Vàng còn nhiều dư địa tăng giá
Sức ép tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm khiến đồng bạch xanh mất động lực, nhưng lại tác động tích cực lên giá vàng trong năm nay.
Giá vàng thế giới đang trong xu hướng tăng khá mạnh.
Giá vàng sẽ tăng
Giá vàng được dự báo tăng trong năm nay đang tạo cơ hội cho nhà đầu tư bỏ vốn vào kênh đầu tư này. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế – tài chính cho biết, việc đầu tư vàng có nhiều rủi ro, thậm chí là thua lỗ, kể cả trên sàn vàng lẫn vàng vật chất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân một phần do Fed tăng mạnh lãi suất, khiến giá vàng khó được hỗ trợ khi USD tăng giá. Tuy nhiên, trong năm nay, vàng có thể lập đỉnh mới và còn nhiều dư địa tăng giá trong thời gian ngắn.
Fed giãn lộ trình tăng lãi suất cơ bản USD sẽ khiến sức mạnh đồng bạch xanh sụt giảm và đây sẽ là động lực thúc đẩy giá vàng tăng. Tuy nhiên, theo TS. Tín, xu hướng giá vàng năm 2019 dù có tăng, nhưng vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số khó lường. Đồng thời, mức độ tăng không nhiều và rất khó có “sóng” lên cao, đột biến. Mức tăng của giá vàng dự báo khoảng 5 – 10% so với mặt bằng giá hiện nay.
Trong khi đó, nhà phân tích lâu năm trên thị trường vàng, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, mức kháng cự của vàng trong năm nay là 1.350 USD/ounce và có thể tăng lên 1.400 USD/ounce. Vàng có dư địa tăng trong năm nay, theo Chủ tịch VGB, là do việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) chưa giải quyết xong, thương mại Mỹ – Trung còn nóng, bạo loạn ở Pháp… Các nhân tố này sẽ tác động tích cực lên thị trường vàng và đây là cơ hội để các nhà đầu tư xuống tiền, tìm kiếm lợi nhuận ở kênh đầu tư này.
Vẫn phải thận trọng
Thị trường vàng được giới phân tích nhận định sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2019 do các nhà đầu tư có ít lựa chọn hơn khi đối mặt với lãi suất thấp hơn, tăng trưởng kinh tế chậm lại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Video đang HOT
Tuy vậy, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, để tìm kiếm lợi nhuận từ vàng trong năm 2019, nhà đầu tư cần xác định khẩu vị rủi ro; phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý. Đồng thời, với thị trường vàng, đòi hỏi phải có kiến thức và biết nắm bắt thông tin từ thị trường vàng quốc tế, bởi vàng trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường thế giới. Mặc dù vàng vẫn được coi là kênh trú ẩn an toàn, nhưng cũng cần thận trọng.
TS. Bùi Quang Tín cho biết, thực tế những năm qua, vàng khó liên tục giảm và cũng khó bật mạnh. Kể từ năm 2004 đến nay, giá vàng chỉ tăng bình quân khoảng 8,6%/năm, bằng lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, bỏ vốn vào vàng không như gửi tiền ngân hàng. Sự lên xuống của giá vàng tuy có thể đem lại thanh khoản nhanh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch VGB, với Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc siết chặt quản lý vàng miếng, thị trường vàng trong nước sẽ ổn định về giá và không có sự tăng đột biến. Nghị định trên không cho nhập, xuất vàng, nên giá trong nước khó liên thông với giá thế giới. Vì thế, việc đầu cơ thời gian ngắn khó đem lại lợi nhuận cao, thậm chí có thể lỗ nặng. Các số liệu thống kê tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, trên 90% các nhà đầu tư vàng, trong đó có kinh doanh vàng tài khoản, vàng vật chất bị thua lỗ.
Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua
Mở cửa phiên giao dịch sáng 20/2, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.342,8 USD/ounce, tăng gần 18 USD/ounce, tương đương mức tăng hơn 1,3% so với phiên giao dịch đầu giờ sáng 19/2 (ở mức 1.325,1 USD/ounce). Đây là mức tăng cao nhất tính từ đầu năm 2019 đến nay và là mức đỉnh trong 10 tháng qua. Nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh là USD giảm giá hơn 0,3%, xuống mức chỉ còn 96,49 điểm, đồng thời các nhà đầu tư tỏ ra không mấy lạc quan về tình hình địa chính trị hiện tại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Brexit.
Theo Vân Linh
baodautu.vn
CEO Dragon Capital, ông Dominic Scriven: Còn nhiều điểm tựa để vượt qua thách thức
Theo Tổng giám đốc Dragon Capital, ông Dominic Scriven, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức chung của kinh tế thế giới là tính chu kỳ, lãi suất sẽ tăng trở lại, nhưng Việt Nam có một số vấn đề mà nếu giải quyết được theo hướng tốt hơn sẽ là điểm tựa để vượt qua thách thức.
Thưa ông, những thách thức lớn nhất có thể nhận diện trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay là gì?
Như chúng ta đã biết, Mỹ đang kết thúc các gói nới lỏng định lượng (QE), hút tiền về, đồng thời tăng lãi suất USD. Chưa có nhà kinh tế học nào có thể dự đoán được hết ảnh hưởng của điều này. Các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khó dự đoán được diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn đề nội tại của một số nước, điển hình như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Vậy nền kinh tế Việt Nam có gì đáng lo ngại, theo ông?
Nội tại kinh tế Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có gì đáng lo ngại. Giá trị vốn hoá của thị trường Việt Nam là 70% GDP, xứng đáng với thị trường mới nổi và tỷ lệ giao dịch hàng ngày trên giá trị vốn hóa thuộc loại thị trường có thanh khoản, tức được xếp ngang Trung Quốc và Thái Lan, thậm chí hơn cả Singapore xét về tỷ lệ này.
Ông Dominic Scriven
Số công ty niêm yết ngày càng nhiều, chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin càng ngày càng được cải tiến. Với những gì đã làm được trong 10 năm qua, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào.
Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức, Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy thị trường phát triển ?
Việc lớn nhất là cần xây dựng được mạng lưới nhà đầu tư tổ chức trong nước. Nhưng đây là vấn đề khó, vì cơ sở pháp lý đã có, nhưng điều kiện đủ là phải có các tổ chức giàu kinh nghiệm, có uy tín, có sức thu hút nhà đầu tư bằng sản phẩm hấp dẫn.
Bên cạnh đó, phải có nhu cầu trong dân chúng là chuyển từ tích lũy sang sang đầu tư. Dù có các biện pháp thúc đẩy, Việt Nam vẫn cần chờ đợi hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ cho quỹ hưu trí, quỹ đại chúng... Hiện nay, doanh số giao dịch hàng ngày chủ yếu là từ nhà đầu tư cá nhân.
Các công ty quản lý quỹ trong nước trong năm 2018 đã có sự phát triển, sau nhiều năm khá khó khăn. Đây là dấu ấn rất tốt. Nếu không có nhà đầu tư tổ chức trong nước, thị trường chủ yếu trông đợi vào nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thì sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề.
Một động cơ không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nói chung là cổ phần hóa, thoái vốn của nhà nước. Năm 2018, do một số yếu tố mà lộ trình này chững lại. Việc này nằm ngoài chuyên môn của ngành chứng khoán. Nếu hoạt động này được đẩy mạnh sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường.
Đáng chú ý, việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và vị thế của nền kinh tế có tính chu kỳ, lãi suất tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận lại sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện chưa tương xứng với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Một trong những vướng mắc quan trọng là thị trường chưa tin vào khả năng đánh giá định mức tín nhiệm doanh nghiệp. Đây là câu chuyện "con gà quả trứng" cần được giải quyết.
Giới đầu tư đang kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI. Ông có kỳ vọng điều này?
Vướng mắc lớn nhất ở đây chính là giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong công ty niêm yết. Việc giới hạn và giới hạn như thế nào là quyết định của Việt Nam, không nằm trong giới hạn chuyên môn của giới chứng khoán.
Nhưng không thể không nói, có những thông điệp hơi lệch nhau xuất phát từ cấp cao nhất liên quan đến vai trò dự kiến của nhà đầu tư nước ngoài và lộ trình thực hiện. Điều này có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên thất vọng. Tôi tin nếu giải quyết được điều này, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
Điều gì khiến ông lạc quan nhất về Việt Nam khi nhìn về năm mới?
Dù có nhiều khó khăn thách thức lớn, khó định lượng đến từ bên ngoài, nhưng thị trường Việt Nam có nhiều điểm trọng yếu mà chỉ cần tác động tích cực vào đó sẽ tạo ra các động lực mới giúp thị trường phát triển mạnh mẽ.
Thu Hương
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Có nên đầu tư USD? Đồng USD đang có xu hướng tăng do do chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc leo thang, cũng như giữa Mỹ và một số nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc chọn đồng USD như một tài sản đảm bảo ở thị trường Việt Nam liệu có phải là khôn ngoan? Đang có xu hướng tích trữ đồng...