Ví điện tử tranh tìm người dùng
Hơn 20 ví điện tử đang chen chúc nhau hoạt động ở Việt Nam và không đơn giản để tìm người dùng.Thời ‘đổi vận’ của những Fintech trung gian thanh toán.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 3/2018, có 27 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam. Đa phần trong đó, tức hơn 20 đơn vị là ví điện tử. Còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán…
Có nhiều lý do để các ngân hàng, công ty công nghệ lẫn Fintech cùng lao vào làm ví điện tử. Cụ thể như xu hướng của thế giới về ngân hàng số, khởi nghiệp tài chính. Hay như Việt Nam là thị trường đông dân, giới trẻ nhiều, thích công nghệ, tỷ lệ dùng smartphone cao trong khi tỷ lệ chưa có tài khoản ngân hàng cũng cao.
“Người tiêu dùng ngày càng có phong cách sống hiện đại với các dịch vụ kỹ thuật số. Ngoài những mạng xã hội miễn phí, họ đã bắt đầu ưa thích sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số cho nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, từ đi xe tới mua đồ ăn, cùng với việc thanh toán phi tiền mặt an toàn và thuận tiện”, ông Trần Thanh Nam – Sáng lập viên kiêm Giám đốc Moca nhận định.
Giao diện mua bảo hiểm trên một ví điện tử ở Việt Nam.
Cùng với Moca, một vài cái tên ví điện tử khác ở Việt Nam tương đối phổ biến như MoMo, Bankplus, Ví Việt, VTC Pay, WePay, Mobivi, Vimo… Tính đến tháng 12/2017, MoMo có hơn 5 triệu người dùng và kỳ vọng tăng gấp 2-3 lần trong năm 2018. Ví Việt thì có hơn 2 triệu người dùng và đặt kế hoạch 3,5 triệu người trong năm 2018.
Cũng thời điểm cuối năm 2017, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết chỉ có khoảng 5 đơn vị trung gian thanh toán có lãi từ các giao dịch. Phần còn lại của thị trường được đánh giá là “không ổn định”. Rõ ràng, dù thấy được rất tiềm năng nhưng việc lôi kéo người dùng ở Việt Nam không dễ.
Video đang HOT
“Ví điện tử cần thêm thời gian để phát triển tương xứng nhu cầu khách hàng và tiềm năng thị trường. Bên cạnh đó, thói quen dùng tiền mặt vẫn cần thời gian thay đổi. Khách hàng cần từng bước trải nghiệm được sự an toàn, tiện ích để tin tưởng sử dụng”, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhận định. Đây là ngân hàng sở hữu Ví Việt.
Giới trong ngành cho rằng, mỗi ví điện tử có chiến lược phát triển riêng và có phân nhóm khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, điểm chung phải thừa nhận là đến giờ, nhiều ví điện tử chưa gắn kết với hệ sinh thái, chưa có được mạng lưới điểm chấp thuận thanh toán rộng khắp. Do vậy, mấu chốt của “cuộc chiến sinh tồn” trong việc lôi kéo người dùng hiện tại chính là “hệ sinh thái”.
Năm 2017, MoMo có một năm tích cực phát triển người dùng bằng hàng loạt chiết khấu, khuyến mại cho người dùng, quảng cáo đa kênh. Cuối năm, ví điện tử này quyết định tăng cường sức mạnh hệ sinh thái bằng cú bắt tay hợp tác với Uber Việt Nam. Tuy nhiên, điều không ngờ là Uber rút khỏi Đông Nam Á chỉ 3 tháng sau đó.
Zalo Pay dù ra đời khá muộn nhưng đã tăng tốc vươn lên vào thời điểm đầu 2018 với dấu ấn đầu tiên là chiến dịch lì xì qua ví điện tử dịp Tết, vốn là ý tưởng khá thành công ở Trung Quốc của WeChat và AliPay. Ví điện tử này cũng có sẵn là hệ sinh thái người dùng tiềm năng đông đảo từ ứng dụng nhắn tin Zalo.
Ông Trần Thanh Nam – Sáng lập viên và Giám đốc Moca (bên trái) và ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam (bên phải).
Gần nhất là cú bắt tay cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái thanh toán di động “đáng gờm”của Moca và Grab. Cả hai đều có tham vọng phát triển ví điện tử. Do vậy, chiến lược “muốn đi xa hãy đi cùng nhau” là lựa chọn hợp lý.
Cụ thể, các đơn vị chấp nhận thanh toán qua Moca sẽ được hưởng lợi nhờ vào số lượng lớn người dùng của ứng dụng Grab, bao gồm hàng triệu đối tác tài xế và hành khách trên khắp Việt Nam.
Trong khi đó, người dùng Grab sẽ sớm có thể sử dụng đầy đủ các dịch vụ thanh toán do Moca phát triển, bao gồm thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại cũng như thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ, bao gồm chuỗi McDonald’s và 7-Eleven.
Sự quen thuộc của MoMo, vươn lên của Zalo Pay hay “cặp đôi thế lực” Moca-Grab không những gây sức ép lên hàng chục ví điện tử khác mà còn lên các dịch vụ thanh toán di động truyền thống của ngân hàng.
Trong động thái mới nhất, TPBank cập nhật thêm dịch vụ hỗ trợ mua vé máy bay ngay trên ứng dụng di động của ngân hàng. Hay như cách đây chưa lâu, để người dùng không cảm thấy khoảng cách về tiện lợi và dễ dàng khi mở một tài khoản, UOB Việt Nam cho phép mở tài khoản cá nhân ngay trên ứng dụng di động trong 10 phút, tiết kiệm 80% thời gian so với cách cũ.
“Tại các thành phố lớn như TP HCM, hơn bốn trên năm người sử dụng smartphone để thực hiện các công việc hằng ngày nhanh chóng và tiện lợi hơn. Chúng tôi luôn muốn khai thác và tận dụng sự tân tiến của công nghệ để giúp cho các dịch vụ ngân hàng trở nên đơn giản hơn, an toàn hơn và thông minh hơn cho khách hàng, ngay từ những lần giao dịch đầu tiên”, ông Harry Loh – Giám đốc Điều hành UOB Việt Nam nói.
(Theo Vnexpress)
Chính phủ chỉ đạo trục xuất du khách kinh doanh "chui" ở Việt Nam
Chính phủ vừa có chỉ đạo hàng loạt bộ, ngành rà soát, chấn chỉnh việc du khách mua sắm quẹt thẻ qua máy POS, ví điện tử của Trung Quốc.
Trước việc du khách Trung Quốc thanh toán tiền mua sắm qua máy POS, ví điện tử của Trung Quốc thay vì qua hệ thống ngân hàng Việt Nam, gây thất thu thuế và việc phát hiện rất khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua mạng trực tuyến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo cụ thể.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tiền tệ, viễn thông và thuế để đề xuất biện pháp quản lý hoạt động thanh toán điện tử với du khách cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thuế.
Bộ Công Thương được giao tăng cường giám sát quy định về niêm yết nguồn gốc xuất xứ, giá cả hàng hóa tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng; xử phạt hành chính nếu có sai phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Nhiều cửa hàng ở Nha Trang chấp nhận du khách thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng WeChat Pay. Ảnh: Kỳ Nam
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an quản lý chặt chẽ để ngăn chặn, trục xuất các trường hợp lao động chui, lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam để ở lại kinh doanh, làm hướng dẫn viên bất hợp pháp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện tình trạng du lịch 0 đồng và các tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự; trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp để khắc phục tồn tại.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các sở thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các doanh nghiệp lữ hành và thu hồi giấy phép hoạt động nếu phát hiện sai phạm.
Các cơ quan quản lý cũng được yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp lữ hành, trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn... có liên quan đến tour du lịch 0 đồng và công khai kết quả xử lý tại các điểm phát hiện vi phạm. UBND các tỉnh, TP có nhiều khách du lịch cũng được yêu cầu vào cuộc cùng kiểm tra, xử lý.
Trước đó, với tình trạng du khách Trung Quốc mua sắm tại các cơ sở khép kín do người Trung Quốc làm chủ và thanh toán qua thẻ POS, ứng dụng của Alipay, Wechat Pay... để chuyển tiền về nước họ, cơ quan chức năng của các địa phương có nhiều khách du lịch như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng cho biết gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Các địa phương kiến nghị bộ, ngành sớm có biện pháp quản lý.
Th.Dương
Theo nld.com.vn
Áp lực quá tải học sinh ở thành thị Năm học này, chủ đề sĩ số lớp học đầu cấp quá đông, đặc biệt là lớp 1 ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao. Năm học này, học sinh tăng mạnh nhất ở bậc tiểu học, đặc biệt lớp 1 - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH 69 học sinh/lớp Phụ huynh chỉ đích danh Trường tiểu học Thanh Xuân...