Về nơi hàng nghìn tượng ông Táo quân ra đời
Làng gốm Thanh Hà, Hội An là nơi hàng nghìn tượng ông Táo quân ra đời dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân. Những ngày này, tượng đã lên xe đi khắp mọi miền đất nước để kịp ngày 23 tháng Chạp có mặt trên mâm cúng.
Lò nung tượng Táo quân ở làng gốm Thanh Hà, Hội An
Theo quan niệm người xưa, trong mâm cúng tiễn Táo quân về chầu trời, ngoài bánh trái, xôi chè, bao giờ cũng có bức tượng ông Táo mới trọn vẹn.
Bởi vậy, bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, cả làng gốm Thanh Hà, Hội An đã bắt đầu nổi lửa để sản xuất tượng Táo quân.
Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, hình hài Táo quân được tạo ra từ đất sét lấy dưới lòng sông Thu phơi khô. Sau đó, các bức tượng được đem vào lò nung đúng 3 ngày đêm.
Tượng Táo quân có đủ hình hài 3 vị. Đó là Táo ông ngồi 2 bên, Táo bà được đặt ở giữa.
Video đang HOT
Nhà ông Nguyễn Văn Chín là một trong những gia đình sản xuất Táo quân nổi tiếng ở làng gốm Thanh Hà. Chính mảnh đất chật hẹp trước nhà ông là nơi hàng trăm nghìn Táo quân ra đời.
Một xưởng sản xuất tượng Táo quân ở Hội An
“Gia đình tôi làm nghề này hơn 100 năm nay. Ngày trước mẹ tôi làm, nay mẹ già yếu nên tôi nối nghề…”, ông Chín kể.
Con hẻm nhỏ lát gạch dẫn vào công xưởng sản xuất Táo quân đang tất bật người mua, kẻ bán. Hàng được vợ chồng ông Chín đóng thùng gửi đi các nơi để kịp ngày 23 tháng Chạp.
Kể về nghề sản xuất Táo quân, ông Chín cho biết: “Bắt đầu tháng 11 là vợ chồng tôi bắt đầu nổi lửa và nặn tượng. Trong hơn 2 tháng qua nhà tôi sản xuất khoảng 60.000 ông Táo”.
Ông Nguyễn Văn Chín đang kiểm tra tượng Táo quân, trước khi đóng thùng gửi cho khách
“Mỗi tượng Táo quân chỉ bán với giá 2.000 đồng. Mỗi năm tôi sản xuất khoảng 60.000 bức tượng và thu được 120 triệu trong 2 tháng. Nhờ nghề này, tôi nuôi được 2 con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Chín kể.
Theo lời ông Chín thì làng nặn tượng Táo quân tồn tại đã hơn 200 năm nay. Mỗi năm đến gần Tết là nhà nhà nặn tượng Táo quân để bán. Nhưng mấy năm gần đây, Hội An quy hoạch làng gồm Thanh Hà để phục vụ khách du lịch nên nhiều gia đình chuyển sang các hàng thủ công mỹ nghệ khác từ đất sét để bán cho du khách. Chỉ còn một số ít gia đình sản xuất ông Công ông Táo.
Cũng theo ông Chín, ngày xưa làm tượng đơn giản, tất cả đều nặn bằng tay nhưng ngày nay đã xuất hiện đúc khuôn in Táo quân nên mặt hàng này được sản xuất hàng loạt.
Mặc dù có khuôn in nhưng để sản xuất một tượng Táo quân đẹp cũng phải qua nhiều công đoạn thủ công. Người đúc tượng phải cần mẫn nén chặt đất để khi tượng ra đời không được thiếu bất kỳ một chi tiết nào.
Gần nhà ông Chín là nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Xê, truyền nhân đời thứ 6 của làng gốm Thanh Hà, nổi tiếng ở đô thị cổ Hội An.
Anh Xê cho biết, nghề sản xuất tượng Táo quân chỉ là nghề phụ, mỗi năm làm 2 tháng cuối năm để kiếm thêm thu nhập. Nghề chính của anh là nặn tượng tò he, tượng các loại để bán cho khách du lịch.
Nặn tượng ở làng gốm Thanh Hà
Ở nơi làng gốm Thanh Hà, những gia đình như anh Xê, ông Chín nằm trong số rất ít gia đình còn giữ được nghề sản xuất Táo quân.
Gần đến ngày 23 tháng chạp, hàng chục nghìn tượng Táo quân đã được các nghệ nhân đóng gói chuyển đi khắp nơi tiêu thụ.
“Đây là chuyến hàng cuối cùng tôi đóng gửi cho khách hàng ở các tỉnh phía Bắc. Năm nay thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi nên lượng hàng sản xuất có hạn. Khách hàng các nơi gọi về đặt không ít nhưng chúng tôi không sản xuất kịp”, anh Xê cho biết.
Theo Vũ Trung (Vietnamnet)