Về chợ quê ăn bánh gói, bánh dày
Những cơn mưa mùa đông rả rích. Mỗi buổi sớm tinh mơ, ai cũng xuýt xoa trong tiết trời se lạnh.
Không khí lạnh phà về dễ khiến cảm xúc lòng người miên man trong miền ký ức tuổi thơ. Ngày ấy, mỗi sáng thức dậy, đồ ăn sáng quen thuộc của người quê tuy dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn là những cái bánh gói, bánh dày nóng hổi, nghi ngút khói.
Ở chợ quê, không thể thiếu những người chuyên làm nghề bán bánh gói, bánh dày. Bên những bếp than đỏ hồng, ấm nồng là hình bóng các bà, các mẹ tần tảo gánh gồng đôi thúng đựng bánh gói, bánh dày đến chợ từ sớm. Nhiều năm qua vẫn thế, lúc nào bánh gói cũng được bày bán trên cái nia đi kèm với bánh dày.
Có lẽ để tiện xoong nồi, củi lửa nên người bán hay làm cùng một lượt rồi sắp xếp phần bánh gói phía dưới, bánh dày phía trên rồi hấp cách thủy. Để làm nên những chiếc bánh gói, bánh dày ngon phải tốn không ít thời gian chế biến và nhất là phải khéo léo, nhanh tay.
Bánh gói làm từ hỗn hợp bột gạo với gia vị đã nêm vừa đủ, bắc lên bếp lửa nhỏ liu riu, khuấy đến lúc sền sệt. Sau đó nhấc nồi bột xuống, nhanh tay ngắt từng cục bột cho vào miếng lá chuối, điểm thêm một ít nhân đậu xanh và thịt. Gọi là bánh gói vì bánh được gói trong miếng lá chuối tạo hình vuông vức, vừa mắt.
Tôi vẫn nhớ mãi khoảnh khắc khi vừa lột phần lá chuối gói bên ngoài để lộ phần bánh bên trong có lớp vỏ hơi ngả màu xanh. Phần bánh bốc khói nghi ngút, còn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Bánh còn giữ được độ nóng, ăn mới ngon miệng. Tùy theo khẩu vị của người ăn, người bán chan thêm nước mắm hoặc ăn kèm với hỗn hợp nhân màu hồng sền sệt (loại giống nhân ăn kèm với bánh bèo).
Video đang HOT
Tỉ tê bên hàng quà quê, cô bán hàng kể, những tháng cuối năm, nhất là gần sát Tết, bánh gói, bánh dày bán rất chạy vì người ở xa về quê đón Tết hay ghé ăn các món truyền thống. Hẳn thế nên dù đã thưởng thức vài cái bánh gói, lúc nào người ăn cũng quay sang mua thêm vài miếng bánh dày. Phần vì hương vị của hai loại bánh này khác nhau nên ăn chẳng ngán. Bánh gói ăn có vị mềm mịn, bùi bùi.
Còn bánh dày làm từ nếp nên ăn có vị dai nhuyễn. Nếp sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ, xay nhuyễn, lọc lấy phần bột. Bột nếp cho thêm một ít muối, viên thành từng hình tròn nhỏ đặt lên miếng lá chuối xoa sẵn dầu phụng để bánh không bị dính. Đĩa bánh dày hấp chín có màu trắng tinh kèm lớp đậu xanh vàng mịn phía trên trông thật bắt mắt.
Cùng với bánh xèo, ram bắp, bánh gói và bánh dày là những món ăn truyền thống đặc trưng của người miền Trung. Như một nét đẹp bình dị trong dòng chảy văn hóa ẩm thực của xứ đầy nắng và gió, những món ăn dân dã gợi bao nỗi nhớ, níu chân người xa quê về mỗi dịp cuối năm. Ấy vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi những ngày năm cũ sắp trôi qua, gian hàng chợ quê luôn đông đúc, tấp nập. Bánh quê giản dị nên giá tiền cũng vừa phải, ăn đến no bụng chỉ tốn vài nghìn đồng.
Theo Baoquangngai
Đến Hà Nội khám phá những địa chỉ ăn vặt ở 5 khu chợ nổi tiếng
Chè thái chợ Nam Đồng, bánh gối, bánh giò chợ Nghĩa Tân... là những món ăn trở thành thương hiệu gắn với mỗi khu vực dân cư.
Chợ Nam Đồng
Xuất phát điểm với hàng chè được giới trẻ đánh giá là ngon với đủ món như chè Thái, chè bưởi, chè khoai môn.., khu ẩm thực chợ Nam Đồng (quận Đống Đa) ngày càng phát triển với món nem thính, nộm bò khô, nem cuốn... Mỗi chiều, khu vực này rất đông khách, thậm chí có người đến sau phải gửi xe phía ngoài chợ để đi vào. Giá một bát chè dao động 15.000 - 25.000 đồng, nem rán 30.000 đồng một đĩa.
Chợ Nghĩa Tân
Đây được coi là "thiên đường" ăn vặt giá rẻ ở khu vực Cầu Giấy với san sát các hàng quán bán đủ món từ đầu giờ chiều đến tối khuya. Những món ăn vặt chợ Nghĩa Tân được nhiều người yêu thích là bánh gối (8.000 đồng một cái), bánh giò (10.000 đồng một cái), trứng vịt lộn ngải cứu (8.000 đồng một quả)... Từ chiều tối có các quán ốc, nem rán, đồ nướng, bún cá... cũng rất đông khách.
Chợ Đồng Xuân
Khu chợ này được khách nước ngoài khám phá nhiều không chỉ vì sự đa dạng của hàng hóa mà còn bởi những món ăn Hà Nội được lan truyền trên các blog du lịch. Nổi tiếng nhất là bún ốc đặc trưng Hà Nội (30.000 - 40.000 đồng một tô), bún chả que tre (30.000 đồng một phần), bánh rán mặn (3.000 đồng một chiếc) và các loại chè ngọt mát (10.000 - 15.000 đồng một ly). Chợ thuộc quận Hoàn Kiếm, ngay trong khu phố cổ.
Chợ Thành Công
Ngoài cháo trai trứ danh, chợ Thành Công (quận Đống Đa) còn có thức quà chiều cho học sinh ở những trường học gần đó và ngày càng thu hút giới trẻ ghé thưởng thức. Miến cua, miến trộn, bún mọc... được bán với giá 25.000 đồng một tô. Trong chợ có nhiều hàng chè, bán đủ loại với giá 8.000 - 15.000 đồng một ly. Ở phía ngoài chợ bán ngô luộc, khoai nướng bình dị nhưng ngon miệng. Ngô luộc 6.000 đồng một bắp.
Chợ Ngô Sỹ Liên
Quận Ba Đình không có nhiều khu vực được bán hàng vỉa hè như các quận khác, vì thế chợ Ngô Sỹ Liên (gần ga Hà Nội, cổng Trần Quý Cáp) cũng là một điểm đến khám phá ẩm thực thú vị. Nơi đây cũng biết đến với món "bún chửi" nổi tiếng. Từ sáng sớm, các hàng bún bò, bún thang, miến trộn, bún chả... (20.000 - 35.000 đồng một phần) đã rất rộn ràng. Từ đầu giờ chiều trở đi có các hàng bánh giò, quẩy nóng, bánh trôi tàu, mì xào chua ngọt, trứng cút lộn. Giá cả đồ ăn vặt ở chợ Ngô Sỹ Liên vừa phải, tuy nhiên không gian hàng quán hơi hẹp
Theo TCDL
Những món quà vặt "kinh điển" phố cổ Hà Nội Không quá mới để nhắc đến những món ăn vặt ở Hà Nội. Có những món ăn đã đi vào " kinh điển" của bao lứa hoc sinh, sinh viên nói riêng hay mọi lứa tuổi nói chung. Như một cẩm nang bỏ túi, cho những bữa xế ngót bụng với những ai ham quà vặt chiều - một nét độc đáo của...