Về An Lão (Bình Định) leo đèo, ngắm thác
Huyện miền núi An Lão thuộc tỉnh Bình Định là một điểm đến thú vị rất đáng để khám phá và chiêm ngưỡng.
Từ trung tâm huyện Hoài Nhơn, thẳng hướng Xuân Phong (xã An Hòa, H.An Lão) khoảng 20 km, sau đó rẽ và đi thêm chừng 5 km nữa là đến con đường dẫn lên xã An Toàn. Dừng lại ở cột mốc cây số 10, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm một chuyến dã ngoại đầy thú vị. Từ đường chính, du khách đi bộ xuống suối. Các tảng đá xếp chồng lên nhau, theo thời gian và dòng nước chảy qua tạo nên những hình thù lạ mắt. Ở đoạn này, các lớp đá gắn kết với nhau như những bậc thang khổng lồ, dòng nước cứ thế chảy xuống tạo những thác nhỏ hiền hòa.
Những thân cây to đổ nghiêng bên hai bờ suối rợp bóng mát để du khách dựng lều, đốt lửa nướng thức ăn… Nghỉ ngơi xong, không còn gì thích hơn khi được ngâm mình dưới những thác nước nhỏ, bơi bì bõm trong hồ nước vừa đủ độ sâu và mát lạnh. Nếu muốn chinh phục thác nguồn, du khách có thể leo đèo thêm 2 km nữa. Ở đó có thác nước cao hơn, hồ sâu hơn và một tầm nhìn mênh mông hơn.
Tại Bình Định, con đường lên xã An Toàn nổi tiếng từ lâu, không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi con đường đất nhỏ, xuyên rừng, ngoằn ngoèo, đặc biệt là độ dốc của nó. Chiều đi chỉ lên chứ không có xuống. Rất nhiều du khách đã phải thốt lên “ôi, sao dốc đứng thế” khi trải nghiệm đoạn đèo này. Nếu không muốn đi bộ, du khách nên tìm cho mình một xe gắn máy đủ mạnh để leo đèo, hoặc một chiếc ô tô chuyên dụng leo núi. Dĩ nhiên đồng hành phải là một tay lái “cứng cựa”.
Những con đường mòn trên đỉnh đồi, hàng cau xanh mướt mát bên mạn sườn, lác đác sắc hoa rừng, văng vẳng bên tai là âm thanh ríu rít của các chú chim non, tiếng róc rách pha lẫn tiếng thác đổ… Bức tranh thiên nhiên hoang dã lung linh và mềm mại khiến người ta có cảm giác thanh thoát đến kỳ lạ
Video đang HOT
Nước non Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định)
Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam, Ghềnh Ráng là một trong những danh thắng bậc nhất của tỉnh Bình Định.
Đến Ghềnh Ráng, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian thơ mộng nhưng không kém phần hùng vỹ của biển- núi miền duyên hải với đồi Thi Nhân, bãi tắm Hoàng Hậu, hòn Vọng Phu, bãi Tiên Sa... mà còn bị hấp dẫn hơn bởi đây là nơi ghi dấu quãng đời thi nghiệp của thi sỹ tài danh bạc mệnh: Hàn Mặc Tử.
Phố biển Quy Nhơn dịu dàng ôm lấy bờ biển với từng bãi dài bờ cát. Ảnh: Hồng Thi |
Ghềnh Ráng có diện tích gần 35 ha, là một quần thể sơn thạch thuộc dãy núi Xuân Vân. Dưới chân ghềnh là bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ. Từ Ghềnh Ráng, du khách có thể ngắm nhìn gần trọn hết vẻ đẹp đầy sức sống của phố biển Quy Nhơn.
Năm 1927, Ghềnh Ráng đã được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ dưỡng. Năm 1991, Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia. Đến với Ghềnh Ráng, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của những câu chuyện huyền thoại.
|
Bãi tắm Hoàng Hậu. Ảnh: Hồng Thi |
Tương truyền rằng, bãi tắm Hoàng Hậu là nơi Nam Phương Hoàng hậu- Vị Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam chọn làm bãi tắm cho riêng mình. Có thể nói, từ xa xưa, nước non Ghềnh Ráng đã chinh phục được không chỉ những người con xứ "nẫu".
Bãi đá trứng. Ảnh: Hồng Thi |
Ngay dưới chân vách đá dựng đứng, hiểm trở là từng bãi đá trứng xếp chồng, xếp lớp. Cùng với làn nước biển xanh trong, đá trứng nhỏ bé ngàn năm kiên trì, bền bỉ trước vô vàn con sóng vỗ. Tạo hóa đã hớ hênh hay sự bền bỉ của những hòn đá nhỏ bé này đã chinh phục tạo hóa, để điều đi ngược quy luật bào mòn đã xảy ra? Và, nhân thế được ban cho một kỳ quan lạ.
Bãi Tiên Sa. Ảnh: Hồng Thi |
Bãi Tiên Sa có thể ví như một "Nha Trang thứ hai" của Quy Nhơn. Những hàng thông xanh ngắt trải dài, từng bờ cát trắng xóa, lấp lánh trong ánh trưa, gió biển lồng lộng... Đến Bãi Tiên Sa, du khách sẽ tự mình chiêm nghiệm được vì sao, bãi biển này lại có cái tên đậm màu cổ tích đến như vậy.
Mộ của thi sỹ Hàn Mặc Tử. Ảnh: Hồng Thi |
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng những cảnh quan trời ban, Ghềnh Ráng còn làm nặng lòng du khách bởi là nơi thi sỹ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử đã sống những ngày quằn quại đau thương và cho ra đời những áng thơ tình bất hủ. Trại phong Quy Hòa, nơi Nguyễn Trọng Trí (tên thật của nhà thơ Hàn Mặc Tử) đã gắn bó suốt những năm tháng mắc phải căn bệnh phong quái ác.
Dốc Đá- con đường đã đi vào không ít tác phẩm thi- nhạc. Ảnh Hồng Thi |
Những bài thơ tình chan chứa yêu thương và khao khát đến cuồng loạn của một tâm hồn biết yêu và khao khát yêu như Hàn Mặc Tử được thắp lên trong nỗi khốn khổ của bệnh tật cùng cái hữu tình của tự nhiên Ghềnh Ráng. Trong thung lũng yên bình, phía trước là biển trời bao la, đằng sau là dãy núi non điệp trùng với Dốc Đá, thi sỹ họ Hàn yên nghỉ và đón nhận cuộc sống mới sau kiếp tài danh nhưng quá đỗi bạc mệnh ấy.
Viết thơ lên nền gỗ thông bằng bút lửa. Ảnh: Hồng Thi |
Đến Ghềnh Ráng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nghệ thuật thi pháp bằng bút lửa, ghi lại những bài thơ của thi sĩ họ Hàn do nghệ nhân Dzũ Kha thực hiện. Từng lời thơ, vần chữ của Hàn Mặc Tử được khắc in khéo léo trên nền những tấm gỗ thông hẳn sẽ là kỷ vật ý nghĩa dành cho mỗi du khách khi đặt chân đến chốn này.
Làng phong Quy Hòa- nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã gắn bó suốt những ngày tháng đau bệnh và cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Cũng tại ngôi làng này, những bài thơ tình bất hủ của ông được ra đời.
Một góc làng phong Quy Hòa hôm nay. Ảnh Hồng Thi |
Hàn Mặc Tử đã không còn nhưng thơ ông vẫn sẽ mãi mãi ở trong lòng thế sự. Rất nhiều những thế hệ yêu thơ Hàn tìm đến với ông, tìm đến Ghềnh Ráng để được thắp nén nhang thơm tưởng nhớ và bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa. Ghềnh Ráng- nơi in đậm dấu ấn cuộc đời ông cũng sẽ mãi mãi được nhắc tên như một phần chứng nhân. Và như thế, sẽ là thiếu sót lớn nếu những ai có dịp dừng chân nơi phố biển Quy Nhơn lại không tìm đến Ghềnh Ráng để biết và để hiểu vì sao, nơi đây lại chắp hồn thơ cho những tác phẩm hay đến như vậy
Biển Nhơn Lý - Thắng cảnh đẹp của Bình Định Xã Nhơn Lý hiện nay đã phát triển nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên với những bãi cát trắng trải dài, nhà mái ngói đỏ tươi, biển vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Cách trung tâm phố Quy Nhơn 30km, băng qua cầu Thị Nại là xã Nhơn Lý. Xã Nhơn Lý đã có lịch sử lâu đời, bề...