Vẫn “vô tư” nhả khói thuốc ở bệnh viện
Kể từ ngày 1/5, luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Tuy nhiên nhiều người dân ở khu vực Hà Nội vẫn bất chấp lệnh cấm, “vô tư” nhả khói độc ra môi trường mà không hề bị xử phạt.
Luật phòng chống tác hại thuốc lá quy định cấm hút thuốc trong phạm vi khuôn viên bao gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, bến xe… Nhưng trên thực tế, người dân vẫn hút thuốc lá ở nhiều nơi có quy định cấm, thậm chí cả nơi tập trung đông người dân như bệnh viện.
Vẫn”vô tư” nhả khói
Sau 3 ngày luật phòng chống thuốc lá có hiệu lực, ngày 3/5, phóng viên ghi nhận tại một số cơ sở y tế, trường học, bến xe ở Thành phố Hà Nội.
Ngay đầu giờ sáng, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người bệnh đến khám đã đứng chờ chật kín hành lang các phòng khám, khuôn viên bệnh viện. Đứng ở gần khu vực làm thủ tục khám bệnh, trong chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã chứng kiến gần chục thanh niên phì phèo điếu thuốc và nhả khói ngay giữa đám đông.
Những tấm biển “Không hút thuốc lá trong bệnh viện” được treo ngay lối vào khu khám bệnh, nhưng nhiều người dân “phớt lờ”. Họ vẫn bật lửa châm thuốc hút, thậm chí hút cả ở khu vực có biển cấm.
Biển cấm hút thuốc lá tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Đưa vợ đi khám thai, nhưng anh Phạm Đức Thanh (huyện Duy Tiên, Hà Nam) vẫn kẹp điếu thuốc lá trên tay. Khi hỏi về quy định cấm hút thuốc lá ở khuôn viên bệnh viện, anh Thanh tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi chưa nghe quy định đó bao giờ. Đưa vợ đi bệnh khám, thấy có bác sĩ bảo cấm hút thuốc trong phòng bệnh thì tôi ra ngoài hút. Tôi có thấy ai xử phạt đâu”.
Vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều ông chồng dù đưa vợ đi khám thai nhưng vẫn “vô tư” châm thuốc hút ngay cạnh phòng chờ khám. Khi nói đến tác hại của việc hút thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, anh Hà (huyện Ý Yên, Nam Định) thản nhiên chỉ tay vào những người xung quanh cũng đang phì phèo điếu thuốc: “Nhiều người cũng đang hút đấy, có riêng gì tôi đâu. Mà có ai phạt đâu mà sợ”.
Chiều cùng ngày, tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh vô tư nhả khói ngay ở hành lang, khuôn viên bệnh viện. Ngay trước phòng chờ khám ở cổng số 1, ông Nguyễn Văn Ánh (46 tuổi, Bắc Giang) dáng uể oải đứng dựa lưng vào tường, phì phèo hút thuốc. Ông cho hay, ông biết đến quy định về việc xử ý người hút thuốc lá từ năm 2010. Tuy nhiên, nhiều lần ông hút thuốc lá ở ngay phòng chờ của bệnh viện cũng không thấy có ai xử phạt, bởi vậy ông vẫn hút thuốc bình thường.
Nói đến tác hại của việc hút thuốc và lời khuyên bỏ thuốc, ông Ánh cười gượng: “Cơ quan chức năng mà xử lý nghiêm người hút thuốc lá, chắc tôi cũng phải tính đến chuyện bỏ thuốc”.
Học sinh hút thuốc sau giờ tan học
Video đang HOT
Tại nhiều cơ sở giáo dục, học sinh chưa đủ 18 tuổi cũng thản nhiên đốt thuốc sau giờ tan học. Khi hỏi về quy định cấm hút thuốc, một sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) chia sẻ: “Khi đến trường, thầy cô, bố mẹ cấm hút thuốc. Nhưng sau tan giờ học ra những nơi công cộng không bị ai cấm, hay xử phạt nên em vẫn hút. Còn về quy định cấm em cũng chưa nghe thấy”.
Muốn phạt nhưng khó thực hiện
Ông Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa sau nhận có nhiều thanh niên và một số ít phụ nữ hút thuốc ở khuôn viên bệnh viện.
Ông Việt cho biết, muốn phạt nhưng cơ sở lại chưa nhận được những văn bản hướng dẫn việc xử phạt cụ thể nên mới chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở.
Theo ông Việt, khi phạt người vi phạm phải có văn bản quy định cụ thể ai xử phạt, chứng từ, hóa đơn quy định về việc xử phạt. Đến mức phạt bao nhiêu, tiền sau khi phạt gửi vào đâu… Những văn bản hướng dẫn về việc này ông chưa nhận được nên khó có thể xử phạt.
Dù đang điều trị bệnh, anh Hà (Thanh Hóa) vẫn ra ngoài hút thuốc lá
Năm 2010, bệnh viện cũng thành lập ban chỉ đạo gồm 15 người là cán bộ các phòng ban, hằng ngày đi nhắc nhở những người hút thuốc lá trong bệnh viện. Tất cả các biển báo “cấm hút thuốc” cũng được treo trong hành lang phòng khám, cửa ra vào. Tuy nhiên, “Sau 3 năm quy định xử phạt cấm hút thuốc ra đời đến nay chúng tôi chưa xử lý một trường hợp nào vi phạm”, ông Việt nói.
Quy định cấm hút thuốc đã được ban hành hơn 3 năm. Nhưng khi được hỏi, phần lớn người dân đều cho rằng họ chưa biết đến quy định này. Còn những người có biết đến luật thì cũng chưa thấy cơ quan nào xử lý. Vậy là luật ban hành vẫn cứ ban hành còn người dân thì vẫn cứ “vô tư” nhả khói nơi công cộng.
Một thực tế có thể thấy sau 3 năm Dự thảo Nghị định quy định về việc cấm hút thuốc lá được ban hành mới có tỉnh Lào Cai xử phạt được gần 10 trường hợp vi phạm. Còn tại tỉnh Hải Dương, bảo vệ một bệnh viện phạt tiền ba người hút thuốc thì được coi là không đủ điều kiện và vi phạm luật.
Một số hình ảnh ghi nhận được sau 3 ngày luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực:
Đưa vợ đi khám thai nhưng anh Thanh (Hà Nam) vẫn vô tư hút thuốc dù có biển cấm
Ông Sở (49 tuổi, ở Nga Sơn, Thanh Hóa) phì phèo điếu thuốc trong lúc chờ người nhà thăm khám
Hút thuốc trong lúc ngồi chờ ở hành lang phòng chụp X-quang
Nhả khói ngay trước đám đông
Hút thuốc trong bệnh viện
Sinh viên vô tư hút thuốc
Một số quy định trong Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 1/5: Cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, trong phạm vi khuôn viên bao gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục; địa điểm công cộng; không được hút thuốc ở nơi chăm sóc, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em và khu vực có nguy cơ cháy nổ cao… Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
- Bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với` một trong các hành vi sau đây:
- Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.
Theo 24h
Mở đợt cao điểm phạt hút thuốc nơi công cộng?
Sẽ đề xuất mở những đợt cao điểm ra quân xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Tại cuộc hội thảo về "phòng chống tác hại của thuốc lá" do HealthBreadge Canada (Tổ chức Quốc tế hoạt động vì sức khỏe cộng đồng) tổ chức, bà Phạm Hoàng Anh (GĐ Văn phòng VN) cho biết, dù đã có quy định xử phạt từ lâu, nhưng người hút thuốc lá nơi công cộng và tình trạng buôn bán thuốc lá tại Việt Nam vẫn phổ biến.
Giải thích điều này, bà Hoàng Anh cho rằng, không thể nói do sự yếu kém của công tác truyền thông, mà quy định xử phạt lâu nay đang bị phớt lờ. Mặt khác, thuốc lá là chất gây nghiện. Nhiều người biết tác hại, biết quy định của luật nhưng khó thực hiện.
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam đang ở mức cao khoảng 15,3 triệu người tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá chiếm gần 60%.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Anh, đến ngày 1/5, khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, vấn đề sẽ khác. Trước đây chỉ là những quy định chỉ thị, tính răn đe yếu. Vi phạm chỉ thị khác vi phạm pháp luật. Vi phạm chỉ thị không ai quy kết lỗi còn vi phạm pháp luật, tư cách công dân sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Hoàng Anh cũng cho rằng, để quy định xử phạt cũng như luật thực sự hiệu quả, ngoài công tác truyền thông tới cộng đồng còn phải có sự cam kết thực hiện của các cơ quan chức năng. Không phải luật ban hành ra để cho vui. Mặt khác, bà Hoàng Anh bày tỏ hy vọng, luật ra đời có thể chưa có hiệu quả ngay lập tức, nhưng có thể giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ trong tương lai.
Bà Trần Thị Trang, Đại diện Vụ pháp chế - Bộ Y tế
Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Thị Thanh Hương (Giảng viên Đại học học Y tế cộng đồng) cho hay, trong một nghiên cứu về vi phạm buôn bán thuốc lá, chính lực lượng có trách nhiệm xử phạt hành vi này cũng không hiểu biết thấu đáo.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được thông qua đã lâu và ngày 1/5 tới sẽ có hiệu lực, nhưng theo nghiên cứu này, nhiều thanh tra viên, người có trách nhiệm kiểm soát buôn bán thuốc lá vẫn chưa quan tâm tới luật hoặc biết nhưng không nắm nội dung.
Bà Trần Thị Trang, Đại diện Vụ pháp chế - Bộ Y tế thừa nhận hiệu quả xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng còn hạn chế. Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn thường xuyên xảy ra do thiếu lực lượng xử lý và ý thức người dân chưa cao.
Bà Trang đề nghị cần sự phối hợp của các bộ ngành để có những bước triển khai cụ thể sau khi Dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được thông qua và có hiệu lực.
"Chúng tôi đã và sẽ đề xuất mở những đợt cao điểm phối hợp giữa các lực lượng, ban ngành ra quân xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng." - Bà Trang nói.
Một số mức xử phạt về hút thuốc lá được quy định trong Dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7:
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
- Bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.
Theo 24h
Tinh tinh nghiện thuốc lá Một con tinh tinh già ở vườn thú Urumqi (Trung Quốc) khiến người xem sốc khi thấy nó cầm 2 điếu thuốc để hút. Tinh tinh là loài động vật tiến hóa, có nhiều điểm chung với con người. Tuy nhiên, con tinh tinh ở Urumqi lại bắt chước thói quen xấu, đó là nghiện thuốc lá, khi vừa hút hết điếu này...