Vay tiêu dùng từ ngân hàng hay công ty tài chính?
Lãi suất tại công ty tài chính cao nhưng được điều chỉnh linh hoạt trong khi lãi suất ngân hàng thấp nhưng vướng nhiều quy định ràng buộc.
Những động thái mới trên thị trường cho vay tiêu dùng đang cho thấy sự quyết liệt cạnh tranh đã lên đến đỉnh điểm. Thời gian này, nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để thu hút khách hàng, với mức lãi suất khiến nhiều người bắt đầu “so đo” với lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, ngân hàng vẫn “treo” những giá trị cho vay không thực tế.
Ưu đãi không dành cho tất cả
Chỉ cần đến một trung tâm thương mại nào đó vào giai đoạn cuối năm này, người tiêu dùng dễ bị “ngợp” với các chương trình cho vay mua trả góp của cả ngân hàng lẫn các công ty tài chính. Một điểm chung mà hai tổ chức tín dụng này đang áp dụng đó là các chương trình vay mua sản phẩm là trả góp với lãi suất 0%.
Với sản phẩm tương đồng, chương trình ưu đãi cũng giống nhau, chắc hẳn người tiêu dùng thiên về phía ngân hàng để vay. Bởi, các nhà băng lúc nào cũng tạo cho người ta cảm thấy an tâm về mức lãi suất phải trả. Về lý thuyết, người vay lựa chọn ngân hàng là đúng. Thế nhưng khi đi vào tìm hiểu cụ thể mới thấy, để vay được ngân hàng không phải dễ, nhất là với những người không sở hữu thẻ tín dụng của một nhà băng nào đó.
Nhiều ngân hàng đang tung ra chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để thu hút khách hàng. (Ảnh minh họa: KT)
Lấy một ví dụ liên quan đến vay mua trả góp điện thoại qua dịch vụ của ngân hàng ANZ chẳng hạn, quy trình vay nghe qua khá dễ. Chỉ cần khách hàng thanh toán qua máy POS từ 3 triệu đồng đến tối đa 100% giá trị giao dịch và điền vào đơn đăng ký dịch vụ mua hàng trả góp không lãi suất bằng thẻ tín dụng của ngân hàng. Trong vòng 3 ngày kể từ ngày mua máy, chủ thẻ chỉ cần gọi điện lên tổng đài của ANZ để chuyển đổi giao dịch sang trả góp lãi 0%, khai báo số hóa đơn mua máy trả góp. Phí xử lý chuyển đổi giao dịch (ngân hàng thu của khách hàng) được tính là 2,99%.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đi sâu hơn nữa vào quá trình vay, người mua mới thấy sự “trần ai” lắm quy định ràng buộc. Thứ nhất, không phải ai cũng có thẻ tín dụng ANZ. Thứ hai, khi muốn làm thẻ ANZ không phải ai cũng đủ điều kiện để mở thẻ. Trong đó, điều kiện thu nhập tối thiểu 7 triệu đồng qua ngân hàng là rào cản cực kỳ lớn đối với những công nhân viên chức bình thường. Đó là chưa kể trả góp quá hạn sẽ bị tính lãi phạt từ 20-30% tùy ngân hàng. Phí thường niên phải đóng mỗi năm dao động từ 250.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (tùy loại thẻ)…
Không chỉ ngân hàng nước ngoài, một số ngân hàng trong nước như Sacombank, Techcombank, Vietcombank… cũng có điểm chung là điều kiện mở thẻ khắt khe. Điều đó lý giải vì sao thời gian qua, dù rất muốn vay trả góp ở ngân hàng nhưng phần lớn người tiêu dùng đều chọn những gói sản phẩm của công ty tài chính. Lý do rất đơn giản, thủ tục rất đơn giản, điều kiện cho vay thông thoáng…
Hướng tới mô hình vay chuẩn
Với các gói cho vay tiêu dùng có lãi suất, phải thừa nhận rằng lãi suất vay tại công ty tài chính khá cao. Thế nhưng, mức lãi suất đó cũng đi kèm nhiều bằng chứng khá thuyết phục. Một vài lãnh đạo cao cấp của công ty tài chính không ngại khẳng định rằng, họ đang bán sản phẩm đúng và đủ. Trong đó, yếu tố quan trọng mà giới này muốn truyền tải đến người tiêu dùng là có rất nhiều yếu tố cấu thành vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng, khiến giá phải cao hơn.
Thứ nhất, chi phí vốn của công ty tài chính rất cao do họ không có chức năng huy động vốn. Thứ hai, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 – 8 tháng, thậm chí 4 – 5 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ… cao hơn bình thường. Thứ ba, do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại.
Chính vì vậy, khi tách bóc các chi phí, có thể nói rằng công ty tài chính đang đưa ra mức giá hợp lý. Ngoài ra, cũng cần hiểu rằng, mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính được điều chỉnh tùy theo mức độ rủi ro của từng đối tượng vay. Theo đó, có những người vay chỉ 1,6 – 2,7%/tháng, trong khi có những người phải vay tới 5%/tháng.
Trong khi đó, các khoản vay tại ngân hàng nói lãi suất rẻ cũng không công bằng. Bởi, nếu xét theo lãi suất vay qua thẻ của các ngân hàng hiện ở mức 22,9-35%/năm. Có chăng, các ngân hàng đang miễn phí 1 tháng lãi suất đầu tiên cho khách hàng. Đây là mức ưu đãi mà các công ty tài chính chưa làm được. Tuy nhiên, có một điểm mà người tiêu dùng có quyền kỳ vọng đó là sắp tới, công ty tài chính nhiều thay đổi trong cách tính lãi suất.
Bởi cách đây chưa lâu, trong một cuộc gặp gỡ, Tổng giám đốc của một công ty tài chính lớn tại Việt Nam đã đưa ra một dự báo rất đáng chú ý. Đó là trong 2 năm tới, 80% các hợp đồng mua trả góp sẽ có lãi suất 0%. Theo đó, nguồn thu của công ty tài chính (đơn vị gần giống như môi giới, hay hỗ trợ nhà phân phối bán được hàng) sẽ đến từ hoa hồng, các khoản phí, chia sẻ trên doanh thu với các đối tác thay vì tính lãi suất dựa trên mức độ rủi ro cho vay như trước.
Từ đây, một lãnh đạo công ty tài chính cũng hy vọng, người vay có thể hiểu công ty tài chính cho vay lãi suất cao có lý do chính đáng. Theo đó, không nên nghĩ lãi suất cho vay bao nhiêu mà hãy nghĩ: Ai sẽ cho mình vay khi cần?./.
Theo_VOV
Thêm nhiều sản phẩm vay tiêu dùng lãi suất 0%
Trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có đến 70% sản phẩm của các công ty tài chính có mức lãi suất 0%/năm.
Với hoạt động đặc thù, chi phí vốn và mức độ rủi ro cao, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) thường cao hơn ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với việc CTTC xuất hiện ngày càng nhiều, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Vay tiêu dùng, giải pháp cho người thu nhập thấp
Với mức thu nhập trung bình, không có tài sản thế chấp, khách hàng có thu nhập ổn định, nhân thân rõ ràng vẫn có thể sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng tại các CTTC. Tuy nhiên, do đây là những khoản vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân nhanh chóng, nên các CTTC cũng phải trả những chi phí khá cao so với các ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này khiến cho lãi suất vay tiêu dùng phải điều tiết phù hợp với đặc thù hoạt động của các CTTC.
Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC tại Việt Nam hiện dao động trong khoảng từ 20-30%/năm, trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM chỉ từ 8-14%/năm. So sánh với dải lãi suất cho vay tiêu dùng qua CTTC của các nước, như: Mỹ là từ 8-36%/năm; EU là 15-25%/năm; Trung Quốc 10-40%/năm; Brazil 30-70%/năm; Nhật 9-17%/năm... có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC ở Việt Nam là khá cao.
Lý giải về mức lãi suất này, giới chuyên gia tài chính cho rằng đó là do có sự khác biệt về thị trường giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại các thị trường phát triển, mức giá thường thấp hơn so với thị trường mới hoặc đang phát triển. Nguyên nhân là do các CTTC có nhiều dữ liệu về khách hàng của họ, nhất là về tỷ lệ khách hàng có nguy cơ không trả nợ. Từ cơ sở dữ liệu này, họ có thể xây dựng được mô hình định giá phù hợp. Tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, những dữ liệu trên lại không có sẵn, vì vậy mức lợi nhuận biên phải cao hơn, để bù đắp những chi phí rủi ro được tính toán không chính xác lúc ban đầu.
Mặc dù lãi suất của các CTTC không ở mức cạnh tranh trên thị trường, song so với việc sử dụng tín dụng "đen", khách hàng vẫn có thể an tâm khi ký kết hợp đồng vay vốn mà không sợ bị siết nợ theo kiểu xã hội đen.
Làm gì để người dân hưởng lợi?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia tài chính uy tín cho rằng chúng ta có hệ thống NHTM với chi nhánh đến tận huyện, xã, thôn. Bên cạnh đó, còn có Ngân hàng Chính sách xã hội, hợp tác xã (HTX), các CTTC, các quỹ của nước ngoài, các quỹ của hiệp hội thanh niên, ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triển và cả hoạt động huy động vốn kiểu hụi họ... Thế nhưng, người dân vẫn khan tiền, chứng tỏ nhu cầu vay vốn hiện còn rất cao. Đó là lý do vì sao "tín dụng đen" vẫn phát triển và hoành hành như hiện nay.
Lãi suất cho vay "tín dụng đen" cao cắt cổ nhưng người dân vẫn lao vào, vì cần tiền. Tại Việt Nam,"tín dụng đen" đa số nhắm vào người nghèo không thể tiếp cận với các tổ chức tài chính hợp pháp. "Vì thế, tạo điều kiện cho các CTTC phát triển, sẽ góp phần hạn chế sự bành trướng của "tín dụng đen", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
TS.Lê Xuân Nghĩa kiến nghị, cần sớm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện để tạo nền tảng cũng như kim chỉ nam cho hoạt động của các CTTC; thậm chí, có thể cho phép các nhà sản xuất thành lập các CTTC để hỗ trợ việc bán các sản phẩm của chính mình.
Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng ở các CTTC hiện nay trung bình cao nhất dao động trên dưới 40%, song trên thực tế cũng có những sản phẩm vay tiêu dùng có lãi suất thấp hơn tại các NHTM. Tại một số CTTC, có rất nhiều sản phẩm lãi suất vay tiêu dùng chỉ 10-15%, thậm chí là lãi suất bằng 0%, nghĩa là người đi vay không phải trả một đồng lãi suất nào.
Để có mức lãi suất ưu đãi đến khó ngờ này, các CTTC đã hợp tác với các nhà sản xuất để chia sẻ lợi nhuận. Với những sản phẩm lãi suất 0%, khách hàng được vay lãi suất thấp, nhà sản xuất bán được nhiều hàng và theo đó Nhà nước cũng thu được nhiều thuế hơn. Đặc biệt, có CTTC còn cho biết, trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có đến 70% sản phẩm của công ty này có mức lãi suất 0%/năm.
Theo_PLO
Ngân hàng 'giành giật' khách hàng cuối năm Tuy mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm so với trước đây, song trước áp lực chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhất là khi nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm tăng cao, các nhà băng vẫn ra sức cạnh tranh hạ lãi suất để giành thị phần tín dụng...