Về Bắc Ninh thưởng thức món quà quê bánh cuốn Mão Điền
Sự kết hợp tinh tế của gạo, hành phi cùng nước chấm đậm đà… khiến ai từng một lần thưởng thức món quà quê bánh cuốn Mão Điền cũng không thể quên.
Bánh cuốn sau khi tráng được người dân xã Mão Điền quết lên một lớp hành phi. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không chỉ được biết đến với cái tên đất học, làng cá con, làng kẹo kéo… mà còn nổi tiếng với 1 món ăn ngon có tiếng đó là bánh cuốn.
Sự kết hợp tinh tế của gạo, hành phi cùng nước chấm đậm đà… khiến ai từng một lần thưởng thức món quà quê bánh cuốn Mão Điền cũng không thể quên.
Không ai trong xã Mão Điền nhớ được bánh cuốn có từ bao giờ. Họ chỉ biết loại bánh này có từ rất lâu và món quà quê không thể thiếu của người dân nơi đây. Theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm bánh cuốn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Trước đây, khi những người đàn ông ở Mão Điền đi bán cá, những người phụ nữ ở nhà làm bánh cuốn nuôi con ăn học. Bánh cuốn ngày đó được làm bằng phương pháp thủ công phải qua nhiều công đoạn hơn các loại bánh khác. Đầu tiên phải xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn và đặt nồi.
Bánh cuốn thơm và ngon hơn bởi hành vì vậy khâu chuẩn bị hành đòi hỏi rất công phu. Hành phải là những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, rửa sạch rồi thái mỏng đem phi thơm. Phi hành xong giã nhỏ khi nào bánh chín để nguội mới bôi lên.
Khi đã có đủ những thứ đó người phụ nữ phải chọn, ngâm gạo, sát bột (sát bột bằng cối), lọc bột cho hết chất chua rồi mới quạt lò, tráng bánh. Để tráng được một thúng bánh từ 35-40kg người tráng phải ngồi bên lò suốt 5-6 giờ, mọi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, kiên trì và nhanh nhẹn.
Người dân xã Mão Điền làm bánh cuốn. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Từ 2-3 giờ sáng những người phụ nữ đã phải gánh bánh đi bán khắp các làng các chợ để kịp cho khách ăn sáng. Công việc hết sức vất vả thế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu người dân lấy chất thừa như bột, cám để chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Video đang HOT
Những năm gần đây nhân dân địa phương đã đầu tư công nghệ sản xuất bánh theo phương pháp mới. Mọi công đoạn sát bột, thái hành đều làm bằng máy. Sản xuất bánh cuốn bằng máy cho năng suất cao gấp 10-20 lần tráng bằng phương pháp thủ công, ít tốn công sức, thời gian và nguyên liệu hơn.
Hiện nay, xã có 12 chiếc máy sản xuất bánh hiện đại, công suất lớn, sản xuất cho hơn 200 hộ tiêu thụ. Trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 3 với 7 chiếc máy, sản xuất bánh cho hơn 100 hộ tiêu thụ.
Một máy sản xuất trung bình 3,5- 4tạ bánh/ngày vào mùa đông, 6-7 tạ bánh/ngày vào mùa hè. Một máy sản xuất có lợi nhuận từ 7-8 triệu đồng/tháng. Với những hộ tiêu thụ bánh, năng suất phụ thuộc vào tài kinh doanh của từng người.
Hộ ít nhất bán được 50-70 kg bánh/ngày, hộ bán được nhiều nhất từ 2-3 tạ bánh/ngày, giá bánh cuốn là 10-12.000đồng/kg, trung bình thu nhập từ 2-9 triệu đồng/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu ăn uống ngày càng cao hơn của thực khách người dân làm 2 loại bánh, bánh hành và mộc nhĩ. Bánh được mang đi bán không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh.
Người dân xã Mão Điền làm bánh cuốn. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Nhiều quán ăn, nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương biết tiếng đã đặt bánh cuốn Mão Điền. Nhiều người ăn bánh cuốn Mão Điền còn lầm tưởng đây là bánh cuốn Thanh Trì-loại bánh cuốn nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.
Ông Vũ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân xã Mão Điền cho biết, từ lâu, bánh cuốn đã trở thành món ăn, món quà quê không thể thiếu của mỗi thực khách khi đến với Mão Điền. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc làm bánh cuốn mang lại, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Hiện địa bàn xã Mão Điền có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh cuốn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Vũ Văn Mạnh, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề sản xuất, kinh doanh bánh cuốn Mão Điền còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực. Hiện nay, người có kinh nghiệm làm bánh cuốn ngày càng ít, trong khi đó, hầu hết thế hệ trẻ tại địa phương lại chọn nghề khác.
Bên cạnh đó, bánh cuốn Mão Điền chưa có nhãn hiệu sản phẩm nên việc quảng bá thương hiệu đến tay người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ngoài tỉnh chưa nhiều.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ và phát triển nghề làm bánh cuốn Mão Điền. Hiện, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và truyền dạy nghề làm bánh cuốn cho thế hệ trẻ.
Chính quyền xã Mão Điền đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh cuốn Mão Điền, tạo điều kiện tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Trước mắt, bánh cuốn Mão Điền hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và thực khách khi đến tham quan, du lịch tại Bắc Ninh, bởi họ chính là những “đại sứ thương hiệu” đưa món quà quê của người Kinh Bắc đi khắp muôn nơi./.
Theo Vietnamplus.
Đông về nhớ bánh cuốn nóng
Bánh cuốn nóng là thức quà dân dã của người Hà Nội. Đêm đông lạnh, thưởng thức đĩa bánh cuốn nghi ngút cùng hành phi thơm ngậy bên lò than ấm giúp vơi đi cái lạnh đến xuýt xoa.
Mùa đông, lang thang trên phố, nhìn những thức quà nóng hổi, bốc khói nghi ngút của quán xá ven đường luôn thấy hấp dẫn.
Bánh cuốn nóng là món ăn nhẹ nhàng và ấm lòng cho những ngày đông giá rét ở Hà Nội.
Nếu món bánh cuốn truyền thống Thanh Trì không nhân, được tráng sẵn hợp với tiết trời nực mùa hè thì thứ quà của những tháng "ngày ngắn, đêm dài" này lại là bánh cuốn nóng. Những địa chỉ bánh cuốn nóng tuy đơn sơ nhưng luôn hút khách bởi hương vị thơm ngon và sự khéo léo trong cách chế biến...
Khác với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn nóng khi có khách ăn, bà chủ mới tráng bánh. Bà ngồi cạnh chiếc nồi nhôm hoặc gang luôn sôi xình xịch, thở ra những làn hơi nước qua tấm vải căng ngang mặt nồi. Khách đến, bà cầm chiếc muôi làm từ gáo dừa, nông choèn và rộng bản, có cán xâu bằng que tre, bà múc bột bánh rồi đổ và láng nhanh trên mặt vải căng trên nồi hấp rồi đậy lại. Gác chiếc muôi lên thành cái xoong đựng bột, bà lại mở nắp nồi, dùng một thanh cật tre mỏng, lia nhanh quanh miếng bánh rồi cuộn lại một phần để nhấc hoàn toàn lá bánh trắng ngọc ngà đang bốc khói khỏi mặt khuôn. Đặt bánh lên cái mâm đồng, bà lại đổ bột, láng bánh, đậy nắp xong mới quay ra, thoa một lượt mỡ nước trơn láng lên tấm lụa bánh rồi dùng thìa xúc nhân bánh - làm bằng thịt nạc vai, tôm nõn tươi, nấm mèo, nấm hương, hành lá, gia vị hạt tiêu..., tất cả băm nhỏ, xào chín - vào giữa lá bánh, cuốn lại thành thỏi tròn dài và lại thoa một lượt mỡ nước lên.
Vào nhân, cuốn bánh vừa xong cũng là lúc lá bánh ở nồi hấp kia đã hoàn thiện giai đoạn chuyển hóa từ nước bột thành lá bánh ngọc ngà. Và tay bà chủ lại thoăn thoắt thao tác thuần thục những động tác quen thuộc. Cứ một đĩa đủ 3-4 cuốn bánh, bà lại cắt đôi, rắc ruốc tôm, hành phi và đặt lên vài cọng rau mùi xanh non rồi mới chuyển cho khách.
Từng miếng bánh cuốn trắng bóng, bọc nhân thịt đầy đặn.
Bà cứ miệt mài, tuần tự mặc cho đám khách chăm chú nhìn theo từng công đoạn. Nhìn đĩa bánh có lớp áo trắng ngà thơm phức, nóng hổi trong mờ ý nhị khoe những nấm mèo đen giòn, tôm đỏ hồng, thịt băm mà nước bọt cứ tứa ra...
Gắp một miếng bánh, dìm vào bát nước chấm chua, ngọt rồi khẽ khàng đưa vào miệng, cảm nhận ngay vị thơm của gạo quê, vị giòn của mộc nhĩ, mùi thơm của cái nước xào thần thánh, tắm bằng lớp nước chấm. Tất cả kết hợp hài hòa, hoàn toàn không bị cảm giác nhân đằng nhân, vỏ đằng vỏ. Hành phi cũng rất thơm, vàng ươm, ăn giòn bùi. Ăn kèm ít rau húng Láng, rau mùi ta thì đĩa bánh cuốn ấy lại càng trọn vị.
Bánh cuốn nóng ăn cùng chả quế rất ngon.
Những người sành ăn cho biết, để pha nước chấm ngon nhất định phải có thịt lợn thăn. Thịt xào cháy cạnh với hành tím, mắm, hạt tiêu, khi thơm thì cho nước vào ninh để thịt tiết ra hết chất ngọt, rồi mới pha thêm mắm, đường, dấm. Nước chấm, chua ngọt vừa phải, ngọt sâu của thịt thăn, thơm mùi mắm không bị nồng. Khi ăn vẫn vắt thêm chút chanh, thêm ít hạt tiêu và vài lát ớt. Nhiều hàng pha nước chấm ngon, khách ăn xong miếng bánh cuối cùng vẫn hé môi húp sì soạt.
Món bánh cuốn vẫn theo cách làm xưa, thủ công và tỉ mẩn. Nóng vội hoặc vụng, đĩa bánh cuốn sẽ chỉ là đống bột hấp chín được phủ hành, nhàu nhĩ và vón cục. Bởi vậy, việc ăn bánh cuốn nóng đòi hỏi sự chờ đợi. Khách vắng, đợi ít. Khách đông, phải đợi lâu. Thế nhưng chẳng mấy ai cằn nhằn bởi sự đền đáp của bánh cuốn nóng luôn làm thỏa mãn công sức đã bỏ ra.
Bà chủ phải làm luôn tay nên bánh đưa cho khách luôn nóng ấm.
Không có bánh cuốn nóng, mùa đông Hà Nội sẽ dài và lạnh lắm!
Theo HNM
Cà na - món quà quê trong ký ức tuổi thơ Lấy một trái cà na chấm muối ớt cay cho vào miệng, chậm rãi thưởng thức hương vị chua thanh và mằn mặn hòa quyện vào nhau thì không gì tuyệt vời bằng. Quê nội của tôi thuộc một tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi thơ tôi lớn lên từ đó và gắn liền với với những ngày hè...