Vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh: Việc làm thiết yếu mà không phải ai cũng biết thực hiện đúng cách
Việc chăm sóc một em bé sơ sinh chưa bao giờ là dễ dàng. Nhiều bà mẹ thường chú ý đến chế độ ăn uống hay sức khỏe mà quên đi vùng kín của trẻ cũng cần phải được vệ sinh sạch sẽ.
Trẻ sơ sinh luôn cần phải được vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín vì lúc này cơ quan sinh dục của trẻ rất dễ bị viêm nhiễm. Vì vậy bố mẹ cần phải biết những hướng dẫn và lưu ý dưới đây để chăm sóc trẻ tốt hơn.
Đặc điểm sinh lý của bé trai
(Ảnh minh họa)
Rất nhiều trẻ sơ sinh nam bị hẹp bao quy đầu. Tỷ lệ này lên đến hơn 2/3 nhưng càng lớn thì sẽ càng thấp dần do một số trẻ sẽ tự khỏi mà không cần đến sự can thiệp của y khoa. Khi vệ sinh vùng kín của trẻ sơ sinh nam, bạn dùng tay vuốt ngược vùng da mềm ở đầu dương vật ngược lên phía vùng bụng để biết xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu hay không. Nếu bạn thấy quy đầu ở đầu dương vật có nghĩa là bé không bị gì.
Ngoài ra, dư da quy đầu cũng là một tật sinh lý khiến cho việc chăm sóc vùng kín của trẻ gặp khó khăn hơn. Dư da quy đầu gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang dẫn đến việc bé đi tiểu lắt nhắt, tia tiểu không thẳng hoặc bị tồn đọng nước tiểu tại đầu dương vật, dễ bị nhiễm trùng viêm đỏ và đau.
Để giải quyết tình trạng này, mỗi lần con đi tiểu xong, bạn vừa dùng tay tụt da quy đầu ra, vừa nong da quy đầu cho giãn dần để tống hết nước tiểu tồn đọng ra ngoài. Sau cùng, dùng khăn giấy hoặc khăn vải thấm khô dương vật của bé. Nếu thấy da quy đầu bị đỏ thì mỗi ngày mẹ cần vài lần dùng bông thấm dung dịch thuốc tím loãng để lau cho bé.
Đặc điểm sinh lý của bé gái
Khác với các bé trai dễ bị hẹp hay dư bao quy đầu, cơ quan sinh dục của các bé gái rất nhạy cảm và dễ bị viêm nhiễm hơn. Điều này khiến cho trẻ thường bị viêm cơ quan sinh dục ngoài. Vì vậy vùng kín của trẻ cần được giữ khô ráo và sạch sẽ.
Một số trẻ do nội tiết của mẹ truyền sang nên có thể xuất huyết hoặc xuất hiện một ít chất nhầy trắng tại cơ quan sinh dục dưới (âm hộ hay còn gọi là cửa mình). Bạn nên dùng bông gòn và nước ấm nhẹ nhàng lau sạch cho con rồi thấm khô với khăn vải cotton trước khi mặc tã cho bé. Nếu hiện tượng tiết ra chất nhầy vẫn tiếp diễn hơn 3 ngày, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ.
Nếu không có điều kiện rửa, bạn chỉ cần thấm khô cho bé. Tuyệt đối không nên rửa rồi mặc tã ngay cho con vì sẽ gây ra tình trạng ẩm ướt kéo dài ở vùng sinh dục, có thể dẫn đến nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Video đang HOT
(Ảnh minh họa)
Nhiều bà mẹ khi thấy những chất bẩn ở vùng kín của trẻ sơ sinh thì lấy dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc nước muối loãng để rửa và sát trùng cho con. Việc này là không nên, trừ những trường hợp bệnh lý có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, hai môi trong âm hộ của bé cũng có thể kết với nhau theo nhiều mức độ, trong một số trường hợp có thể đủ để che kín cả vùng âm đạo hoặc niệu đạo. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự kích thích âm môi. Bạn không nên cố tách chúng ra vì có thể càng làm chúng dính chặt vào nhau hơn. Với trường hợp này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ để có quyết định phù hợp nhất.
Các bước vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh
- Đặt bé lên tấm nylon mềm, dùng khăn xô mềm đã được làm ướt bằng nước ấm, lau vùng xương mu và vùng bụng dưới rốn.
- Sau đó lấy khăn ướt khác lau nhẹ nhàng bộ phận sinh dục ngoài theo hướng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Bạn nhớ chỉ lau bên ngoài môi lớn (với bé gái) và bên ngoài dương vật (với bé trai), không đụng chạm bên trong.
- Tiếp theo, lấy khăn ướt khác nữa lau sạch hai bên bẹn, lau hậu môn và xung quanh. Chú ý lau từ trước ra sau để tránh dây bẩn từ hậu môn vào bộ phận sinh dục của bé.
- Cuối cùng lau sạch mông và mặt trong đùi. Lấy khăn xô sạch, khô, mềm lau khô toàn bộ vùng quấn tã.
Một số lưu ý quan trọng
Nên dùng khăn mềm hoặc gạc vuông vệ sinh cho trẻ thay vì khăn ướt. (Ảnh minh họa)
- Không nên dùng các loại khăn ướt có hương thơm hay sữa dưỡng da có mùi cho trẻ sơ sinh. Da của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm nên khăn ướt có mùi có thể gây kích ứng. Lúc này, mẹ nên dùng nước ấm với khăn lau mềm hoặc gạc vuông.
- Phải thay tã thường xuyên cho trẻ, đặc biệt là sau khi trẻ đi vệ sinh. Việc này không chỉ giữ sạch vùng kín cho trẻ mà còn phòng hăm tã. Mỗi lần thay tã, bạn nên thoa một lớp thuốc mỡ hoặc kem mỏng để bảo vệ cho da của trẻ. Nếu đã cố gắng nhưng trẻ vẫn bị hăm vùng kín do tã thì bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ để có thuốc bôi kịp thời.
- Mỗi em bé đều được kiểm tra sức khỏe tổng quát kỹ trước khi rời viện, trong đó có phần kiểm tra bộ phận sinh dục của bé. Nhưng nếu không yên tâm hoặc thấy trẻ có những triệu chứng bất thường ở vùng kín thì hãy nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ của bác sỹ.
Theo Helino
7 điều đại kỵ tuyệt đối không làm với trẻ sơ sinh
Những ngày đầu chào đời, trẻ sơ sinh có thể trạng và sức đề kháng rất yếu, mẹ cần đặc biệt chú trọng chăm sóc. Bởi chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Dưới đây là những điều cấm kỵ không nên làm với trẻ sơ sinh:
1. Đừng để bất cứ ai hôn bé
Trong những tuần đầu đời, việc tiếp xúc với vi khuẩn và vi trùng có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng cho thiên thần nhỏ của bạn.
Chỉ cần hôn cũng có thể khiến cho bé mắc những căn bệnh không mong muốn, bởi vì hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh lúc này không đủ sức để bảo vệ cơ thể hay chống chọi với bệnh tật.
2. Cho bé vừa bú vừa ngủ
Rất nhiều bố mẹ cho bé vừa ngậm ti giả hoặc bình sữa để chìm vào giấc ngủ nhưng sai lầm này có thể khiến cho bé ngạt thở.
3. Để tã bỉm của bé quá lâu không thay
Nếu để tã bỉm của bé quá lâu sẽ dễ khiến bé khó chịu, nặng hơn có thể gây ngứa ngáy, viêm nhiễm. Mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã bỉm cho bé. Nếu thấy ướt thì nên thay cho bé.
4. Cho con ngậm ti giả quá sớm
Trẻ sử dụng ti giả sẽ bị phụ thuộc vào chúng và bị hạn chế ti mẹ. Cho ngậm ti giả quá sớm còn có thể khiến trẻ nhầm lẫn giờ giấc ăn uống.
Thân nhiệt, nhịp tim và mùi hương quen thuộc từ cơ thể người mẹ lúc cho con bú sẽ làm cho bé có cảm giác an toàn và thoải mái.
5. Cho trẻ nằm gối cao
Do cấu trúc xương sống của trẻ sơ sinh là một đường thẳng nên đầu và lưng của bé phải luôn nằm trên một đường thẳng. Nếu đầu phải gối trên một vật dụng khác, phần xương cổ sẽ dễ bị quẹo sang một bên và làm biến dạng xương sống.
Do đó, việc dùng gối cho trẻ sơ sinh có thể là một nguy cơ dẫn đến những căn bệnh về xương cột sống như vẹo cột sống. Vì thế, không cần cho bé nằm gối.
6. Mặc quá nhiều đồ cho trẻ
Trẻ sơ sinh thường dễ bị lạnh nhưng cũng không cần quá lo lắng về điều này. Trẻ dù không thể làm ấm cơ thể bằng cách di chuyển, nhưng nếu mặc quá nhiều quần áo cho trẻ thì có thể gây sốt và khiến con bị mất nước.
Nên chú ý cho con mặc theo từng lớp, như vậy sẽ dễ thêm hoặc bớt lượng áo quần và duy trì nhiệt độ thích hợp cho con.
7. Ngại tắm ngay cho bé sau khi sinh
Các mẹ nên tắm cho các bé 24 giờ sau khi sinh vì sẽ có nhiều lợi ích như giữ lại được lớp bã nhờn bảo vệ da cho bé, duy trì nhiệt độ ổn định cho cơ thể bé sau khi ra ra đời, tạo sự gần gũi liên kết giữa mẹ và bé...
Sau 24 giờ mẹ có thể tắm cho bé và vệ sinh mắt mũi cho bé nhẹ nhàng với nước muối sinh lý.
Theo 2sao.vn
Lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ tưởng là tốt nào ngờ chỉ với nước ấm đã có thể làm sạch "cô bé" thơm tho, khỏe mạnh Để giúp "cô bé" khỏe mạnh chị em cần biết cách vệ sinh chuẩn nhất. Một nghiên cứu được công bố trên BMC Women's Health đã khảo sát khoảng 1500 phụ nữ về thói quen vệ sinh vùng kín. Hơn 95% những phụ nữ đã sử dụng một hoặc các sản phẩm vệ sinh phụ nữ khác, như kem chống ngứa, khăn ướt...