Vào tù vì bản giám định pháp y oan trái
Các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk – nơi đã đưa nam sinh Đỗ Quang Thiện từ trường học vào trại giam, đều tự nhận đã làm đúng quy định pháp luật. Họ căn cứ vào kết luận của cơ quan giám định pháp y để kết tội em Thiện, mà không cần biết bản Kết luận giám định pháp y đó có được thực hiện nghiêm túc và đáng tin hay không?!
BS Bùi Trường Phong (đứng) trình bày quan điểm của Sở Y tế tại cuộc họp báo
Trách nhiệm của Giám định Pháp y!
Sau khi Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Đắk Lắk ( Sở TTTT) gửi Công văn số 253 ngày 25/5/2015, yêu cầu các cơ quan liên quan phải có văn bản phản hồi về các nghi vấn oan sai mà báo Tiền Phong đã phản ánh trong bài điều tra “Vụ áp giải học sinh giữa sân trường – Tòa “bỏ quên” chứng cứ quan trọng”, đến nay Sở TTTT và báo Tiền Phong đã nhận được công văn phúc đáp của: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk (ký ngày 26/5), Trung tâm Pháp y (29/5), Sở Y tế (1/6), Viện KSND tỉnh (3/6) và Viện KSND TP Buôn Ma Thuột (5/6). Chiều 7/6, đại tá Nguyễn Văn Quy-Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định trong ngày hôm nay (8/6) Công an tỉnh sẽ gửi văn bản phúc đáp. Quan điểm như Công an tỉnh đã trả lời chất vấn của báo Tiền Phong trong cuộc họp báo chiều ngày 1/6 tại UBND tỉnh Đắk Lắk.
Theo các văn bản trên, Tòa án tỉnh chỉ xác định 1 điều: Tòa không thể trả lời có hay không công văn phúc đáp số 696 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (CV 696) trong hồ sơ vụ án, vì toàn bộ hồ sơ đã chuyển ra Tòa án ND Tối cao. Còn Viện KSND 2 cấp và Công an tỉnh đều “đồng thanh” tự nhận đã khởi tố, truy tố em Thiện theo đúng pháp luật. Các cơ quan này căn cứ vào ý kiến của giám định viên pháp y, mà trong đó quan trọng nhất là bản Kết luận giám định pháp y thương tích số 1164 ( KLPY 1164), để buộc tội em Thiện.
Còn Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long, trong CV số 468 ký ngày 1/6 đã không khẳng định nội dung KLPY 1164 là đúng hay sai, chỉ lý giải Trung tâm Pháp y (TTPY) đã giám định theo quy định hiện hành vào thời điểm lúc bấy giờ. CV 468 cũng phủ nhận việc giám định viên đã cố tình sửa nội dung bệnh lý từ đột quỵ sang chấn thương sọ não, mà cho rằng, giám định được tiến hành vào ngày 8/10/2012, lúc tình trạng bệnh chưa ổn định, nên chỉ có tính chất tạm thời trong vòng 3 tháng, trước khi BVĐK tỉnh có công văn 696 ký ngày 26/9/2013.
Được ủy quyền thay mặt lãnh đạo Sở Y tế phát ngôn trong cuộc họp báo chiều ngày 1/6, khi chưa có CV 468 trong tay, bác sĩ Bùi Trường Phong, Phó giám đốc Sở, kiêm giám đốc BV ĐK tỉnh nói rằng: Quan điểm của lãnh đạo Sở đối với vụ việc này, là cả BVĐK tỉnh và TTPY đều không sai! Vấn đề ở chỗ, tại sao Viện và Tòa vẫn căn cứ vào bản KLPY 1164 đã hết thời hạn từ lâu để truy tố em Thiện, thì đó là việc của Viện và Tòa!
Cố ý làm sai?
Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Doãn Hữu Long thừa nhận, ông bị đặt vào một tình thế “quá khó”, khi phải làm ” trọng tài” giữa 2 đơn vị đều thuộc Sở. Phần sợ vạch rõ cái sai của TTPY lại mang tiếng là không bảo vệ đồng nghiệp, phần cảm thông với nghề giám định pháp y vốn nặng nhọc mà quyền lợi chẳng đáng gì, nên ông đã có phần lúng túng khi ký CV 468. Trong cuộc họp nội bộ tại Sở Y tế chiều ngày 29/5/2015 do Bs Long chủ trì, có một số cán bộ chủ chốt của Sở, đại diện BVĐK tỉnh – nơi đã ban hành CV 696 khẳng định ông Thọ bị đột quỵ do bệnh lý.
Căn cứ vào đâu, TTPY kết luận ông Thọ bị chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tích 50%, khiến các cơ quan tố tụng buộc học sinh Đỗ Quang Thiện lãnh án tù? Khi phải trả lời cấp trên về điều này, bác sĩ Từ Công Hiển, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y Đắk Lắk người đã ký tên đóng dấu vào Bản Kết luận pháp y thương tích số 1169 lúng túng cúi mặt, nói nhỏ: Từ… kinh nghiệm!
Video đang HOT
Câu trả lời của bác sĩ Từ Công Hiển giữa cuộc họp mà nhiều bác sĩ cùng nghe, đã khiến người thì phẫn nộ, người chỉ biết… lắc đầu nhức nhối!
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Kết luận giám định 1164 của TTGĐPY được thực hiện vào ngày 8/10/2012. Vào thời điểm đó, phần việc này phải thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn thương tật, của Thông tư liên tịch số 12/TTLB ( TT 12) do liên Bộ Y tế – Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành từ ngày 26/7/1995.
Theo đó, khi giám định chấn thương sọ não (CTSN), phải căn cứ vào các di chứng vết thương. Người được giám định phải có những tổn thương sau mới được kết luận là CTSN: Sẹo vết thương da đầu; Lột da đầu; Nứt vỡ vòm sọ ; Mẻ xương sọ; Khuyết xương sọ ; Mảnh kim khí nằm ở phần mềm da đầu; Mảnh bom, đạn, dị tật nằm trong não; Nứt vỡ nền sọ ; Rò nước não tủy ;Tổn thương dây thần kinh sọ v.v…
Bệnh lý của ông Lê Phước Thọ thể hiện qua bệnh án tại BVĐK tỉnh, BV Y học cổ truyền tỉnh, Bản tổng kết hồ sơ bệnh án số 792, ngày 3/10/2012 do chính BVĐK tỉnh đã gửi TTPY để giám định, cho thấy: Trên cơ thể ông Thọ không có một vết thương nào sau cú ngã xe ngày 20/9/2012. Vậy làm sao có thể bào chữa cho việc đã đọc các hồ sơ đó rồi, không hề làm bất cứ một xét nghiệm nào, mà giám định viên vẫn kết luận ông Thọ bị chấn thương sọ não?
Trả lời Tiền Phong, Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết: Vụ việc chỉ là án tai nạn giao thông, không gây chết người, không phải là án cướp, giết hay cố ý gây thương tích, nạn nhân cũng có phần lỗi. Thiện lại là học sinh lớp 12, vị thành niên, nhân thân tốt, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp, việc xét xử do đó phải rất thận trọng, vì có thể ảnh hưởng đến tương lai của Thiện. CV 696 của Bệnh viện đa khoa kết luận nguyên nhân tổn thương không liên quan đến tai nạn giao thông, mâu thuẫn với ý kiến giám định pháp y trước đó. Việc không đưa công văn này vào hồ sơ, tài liệu của vụ án để xem xét khi truy tố và xét xử là có vấn đề về quan điểm tố tụng và áp dụng pháp luật. Vụ án cần được nghiêm túc xem xét lại để tránh oan sai.
Theo Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)
"Được" 52 ngày tù vì đưa người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện
Một đời người có thể đã mất nếu em vì "tù oan" mà bỏ lở kỳ thi tốt nghiệp, vì đâu mà Tòa án nhất quyết nói không với đề nghị của công an tỉnh về việc cho Thiện được tạm hoãn thi hành án để tham gia kỳ thi quan trọng nhất trong suốt 12 năm học tập của em? Sự việc của một học sinh cấp 3 đang đi đường bị một người đột quỵ ngã vào, em đưa ông vào bệnh viện và bị khép tội oan uổng.
Em Thiện (giữa) được trở về với gia đình sau 52 ngày ngồi tù. Ảnh Báo Tiền Phong.
Mấy hôm nay, trên nhiều báo, vụ việc về nam học sinh Đỗ Quang Thiện - bị xe đặc chủng vào tận trường áp giải và bắt phải chịu tù giam vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông đang khiến dư luận rất chú ý.
Cách đây 3 năm, trưa 20/9/2012, tại một giao lộ nội thành Buôn Ma Thuột xảy ra một vụ va quẹt giữa 2 xe máy, khiến 1 người đàn ông lớn tuổi và 1 nam sinh trung học cùng ngã xuống đường.
Thấy người lớn tuổi nồng mùi bia rượu, nằm im không dậy được, nam sinh gọi xe taxi đưa nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Theo lời khai của nam sinh tên Thiện, thì em không hề đụng vào nạn nhân mà nạn nhân tự ngã vào em.
Các kết quả xét nghiệm thương tích sau đó của cơ quan y tế đã chứng minh lời Thiện nói là đúng, bệnh nhân không có tổn thương gì bên ngoài cơ thể, mà do đột qụy, liệt nửa người bên trái do xuất huyết vùng bao trong bán cầu não phải. Đây là bệnh lý nội khoa.
Khi vụ việc ra đến tòa án, ngày 26/9/2013, Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk đã có công văn 696 gửi đến Viện KSND khẳng định: "Đây là bệnh nội khoa, không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quy xuất hiện làm cho bệnh nhân té xe trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường".
Nhưng công văn này đã bị Viện Kiểm sát "bỏ qua" và khi vụ việc đưa ra tòa, tòa án chỉ căn cứ vào biên bản Kết luận pháp y thương tích chỉ có giá trị tạm thời trong 3 tháng.
Từ chỗ ban đầu xét xử Thiện 4 tháng tù treo, khi gia đình em tiếp tục kêu oan, tòa án đã xử Thiện 9 tháng tù giam và ngày 2/4/2015, cơ quan thi hành án đã đưa cả xe đặc chủng đến trường THPT Buôn Ma Thuột để áp giải em Thiện ngay giữa buổi học lên xe tù.
Thiện những ngày còn trong tù và lá đơn kiến nghị xin hoãn thi hành án của bạn bè cùng lớp. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Các phóng viên của báo Tiền Phong đã kiên trì đeo đuổi sự việc và tìm ra chuyện công văn 696 đã bị cán bộ Viện Kiểm sát "bỏ quên" trong khi gia đình em Thiện đã kêu oan suốt 3 năm nay.
Đến khi sự vụ bị phát giác, cán bộ của Viện Kiểm sát đã sang xin bệnh viện cấp lại công văn này với lý do là công văn cũ bị "thất lạc". Dư luận bức xúc, Giám đốc Công an tỉnh đã có công văn đề nghị cho Thiện được tại ngoại để thi tốt nghiệp, nhưng đại diện tòa án tỉnh quyết không chấp nhận.
Sau nhiều bài báo đeo đuổi sự việc, lúc 10h5 phút sáng 24/5, Thiện đã được 2 cơ quan công an và tòa án thành phố Buôn Ma Thuột thi hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án của Tòa án Nhân dân Tối cao. Thiện trở về sau 52 ngày chịu án tù trong trại giam tỉnh Đắk Lắk.
Nhà báo Hoàng Thiên Nga- phóng viên Báo Tiền Phong, người đã đeo đuổi vụ việc và tìm lại công lý cho Thiện viết trên mạng xã hội: "Trưa nay hỏi Thiện: Mai mốt đi trên đường, lỡ gặp một ông đột quỵ nữa, cháu có đưa ông ấy đi viện nữa không? Thiện bảo: Cháu sẽ vẫn thế cô ạ!".
Thiện đã có thể bỏ đi khi bị nạn nhân vì đột quỵ ngã vào xe em, vì em không có lỗi, nhưng Thiện đã không rời khỏi hiện trường, em ở lại, gọi xe đưa nạn nhân vào viện, và hàng loạt những tai bay, vạ gió đã xảy đến với em.
Gia đình Thiện lao đao, cha mẹ em mất ăn mất ngủ từ khi con bị bắt giam vào tù. Thiện có nguy cơ bị đứt gãy đường học tập nếu báo chí và dư luận xã hội không vào cuộc.
Nhưng nguyên nhân là do đâu?
Vì đâu mà cái công văn của bệnh viện giải oan cho Thiện lại bị "thất lạc" trong suốt gần 2 năm, đẩy em vào vòng oan trái?
Vì đâu mà Tòa án nhất quyết nói không với đề nghị của công an tỉnh về việc cho Thiện được tạm hoãn thi hành án để tham gia kỳ thi quan trọng nhất trong suốt 12 năm học tập của em?
Và chỉ đến khi có quyết định tạm đình chỉ thi hành án của Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án tỉnh mới chịu nhường bước?
Bởi vì chúng ta đã có những cán bộ, công chức vô cảm với số phận một con người.
Một nam sinh như Thiện, không phải là đối tượng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nhưng em vẫn có thể bị đến tận trường áp giải vào tù, vì những cán bộ, công chức ấy không muốn thừa nhận cái sai của mình trong việc làm "thất lạc" một công văn quan trọng.
Sẽ còn nhiều người lương thiện bị hàm oan khi vẫn còn có những công chức, cán bộ giữ vị trí cầm cân nảy mực nhưng hành xử bằng một thái độ vô cảm và thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Theo Một Thế Giới
Lời tâm sự chân thành của cậu học trò sau 2 tháng ở tù Sau khi được tại ngoại theo quyết định của TAND TP Buôn Ma Thuột, em Đỗ Quang Thiện (lớp 12A2, Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang phải "chạy đua" với thời gian để hoàn thành chương trình 12 còn dang dở khi em phải vào tù giam gần 2 tháng. Vừa ra tù đã phải gấp rút ôn thi Chúng tôi...