Về miền Tây thưởng thức chuối tá quạ luộc
Là đặc sản của vùng Cầu Kè (Trà Vinh), chuối tá quạ cho ít trái (mỗi trái rất to) nên nông dân ngày xưa chỉ trồng vài cây trong vườn để làm món ăn vặt khi buồn miệng chứ ít khi mang ra chợ bán.
Ngoài ra, theo ông bà xưa kể lại, chuối nầy trồng rất xui, và không nên trồng gần nhà vì ban đêm khi chuối trổ buồng vặn mình như chuyển dạ nghe tiếng động “kịch… kịch” rất sợ. Sáng hôm sau, thức dậy ra sau vườn phát hiện buồng chuối non đã trổ tự bao giờ! Có lẽ, vì thế mà chúng có tên là “ chuối tá quạ” (hay tá hỏa?) chăng?…
Ngày nay, chuối tá quạ được người dân nơi phố thị ưa chuộng, vì thế nông dân nhân giống về trồng rất nhiều. Chuối trồng khoảng chừng 8 – 9 tháng thì trổ bắp. Một buồng chuối thường chỉ có 1 – 2 nải, mỗi nải khoảng chục trái là cùng. Độ 2 tháng rưỡi sau, chuối già, có thể đốn xuống, ăn sống hoặc giú chín để bán.
Video đang HOT
Chuối tá quạ dẻo ngọt, thơm ngon nên có thể chế biến nhiều món ăn rất hấp dẫn như: nấu ca-ri, nấu lẩu… Nhưng món ăn được người lớn lẫn trẻ em ưa thích đó là chuối tá quạ chín luộc. (Giá tại Cần Thơ là 10.000đ một trái lớn)
Để có những trái chuối tá quạ chín luộc bán ra thị trường cần trải qua công đoạn sau: Chuối thật già chặt xuống, tách ra từng nải phơi nắng cho nóng rồi đem vào lu giú khoảng 2 hôm thì chuối chín hườm, lấy chuối ra. Dùng dao bén tách từng trái một. Lấy dây chuối (hoặc dây nylon) quấn chung quanh chuối (như đòn bánh tét) để giữ vỏ chuối không bị nứt, nước khi nấu sẽ không thấm vào khiến chuối bị mềm, không nhạt. Đổ nước ngập vào chuối bắc lên bếp nấu sôi. Chừng 1 tiếng sau, dùng đũa xom thử thấy chuối mềm nhắc xuống. Chờ chuối nguội xếp ra đĩa là xong. Chuối tá quạ vốn to trái, khi thưởng thức dùng dao bén xắt từng miếng cho vừa miệng, mới ngon.
Nếu có dịp về miền Tây trong ngày hè, mời bạn thưởng thức thứ trái ngon và lạ của vùng này. Cầm miếng chuối màu vàng nhạt, ruột trái tươm mật ngọt cho vào miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt, dẻo thơm, bùi bùi của chuối lan tỏa thật hấp dẫn.
Theo VNE
Về miền Tây thưởng thức cá lóc quay
Đồng bằng sông Cửu Long rất dồi dào về tôm, cá. Cá lóc thường xuyên có ở chợ và luôn hiện diện phong phú trong các bữa ăn gia đình nơi đây như: cá lóc kho tiêu, kho mẳn (kho ngót), nấu canh chua, chưng tương, nướng trui... Nhưng, có một món ăn đặc biệt trong những ngày Tết, đó là món cá lóc đồng quay.
Cá lóc mua ở chợ phải lựa cá lóc đồng sống, từ 1 kg trở lên vì thịt cá sẽ dẻ dặt, rất ngon. Trước hết, cá lóc đem về dùng dao bén lạng da, cắt bỏ vi, kỳ, đuôi, moi bộ nội tạng ra làm sạch, để ráo, và cắt cá ra làm 2 phần: đầu và thân cá. Đầu cá để lại nấu món canh chua me truyền thống với các phụ liệu như: bạc hà, khóm, cà chua, giá sống, rau ngò om... Nêm nếm vừa khẩu vị. Món này ăn với bún hay với cơm thật "bắt".
Cá lóc quay.
Còn mình cá thì ướp gia vị (ngũ vị hương muối đường bột ngọt củ hành tím tỏi (bằm nhuyễn) để chừng 20 phút cho ngấm. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi thơm rồi cho cá vào chảo chiên hơi vàng. Kế đến đổ nước dừa tươi vào ngập xâm xấp cá. Điều chỉnh ngọn lửa liu riu cho đến khi nước dừa rút cạn, thịt cá ngả màu vàng sậm là chín. Chỉ cần múc ra dĩa, rắc đậu phộng rang giã giập lên và nhớ chuẩn bị thêm: một dĩa rau sống (dưa leo, chuối chát, giá sống, rau thơm...), một dĩa bún, một dĩa bánh tráng nhúng, một chén nước mắm me pha hơi sệt là xong.
Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long nhân dịp xuân về, bạn thử vào quán gọi món cá lóc quay để thưởng thức. Cầm miếng bánh tráng nhúng đặt trên lòng bàn tay, gắp miếng thịt cá lóc cùng với bún, rau thơm, giá sống... cuốn lại chấm vào chén nước mắm me đưa lên miệng nhai một cách chậm rãi, ta sẽ "ngậm mà nghe" những hương vị ngọt, béo thơm ngon... của cá lóc đồng miền Tây cũng như tận hưởng được trọn vẹn "hương đồng gió nội" của mùa xuân đang tràn về ở nơi đây. Món này nếu "nhâm nhi" với bia lạnh, thật tuyệt vời.
Theo LĐO