Về “tiểu miền Tây” xứ Huế ăn, nhâm nhi chuột đồng xào khế chua
Nếu như chuột đồng quay lu, xào sả ớt… phù hợp để đưa cay thì chuột đồng xào khế của bà con Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) thích hợp với ăn cơm lẫn nhâm nhi trong ngày mưa gió.
Nói Phong Bình là “tiểu miền Tây” xứ Huế cũng không quá khi mùa con nước về, những rô, tràu, ốc, ếch… cứ gọi là ăn không hết. Ăn không hết, tất nhiên, là vì nhiều. Mà nhiều thì dễ ngán. Để chống ngán, nhất trong mùa nước nổi, người dân Phong Bình lại í ới gọi nhau tay bao, tay cuốc đi bắt chuột đồng về “làm mới” mâm cơm, “làm mới” món đưa cay trong những ngày mưa gió.
Chuột đồng xào khế thích hợp với ăn cơm lẫn “nhâm nhi”
Thường nghe miền Tây sông nước, ngoài đặt bẫy, rà điện, đào hang, người ta còn dùng chĩa ba để săn chuột. Nhưng dân Phong Bình lại khác, chỉ nhất mực đào hang, đổ nước để “lôi đầu” những kẻ phá hoại mùa màng, nếu gặp “đứa” cứng cổ thì đã có những chú chó cỏ tinh khôn trợ giúp.
Bắt chuột bằng cách đào hang rất tốn công, gặp phải hang sâu, có khi hì hục cả buổi. Vậy nhưng khi hỏi răng không dùng cách khác để bắt chuột cho khỏe, như lấy chĩa đâm chẳng hạn, những lão nông thôn Vân Trình, Siêu Quần (Phong Bình) cười cười, mình bắt chuột để ăn chứ không bán, nên phải bắt răng cho con chuột nguyên vẹn, có rứa chế biến mới ngon, chứ dùng chĩa, chuột lủng bụng, rách da, xì ruột thì xem như vứt.
Chuột đồng chế biến không dưới 20 món, hết quay lu, rô ti, nướng đến xào sả ớt, giả cầy…, món nào món nấy xứng đáng liệt vào hàng đặc sản. Nhưng đó là ở nơi khác, chứ ở đất Phong Bình, mấy món đó cũng bình thường. Nói ngon, phải là chuột đồng xào khế.
Chuột đồng xào khế phải là những con lông vàng, béo núc, không rách da, xì ruột. Chuột bắt về trụng nước sôi buốt lông, bỏ đầu, tứ chi, nội tạng và hạch, nhưng không được lột da. Xong xuôi tới đụn rơm lôi ra vài nùi đem chuột đi thui. Khi thân chuột căng tròn, da vàng cháy, tươm mỡ thì dùng dao hoặc kéo chia con chuột thành 4-6 phần rồi bỏ vào tô ướp với nước mắm, bột ngọt, tiêu, hành và ớt trái băm nhuyễn.
Trong thời gian chờ thấm gia vị, lui sau hè với tay bứt vài trái khế chua, dăm cọng ngò gai. Ngò gai rửa sạch vò nhẹ, cắt khúc cỡ lóng tay. Khế bào mỏng theo chiều dọc, vắt bớt nước chua. Áng chừng thịt chuột ngấm gia vị, phi mỡ hành cho thơm, đổ thịt vào, đảo nhẹ bằng lửa liu riu. Thịt chuột chuyển sang tái, bỏ khế chua vào xào chung, nêm nếm vừa ăn, nồi xào sôi lần nữa rắc ngò gai vào, đảo thêm vài đũa rồi tắt bếp.
Video đang HOT
Nhìn qua thấy đơn giản, nhưng khi thưởng thức, dư vị của món chuột đồng xào khế đọng trong vòm miệng lại không đơn giản chút nào. Có lẽ, bí quyết nằm ở lớp da chuột thui rơm. Cái miếng da vàng cháy, thơm nồng rơm rạ dai dai, sần sật kết hợp với thớ thịt săn nhưng mềm, ngọt hòa cùng vị cay của tiêu, của ớt trong cái chua thanh tao của khế khiến món ăn này hoàn toàn không lẫn với bất cứ thứ thịt nào, kể cả khi nấu xào tương tự.
Và dù đã ăn xong mâm cơm với bà con Phong Bình mùa nước nổi, là nồi gạo ruộng hạt khô, tơi nhưng đậm đà, thơm thảo, là món chuột đồng xào khế thơm béo ngọt thanh cùng muỗng nước xào lấp xấp những ớt, tiêu, thì dư vị cứ mãi quấn quýt khi đã trở về với ồn ào phố thị…
Lê Trang
Theo Báo Thừa Thiên Huế
Đặc sản Trà Vinh: loại quả xấu từ ngoài vào trong nhưng mang làm nước uống thì ngon hết ý
Về Trà Vinh nếu bạn được mời một ly nước đen xì từ một loại quả lạ mắt thì đừng lo lắng nhé, bởi nó cực ngon đấy.
Chắc hẳn nhiều bạn chưa bao giờ nghe đến tên loại quả quách dùng để làm nước uống rất ngon ở miền Tây. Cây quách thuộc dạng thân gỗ to cao khoảng 7 - 8m, tán rộng, lá nhỏ và các nhánh có gai mọc đầy. Loại cây này ban đầu được người dân trồng để che mát bởi tán lá của nó khá rộng nhưng sau đó họ phát hiện rằng trái quách ăn rất ngon nên dần dần trở thành đặc sản nơi đây.
Nguồn ảnh: Baoangiang.
Mặc dù cũng có mặt rải rác ở nhiều nơi trên đồng bằng sông Cửu Long nhưng trái quách có nhiều nhất là ở Trà Vinh, kế đến là Sóc Trăng và An Giang, những tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Cây quách trồng khoảng 4 năm mới bắt đầu ra trái và mùa trái rộ nhất là vào khoảng tháng 10 âm lịch kéo dài cho đến đầu năm sau. Do đó, nếu đến Trà Vinh đúng dịp trái quách rộ mùa thì bạn sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh người dân bán loại quả này dọc theo các con lộ, các tuyến đường đi.
Nguồn ảnh: Baoangiang.
Đặc điểm của loại quả này là khi chín sẽ tự rụng chứ người dân không cần phải tốn công leo trèo để hái xuống. Trái quách có phần vỏ nhám, xù xì và rất cứng nên cho dù rụng từ độ cao 7 - 8m vẫn không hề hấn gì. Tuy nhiên, sau khi nhặt trái quách rụng vào nhà thì cần phải đợi thêm vài ngày nữa để cho quách chín hẳn thì ăn mới ngon và ngọt hơn. Nếu ăn liền ngay khi quách vừa rụng xuống thì có thể vị sẽ hơi chua và kèm vị chát.
Nguồn ảnh: Baoangiang.
Khi trái quách chín, mùi thơm từ phần ruột bên trong tỏa ra ngào ngạt. Một cái mùi rất lạ khó tìm được ở các loại trái cây khác. Có một chút vị chua, có một chút vị hăng nồng, thêm một ít mùi kẹo ngọt hòa quyện vào nhau. Và khi ngửi được mùi thơm nồng của trái quách thì nên bổ ra ăn ngay vì lúc này quách đã chín rất vừa ăn. Ngoài ra, khi quách đã chín thì phần vỏ bên ngoài bắt đầu chuyển màu mốc trắng và mềm hơn nên cũng không khó để nhận biết.
Để bổ trái quách ra thì người ta dùng dao hoặc có khi chỉ cần đập trái quách vào nền đá cứng thì trái sẽ tự vỡ đôi ra. Trái quách tròn và có độ to gần bằng trái bưởi, phần thịt bên trong có màu nâu đen sậm như màu trái me chín và chứa rất nhiều hạt nhỏ bằng đầu đũa bên trong. Ngay cả phần hình dáng bên ngoài lẫn phần ruột bên trong đúng là không có gì hấp dẫn. Thế nhưng, khi được thưởng thức loại quả này sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho xem.
Nguồn ảnh: Baoangiang.
Phần thịt bên trong trái quách có vị chua chua ngọt ngọt cộng thêm vị bùi bùi béo béo rất lạ miệng. Để chế biến thức uống từ trái quách rất đơn giản, nếu muốn làm nhanh thì bạn chỉ cần múc vài muỗng thịt quách cho vào ly rồi cho thêm đường, sữa trộn đều. Sau đó cho thêm đá lạnh vào và thưởng thức là ngon hết ý.
Tuy nhiên, nếu làm nhanh theo cách này thì bạn phải vừa ăn vừa nhả hạt nhỏ lẫn bên trong phần thịt. Thế nên, nếu siêng hơn thì bạn có thể dùng ray lọc bỏ hạt trước khi cho vào ly sẽ dễ ăn và ăn nhanh hơn. Vậy nhưng, đối với người sành ăn quả quách thì việc vừa thưởng thức ly nước quách vừa phải lừa nhả hạt ra lại là một thú vui thi vị, nhất là những lúc đang rảnh rỗi, thanh nhàn.
Nguồn ảnh: Internet
Giá trái quách không quá đắt, đặc biệt là khi rộ mùa. Giá trung mình mỗi trái khoảng 10k, có khi người dân bán 15k/cặp tức là 2 trái. Và mỗi trái quách thế này có thể làm ra được vài ly sinh tố quách ngon miệng mát lành, nếu thưởng thức vào lúc trời đang nắng, cổ đang khát thì không còn gì tuyệt hơn.
Theo Trí Thức Trẻ
Du lịch TP.HCM dịp Tết Dương lịch 2019, ăn gì ở đâu? Nếu chọn TP.HCM để du lịch trong dịp Tết Dương lịch 2019, bạn không thể không thử cơm tấm, bánh xèo, các món ốc,... Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2019 kéo dài đến 4 ngày là dịp để nhiều người du lịch xa, trong đó TP.HCM là một trong những địa điểm thường thu hút nhiều lượt khách tới tham quan. Đến TP.HCM,...