Về miền cổ tích ở Queenstown
Người ta kể rằng, vào cuối thế kỷ 19, khi những di dân người Anh lần đầu đến vùng đất ở đảo Nam của New Zealand định cư, đã phải thốt lên: Lẽ ra nơi này phải là nơi ở của Nữ hoàng. Cái tên Queenstown bắt nguồn từ đấy.
Sở dĩ phải nói vậy vì Queenstown lãng mạn hơn bất cứ thành phố hay thị trấn nào ở New Zealand. Xung quanh hồ Wakatipu là núi non trùng điệp, những ngôi nhà bên triền núi, hàng cây mùa đông trơ cành soi bóng xuống mặt nước… khiến cho ai tới Queenstown cũng phải thừa nhận, người xưa nhận xét không sai. Wakatipu là hồ dài nhất New Zealand (80km) và rộng 291 km2.
Nhưng, nếu du lịch đến Queenstown, hãy chọn mùa đông. Mùa đông ở Nam bán cầu bắt đầu từ tháng 6. Từ bờ hồ Wakatipu, du khách có thể ngắm được những dãy núi phủ đầy tuyết trắng. Mùa đông cũng là mùa du lịch nhộn nhịp nhất trong năm ở Queenstown, khi du khách khắp nơi đổ về đây chơi những trò mạo hiểm trên tuyết.
Tuy nhiên, sẽ chẳng là chuyến đi Queenstown hoàn hảo nếu không đáp trực thăng lên đỉnh núi tuyết, ngắm thành phố từ điểm cao nhất. Việc bay trực trăng lên núi tuyết chỉ được vận hành khi thời tiết không bị mưa mù. Điều này không hề dễ dàng vì mùa đông hiếm khi có những ngày trời trong.
Rất may, chúng tôi đến Queenstown vào một ngày trời nắng đẹp, nên nhanh chóng bắt đầu hành trình ngắm núi tuyết. Chiếc trực thăng trở nên nhỏ bé như cánh chuồn chuồn giữa không trung, có lúc bay sát sườn núi, có lúc chao đảo giữa vực sâu, có lúc lửng lơ trên mặt hồ Wakatipu xanh thẳm… Phía xa kia là Queenstown nép mình bên bờ hồ, bao quanh thành phố là tuyết phủ một phần những dãy núi, trùng trùng điệp điệp chẳng thấy đâu là chân trời.
Cảnh tượng như một cuộc thám hiểm đến miền cổ tích, đẹp mê hoặc nhưng cũng thót tim mỗi khi trực thăng lên cao, xuống thấp. Khoảng mười phút sau, trực thăng tìm chỗ đáp trên đỉnh ngọn núi tuyết Cecil, độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển ở Tây Nam Queenstown.
Chúng tôi bước ra khỏi trực thăng, chạm chân xuống lớp tuyết dày, ngập đến gối. Từ trực thăng chỉ cần bước vài chục bước là ra tới rìa vực, ở đó, chúng tôi hít thở bầu không khí trong veo, vươn vai nhìn xuống mặt hồ, ngắm những đỉnh núi từ… đỉnh núi. Màu vàng của nắng đang phủ lên sắc trắng ma mị của tuyết trên điệp trùng núi non, dưới bầu trời trong xanh của mùa đông Nam bán cầu.
Video đang HOT
Ở trên đỉnh Cecil, mọi người chỉ còn biết lặng nhìn, rồi ngẩn ngơ chụp ảnh. Khoảng 20 phút sau, chúng tôi lên trực thăng để chính thức “trở về với mặt đất”. Tour tham quan đỉnh núi Cecil thu hút rất đông du khách, năm ngoái, có khoảng 72.000 người đã bay lên đây bằng trực thăng.
Dân số hơn 32.400 người, nhưng hàng năm Queenstown đón gần 3 triệu lượt du khách. Queenstown được mệnh danh là resort town (thành phố nghỉ dưỡng) của New Zealand. Thành phố này từng là bối cảnh của nhiều bộ phim hoặc chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Chúa tể của những chiếc nhẫn.
C ảnh đẹp thần tiên trên đỉnh Cecil
Theo iHay!
Đến làng chài Hải Minh ngắm nhìn và yêu thương
Làng chài Hải Mình nằm nép mình bên dãy núi Phương Mai với dáng hình uốn cong ôm lấy Cảng Quy Nhơn (Bình Định) và hướng ra biển lớn. Như nàng tiên còn say ngủ, Hải Minh chưa được biết đến nhiều như những địa điểm du lịch khác. Tuy vậy, nơi đây tiềm ẩn những vẻ đẹp như một sự kết nối hài hòa giữa thiên nhiên và con người qua bao thăng trầm lịch sử.
Toàn cảnh tượng Trần Hưng Đạo và TP.Quy Nhơn nhìn từ Hải Minh
Chúng tôi đến Hải Minh vào một ngày nắng cuối hè. Để qua xã đảo này không khó. Chỉ cần hỏi đường đến cầu Hàm Tử rồi lên thuyền theo chân người dân địa phương qua đảo với chi phí chừng 10.000 đồng/người. Từ bến đó đến nơi chỉ khoảng 5 phút. Đoạn đường trên biển ngắn ngủi nhưng khá thú vị với khung cảnh vừa sầm uất của người mua kẻ bán, vừa hoang sơ, hùng vĩ của dải núi chạy dọc biển.
Tới đảo, chúng tôi bắt đầu cuộc leo núi lên sát chân bức tượng vị tướng Trần Hưng Đạo uy nghiêm, chỉ tay về hướng biển. Từ khoảng cách này có thể phóng tầm mắt bao quát cả thành phố biển Quy Nhơn nhỏ nhắn, xinh đẹp với núi non, cảng biển... Thế nhưng, đây chưa phải là địa điểm đặc biệt nhất ở Hải Minh. Nơi này có một thành lũy bằng đá của người xưa để lại. Sau bao thăng trầm thời cuộc, công trình này đã ít nhiều hoang phế nhưng vẫn giữ lại được một số dấu tích đáng nhớ của lịch sử.
Làng chài của người dân địa phương ở Hải Minh hiền hòa và êm đềm như một bài thơ
Theo sử sách kể lại, từ vương triều Chăm Pa cho đến triều Nguyễn, Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định) là cửa biển quan trọng, có vị trí quân sự đặc biệt trong việc phòng thủ và bảo vệ kinh thành. Từ xưa, các triều đại coi trọng cửa biển nên xây dựng hệ tuyến phòng thủ, trong đó có lũy đá cổ 200 tuổi trên dãy Tam Tòa.
Từ khu vực lũy đá này, nhìn qua bên phải là làng chài Hải Minh với eo biển nhỏ yên bình lặng sóng, thả trôi những con thuyền lơ đãng. Cảnh vật quá đỗi hữu tình trong cái nắng rù rì cuối tháng 8, trong những cơn gió cuối hạ đầu thu xao xuyến ở nơi quá khứ và hiện tại đủ đầy.
Chúng tôi còn nhớ mãi lần đầu đến với vùng đất này là năm 15 tuổi. Hồi đó phải đi lén vì cha mẹ sợ không an toàn. Nhưng tuổi trẻ có những lý do để phải lên đường. Đó là một ngày hè nắng rát. Một nhóm chừng 10 học sinh lớp 9 đi với nhau để khám phá một vùng đất đẹp. Ngoài những di tích lịch sử kể trên, Hải Minh còn có những bãi biển trong vắt, những bãi đá sừng sững ưỡn ngực để sóng biển tung trào bọt trắng.
Mãi đến nay, Hải Minh cũng vẫn chưa phải là điểm du lịch có tiếng ở Bình Định. Thế nhưng, với những du khách thích sự yên bình, lặng lẽ và mê tìm về lịch sử văn hóa như chúng tôi, nơi này rất xứng đáng để lui tới, ngắm nhìn và yêu thương!
Lũy đá cổ phòng thủ hơn 200 năm của người xưa để lại
Theo iHay!
Kinh nghiệm đáng đọc trước khi du lịch Nepal Nepal là một điểm du lịch hấp dẫn, người dân ôn hòa, nhiệt tình. Đặc biệt, khó có thể tìm thấy đất nước nào lại có tới 7 di sản văn hóa ngay ở thủ đô. Du lịch tiện lợi và đa dạng Nepal đẹp nhất là vào cuối tháng 9 đến tháng 12, bầu trời trong xanh có thể nhìn thấy dãy...