Về cầu Long Biên: Tranh luận sôi nổi chưa ra phương án
Khi chưa tìm được phương án cuối cùng cho số phận cầu Long Biên, trong giới nghiên cứu tiếp tục nổ ra những cuộc tranh luận khá gay gắt.
Cầu Long Biên phải được ứng xử như “quần thể sống”
Có đến mức phải di dời?
“Không thể tìm một vị trí khác thích hợp hơn cho tuyến đường sắt Ngọc Hồi – Yên Viên”, đó là khẳng định của ông Phan Xuân Đại – Cố vấn cao cấp của Bộ GT-VT trong diễn biến tiếp theo về phương án xử lý với cầu Long Biên. Lý giải cho điều này, ông dẫn ra tình trạng, từ những năm 1960 đến 1972, cầu Long Biên đã chịu nhiều đợt ném bom của Mỹ. Dù ngành đường sắt nhanh chóng xây dựng các trục tạm để chống đỡ dầm chính khỏi bị gẫy đổ nhưng vẫn không giữ được khoảng 2/3 các nhịp dầm giữa sông bị sập đổ hoàn toàn (1.200m trên tổng số 1.800m). Cho đến nay, khả năng chịu tải của cầu Long Biên chỉ còn 57% so với mục tiêu ban đầu.
Tuy nhiên, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu – Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cho rằng, nếu chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông thì đây là cách ứng xử sai lầm, khi trên thực tế, cầu Long Biên phải được coi là thiết chế tổng hợp của nhiều ngành. Đồng tình với quan điểm của GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng, vấn đề kỹ thuật trong bảo tồn không phải là lớn khi chúng ta đã có kinh nghiệm cầu quay, cầu “mở” ngay ở Đà Nẵng và dù là phương án nào muốn di dời cây cầu cũng là sự ngụy biện cho việc “giải tỏa hai đầu cầu quá khó khăn”.
Bao giờ trở thành di sản?
Giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu Long Biên không còn phải bàn cãi thêm nữa. GS.KTS Hoàng Đạo Kính đã nói, “Chưa có một công trình nào ghi tạc trong tiềm thức mỗi người dân diện mạo của Thủ đô Hà Nội một cách mạnh mẽ như thế. Đây vừa là một kỳ công về xây dựng, kỳ tích về kỹ thuật và là một kỳ quan đô thị”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này cầu Long Biên vẫn chưa được công nhận là di sản? Trong những nỗ lực “giải cứu” cầu Long Biên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc cần làm ngay là gấp rút lập hồ sơ để đưa cầu Long Biên trở thành di sản. Đây cũng chính là chìa khóa để đưa ra những phương án bảo tồn cây cầu lịch sử một cách nguyên vẹn, trên cơ sở không can thiệp hay di dời.
Video đang HOT
Để cây cầu là “quần thể sống”
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định, không thể cứ nói là bảo tồn, khi xem xét cầu Long Biên phải đặt ra 3 vấn đề: Có cần thiết phải bảo tồn; bảo tồn để làm gì và làm cách nào để bảo tồn? Trong một động thái đưa ra những phương án thiết thực cho cầu Long Biên, KTS. Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp tiếp tục kêu gọi thực hiện ý tưởng “Bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan, trung tâm Thủ đô Hà Nội” mà bà đã xây dựng từ năm 2008 trên cơ sở giữ nguyên 9 nhịp cầu nguyên thủy và đúc mới 10 nhịp cầu, tạo thành một bảo tàng ký ức. Cho dù theo bà, chỉ mất chưa đến 3 năm để thực hiện dự án này với kinh phí không quá 2.500 tỷ đồng được Chính phủ Pháp tài trợ, thì cũng cần phải xét nó trên nhiều khía cạnh như đáp ứng giao thông, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, diện mạo kiến trúc đô thị…
Ứng xử như thế nào với cầu Long Biên? Khi cuộc tranh luận trong nhiều ngày qua của giới nghiên cứu, giới kỹ thuật vẫn chưa có hồi kết, thì cầu Long Biên vẫn cần phải được ứng xử như một “quần thể sống”, vừa không đánh mất những giá trị lịch sử, vừa để nó được vận động theo dòng chảy cuộc sống đương đại.
Theo ANTD
Băn khoăn quanh cây cầu Long Biên
Mấy ngày nay, dư luận bàn nhiều về việc Bộ GTVT đề xuất 3 phương án cầu cho tuyến đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng, trong đó cân nhắc việc bảo tồn toàn bộ hay một phần cầu Long Biên cũ. Đã có những lo ngại, nếu ý tưởng này được hiện thực hóa, liệu có làm hỏng đi cây cầu - một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đều trình bày không chỉ có tuyến đường sắt đô thị mà còn nhiều tuyến đường sắt đi Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai đều vượt sông Hồng theo hướng này và có gợi ý thêm cầu mới ở phía Bắc cầu Long Biên. Vào tháng 7-2010 JICA (Nhật Bản) đề xuất tuyến đường sắt đô thị số 1 và 2 có vị trí ga Nam cầu Long Biên. Như vậy vị trí cầu Long Biên cũ không chỉ liên quan tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 1 mà còn kết hợp ĐSĐT với đường sắt kết nối ngoại tỉnh, đó là chưa kể đến mạng lưới đường sắt thường và tốc độ cao trong định hướng quy hoạch vùng Thủ đô... Do vậy, phương án 1 chỉ với 1 tuyến ĐSĐT mà phải làm cầu mới tại vị trí cầu Long Biên cũ đồng thời di dời 9 nhịp cầu cũ ra nơi khác để bảo tồn, có thể là xa xỉ và bảo tồn nửa vời.
Quy hoạch đường sắt Hà Nội đi các tỉnh qua cầu mới ở Bắc cầu Long Biên
Cầu Long Biên cũ có thể gánh vác nhiệm vụ mới?
Cầu Long Biên được xây dựng cách đây hơn 100 năm, cây cầu như một chứng tích lịch sử, với bao thăng trầm, biến thiên diễn ra trên mảnh đất kinh kỳ này. Cây cầu từng bị phá hoại do chiến tranh, thiên nhiên và đã lâu không được bảo trì đúng cách nên đã hư hỏng xuống cấp nhiều. Nếu chỉ bố trí tuyến đường sắt đô thị (3 -5 toa chở hành khách), tàu du lịch, hai bên để đi bộ và xe thô sơ thì may ra cây cầu cũ có thể đảm trách được, tất nhiên là cần gia cố, phục chế những nhịp cầu chắp vá thành như xưa, các mố cầu cũng cần gia cố... như phương án 2 mà Bộ GTVT đề xuất là có cơ sở. Thế nhưng, nếu chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông mà nâng cấp quá đà, làm biến dạng thì rủi ro làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa là rất dễ xảy ra. Mặt khác, mới chỉ có một tuyến đường sắt đô thị, còn các tuyến đường sắt khác có trong quy hoạch hay lối đi ô tô - xe máy chưa đề cập, vậy phương án 2 là chưa thỏa đáng.
Phương án 3 cũng theo kịch bản này, trong đó chỉ lưu ý bảo tồn 9 nhịp cũ còn các nhịp mới sửa lại sau khi bị bom phá hủy không bảo tồn...Vậy là có một cây cầu Long Biên mới "tân cổ giao duyên". Phương án này cũng khó chấp nhận.
Tuyến đường sắt nội đô số 1 từ Ga Hà Nội đi qua vườn hoa Hàng Đậu
lên phía Bắc cầu Long Biên do JICA đề xuất tháng 7-2010
Bảo tồn và phát triển
Sau một thế kỷ tồn tại với bao thử thách, cây cầu đang đứng trước thời khắc đầy khó khăn: cũ kỹ, ọp ẹp... giữa Hà Nội như một bài toán đố, áp lực giao thông đô thị gia tăng hàng ngày trong khi kinh phí cũng chẳng dư dả gì .
Khảo cứu những tài liệu liên quan đến các dự án giao thông quanh cầu Long Biên cách đây 100 năm, đó là bản vẽ năm 1908 đường nối lên cầu của cơ quan thương mại và dịch vụ công cộng đi qua đình và chùa Phúc Lâm tô màu đỏ. Sau những cân nhắc, các tuyến không đi qua đây, mặc dù chùa Phúc Lâm số 120 Yên Phụ cũng mới được sang sửa cùng thời. Chúng ta có thể thấy những kinh nghiệm nghiên cứu thận trọng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị cũng như bảo tồn di sản văn hóa lịch sử. Từ những bài học trong quá khứ và những yêu cầu của tương lai, nên chăng phương án thực hiện các dự án vượt sông Hồng cần kết hợp phương án 1&2: Cầu cũ làm lại như cũ, giảm tải trọng: tàu du lịch, đường sắt đô thị tuyến 1, đi bộ - xe đạp kết hợp các lối đi ra bãi giữa sông Hồng. Cầu mới xây cách tim cầu cũ 85m về phía thượng lưu đương săt đôi chay ơ giưa, ô tô xe máy hai bên. Cầu mới đáp ứng các nhu cầu giao thông cho hàng trăm năm với kết cấu hiện đại đáp ứng các kịch bản phát triển giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy.
Ngày Quốc tế Bảo tàng 2014 có chủ đề là: "Museum collections make connections", được hiểu nghĩa trực tiếp là "Sưu tập bảo tàng tạo ra những kết nối". Cầu Long Biên là một hiện vật khổng lồ trong bộ sưu tập hiện vật lịch sử - văn hóa đô thị Hà Nội - nó có thể và cần thiết trở thành cây cầu kết nối quá khứ tới tương lai. Và đương nhiên, cho dù cây cầu có giá trị văn hóa lịch sử quan trọng đến bao nhiêu chăng nữa thì một khi đã xác định đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng thì cầu Long Biên cũ hay mới đều phải có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu giao thông.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: "Phải bảo vệ cầu Long Biên như một di sản"
Cầu Long Biên chưa được Nhà nước xếp hạng thành di sản. Theo tôi đó là một thiếu sót rất lớn. Vừa khó khăn cho công tác bảo tồn, vừa là điều gì đó rất đáng ngạc nhiên vì một di sản có giá trị như vậy lại chưa được xếp hạng về mặt pháp lý. Mặc dù chưa phải là di sản chính thức nhưng những người có trách nhiệm, những người có văn hóa đều cho nó là di sản rồi. Mà nếu là một di sản chính đáng thì phải tuân theo Luật Di sản - trong đó tiêu chí quan trọng nhất là giữ nguyên giá trị nguyên gốc của di sản, tránh can thiệp, tránh làm biến dạng di sản. Kể cả những nhịp đã gãy mất cũng phải để nguyên vì nó chứa đựng những câu chuyện lịch sử trong đó. Cầu Long Biên là vật thể bằng kim loại, để bảo tồn nó chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của những nước tiên tiến, trên cơ sở phải có chuyên gia về vật liệu, hóa học, hóa chất, về sinh thái... Bên cạnh đó có kế hoạch duy tu bảo dưỡng thường xuyên, miễn là không ảnh hưởng đến sự xuống cấp của nó.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Đừng biến cây cầu thành vật thể ngắm nhìn"
Cầu Long Biên là cây cầu lịch sử, làm nên nội hàm văn hóa của thành phố Hà Nội. Không chỉ là con đường giao thông phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đóng góp vào sự hình thành của Thủ đô Hà Nội. Tôi không tán thành phương án phá bỏ hay xây mới cây cầu, vì bất cứ vị trí nào thì cũng hoàn toàn không ổn. Hãy để nó đúng là một cây cầu, trên cơ sở bảo tồn nhưng vẫn giữ giá trị sử dụng của nó, đưa nó trở thành cây cầu cho người dân đi bộ. Nếu bảo tồn, chúng ta phải khôi phục hình ảnh ban đầu của nó. Những đoạn bị hư hỏng do bị ném bom thì chúng ta có thể cải tạo, sau này có thể để chú thích hoặc chỉ dẫn. Phải làm một hệ thống lâu dài chứ không thể "bảo tàng hóa" mà biến cây cầu thành một vật thể ngắm nhìn.
Theo ANTD
Không thể vô tư "xóa bỏ" di tích lịch sử cầu Long Biên Văn bản lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc di dời 9 nhịp cầu Long Biên để bảo tồn và xây cầu mới tại vị trí tim cầu cũ đang làm dấy lên luồng dư luận phản đối. Số phận của cây cầu lịch sử - biểu tưởng của Hà Nội nghìn năm văn hiến một lần nữa lại...