Vẻ đẹp của đờn ca tài tử
Cuối năm 2013, bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây được coi là món quà đặc biệt mừng Xuân Giáp Ngọ dành cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
Thú chơi ngẫu hứng
Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: Minh Cường
Từ đầu thế kỷ 19, ở Nam bộ cơ bản chỉ có hai loại hình nghệ thuật chính là tuồng và nhạc lễ. Tuồng là sân khấu điển tích, phần âm nhạc lấy trống kèn làm chủ đạo. Còn nhạc lễ phục vụ việc hành lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh, lấy nhạc cụ dây kéo, bộ gõ làm chủ đạo.
Đến đầu thế kỷ 20, nhiều quan viên nhà Nguyễn vào Nam theo phong trào Cần Vương, đã sớm kết hợp âm hưởng nhạc Nam bộ với nhạc cung đình Huế tạo ra hình thức âm nhạc cổ truyền mới gọi là ĐCTT. Về cơ bản các nhạc cụ thường sử dụng: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn bầu, về sau có sự tiếp biến của cây guitare phím lõm. Từ đây, nhanh chóng hình thành phong trào “đờn cây” và phát triển khắp Nam bộ. Lúc bấy giờ có các nhạc sư tiêu biểu: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Long An, Trần Quang Diệm ở Mỹ Tho, Lê Bình An ở Bạc Liêu… Đặc biệt, nhiều người còn biết đến nhạc sư Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang – một bản nhạc từ khi ra đời đã trở thành “ông vua” trên sân khấu cải lương, đến nay đã tồn tại trên 100 năm vẫn giữ nguyên giá trị. Không chỉ thế, bản Dạ cổ hoài lang còn được nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ phát huy, phát triển thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng Nam bộ.
Ban nhạc tài tử được biết đến sớm nhất ở vùng đất Nam bộ là của ông Nguyễn Tống Triều (ở Mỹ Tho, Tiền Giang). Ban nhạc này không chỉ biểu diễn trong nước, vào đầu năm 1900, tham gia biểu diễn tại Hội chợ đấu xảo ở Paris với bản nhạc tài tử nổi tiếng là “ Vũ khúc Đông Dương”.
Theo tài liệu mới nhất vừa được công bố, bản “Vũ khúc Đông Dương” được nhà nghiện cứu Nguyễn Lê Tuyên (Đại học quốc gia Australia) phát hiện vào tháng 3/ 2013, tại Thư viện quốc gia Pháp. Bản “Vũ khúc Đông Dương” đã được nhà nghiên cứu dân tộc học, nhạc học nổi tiếng người Pháp là ông JulienTiersot ký âm lại năm 1900, khi nó được một ban nhạc tài tử của Việt Nam sang biểu diễn tại hội chợ quốc tế ở Paris với tư cách đại diện cho văn hóa Đông Dương. Nó được thể hiện làm nhạc nền cho một cô đào nổi tiếng người Pháp là Cléo de Mérode múa tại sân khấu hội chợ.
“Khi hay tin nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên tìm thấy bản nhạc tài tử cổ xưa này (“Vũ khúc Đông Dương” được coi là bản ký âm cổ nhất trong lich sử âm nhạc ĐCTT VN PV) chúng tôi thật sự vui mừng, vì như vậy từ hơn 100 năm trước, thế giới đã biết đến nhạc tài tử của Việt Nam”, nhạc sĩ Huỳnh Khải xúc động chia sẻ.
Video đang HOT
Ngày 11/ 7/ 2013, bản “Vũ khúc Đông Dương” đã được phục dựng và trình diễn tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), với sự tham dự của hơn 500 nhạc sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo nghệ nhân dân gian Phạm Công Tỵ, đây là một bản nhạc hay và lạ đối với nhạc tài tử. Vì hầu như rất ít bản nhạc tài tử được dùng để múa. Bản “Vũ khúc Đông Dương” tôi nghĩ có thể đây là tiết mục ngẫu hứng của ban nhạc tài tử ngày xưa khi đến Pháp biễu diễn. Phát hiện này với nhạc tài tử lại càng giá trị và thú vị, nghệ nhân Tỵ khẳng định.
Tuy vậy, nhưng nếu có người hỏi điểm cốt yếu nhất của nghệ thuật trình diễn ĐCTT là gì? Có lẽ họ sẽ nghe câu trả lời không ngần ngại của giới ĐCTT đó là phong cách sáng tạo và ngẫu hứng trong biểu diễn. Không chỉ đàn ca sao cho đúng với tính chất, hơi điệu của bài, người nghệ sĩ tài tử còn phải biết thêm thắt, biến tấu ngẫu hứng sao cho bay bổng, vì đối với nhạc tài tử, tính cố định sẽ làm mất tính tài tử. Một nốt đàn được thêm thắt, tô điểm đúng mức sẽ trở thành phong cách riêng của nghệ sĩ. Nói rộng hơn, ngẫu hứng, ứng tấu vừa tạo phong cách nhạc sĩ, vừa là phong cách của thể loại nhạc tài tử. Nhưng nếu thêm thắt, tô điểm để cho câu nhạc có nhiều chữ đàn, để cho “rậm đám” hay xôm tụ thì không phải phong cách tài tử, bởi mỗi câu nhạc, mỗi chữ đàn, mỗi nét nhấn nhá, luyến láy… càng lão luyện trong nghề chơi thì tiếng đàn càng tinh tế, sang trọng, đặc sắc, đậm đà…
Cũng xin nhắc lại, vào những năm 1930, ĐCTT được các hãng sản xuất đĩa nhựa trong và ngoài nước như: Việt Hải, Hồng Hoa, BéKa… thu và phát hành ở miền Nam. Những danh ca, danh cầm được nhiều người biết đến cũng nhờ vào cách phổ biến này. Những bài bản lúc ấy không chỉ gồm 20 bài tổ mà còn có một số bản vọng cổ (nhịp 8, nhịp 16…). Nhạc giới thường nhắc đến băng Nam Bình I & II do nhạc sư Vĩnh Bảo biên tập và diễn tấu. Đây chính là may mắn cho hậu thế vì còn giữ được tiếng đờn tài hoa, ngẫu hứng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài tử lừng danh. Nổi tiếng trong làng đĩa nhựa khi ấy có Chín Kỳ (Nguyễn Văn Kỳ), Tư Nghi (Phạm Văn Nghi), Bảy Hàm (Trương Văn Đệ), Sáu Quý (Nguyễn Thế Quý)…Về ca có các nghệ sĩ Năm Nghĩa, Hồng Châu, Tám Thưa, Út Trà Ôn, Bảy Cao, Sáu Thoàng, Hai Đá, Năm Cần Thơ, Bạch Huệ…
Đờn ca tài tử vào xuân
Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh, ĐCTT là cuộc chơi đầy phong lưu và tao nhã. Đờn càng hay thì tiếng ca càng rung cảm. Khi hai cái tâm hồn càng hòa quyện nhau thì người nghe không muốn rời.
Giờ đây, trong nhịp sống công nghiệp, bận rộn, bốn bề hối hả, mấy ai còn yên lòng để thả hồn vào cuộc chơi với khúc nhạc, lời ca suốt sáng, thâu đêm. Để rồi những tiếng hò ơ dìu dặt mênh mông đang chìm dần vào những âm thanh hỗn loạn của thị thành.
Cũng may, không giống như nhiều người lâu nay vẫn nghĩ, ĐCTT chỉ là sản phẩm của vùng quê sông nước miệt vườn. Giờ đây, có dịp nhìn lại, nhiều người giật mình khi thấy ĐCTT đang thịnh hành, nở rộ ngay giữa những thành phố công nghiệp. Một thống kê mới đây cho biết, TP.HCM có 97 CLB, nhóm với hơn 1.000 nghệ nhân, tài tử được đánh giá là có năng lực hoạt động nghệ thuật; Bình Dương có 59 CLB, nhóm ĐCTT với khoảng 800 nghệ nhân, tài tử, sinh hoạt định kỳ ít nhất 1 lần/ tháng…
Một nghệ nhân chia sẻ: ĐCTT là “cái sự chơi”, là tri âm mộ điệu. Nhưng do đời sống kinh tế càng lúc khó khăn, một ngày đờn ở khu du lịch được 200.000 – 300.000 đồng, trong khi đờn cho CLB được bồi dưỡng nhiều nhất 100.000 đồng. Đây là điều mà những người có trách nhiệm bảo tồn ĐCTT không thể làm ngơ. Một chính sách thỏa đáng về vật chất và tinh thần cho các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy nhằm ghi nhận công lao của họ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Bởi, các bậc thầy tên tuổi về ĐCTT hiện nay đa phần đã lớn tuổi, trong khi lớp nghệ nhân kế tục không nhiều. Vì vậy vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản này cần được nhìn nhận ở quy mô cấp nhà nước. Từ đó mới có thể huy động sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trên cơ sở khuyến khích các địa phương mở lớp dạy ĐCTT cho người mộ điệu, nhất là giới trẻ. Trong bối cảnh bộ môn nghệ thuật ĐCTT vừa mới được UNESCO vinh danh, thì, trách nhiệm của những người trong cuộc là phải làm sao nuôi dưỡng ĐCTT giống như một mạch nước ngầm, len lỏi, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống cộng đồng.
Trước thềm năm mới, một tin vui từ Bộ VHTTDL cho biết đã đồng thuận giao cho Sở VHTTDL TP.HCM đăng cai tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bộ môn nghệ thuật ĐCTT, dự kiến vào đầu tháng 2/2014. Và 2 tháng sau đó, một Festival ĐCTT mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên tại Bạc Liêu, chính nơi ấy, gần 100 năm trước nghệ nhân Cao Văn Lầu đã viết bài Dạ cổ hoài lang đi vào bất tử.
Minh Cường
Theo Báo Du lịch
Nghề cắt lá... ra tiền và những nhát kéo tiền triệu
Chỉ với chiếc kéo nhỏ dưới bàn tay khéo léo và con mắt nhà nghề tinh thông đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các nghệ nhân chỉnh sửa cây cảnh.
Tết sắp đến cũng là lúc các nghệ nhân chỉnh sửa cây cảnh ở các làng cây cảnh truyền thống của Nam Định lại tất tả xuôi Nam, ngược Bắc với bộn bề công việc với mong muốn kiếm được khoản thu kha khá dịp cuối năm.
Nhát kéo tiền triệu
Mỗi năm, dịp gần Tết cổ truyền là các nhà vườn cây cảnh hoặc những khu công sở, văn phòng lại trang hoàng cho những cây thế, chậu cảnh một diện mạo mới, đẹp hơn, dáng chuẩn hơn để đón năm mới sau một thời gian để cây mọc tự phát. Có cầu thì ắt có cung, đây cũng là thời điểm cánh thợ sửa cây bận rộn và phải làm ngày làm đêm để hoàn thiện công việc.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn chỉnh sửa một cây sanh theo thế long chầu.
Có lẽ trong các nghề thì sửa cây là một trong những nghề sử dụng ít dụng cụ nhất, chỉ 2 thứ: Cưa và kéo. Và phụ kiện cho công việc tạo dáng cho cây cũng chỉ là dây nhôm, dây nylon cùng vài thanh tre nẹp giữ dáng. Thế nhưng chỉ với chiếc kéo nhỏ dưới bàn tay khéo léo và con mắt nhà nghề tinh thông đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các nghệ nhân làng nghề.
Thoăn thoắt cắt những đám lá mọc lô xô khỏi tán, dựng lại "phom" chuẩn cho một cây sanh thế "sư tử hý cầu" cho một gia đình tại thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định), anh Nguyễn Ngọc Sơn - quê xã Nam Toàn - một cao thủ trong nghề sửa cây có thâm niên hơn 20 năm cho biết: "Những người làm nghề này một phần do được đi làm với các nghệ nhân tiền bối, quan sát và tự học hỏi, còn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm trồng, chiết, chăm sóc cây. Từ đó mới nắm được quy luật phát triển của từng loại cây để định hình, tạo dáng theo "phom", theo thế".
Theo anh Sơn, trừ những cây sanh, si hay tùng la hán... đã có dáng đứng thẳng, mục đích tạo tầng tán theo 5-7 hay 9 tầng thì chỉ việc buộc cành tạo tầng tán, sau đó để cây phát triển tự do vài năm rồi chỉnh sao cho các tầng tròn đều, nhỏ dần từ gốc lên ngọn. Còn với những cây thế phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có con mắt nhìn tinh tế để chỉnh sửa, uốn nắn sao cho cây có dáng ưng ý nhất, đạt thẩm mỹ cao nhất, từ đó sẽ có giá trị kinh tế cao.
Thậm chí có những cây mọc hoang trong vườn nhà người ta, mình xin về trồng, chỉnh sửa, cắt tỉa, gặp khách mua có khi bán được dăm triệu đồng. Thế nên mọi người hay ví von là "nhát kéo tiền triệu". Nghề này tuy không quá vất vả nhưng nắng cũng như mưa cũng luôn phải loay hoay ngoài sân, ngoài vườn, việc chỉnh sửa cây diễn ra quanh năm, nhưng dịp gần tết là bận rộn nhất.
Sửa cây, xây được nhà
Tại Nam Định có những nghệ nhân nổi tiếng trong nghề dù tuổi đời chỉ ngoài 40 như ông Phạm Minh Châu, ông "Vua lộc vừng" Phạm Trà ở xã Nam Toàn, ông Hoan ở Điền Xá, ông Trịnh ở Nam Thắng... Với tay nghề của những người này, mỗi tháng họ có thu nhập 20-30 triệu đồng.
Với những người thợ có tay nghề cao, việc chỉnh sửa một cây cảnh cỡ nhỏ hoặc trung bình hết từ 1-2 tiếng. Sau khi đã định hình kiểu dáng, người thợ cắt bỏ những nhánh thừa, sau đó dùng dây nhôm 3mm cuộn xoắn theo những cành, nhánh để uốn định hình theo thế cây đã lựa chọn.
Tuỳ thuộc vào loại cây là sanh, si, đa, tùng la hán hay quất, đào... mà người thợ lựa chọn kiểu dáng long, phượng, thác đổ, sư tử hý cầu hay lưỡng long chầu nguyệt... Do luôn đòi hỏi sự sáng tạo tối đa nên để trở thành một nghệ nhân là điều không hề đơn giản, vì vậy lượng người có tay nghề chỉnh sửa cao trong làng sinh vật cảnh không phải là nhiều.
Hiện ngày công chỉnh sửa cây cảnh phổ biến như sanh, si, lộc vừng... khoảng 300.000 đồng/ ngày, còn chỉnh uốn tùng la hán, tùng kim là 500.000 đồng/ngày bởi đặc thù của loại cây này rất khó uốn, tạo dựng thế cây cũng phức tạp hơn. "Bình quân một người thợ có tay nghề cao mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 12-15 triệu đồng"- anh Nguyễn Thanh Lâm - thợ sửa cây ở Nam Hồng (Nam Trực) cho biết.
Theo Chu Hồng Châu
Dân Việt
Loạt tranh bút sắt quý hiếm về Đông Dương 100 năm trước Chở ô tô qua sông bằng đò, dị nhân móng dài, những người phụ nữ khóc mướn... là những bức vẽ đặc sắc trong ấn phẩm "Đất, người An Nam qua tranh bút sắt" (Pen pictures of Annam and its people), được xuất bản ở Mỹ năm 1920. Ấn phẩm được số hóa và đăng tải trên trang web của thư viện ĐH...