Vay hàng chục triệu cúng ‘lợn ba đầu’ để mong thoát nghèo
Bất chấp số nợ ngân hàng chưa trả được, các hộ dân người Ca Dong ở Quảng Nam vẫn giữ tập tục bỏ hàng chục triệu đồng để làm lễ cúng, ăn uống trong suốt nhiều ngày nhằm mong thần linh phù hộ mùa màng bội thu, hết bệnh tật…
Ngày đầu tháng 4, không khí tại các bản làng ở xã vùng cao Trà Vinh ( Nam Trà My, Quảng Nam) nhộn nhịp hơn hẳn. Đây là mùa những người dân Ca Dong tổ chức lễ cúng “lợn ba đầu” nhằm cầu mong mùa màng bội thu, gia đình gặp nhiều may mắn, hết bệnh tật…
Bản làng với những căn nhà lụp xụp của người Ca Dong chênh vênh trên ngọn núi. Ảnh: Tiến Hùng.
Trong căn nhà bằng ván lụp xụp, ông Nguyễn Văn Cường (47 tuổi) hối hả chuẩn bị những vật dụng cho ngày lễ sắp đến. “Nó cũng như đâm trâu vậy. Cúng lợn ba đầu ngoài cầu may mắn còn để thể hiện sự giàu có nữa. Ở đây không phải nhà nào muốn cũng làm lễ được”, ông Cường hồ hởi khoe. Căn nhà người đàn ông Ca Dong này dường như trống hoác, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài hàng chục ché rượu và 3 con lợn mới mua để chuẩn bị làm lễ cúng.
Những người già ở đây không lý giải được ý nghĩa của việc cúng “lợn ba đầu”, họ gọi đây là phong tục và truyền từ đời này qua đời khác. Ngôi làng nơi ông Cường ở chỉ vỏn vẹn hơn 20 hộ sinh sống giữa lưng chừng núi, nhưng năm nay có đến 5 hộ tổ chức lễ này.
Lễ thường diễn ra vào tháng 4, khi người dân bắt đầu mùa rẫy mới. Trong buổi lễ, ngoài 3 con lợn để chặt lấy đầu làm lễ cúng, gia chủ phải chuẩn bị hàng trăm lít rượu cần, gà, vịt… để toàn bộ dân trong bản và họ hàng xa đến ăn uống trong 4 ngày. Xong màn cúng bái là chuỗi ngày ăn uống, hát hò. Sau khi ăn lễ ở nhà này sẽ đến lượt nhà khác làm lễ để khỏi trùng ngày.
“Vào những ngày lễ, dân làng ở đây chẳng phải nấu cơm. Cứ nhà nào tổ chức cúng lợn ba đầu là đến ăn uống no say. Uống thâu đêm suốt sáng rồi hát hò, rất vui”, Hồ Văn Tĩnh (19 tuổi) cười nói. Mỗi lần tổ chức lễ này, gia chủ tốn khoảng 20 triệu đồng.
Ông Cường vốn đang là cán bộ thôn. Mặc dù đang nợ ngân hàng 30 triệu chưa trả được nhưng ông vẫn bỏ 20 triệu đồng để làm lễ cúng. Ảnh: Tiến Hùng.
Video đang HOT
Theo ông Cường, gia đình ông thuộc diện cận nghèo. So với nhiều hàng xóm thì cận nghèo vẫn thuộc hàng “đại gia” bởi ở xã Trà Vinh này có đến 80% là hộ nghèo, phải nhận hỗ trợ từ nhà nước. Giống nhiều hộ dân khác, gia đình ông Cường đang nợ ngân hàng 30 triệu đồng suốt nhiều năm nay chưa trả được. Tuy nhiên, ông Cường nói rằng, việc nợ nần không phải chuyện lớn.
“Phải cúng để xua đuổi cái đen đủi trong nhà đi. Cả gia đình không đau ốm rồi mùa màng cũng bội thu. Lúc đó có tiền thì muốn trả ngân hàng đâu có khó”, ông Cường cho hay. Đây là lần đầu tiên ông Cường tổ chức cúng “lợn ba đầu”. Để có số tiền 20 triệu làm lễ cúng, gia đình ông Cường đã phải dành dụm suốt nhiều năm. Tuy nhiên, người đàn ông đang là cán bộ thôn này cho hay, trong buổi lễ sẽ còn nhiều chi phí phát sinh khác. Số tiền đó ông sẽ đi vay mượn, miễn là dân làng được ăn uống no say.
Khác với ông Cường, gia đình Hồ Văn Kiến (36 tuổi) đã hơn 10 lần tổ chức lễ cúng “lợn ba đầu”, nhưng vẫn chưa thấy may mắn, cái nghèo vẫn bám riết. Lần này, Kiến đang nợ ngân hàng 24 triệu nhưng vẫn quyết phải cúng để cầu may mắn và hơn hết là thể hiện mình giàu có. Kiến và nhiều người cho rằng, gia đình nào càng nhiều lần làm lễ cúng thì quyền lực trong làng cũng tăng lên.
Trong căn nhà trống hoác của ông Cường, giá trị nhất là những ché rượu đã chuẩn bị sẵn cho ngày lễ. Mỗi vỏ ché được ông Cường mua hơn 300.000 đồng sau đó về chế rượu. Ảnh: Tiến Hùng.
“Hai ngày nữa là nhà mình làm lễ. Bất kỳ ai, không kể quen biết hay họ hàng đều đến ăn uống được. Khách đến thoải mái, chẳng phải mang quà cáp gì đâu”, anh Kiến nói và cho hay số tiền gần 20 triệu để làm lễ lần này đã tích góp nhiều năm.
Theo lãnh đạo xã Trà Vinh, mỗi năm đồng bào Ca Dong có 4 lễ lớn. Ngoài cúng “lợn ba đầu” còn có Tết mừng lúa mới, cúng máng nước và ăn lúa thừa. Mỗi lần lễ diễn ra, người dân ăn uống say sưa trong suốt thời gian dài. Ngoài ra, trong năm còn có đám tang, cưới hỏi, người dân tổ chức ăn uống linh đình suốt nhiều ngày.
“Chỉ riêng tục cúng lợn ba đầu, mỗi năm toàn xã tốn hơn 100 con lợn, chưa kể các gia cầm bị giết để phục vụ dân làng. Cán bộ xã nhiều lần tuyên truyền nhưng dường như không tác dụng”, một cán bộ xã nói.
Người Ca Dong với gần 30.000 nhân khẩu, được xem là một nhánh của dân tộc Xê Đăng. Họ sống chủ yếu ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My của Quảng Nam. Không giống người Xê Đăng sống trên đỉnh núi cao chót vót, những bản làng Ca Dong thường được dựng ở lưng chừng hoặc dưới chân núi.
Do không được xếp vào danh sách 54 dân tộc, nhiều năm nay các già làng Ca Dong thường tìm đủ mọi cách để chứng minh bản sắc. Họ chứng minh sự khác biệt giữa văn hóa, ngôn ngữ, tập quán của cộng đồng Ca Dong đối với người Xê Đăng để mong được công nhận là một dân tộc riêng.
Tiến Hùng
Theo VNE
Tự tử vì lợn nái đẻ toàn con đực
Cho rằng sớm muộn gì cũng chết vì lợn nái trong nhà hết đẻ toàn con đực lại qua nhà hàng xóm lót ổ, anh Lanh quyết định tìm đến cái chết.
Ngày 14/11, không khí u ám vẫn bao trùm bản Ông Đại ở thôn 2 (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam). Sau cái chết của trưởng thôn Xuân Ngọc Lanh (31 tuổi), cả thôn bàn tán xôn xao. Người dân cho rằng do anh Lanh không chịu giết thịt con lợn nái từng đẻ toàn con đực và lần đẻ thứ hai thì qua nhà hàng xóm lót ổ nên mới bị "con ma rừng" xúi treo cổ.
Ông Hoàng Anh Tuấn (47 tuổi) cho hay theo tập tục của người Ca Dong, mỗi khi nhà nào có lợn nái đẻ ra toàn con đực hoặc toàn con cái thì gia chủ phải giết ngay lập tức, nếu không sẽ gặp rủi ro, "con ma rừng" sẽ không tha cho họ. Ngoài ra, do chăn nuôi thả rông nên nhà nào có lợn đến kỳ sinh nở không về nhà mà qua hàng xóm lót ổ đẻ cũng bị xem là điều cấm kỵ. "Không biết vì sao phải làm thế, quan niệm truyền từ đời này qua đời khác không ai dám bỏ cả", ông Tuấn nói.
Nghèo đói, hủ tục vẫn còn dai dẳng trong ngôi làng sống trên đỉnh núi này. Ảnh.Tiến Hùng.
Ngồi ủ rủ trước ngôi nhà gỗ lụp xụp, chị Hồ Thị Thủy (30 tuổi, vợ anh Lanh) cho hay vận xui đến với nhà chị từ hơn 2 năm trước. Lúc đó con lợn nái, tài sản lớn nhất và duy nhất của gia đình sinh con. "Trớ trêu thay nó lại đẻ ra cả 4 con đực khỏe mạnh. Dân làng nghe tin đến khuyên gia đình phải giết cả đàn ngay rồi làm lễ cúng bái, nếu không con ma rừng sẽ theo ám mãi", chị Thủy kể.
Mặc dù là trưởng thôn nhưng gia đình anh Lanh chẳng khá hơn các hộ khác là bao, phải chạy ăn từng bữa. Tiếc gia tài lớn nhất của gia đình, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, vợ chồng anh quyết định để đàn lợn được sống, bỏ qua lời dị nghị của dân làng.
"Thế nhưng sau đó tôi và 2 đứa con liên tục đau ốm. Có lẽ vì nghĩ vợ con mình bị bệnh là do con ma rừng làm, do không chịu giết con lợn nái nên anh Lanh nhất quyết tìm đến cái chết để nhận lấy hậu quả thay gia đình và nghĩ trước sau gì thì cũng chết", chị Thủy nói.
Trưởng thôn Lanh đã 3 lần tự tử, nhưng may mắn được người dân phát hiện kịp thời. Anh Lanh chẳng nói với ai lý do tìm đến cái chết lại khiến dân làng càng thêm cơ sở để khẳng định như chắc nịch anh tự tử là con ma xúi bẩy, là điều đáng phải nhận khi dám làm trái với tục lệ.
Phó thôn Trần Minh Vũ cho rằng con lợn nhà anh Lanh không chịu về nhà mà lại đến hàng xóm lót ổ là điều cực kỳ xấu, trước sau gì cũng phải nhận điều rủi ro. Ảnh: Tiến Hùng.
Suốt một thời gian dài gia đình chị Thủy phải sống trong lo sợ. Đầu tháng 11, con lợn nái tiếp tục đến kỳ sinh nở. Tuy nhiên, gia đình thêm một lần hoảng sợ khi hàng xóm báo tin con lợn qua lót ổ chuẩn bị đẻ bên nhà họ. "Hết đẻ toàn con đực nó lại qua nhà hàng xóm lót ổ. Đó chắc chắn là điềm xấu, trước sau gì cũng phải nhận lấy điều rủi ro", anh Trần Minh Vũ, Phó trưởng thôn khẳng định.
Bực tức trói con lợn khiêng về nhốt trong chuồng, nhưng chờ đến 5 ngày vẫn không thấy trở dạ khiến vợ chồng anh Lanh càng thêm lo lắng. "Anh Lanh tin chắc con ma làm nên nó mới không chịu đẻ. Suy nghĩ đằng nào rồi cũng phải chết, dân làng lại xa lánh vì sợ hãi nên tối 11/11, khi cả nhà đang ngủ, anh ấy tháo thắt lưng ra trước hiên nhà treo cổ chết, sáng ra chúng tôi mới phát hiện", chị Thủy ngậm ngùi.
Sau "cái chết xấu" của chồng, chị Thủy và dân làng dự tính vài ngày nữa sẽ dỡ ngôi nhà chuyển đến nơi ở mới. "Ở đây quan niệm tự tử là chết xấu, phải phá nhà thì mới đuổi được con ma đi. Nếu không nó sẽ còn quẩn quanh, không buông tha cho gia đình tôi", người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ nói và cho hay con lợn nái đã được dân làng mổ bụng. Trong bụng có nhiều lợn con chưa kịp chào đời bị giết để cúng bái.
Ông Hoàng Anh Tuấn và dân làng đều tin rằng, trưởng thôn tự tử là do con ma rừng xúi. Ảnh: Tiến Hùng.
Ông Hồ Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho hay, xã đã rất nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng dân không chịu nghe. "Tập tục đã ăn sâu vào máu rồi nên khó bỏ lắm. Với lại do địa bàn cách trở quá, từ trung tâm xã đến thôn xa nhất cũng phải đi bộ mất cả ngày đường nên khi biết chuyện để vận động người dân gặp nhiều khó khăn", ông Lợi nói.
Theo thống kê của nhà chức trách Nam Trà My, từ đầu năm đến nay trên địa bàn vùng cao này có gần 20 trường hợp tự tử, đa số bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ nhặt, từ hủ tục. Sau những "cái chết xấu" đó, một số thôn còn dỡ nhà kéo nhau đi nơi ở mới vì sợ "con ma rừng" ám.
Tiến Hùng
Theo VNE
Dân ôm nợ dai dẳng vì tục đâm trâu Mừng lúa mới, đám cưới hay có người thân đau ốm... nhiều hộ đồng bào ở Nam Trà My (Quảng Nam), thường mua trâu về đâm theo phong tục. Chi phí cao, một số nhà phải vay mượn hàng chục triệu đồng dẫn đến cảnh nợ nần. Cuối tháng 10, đi dọc chân núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), thi...