những thành phố lớn, ảnh hưởng đến các nhà máy đối tác và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
CEO Apple Tim Cook cảnh báo, nút thắt cổ chai tại Trung Quốc sẽ khiến công ty thiệt hại khoảng hàng tỷ USD và sự thật đúng là như vậy. Đây không phải lần đầu việc lệ thuộc vào đại lục khiến Apple đau đầu. Một năm trước khi dịch bệnh xảy ra, Apple cũng dự đoán iPhone bán chậm hơn do cuộc chiến leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Apple cũng đối mặt với các cuộc giám sát trong nhiều năm vì điều kiện làm việc tại các nhà máy đối tác.
Khách hàng xem sản phẩm Apple tại cửa hàng ở Vũ Hán, tháng 5/2022. (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, bất chấp tình hình xấu đến đâu, các chuyên gia tin rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ không và không thể đoạn tuyệt với Trung Quốc trong tương lai gần. Theo Lisa Anderson, CEO hãng cố vấn chuỗi cung ứng LMA, không nghi ngờ gì khi các nhà sản xuất công nghệ muốn rời khỏi Trung Quốc, song quy mô của công xưởng thế giới không dễ gì lặp lại ở nơi khác. Do đó, cuộc chuyển đổi sẽ mất thời gian và cần đầu tư khổng lồ.
Quan hệ mật thiết
Video đang HOT
Năm 1998, ông Cook gia nhập Apple. Vài năm sau, Trung Quốc bắt đầu sản xuất vài sản phẩm cho “táo khuyết”. Chính ông Cook đã hỗ trợ xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng với tư cách Giám đốc điều hành trước khi trở thành Tổng giám đốc năm 2011. Ông có vài chuyến thăm đến quốc gia châu Á, cho thấy tầm quan trọng đối với Apple.
Gần đây, Apple cũng có những toan tính riêng. Đầu năm nay, Thời báo Phố Wall đưa tin công ty đang tìm cách tăng cường sản xuất tại các nước như Việt Nam, Ấn Độ. Trong cuộc điện đàm với nhà phân tích về báo cáo kinh doanh quý I, ông Cook nhấn mạnh tính chất toàn cầu của chuỗi cung ứng: “Các sản phẩm được làm ra ở mọi nơi. Chúng tôi tiếp tục hướng tới tối ưu hóa, học hỏi mỗi ngày và thay đổi”.
Song, Trung Quốc đã bỏ ra nhiều năm để nuôi dưỡng nhân lực kỹ thuật, khuyến khích sản xuất và gây dựng chuỗi cung ứng toàn diện mà các nước khác khó tái tạo. Theo Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại IDC, áp lực đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc rất lớn nhưng điều đó không dễ dàng. Một lý do quan trọng để ở lại là sự gần gũi giữa các nhà cung ứng linh kiện.
Khiến mọi thứ phức tạp hơn là việc Trung Quốc là địa bàn tiêu thụ lớn nhất của Apple, chỉ sau Mỹ. Apple hiện nắm 18% thị phần smartphone Trung Quốc, còn Trung Quốc đóng góp gần 1/4 doanh số toàn cầu của Apple, theo Amber Liu, nhà phân tích smartphone tại Canalys.
Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc là một chìa khóa tăng trưởng. Apple có nhiều nguyên nhân để không hành động mạo hiểm. Tuần trước, do lo ngại nhu cầu sụt giảm, Apple lần đầu giảm giá iPhone đời mới tới 600 NDT. Đây là động thái hiếm có với “táo khuyết”.
Rủi ro tiếp diễn
Phong tỏa Covid-19 không phải rủi ro duy nhất tại Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ – Trung về Đài Loan leo thang trong vài tuần gần đây xoay quanh dự định ghé thăm hòn đảo này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Đài Loan còn là quê nhà của các đối tác lớn của Apple, bao gồm Foxconn, Pegatron và Wistron.
Paul Triolo, Phó Chủ tịch hãng tư vấn chiến lược Dentons Global, nhận định, Covid-19 không thể tổn hại đến vị thế của Trung Quốc vĩnh viễn mà Đài Loan sẽ là dấu hiệu quan trọng hơn nhiều trong việc xác định tương lai của Trung Quốc với vai trò trung tâm sản xuất. Bất kỳ gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng Đài Loan đều sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Apple.
Hiện tại, Apple không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gắn bó đến cùng với Trung Quốc.
Kỷ nguyên của Alibaba và Tencent đến hồi kết?
Hai 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc đều đối mặt với những cú sụt giảm doanh thu đầu tiên trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn.
Trong gần một thập kỷ, Alibaba và Tencent là hiện thân của phép màu kinh tế Trung Quốc, duy trì nhịp độ tăng trưởng chóng mặt và được định giá hàng trăm tỷ USD nhờ những bước đột phá vào mọi ngóc ngách của Internet. Dù vậy, cuộc chạy đua ngoạn mục đó có thể chính thức kết thúc vào ngày 4/8, khi Alibaba của Jack Ma báo cáo kết quả kinh doanh quý II và Tencent của Pony Ma công bố vài ngày sau đó.
Linh vật của sàn thương mại điện tử Taobao tại thủ phủ Alibaba ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Cả hai "ông lớn" đều được dự báo sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau nhiều năm. Nó là lời cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư về việc Alibaba và Tencent chỉ còn là cái bóng của chính mình, sau một thời gian chính phủ Trung Quốc tăng cường trấn áp ngành công nghệ. Giống như phần còn lại của ngành, họ không chỉ đối mặt với "gọng kìm" của nhà quản lý mà còn cả tình hình Covid-19 và khủng hoảng tiêu dùng đang thử thách sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà phân tích Marvin Chen của Bloomberg nhận định, "không ngạc nhiên nếu quý II là một trong các quý tồi tệ nhất từ đầu dịch đối với kết quả kinh doanh Trung Quốc xét tới các lệnh phong tỏa, công nghệ không phải ngoại lệ". Chưa kể, công nghệ còn đối phó với các cơn "gió chướng" quy định, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và xu hướng dài hạn.
Tốc độ và mức độ dữ dội khi Bắc Kinh kìm hãm các lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe, giao đồ ăn và game đã thiết lập lại kỳ vọng của ngành công nghệ năm 2021. Tuy nhiên, Alibaba bị thiệt hại nặng hơn hẳn nhiều đồng nghiệp.
Ngôi sao livestream Vy Á, người từng bán được 1,2 tỷ USD hàng hóa trên sàn của Alibaba, bị điều tra trốn thuế. Bắc Kinh cũng tạm dừng quan hệ với bộ phận đám mây Alibaba do chậm tiết lộ lỗ hổng lớn. Tháng 6, "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ là nhân vật nổi tiếng thứ hai biến mất khỏi sàn Taobao của Alibaba vì một hình ảnh nhạy cảm trong buổi livestream. Chỉ mới tháng trước, chuyên gia an ninh mạng liên kết Alicloud với vụ rò rỉ dữ liệu 1 tỷ công dân.
Tất cả xảy ra vào thời điểm Covid-19 gây áp lực đến mọi khoản chi tiêu, từ nội dung trên mạng đến quần áo, đồ điện tử. Từng là một ứng cử viên gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ" cùng Apple, Amazon, các hãng Internet Trung Quốc nay vật lộn với khó khăn. Các nhà phân tích hạ dự báo giá mục tiêu với cổ phiếu Alibaba và Tencent. Nhà đầu tư mua cổ phiếu Alibaba và Tencent với hi vọng vị thế của họ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và game sẽ giúp ích cho các mảng kinh doanh mới, song điều đó không còn nữa từ khi Bắc Kinh siết chặt quy định.
Doanh thu quý II của Alibaba dự kiến giảm 1,2% xuống còn 203,4 tỷ NDT (30,1 tỷ USD). Tencent cũng không khá hơn. Dù nhà chức trách khôi phục cấp phép game mới sau nhiều tháng "đóng băng", Tencent vẫn vắng bóng trong danh sách. Đó là lý do các nhà phân tích dự báo doanh thu Tencent sẽ giảm 1,7% trong cùng kỳ.
Tâm lý thị trường đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc dao động dữ dội những tuần gần đây, phản ánh trạng thái giằng co quyết liệt giữa tín hiệu xấu và kỳ vọng. Cổ phiếu Alibaba tăng 6,5% trong phiên giao dịch ngày 26/7 sau khi thông báo xin niêm yết tại Hong Kong, song chỉ vài ngày sau lại mất hết điểm, trước thông tin nhà sáng lập Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát Ant Financial. Vấn đề càng tồi tệ hơn khi Alibaba nằm trong số các doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Phần còn lại của "vũ trụ" công nghệ Trung Quốc cũng không lạc quan hơn. Baidu dự báo doanh thu giảm 5,6% trong quý II, còn JD.com, Meituan và Kuaishou được dự đoán tăng trưởng chậm nhất trong vài năm trở lại đây.
Samsung đứng trước Apple trên thị trường smartphone Samsung đã đánh bại Apple để thống trị thị phần smartphone toàn cầu trong quý I/2022. Trong 3 tháng đầu năm, Apple đã trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ 2 trên thế giới, xếp sau gã khổng lồ công nghệ xứ sở Kim chi. Cụ thể, theo số liệu của BanklessTimes, Táo khuyết và Samsung là 2 cái tên tranh nhau...