Vay nóng và những hệ lụy (Kỳ cuối: Nghiêm trị các đối tượng cho vay lãi nặng)
Không riêng gì Ninh Thuận, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hoạt động tín dụng đen len lỏi đến tận khu phố, nóc nhà, gây ra nhiều bất ổn cho xã hội. Đáng lo ngại nhất là thời gian gần đây, nhiều đối tượng ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình… đến các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng.
Thủ đoạn của số đối tượng này là in tờ rơi, có lưu số điện thoại với nội dung “Tiền! Gọi là có”. “Giải ngân trong 5 phút”. “Không cần thế chấp” để dán ở nơi công cộng như tường rào, trụ điện, chợ… Khi người vay có nhu cầu liên lạc, số đối tượng này nhanh chóng tiếp cận để thẩm tra khả năng tài chính. Sau khi biết được nơi ăn chốn ở, hoàn cảnh gia đình, chúng sẽ cho vay không cần thế chấp với lãi suất “cắt cổ” tính theo ngày hoặc tuần. Nhiều trường hợp vì túng quẫn, cần tiền gấp để giải quyết việc gia đình nên nhắm mắt vay mà không lường được hậu quả về sau. Đến hạn không trả được nợ, các đối tượng cho vay tính kiểu lãi mẹ đẻ lãi con và tìm mọi cách để thu hồi, đẩy con nợ vào thế nhẹ thì bán nhà, nặng thì bỏ trốn.
CQĐT CATP Phan Rang – Tháp Chàm làm việc với Dương Quang Hợp.
Mặc dù biết hậu quả cho vay lãi nặng là nguy hại cho xã hội, song việc đấu tranh, xử lý số đối tượng này là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, các đối tượng phạm tội thường lách luật bằng các thủ đoạn hết sức tinh vi, một khi con nợ tố cáo đến cơ quan chức năng thì cũng không đủ cơ sở để xử lý. Trước thực trạng này, ngoài công tác tuyên truyền để người dân hiểu về hậu quả của việc vay lãi nặng, nhiều địa phương đã có phương án đối phó hết sức hiệu quả. Đơn cử như tại Ninh Thuận, CATP Phan Rang-Tháp Chàm (PR-TC) chỉ đạo CA các phường tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức ra quân xử lý số đối tượng có hành vi dán quảng cáo cho vay ở nơi công cộng. Ngoài ra, lực lượng CSHS còn tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bắt, khởi tố số đối tượng cho vay lãi nặng theo quy định pháp luật.
Mới đây, Cơ quan CSĐT CATP PR-TC truy tố Dương Quang Hợp (1986, trú xóm 4, xã Ân Hòa, H. Kim Sơn, Ninh Bình) về hành vi “Cho vay lãi nặng”. Cụ thể, khoảng tháng 4-2017, Hợp từ Ninh Bình vào Ninh Thuận và bắt đầu đi in những tờ giấy có nội dung “Ngân hàng cho vay trả góp thủ tục đơn giản: Hộ khẩu CMND gốc. Vay từ 3 triệu đến 30 triệu, LH: 0935540314″. Sau đó, Hợp cùng bố là Dương Văn Hoan đi dán trên các trụ điện, tường rào ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đến khoảng giữa tháng 5-2017, bắt đầu có người gọi điện thoại cho Hợp hỏi vay tiền. Hợp trực tiếp đến nhà để tư vấn cho vay rồi yêu cầu người vay đưa ra CMND và sổ hộ khẩu gốc, hỏi nghề nghiệp hiện tại, thẩm tra tài sản của họ để làm căn cứ cho vay tiền.
Hằng ngày, Hợp trực tiếp hoặc thuê người đến nhà con nợ để thu tiền. Nếu người vay không trả đúng hẹn thì Hợp sẽ cùng đồng bọn đến nhà hành hung, siết tài sản, xịt sơn chữ “trốn nợ” để buộc phải trả tiền. Qua công tác nắm tình hình, CATP PR-TC vào cuộc điều tra và xác định, Hợp đã cho 24 người vay với số tiền hàng trăm triệu đồng, lãi suất 24,6%/tháng, thu lợi bất chính 72,65 triệu đồng. Đơn cử, bà Võ Thị Liên (1984, trú thôn Đắc Nhơn 2, xã Nhơn Sơn, H. Ninh Sơn) vay của Hợp 10 triệu đồng. Khi vay, Hợp thu phí làm hồ sơ và chi phí đi thu nợ 5% (500 ngàn đồng). Hợp thu ngày góp đầu tiên là 300 ngàn đồng, vậy nên bà Liên chỉ được nhận số tiền là 9,2 triệu đồng. Số tiền này bà Liên trả góp cho Hợp trong 41 ngày, với tổng số cộng là 12,3 triệu đồng. Tiền lãi Hợp thu được là 3,1 triệu đồng. Hay bà Lương Thị Bích Liên (1974, trú thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn) vay của Hợp 30 triệu đồng. Khi làm hồ sơ cho vay, Hợp thu lệ phí 1,5 triệu đồng và ngày góp đầu tiên là 900 ngàn đồng. Bà Liên chỉ được nhận 27,6 đồng và số tiền này bà trả góp cho Hợp trong 41 ngày, tiền lãi Hợp thu được là 9,3 triệu đồng…
Phát hiện, thu giữ hung khí Hợp cùng đồng bọn sử dụng để đi thu nợ.
Trên cơ sở những tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT CATP PR-TC có đủ căn cứ xác định, hành vi của Hợp đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng”, quy định tại khoản 1, Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 (nay là Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2017). Cụ thể, Hợp là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của Hợp được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về tín dụng. Khi đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận để làm ăn, Hợp sinh sống bằng nghề cho vay tiền lấy lãi, lấy việc cho vay lấy lãi làm nguồn sống chính. Hoạt động cho vay lãi nặng của Hợp có tổ chức và quy mô lớn như in ấn các loại mẫu cho vay đi dán tại các trụ điện ở nhiều nơi, thuê người đi kiểm tra, xác minh nơi ở của người vay, tìm hiểu thông tin về người vay để bảo đảm việc thu tiền lãi và đòi nợ. Hợp gọi điện thoại nhắc nhở nếu người vay góp tiền trễ hạn, chuẩn bị các loại hung khí, sẵn sàng hù dọa, xịt sơn lên nhà để uy hiếp tinh thần người vay, buộc người vay phải trả nợ. Dương Quang Hợp đã cho 24 người vay với lãi suất 24,6%/tháng, cao gấp 14,73 lần mức cao nhất mà pháp luật cho phép, thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng với số tiền là 77,3 triệu đồng.
Video đang HOT
Rõ ràng, hoạt động tín dụng đen là một trong những mối nguy hại cho xã hội. Để từng bước đẩy lùi và loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội, thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội có nguyên nhân từ cho vay lãi nặng. Thêm nữa, hệ thống ngân hàng nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ vốn vay đối với người thu nhập thấp để làm ăn, phát triển kinh tế.
Nguyên Thảo
Theo cadn.com.vn
Xâm nhập tín dụng đen đất Cảng: Tung chiêu 'bủa vây' con nợ
Các chủ đường dây tín dụng đen ở Hải Phòng giở đủ các chiêu trò
Khi con nợ nhiều ngày không đóng tiền, gọi điện thoại không được, tìm đến nhà không gặp... là những dấu hiệu xấu và chủ các tiệm cho vay họ góp ra tay với đủ các trò: Từ khủng bố tinh thần đến bắt, đánh con nợ, cưỡng đoạt tài sản.
Quay cuồng trong vòng xoáy họ góp
Buổi trưa, tiệm ăn chuyên bán thịt gà ở quận Kiến An thực khách nườm nượp, bỗng một nhóm gần chục thanh niên xăm trổ kéo vào.
Nhóm này đứng ngay cửa tiệm, chặn khách nói "Quán đang đóng cửa không bán". Ông chủ quán tái mặt nhưng chỉ biết đứng chết lặng.
Trước đó chủ quán vay tiền của một nhóm giang hồ. Bát họ này chưa dứt lại đảo bát mới, lãi chồng lên lãi, số nợ tăng dần lên tới mấy trăm triệu đồng và chủ nợ cho người tới gây áp lực. Sau vài lần xua đàn em đến quán, chủ đành gán quán ăn cho chủ nợ với giá rẻ mạt.
Anh TA mở một hiệu thuốc Tây ở quận Hải An, đã vay một khoản họ góp 50 triệu đồng nhưng ế ẩm, không đủ chi phí thuê quầy, thuê nhân công. Túng quẫn, lại phải vay thêm, qua vài lần đảo bát họ, số nợ của TA cứ tăng dần, chủ cho người tới quầy thuốc gây áp lực, gia đình phải đứng ra giải quyết.
Một nhóm đòi nợ tín dụng đen khủng bố ném chất bẩn, gửi ảnh kèm đe dọa nhà con nợ ở phố Cầu Đất (Hải Phòng) bị Công an TP Hải Phòng triệt phá tháng 2-2017. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Thúc ép theo quy trình!
Nghe Ngọc "cò lả" báo có khách hàng nhiều ngày chưa thu được tiền, gọi điện thoại không trả lời, B. "còi" liền bấm điện thoại, chuông đổ nhưng không có người nhấc máy. "Dấu hiệu xấu rồi" - B. "còi" văng tục, nói.
Vị khách này là một thanh niên gần 30 tuổi, làm cơ quan nhà nước, góp hơn 20 ngày thì ngưng. "Thằng này gia đình cơ bản, không bùng được, số tiền cũng không lớn" - B. nói rồi nhắn vào số điện thoại của khách thông báo việc sẽ thu nợ. Sáng hôm sau con nợ gọi B. "còi" qua trả tiền.
Có một cô gái bốc nóng 10 triệu đồng, trả được 5 triệu đồng thì tắt điện thoại. B "còi" liền nhắn tin vào các mạng xã hội mà cô này đang dùng, dọa nếu không trả sẽ đưa thông tin công khai lên Facebook "bóc phốt". Vài ngày sau, anh của cô gái nợ tiền liền liên hệ trả đủ số tiền mà cô em còn thiếu.
Theo B. "còi", tùy từng trường hợp mà có cách ép con nợ trả tiền. Đầu tiên là dọa đưa thông tin, hình ảnh lên nhóm "hội nợ xấu" trên Facebook. Không hồi âm thì sẽ cho một nhóm xăm trổ tới nhà nói chuyện phân tích thiệt hơn, kể cả uy hiếp, đe dọa.
Trường hợp đến nhà nói chuyện mà gia đình không trả thay vì người thân đã nhiều lần báo nợ, lúc này mới dùng biện pháp mạnh. Đầu tiên là cho đàn em đến to tiếng chửi bới, đe dọa. Đêm sẽ cho người ném sơn hoặc chất bẩn, phân pha nhớt... vào nhà. "Nhiều lần "khủng bố", thường là gia đình sẽ xin trả dần" - B. cho hay.
Con nợ "bốc hơi", chủ nợ "bóc phốt"
Tuy nhiên, có không ít trường hợp con nợ vay nợ quá nhiều nơi, bỏ trốn biệt tích vì "thẩm định hồ sơ không kỹ".
Ba năm trước, B. "còi" cho một cô gái ở quận Lê Chân vay 30 triệu đồng. Trả được 12 triệu thì cô này mất liên lạc. B. cho đàn em đến nhà mới hay con nợ đã bỏ đi Đài Loan.
Nhiều cửa hàng họ góp cũng bị con nợ giựt hàng trăm triệu đồng rồi bỏ trốn biệt tăm vì không biết trước đó là khách hàng của nhiều dây họ góp và các khách hàng này bị các chủ cửa tiệm cho vay đưa lên Facebook. Ở Hải Phòng, "hội nợ xấu" luôn cập nhật hình ảnh kèm tên tuổi, địa chỉ những người "xù" nợ và danh sách cứ dài ra!
Trên các "hội nợ xấu", con nợ thuộc đủ mọi thành phần, từ những cô gái trẻ đến những phụ nữ cao tuổi, từ dân xã hội tới cán bộ nhà nước kèm đủ các chứng cứ vay nợ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, CMND, thậm chí cả thẻ ngành mà con nợ gửi ở cửa hàng cho vay họ góp. Trong đó chủ nợ dùng đủ ngôn từ nói về con nợ như "giẻ rách", "mất trí nhớ", "ra đi có cầm nhầm một số tiền"...
"Khi đã phải tung lên mạng xã hội thì con nợ đã bỏ đi biệt tăm. Việc đăng tải này làm cho con nợ và gia đình họ mang tiếng xấu, đồng thời cảnh báo các chủ tiệm khác không cho vay... Khi có dấu hiệu nợ xấu phải hành động ngay, truy tìm bằng mọi cách trước khi con nợ biến mất" - B. nói.
Trưa 22-3, ĐTT cùng đàn em tìm ở khu vực Hoàng Minh Thảo (quận Lê Chân) gặp con nợ L. đang lánh mặt. Cuộc thương thảo nợ nần không thống nhất nên nhóm T. ép đến công an làm việc. Trên đường đi, nhóm T. đánh con nợ. Sau đó L. tố cáo bị bắt giữ người trái pháp luật nhưng cơ quan tố tụng cho rằng nhóm T. chỉ ép con nợ tới trụ sở công an phường để giải quyết việc nợ nần nên chủ nợ may mắn thoát vòng lao lý.
Ba năm trước, B. "còi" bị giật nợ liền dẫn năm thanh niên tới nhà, đưa con nợ ra khu đồng vắng đánh hội đồng. Sau khi công an vào cuộc thì gia đình con nợ bãi nại, không giám định thương tật, B. thoát bị pháp luật xử lý.
Việc bắt con nợ, đánh đập bị công an bắt, xử lý về các tội như cướp, cưỡng đoạt, bắt giữ người trái pháp luật thì nhiều vô kể nhưng hiếm khi cơ quan tố tụng xử lý chủ các đường dây cho vay lãi nặng nên tín dụng đen ngày càng lan rộng.
_________________________________
ĐỖ HOÀNG
Theo PLO
Phạt công ty nệm đón khách Trung Quốc trái phép 300 triệu đồng Ninh Thuận phạt công ty sản xuất nệm đón hàng trăm du khách Trung Quốc mỗi ngày trong khu công nghiệp Thành Hải số tiền 302 triệu đồng, đồng thời chấm dứt hoạt động trái phép này. Ngày 23.5, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành...