VCS từ ngày “ra ở riêng”, trở thành khu vực lớn: Gặt hái được gì ngoài hai chữ “thụt lùi”?
Việc trở thành một khu vực độc lập vào năm 2018 tưởng như sẽ là cột mốc mới cho sự phát triển của VCS…
Giai đoạn cuối năm 2017 đánh dấu những cột mốc vô cùng đáng nhớ đối với người hâm mộ LMHT Việt. 5 năm sau “cơn địa chấn” mang tên Saigon Joker tại CKTG 2012, LMHT chuyên nghiệp Việt Nam lại có thêm một bước nhảy vọt mới, khi chính thức được Riot Games thừa nhận là một khu vực độc lập.
Kể từ Mùa Xuân 2018, VCS tách ra khỏi hệ thống giải đấu GPL (giải đấu LMHT Đông Nam Á), trở thành một khu vực riêng và chắc có 1 slot tham dự MSI cũng như CKTG. Đây là một điều “hiển nhiên phải đến”, khi các đội tuyển LMHT Việt Nam đã cho thấy những bước nhảy vọt về tầm vóc và trình độ so với những đối thủ cùng khu vực. Chúng ta vô địch GPL 4 mùa giải liên tiếp, và các đội VCS (GAM Esports, Young Generation) cũng trở thành những đại diện Wild-card có màn trình diễn ấn tượng nhất tại MSI 2017 và CKTG 2017.
Bước sang năm 2019, với việc Phong Vũ Buffalo thành công vượt qua vòng Play-in tại MSI 2019, VCS tiếp tục nhận được sự ưu ái từ Riot, khi tăng số lượng slot tham dự CKTG lên 2, một đại diện vào thẳng vòng bảng và một đại diện tham dự Play-in. Lúc này, vị thế của VCS đã được nâng tầm hoàn toàn, sánh vai với 5 khu vực lớn khác là LCK, LPL, LCS, LEC và PCS.
Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà cho đến hiện tại, đã gần 4 năm trôi qua, người hâm mộ quốc tế lại chẳng có thêm bất kỳ ấn tượng sâu đậm nào về “khu vực lớn thứ 6″ này, ngoại trừ ánh hào quang của GAM 2017 trong quá khứ. Vậy rốt cuộc, điều gì đã xảy ra với VCS trong suốt giai đoạn 2018 – 2021, với tư cách một khu vực độc lập?
GAM Esports tại CKTG 2017 – Giải đấu cuối cùng mà các đội Việt Nam tham dự với tư cách đại diện của GPL
Thành tích quốc tế ngày càng thụt lùi
Nếu không tính 3 giải đấu quốc tế gần nhất mà VCS không thể góp mặt (MSI 2020 bị hủy, CKTG 2020, MSI 2021 không thể tham dự), thì so với MSI 2017 và CKTG 2017, các đại diện VCS tham dự đấu trường quốc tế vẫn chưa tạo thêm bất kỳ dấu ấn nào về mặt thành tích, nói cách khác là dậm chân tại chỗ và… lùi dần đều.
Đội có thành tích tốt nhất tại một giải đấu cấp thế giới là GAM Esports ở MSI 2017, với 3 ván thắng. Vài tháng sau đó, đội tuyển này suýt nữa đã làm nên bất ngờ khi có được 2 ván thắng ở CKTG và chỉ mất tấm vé vào Tứ kết sau loạt trận tie-break.
MSI 2017 là giải đấu mà đại diện VCS có được thành tựu tốt nhất trên đấu trường quốc tế
Cũng chính vì một chữ “suýt” này, mà người hâm mộ LMHT Việt Nam, dẫu có tiếc nuối, vẫn đặt niềm tin vào một viễn cảnh tương lai, nơi VCS thành công vượt qua vòng bảng một giải đấu quốc tế, để chen chân vào top 8 đội mạnh nhất thế giới.
Nhưng rồi, ở các giải đấu MSI 2018, CKTG 2018, MSI 2019, CKTG 2019 sau đó, các đại diện Việt Nam như EVOS Esports, Phong Vũ Buffalo, hay chính GAM Esports, đều không thể hiện thực hóa mục tiêu đó. Thậm chí tại CKTG 2019, GAM còn trở thành nỗi thất vọng tràn trề, khi đặt mục tiêu vào top 4, nhưng lại sớm ra về từ vòng bảng với thành tích 1 thắng – 5 thua.
So sánh giữa CKTG 2019 và MSI 2017, dường như thành tích VCS chỉ có giảm mà không có tăng, trong khi một giải đấu bị coi là “hết thời” như PCS, thì lại ngày càng cho thấy dấu hiệu trở lại mạnh mẽ, điển hình là vị trí top 4 mà PSG Talon có được tại MSI 2021 vừa qua.
Ngập ngụa trong drama
Không để lại thêm bất kỳ dấu ấn nào trên đấu trường chuyên nghiệp, thậm chí không góp mặt ở 3 giải đấu gần nhất, nhưng rốt cuộc, người hâm một quốc tế vẫn phải liên tục nhắc tên VCS, vì những vụ bê bối, drama truyền kỳ xoay quanh giải đấu này.
Điển hình là vụ việc Zeros bị ban vĩnh viễn do phát ngôn liên quan đến dịch bệnh vừa qua. Sự việc này đã được rất nhiều kênh truyền thông đình đám trên thế giới đưa tin, và thậm chí từ khóa Zeros còn trở thành hot search trên MXH Weibo trong suốt một tuần lễ.
Video đang HOT
Liên tiếp là những án phạt liên quan đến hành vi ứng xử, vi phạm hợp đồng, gian lận, tham gia cá độ, khiến VCS bỗng chốc trở thành cái gai trong mắt khán giả nước nhà. SofM quả thực là niềm tự hào của Esports Việt Nam, nhưng nhìn cái cách mà người hâm mộ trong nước – Nơi sở hữu giải đấu nằm trong top 6 thế giới, chỉ còn biết bấu víu vào duy nhất một tuyển thủ đã xa nhà ngót 5 năm để tìm kiếm niềm vui chiến thắng, thì bảo sao không chua xót.
Câu hỏi lớn về trách nhiệm của Nhà phát hành
LMHT từng được gọi là tựa game “quốc dân” tại Việt Nam, nhưng thực tế là trong 2 – 3 năm gần đây, bộ môn này dường như đã bị ghẻ lạnh hoàn toàn bởi NPH Garena. Dù có muốn lấp liếm đến đâu đi nữa thì việc hệ thống giải đấu chuyên nghiệp VCS được triển khai một cách hời hợt, thậm chí dẫn đến “đóng băng” vô thời hạn như hiện tại, khi đặt lên bàn cân so sánh với những giải đấu hoành tráng của Liên Quân Mobile hay Free Fire – Những tựa game anh em của nó, cũng khiến cộng đồng không khỏi nhức nhối.
Chất lượng giải đấu vốn đã bị hoài nghi, mà chất lượng trải nghiệm của game thủ thì lại càng tệ. Việc Client LMHT lỗi liên tục trong vòng hơn 1 tuần vừa qua, đã khiến sự bức xúc của cộng đồng gần như vượt khỏi giới hạn. Một số giả thuyết cho rằng, ngay cả khi Client vốn là sản phẩm của Riot Games, thì việc Garena đưa quá nhiều sự kiện vào game (mà sự kiện cần gì thì ai cũng biết rồi) mới là nguyên nhân dẫn đến sự quá tải, lỗi lên lỗi xuống, lỗi trái lỗi phải, lỗi nay lỗi mai… của Client game.
Cộng đồng game thủ Việt ngán ngẩm khi lỗi sự kiện thì fix rất nhanh, thậm chí fix ngay trong đêm, nhưng lỗi tính năng thì nửa tháng rồi mà “nguyễn y vân”
Việc trải nghiệm một tựa game, một giải đấu Esports với chất lượng luôn bị đặt dấu hỏi, và mang nặng những bầu không khí tiêu cực, liệu có phải là thứ mà người chơi của “một trong 6 khu vực lớn” đáng phải nhận? Trong khi PCS, dù cũng bị lên án vì Client đấy, nhưng ít ra họ còn được an ủi vì thành công mà các đội tuyển của mình gặt hái được. Còn VCS, vốn từng là cái tên được kỳ vọng sẽ thế chỗ của PCS, thì sau 3 năm “ra ở riêng”, chẳng thu lại thành quả gì ngoài những bước đi giật lùi.
Bảo VCS là "Drama Championship Series" liệu có sai? Cùng nhìn lại nửa thập kỷ "không một phút bình yên" của LMHT Việt
Kể từ năm 2016, chưa có mùa giải nào VCS không chứng kiến những drama "động trời".
2016: Án phạt "đi đêm" của Minas và Boba Marines
Nếu phải kể tên một Xạ Thủ hàng đầu mà Liên Minh Huyền Thoại Việt từng sản sinh ra, đa số sẽ nghĩ đến Slayder hay Artemis, Celebrity... nhưng Phạm "Minas" Minh Phước mới chính là Xạ Thủ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng đến tất cả các đội mà anh phải đối mặt. Lối chơi hổ báo cần thiết nhưng độc đáo, khả năng nắm bắt thời cơ và chọn vị trí chính xác, Minas có đầy đủ tố chất để vươn mình trở thành top Xạ Thủ của thế giới. Chỉ có điều, tất cả đã biến mất chỉ sau một án phạt.
Minas từng là Xạ Thủ đẳng cấp nhất của VCS cho đến khi bị tố "đi đêm"
Cụ thể, mong muốn được góp mặt trong đội tuyển LMHT mạnh nhất nhì thời bấy giờ - Boba Marines cùng người bạn thân Optimus, Minas đã có hành vi "đi đêm", thỏa thuận ngầm với Boba Marines khi chưa có sự đồng ý của đội tuyển chủ quản Saigon Jokers. Án phạt cho Minas là cấm thi đấu 3 tháng nhưng trên thực tế, Minas đã không thể tham dự cả giải Mùa Xuân lẫn Mùa Hè năm đó. Về phần Boba Marines, họ bị cấm chuyển nhượng 6 tháng. Án phạt của Minas được xem là nặng nề nhưng vô cùng thích đáng.
2017: Optimus làm "dậy sóng" VCS
Làng LMHT Việt đã có những ngày dậy sóng khi Optimus rời khỏi GAM Esports sau thất bại của đại diện Việt Nam tại vòng bảng CKTG mùa 7. Đây là điều thực sự bất ngờ, nhất là khi Optimus là một trong những cái tên kỳ cựu của GAM và nếu đội hình được đầy đủ, họ hoàn toàn có thể tiếp tục mơ kỳ tích tại mùa 8. Ở thời điểm đó, Optimus đã có dòng trạng thái chia tay GAM khiến nhiều người chú ý khi trong status của mình, Optimus chỉ nhắc đến quản lý cũ của GAM lúc đó (anh Đặng Tuấn Linh) và Archie chứ không hề nhắc những đồng đội khác hay HLV của GAM khi đó - Tinikun. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về chuyện GAM đã tồn tại mâu thuẫn và lục đục nội bộ từ lâu.
Optimus thông báo rời GAM nhưng gây nhiều tranh cãi
Ngay sau đó, là loạt status đấu tố lẫn nhau giữa các bên có liên quan. Chính quản lý cũ của GAM cũng phải lên tiếng nói về việc Optimus thường xuyên gây áp lực với các thành viên khác về thái độ tập luyện, thi đấu và cả những tác phong sinh hoạt bình thường. Đồng thời cũng tố Optimus là người đã làm áp lực buộc QTV và một số thành viên khác như Tik, Junie, Ren, Stark... phải rời đội đồng thời "không đội trời chung với Levi". Drama chỉ tạm thời yên ắng sau khi Optimus có dòng trạng thái đối chất với anh Tuấn Linh trong khi những nhân vật khác thì giữ nguyên thái độ im lặng.
Optimus sau đó đã "không đội trời chung" với Levi trong một thời gian dài
Mọi chuyện chỉ nóng trở lại khi Stark lên tiếng cảm thông cho Optimus nhưng bóng gió chuyện mình cũng bị các thành viên cũ của GAM "cô lập" sau khi rời đội. Ngay sau đó, chính Archie và Tinikun đã phải lên tiếng thẳng thừng về những gì mà Stark đã chia sẻ. Cũng trong những màn phản pháo của mình, Tinikun tiết lộ Stark chưa bao giờ có thái độ tập luyện và thi đấu nghiêm túc, thậm chí còn dính nghi án cày thuê.
Sự việc sau đó cũng dần chìm vào im lặng nhưng luôn là một chủ đề để cộng đồng LMHT Việt bàn tán mỗi khi có drama liên quan đến bất kỳ cái tên nào trong số Optimus hay Stark. Còn về mối quan hệ Levi - Optimus đã cải thiện hơn theo thời gian và 2 người cũng không ít lần duo cùng nhau trong rank.
2018: Slayder bị ông chủ FTV tố "đi đêm"
Drama đình đám giữa Slayder và chủ cũ của FTV - nam diễn viên Huỳnh Phương
Một trường hợp bị tố "đi đêm" khác chính là Slayder ở năm 2018 và vụ việc lần này, lại dính dáng đến Optimus. Cụ thể, Xạ Thủ hiện tại của Team Secret bị Huỳnh Phương - chủ cũ của FTV tố đã có hành động "đi đêm" để gia nhập Sky Gaming Daklak của Optimus lúc đó. Sau những dòng giãi bày tâm sự của nam diễn viên FapTV, nhiều sự chỉ trích đã nhắm đến Slayder, tố Xạ Thủ này "sống lỗi", vô ơn với người giúp đỡ mình lúc khó khăn.
Ngay sau đó, Optimus đã phải đăng đàn giải thích cớ sự. Đồng thời, anh cũng tiết lộ, chính Huỳnh Phương đã đồng ý cho Slayder ra đi và chính Slayder cũng chia sẻ mình đi một mình, không lôi kéo hay rủ rê bất kỳ ai theo để tránh làm FTV thêm khó khăn.
Mọi chuyện tạm lắng trong sự nghi hoặc của người ngoài, nhưng thực chất thương vụ này như thế nào, chỉ người trong cuộc mới có được câu trả lời chính xác nhất.
Optimus lên tiếng giải thích thương vụ Slayder
2019: Optimus tố Zeros cày thuê
Sự việc từng gây tranh cãi một thời này xảy ra trước thềm cuộc đại chiến giữa Phong Vũ Buffalo và Sky Gaming Daklak. Tâm điểm của sự việc lại là "ông hoàng drama" Optimus và Zeros - tuyển thủ trụ cột thi đấu cho PVB ở vị trí đường trên lúc đó. Cụ thể, không chỉ tố suông, mà Optimus còn đăng 2 đoạn clip cho thấy Zeros đã sử dụng tài khoản của người anh trai là Minas trong đánh rank. Chỉ có điều, việc Optimus bóc phốt Zeros bị xem là hành động "không đẹp" khi PVB đã chuẩn bị đối đầu với SGD.
Optimus tố Zeros cày thuê ngay trước thềm đại chiến PVB - SGD
Hành động của Optimus gây ra vô vàn tranh cãi mà đa số là chĩa mũi dùi về phía cựu đội trưởng của GAM. Thậm chí, có nhân vật khá tiếng tăm trong làng LMHT lúc đó còn tố cả đội SGD (có lẽ là trừ Optimus) đều là dân "cày thuê". Đỉnh điểm của sự việc là khi quản lý của SGD còn lên tiếng thách thức, khẳng định mình đã chỉ đạo Optimus tố cáo Zeros.
Tuy nhiên, cũng như những drama trước đây, sự việc kết thúc trong im lặng còn SGD đại bại 2-0 trước PVB trong trận đấu ngày 14/02/2019.
2020: Zeros và Tinikun tố GAM nợ lương
Ở một năm mà dịch dã đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề lên nền Esports toàn thế giới, cộng đồng LMHT Việt lại được dịp hít drama no nê với "phát súng" đến từ phía Zeros và Tinikun. Cụ thể, đoạn tin nhắn của Tinikun đăng lên tố đội tuyển cũ đã không thanh toán đầy đủ lương bổng cho các tuyển thủ lẫn BHL. Những thành viên còn khoác áo GAM lẫn những người cũ đều rời đi với những lời hứa hẹn mà lương thưởng thì không biết khi nào mới được thanh toán. Rất nhiêu cái tên đã được nhắc đến như Zeros, Slay, HLV Yuna...
Hình ảnh "khai màn" drama nợ lương của GAM Esports
Cái tên được Tinikun nhắc đến nhiều nhất chính là anh V. - quản lý của GAM lúc đó. Theo như cựu HLV GAM, anh V. không trả tiền cho tuyển thủ nhưng vẫn có tiền đi du lịch, sắm xế hộp... Ngoài ra, Tinikun còn cho biết, Dia1 và rất nhiều tuyển thủ đã "bị lừa" và anh đã có trong tay đầy đủ bằng chứng để tố anh V. lên BTC VCS và cấp độ cao hơn như Garena, Riot.
Đoạn status khẳng định anh V. nợ lương hồi đầu năm
Sự việc kéo dài đến tận thời điểm trước Mùa Xuân 2021 dẫn đến việc Zeros và SBTC Esports - đội tuyển mới của Zeros phải chịu án phạt vì sự "vạ miệng" của mình.
Thông báo xử phạt Zeros và SE vì nhắc đến drama nợ lương trên kênh stream
2021: "Ma Vương" vạ miệng và đại chiến Zeros - GAM Esports
Ngay khi SE chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn của mùa giải, Zeros lại dính án global ban vĩnh viễn vì hành động vạ miệng khi nhắc đến tình hình dịch bệnh trên kênh stream cá nhân. Án phạt của Zeros là nặng nhất nhì trong lịch sử LMHT nói chung và thu hút cả sự chú ý của cộng đồng LMHT thế giới. Chính SE cũng phải tuyên bố sa thải người chơi đường trên của mình ngay sau đó.
Án ban vĩnh viễn của BTC VCS dành cho Zeros sau phốt vạ miệng về Covid-19
Mùa Xuân 2021 vừa kết thúc được ít lâu, Zeros lại khuấy đảo làng LMHT Việt với hành động đầu tiên là nhắc lại vấn đề nợ lương trên sóng stream cá nhân mà lần này, anh chỉ đích danh anh V. là đầu têu của tất cả sự việc. Hành động này của Zeros được Thầy Giáo Ba hết sức ủng hộ. Nguyên nhân của sự việc này đến sau khi Dia1 - tuyển thủ đường giữa của SE bị tố "đi đêm". Anh bị cấm thi đấu LMHT 1 năm trong khi quản lý Cao Lê Tuấn Tú bị cấm 2 năm khỏi mọi hoạt động quản lý, vận hành 1 đội LMHT.
Zeros bắt đầu chuỗi drama dài hơi sau khi Dia1 bị dính án phạt vì "đi đêm"
Những ngày sau đó là loạt phát ngôn của Zeros về sự việc. Anh chàng cũng kéo theo vô số nhân vật vào vòng xoáy drama với GAM như việc công bố đoạn tin nhắn ngầm thừa nhận chuyện GAM nợ lương của EasyLove hay Levi... Đồng thời, Thầy Giáo Ba lẫn quản lý Tú Cao của SE cũng thừa nhận đã gửi đoạn clip 47 phút lên BTC VCS và mọi chuyện sẽ rõ ràng ngay trước khi Mùa Hè 2021 chính thức diễn ra.
Những drama, rắc rối từ lâu đã trở thành "đặc sản" của VCS nói riêng và làng LMHT Việt nói chung. Trong tương lai, sẽ có thể có những drama khác, những sự thật sẽ được phơi bày nhưng chắc chắn một điều: hành trình tiến lên đẳng cấp của những khu vực như LPL, LCK hay LEC, LCS vẫn còn nhiều chông gai và cần rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực của những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Không phải Optimus, Archie mới là tân Thuyền trưởng của Team Secret? HLV Archie đã quyết định rời khỏi CES sau 2 năm gắn bó. Với sự giúp sức của HLV Archie, CERBERUS Esports (CES) đã từ một đội tuyển 'trụ hạng' trở thành đội tuyển top đầu VCS. Và sau 2 năm (4 mùa VCS) gắn bó với đội tuyển, mới đây Fanpage Facebook của CES đã chính thức thông báo chia tay HLV...