Về xứ Đoài ăn bánh răng bừa
Đến bây giờ tôi vẫn không quên vị beo béo, bùi bùi khi được thưởng thức những chiếc bánh răng bừa ngày ấy.
Cô bạn tôi quê ở Sơn Tây (Hà Nội), mỗi lần có dịp về quê liền nhắn tin: “Ăn bánh răng bừa không tớ xách vào”. Hỏi vậy mà cũng hỏi bởi làm sao tôi có thể từ chối những món quà quê và tấm lòng của bạn, nhất là món ăn ngon nức tiếng của xứ Đoài.
Bánh răng bừa hay còn gọi là bánh tẻ, là loại bánh đặc trưng ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước đây, bánh răng bừa thường được làm vào các dịp lễ tết và là món bánh dâng lên mâm cúng tổ tiên. Ngày nay, bánh đã trở thành món quà quê, được làm quanh năm khi nhiều du khách gần xa biết đến.
Nhớ lần đầu bạn xách bánh vào, tôi đã ngớ người ra khi bạn chìa cái bánh nho nhỏ, xinh xinh mà giới thiệu: “Đây là bánh răng bừa, đặc sản quê mình đấy!”. Nhìn chiếc bánh một hồi tôi mới dám thốt lên: “Sao gọi là bánh răng bừa?”. Bạn liền giải thích: “Vì bánh có hình dáng giống răng của cái bừa, một dụng cụ để làm nông ở quê mình mà nhà nào cũng có”.
Lần đầu trong đời được ăn bánh răng bừa, tôi có cảm giác giống như ăn bánh giò được bày bán khắp nơi trong thành phố. Bánh cũng được làm từ gạo tẻ, nhân từ thịt heo và mộc nhĩ… nhưng bột bánh giòn hơn và có mùi thơm đặc trưng vì được gói trong những chiếc lá dong xanh mướt.
Bấy giờ bạn mới cho tôi biết cách làm bánh răng bừa. Đầu tiên người ta chọn gạo tẻ loại ngon ngâm qua một đêm, sau đó xay thành bột nước. Bột nước này được nêm chút muối cùng ít gia vị rồi bắc lên bếp, khuấy thành một thứ bột nửa sống nửa chín cho đặc lại. “Khâu quấy bột này rất quan trọng, lửa phải vừa, quấy bột cho đều tay bột mới dẻo và không bị vón cục. Tránh để lửa lớn, bột khét sẽ mất ngon”- bạn nói. Riêng phần nhân bánh là thịt heo bằm nhuyễn xào với củ hành, mộc nhĩ cùng các loại gia vị sao cho nhân thơm ngon, ngọt đậm đà…
Để gói bánh, người ta trải lá dong ra và quết bột đã khuấy lên, tiếp tục cho nhân dọc theo chiều lá rồi gói lại sao cho hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa gồ lên để chiếc bánh giống với cái răng bừa, vuốt đều lá và gập hai đầu lá lại cho vỏ bánh bao kín phần nhân. Sau đó, người gói mới dùng dây cột lại và đem bánh đi hấp chín. Bánh sau khi hấp thường được ăn với nước mắm chua ngọt hoặc nước mắm trong cho thêm chút tiêu mới tròn vị thơm ngon.
Đến bây giờ tôi vẫn không quên vị beo béo, bùi bùi khi được thưởng thức những chiếc bánh răng bừa ngày ấy. Không hiểu sao chỉ là món quà quê, một món ăn dân dã nhưng tôi có thể ăn đến no mà không hề thấy ngán. Có lẽ những chiếc bánh ấy ngon là do bạn tôi dày công làm nên và chịu khó vượt qua đoạn đường hàng ngàn cây số để mang vào cho tôi.
Video đang HOT
Theo NLD
Về Bắc Ninh thưởng thức món quà quê bánh cuốn Mão Điền
Sự kết hợp tinh tế của gạo, hành phi cùng nước chấm đậm đà... khiến ai từng một lần thưởng thức món quà quê bánh cuốn Mão Điền cũng không thể quên.
Bánh cuốn sau khi tráng được người dân xã Mão Điền quết lên một lớp hành phi. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không chỉ được biết đến với cái tên đất học, làng cá con, làng kẹo kéo... mà còn nổi tiếng với 1 món ăn ngon có tiếng đó là bánh cuốn.
Sự kết hợp tinh tế của gạo, hành phi cùng nước chấm đậm đà... khiến ai từng một lần thưởng thức món quà quê bánh cuốn Mão Điền cũng không thể quên.
Không ai trong xã Mão Điền nhớ được bánh cuốn có từ bao giờ. Họ chỉ biết loại bánh này có từ rất lâu và món quà quê không thể thiếu của người dân nơi đây. Theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm bánh cuốn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Trước đây, khi những người đàn ông ở Mão Điền đi bán cá, những người phụ nữ ở nhà làm bánh cuốn nuôi con ăn học. Bánh cuốn ngày đó được làm bằng phương pháp thủ công phải qua nhiều công đoạn hơn các loại bánh khác. Đầu tiên phải xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn và đặt nồi.
Bánh cuốn thơm và ngon hơn bởi hành vì vậy khâu chuẩn bị hành đòi hỏi rất công phu. Hành phải là những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, rửa sạch rồi thái mỏng đem phi thơm. Phi hành xong giã nhỏ khi nào bánh chín để nguội mới bôi lên.
Khi đã có đủ những thứ đó người phụ nữ phải chọn, ngâm gạo, sát bột (sát bột bằng cối), lọc bột cho hết chất chua rồi mới quạt lò, tráng bánh. Để tráng được một thúng bánh từ 35-40kg người tráng phải ngồi bên lò suốt 5-6 giờ, mọi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, kiên trì và nhanh nhẹn.
Người dân xã Mão Điền làm bánh cuốn. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Từ 2-3 giờ sáng những người phụ nữ đã phải gánh bánh đi bán khắp các làng các chợ để kịp cho khách ăn sáng. Công việc hết sức vất vả thế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu người dân lấy chất thừa như bột, cám để chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Những năm gần đây nhân dân địa phương đã đầu tư công nghệ sản xuất bánh theo phương pháp mới. Mọi công đoạn sát bột, thái hành đều làm bằng máy. Sản xuất bánh cuốn bằng máy cho năng suất cao gấp 10-20 lần tráng bằng phương pháp thủ công, ít tốn công sức, thời gian và nguyên liệu hơn.
Hiện nay, xã có 12 chiếc máy sản xuất bánh hiện đại, công suất lớn, sản xuất cho hơn 200 hộ tiêu thụ. Trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 3 với 7 chiếc máy, sản xuất bánh cho hơn 100 hộ tiêu thụ.
Một máy sản xuất trung bình 3,5- 4tạ bánh/ngày vào mùa đông, 6-7 tạ bánh/ngày vào mùa hè. Một máy sản xuất có lợi nhuận từ 7-8 triệu đồng/tháng. Với những hộ tiêu thụ bánh, năng suất phụ thuộc vào tài kinh doanh của từng người.
Hộ ít nhất bán được 50-70 kg bánh/ngày, hộ bán được nhiều nhất từ 2-3 tạ bánh/ngày, giá bánh cuốn là 10-12.000đồng/kg, trung bình thu nhập từ 2-9 triệu đồng/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu ăn uống ngày càng cao hơn của thực khách người dân làm 2 loại bánh, bánh hành và mộc nhĩ. Bánh được mang đi bán không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh.
Người dân xã Mão Điền làm bánh cuốn. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Nhiều quán ăn, nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương biết tiếng đã đặt bánh cuốn Mão Điền. Nhiều người ăn bánh cuốn Mão Điền còn lầm tưởng đây là bánh cuốn Thanh Trì-loại bánh cuốn nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.
Ông Vũ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân xã Mão Điền cho biết, từ lâu, bánh cuốn đã trở thành món ăn, món quà quê không thể thiếu của mỗi thực khách khi đến với Mão Điền. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc làm bánh cuốn mang lại, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Hiện địa bàn xã Mão Điền có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh cuốn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Vũ Văn Mạnh, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề sản xuất, kinh doanh bánh cuốn Mão Điền còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực. Hiện nay, người có kinh nghiệm làm bánh cuốn ngày càng ít, trong khi đó, hầu hết thế hệ trẻ tại địa phương lại chọn nghề khác.
Bên cạnh đó, bánh cuốn Mão Điền chưa có nhãn hiệu sản phẩm nên việc quảng bá thương hiệu đến tay người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ngoài tỉnh chưa nhiều.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ và phát triển nghề làm bánh cuốn Mão Điền. Hiện, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và truyền dạy nghề làm bánh cuốn cho thế hệ trẻ.
Chính quyền xã Mão Điền đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh cuốn Mão Điền, tạo điều kiện tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Trước mắt, bánh cuốn Mão Điền hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và thực khách khi đến tham quan, du lịch tại Bắc Ninh, bởi họ chính là những "đại sứ thương hiệu" đưa món quà quê của người Kinh Bắc đi khắp muôn nơi./.
Theo Vietnamplus.
Cà na - món quà quê trong ký ức tuổi thơ Lấy một trái cà na chấm muối ớt cay cho vào miệng, chậm rãi thưởng thức hương vị chua thanh và mằn mặn hòa quyện vào nhau thì không gì tuyệt vời bằng. Quê nội của tôi thuộc một tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi thơ tôi lớn lên từ đó và gắn liền với với những ngày hè...