Vận tải khách tiếp tục ‘ngủ đông’ ngày giáp Tết
Khác với cảnh tấp nập người, xe tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội những ngày giáp Tết nhiều năm về trước, dịp Tết Nguyên đán 2022 năm nay, cảnh vắng lặng, đìu hiu bao phủ các bến xe, ngay cả trong ngày Tết ông Công, ông Táo.
Cảnh vắng vẻ của bến xe Giáp Bát. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Ghi nhận tại Bến xe Giáp Bát những ngày này, mỗi xe xuất bến chỉ có vài khách, cả bến xe và nhà xe đều tiếp tục đón thêm một cái Tết buồn vì COVID-19.
“Vẫn chán lắm, không có gì thay đổi, thậm chí còn tệ hại hơn, không có khách nhà xe không lên nữa. Nếu như trước đây mỗi ngày bến Giáp Bát có trên 850 lượt xe xuất bến với trên 1 vạn khách thì nay chỉ có khoảng 200 lượt xe xuất bến với trên 1.000 lượt khách. Không có khách nhưng các doanh nghiệp vẫn để lại 1-2 xe tại bến để hoạt động cầm cự”, Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành bày tỏ.
Theo anh Nguyễn Dũng, nhà xe Tuân Yến chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hoá, lượng khách những ngày này đã bắt đầu đông hơn nhưng cũng chỉ được khoảng 10 người, đạt 30% công suất xe. Giá vé tuyến Hà Nội về Thanh Hoá là 200.000 đồng/vé, không tăng lên so với những ngày thường.
Hiện cán bộ nhân viên Bến xe Giáp Bát đã phải nghỉ không lương từ tháng 7/2022 đến nay. Ngay cả lãnh đạo Bến cũng nghỉ luân phiên và nghỉ Tết sớm do cảnh “Bến vắng, người thưa”.
Tại bến xe Mỹ Đình, các nhà xe chạy tuyến Phú Thọ, Lào Cai… sắp đến giờ xuất bến nhưng vẫn rất vắng khách. “Lượng khách năm nay ế ẩm hơn nhiều so với mọi năm, mặc dù đã cận Tết, nhưng mỗi lần xuất bến cũng chỉ được từ 7 – 10 khách”, nhân viên nhà xe Tiến Dũng (tuyến Hà Nội – Lào Cai) cho biết.
Video đang HOT
Một số nhân viên nhà xe cho rằng, nguyên nhân lượng khách năm nay giảm nhiều so với mọi năm do nhiều người lên thành phố lao động thời vụ đã về quê từ những đợt giãn cách trước, đặc biệt một lượng lớn sinh viên chưa quay trở lại các trường đại học khiến khách đến bến giảm hẳn so với mọi năm.
Ngay từ trước Tết Dương lịch 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải huy động tối đa phương tiện phục vụ trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Nhâm Dần. Đồng thời, xây dựng phương án phối kết hợp với các lực lượng chức năng như: Công an Thành phố và chính quyền địa phương, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải để giữ gìn trật tự an ninh bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong và ngoài khu vực các bến xe.
Các nhà xe chủ động phối hợp với bến xe tổ chức bán vé trực tuyến cho hành khách, hạn chế tối đa để hành khách phải chen lấn, xô đẩy tranh giành chỗ để lên xe…
Nhằm giúp đỡ công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết kịp thời, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố kêu gọi các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội bố trí các phương tiện đảm bảo điều kiện kỹ thuật theo quy định để chia sẻ, ủng hộ các chuyến xe.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố kêu gọi các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, bố trí xe ô tô tô đưa hàng trăm công nhân về quê ăn Tết, bắt đầu từ ngày 29/1 (tức ngày 27 Tết).
Theo đó, các doanh nghiệp hỗ trợ 50%, Công đoàn ngành giao thông vận tải Hà Nội hỗ trợ 50% chuyến xe, cùng đưa công nhân lao động khu công nghiệp Bắc Thăng Long về quê đón Tết Nhâm Dần năm 2022, địa điểm đón công nhân lao động tại Nhà điều hành Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh.
Để người dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng vừa giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội xây dựng phương án cho xe buýt được hoạt động trở lại 100% công suất, kể từ ngày 8/2, thời điểm thành phố cho phép học sinh, sinh viên được đi học trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 14/10/2021, xe buýt trên địa bàn Hà Nội chỉ được hoạt động với 50% công suất chạy xe nhằm phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 (xe chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/xe tại một thời điểm) với tần suất dịch vụ từ 15 – 60 phút/lượt.
Nỗi lo thất thu vụ mai Tết
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thế nhưng đến nay, người trồng mai Tết trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại đang đối mặt với một năm thất thu, khi mà đến thời điểm này rất ít khách đặt hàng.
Vườn mai của vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Hairi, khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm nay thất thu nặng nề. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Năm nay, do dịch COVID -19 bùng phát mạnh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải thực hiện giãn cách xã hội hơn 2 tháng để phòng, chống dịch nên việc đi lại của người dân bị hạn chế. Đây cũng là thời điểm cây mai cần được chăm sóc dinh dưỡng để ra hoa đúng vào dịp Tết nhưng việc chăm sóc đã bị hạn chế do người dân không được ra khỏi nhà, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các chậu mai.
Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền từng là tâm dịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong các tháng 7,8 và 9. Vì vậy, trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc đầu tư, chăm sóc vườn mai của nhiều hộ dân bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cây hoa mai cho nụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, ngụ khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền đang rất lo lắng cho vườn mai 1.200 cây của gia đình, bởi đến thời điểm này ông chỉ mới bán được 1 cây với giá 5 triệu đồng thay vì hơn 100 cây, với số tiền hơn 150 triệu đồng như mọi năm. Số lượng mai khách hàng gửi để ông chăm sóc năm nay hầu như cũng không ai lấy về chưng.
Ông cho biết, đến thời điểm này chi phí đầu tư cho vụ mai này của gia đình ông đã lên đến 100 triệu đồng nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh khiến ông không thể chăm sóc tốt được cho vườn mai nên chất lượng cây năm nay giảm sút, ít nụ và nở muộn hơn mọi năm. Số cây đạt để đem về chưng Tết không được nhiều như mọi năm. Điều đáng nói là số lượng khách đặt mai về chưng Tết giảm mạnh khiến gia đình ông rơi vào cảnh thất thu nặng nề.
Ông Huỳnh Ngọc Hải chia sẻ thêm, 21 năm làm nghề trồng mai chưa năm nào ông thua lỗ như năm nay. Thương lái và các khách hàng cũ kể cả khách gửi mai cũng không đến hỏi mua và lấy mai về.
Tại vườn mai của gia đình anh Bùi Xuân Phúc, khu phố Hải An, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền cũng trong tình cảnh tương tự. Hơn 60 gốc mai cổ thụ gần 100 tuổi trong vườn nhà anh Phúc mặc dù đã đơm nụ rất đẹp nhưng vẫn chưa có khách hàng đặt thuê hoặc mua.
Theo anh Phúc, đến thời điểm này vườn mai của gia đình anh mới bán được 2 cây, giá thì rớt xuống hơn 50% so với năm ngoái. Cụ thể, nếu như năm ngoái anh bán 20 triệu đồng/cây thì năm nay chỉ còn 9 triệu đồng/cây. Trong khi đó, đến nay anh Phúc cũng đã phải bỏ ra 40 triệu đồng chi phí đầu tư cho vườn mai trong năm nay.
Tại vườn mai của anh Vũ Văn Thịnh, ở phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa năm nay có các gốc mai cho nụ khá nhiều và đẹp. Tuy nhiên, đến nay vườn mai của gia đình anh khách hàng đăng ký thuê về chưng mới khoảng 20% số lượng chậu mai đang có trong vườn.
Anh Thịnh chia sẻ, năm nay vườn mai của gia đình anh ra nụ đẹp nhất trong các năm, nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên anh không dám tăng giá cho thuê mà chỉ bằng như mọi năm, dù là giá cả vật tư như: phân, thuốc, công..., năm nay tăng cao hơn trước.
Theo các chủ vườn mai trên địa bàn tỉnh, mặc dù nhiều năm gắn bó với cây mai nhưng chưa năm nào họ rơi vào tình trạng vắng khách như năm nay. Nếu như mọi năm, thời điểm này khách hàng đã tập nập tới vườn lựa cây mai đẹp nhất để chở về trưng trong nhà.
Nhiều gốc mai không có nụ nên ông Huỳnh Ngọc Hải, khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền có thể thất thu cả 100 triệu đồng tiền chi phí cho vườn mai.
Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết các vườn mai đều vắng khách, lý do các khách hàng đưa ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh, buôn bán, thu nhập của các công ty, doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại nặng nề nên họ thắt chặt chi tiêu.
Nhiều chủ vườn mai cho rằng, chăm sóc mai rất vất vả. Đã vậy, nếu cây không ra hoa đúng thời điểm dịp Tết hoặc hoa kém chất lượng thì người chăm sóc mai coi như bị thất thu cả năm trời. Nhưng nếu mọi sự thuận lợi, mai ra hoa đều, đẹp và nở đúng vào dịp Tết sẽ rất đắt khách thuê, có thu nhập rất khá. Thế nhưng, người trồng mai năm nay lại khá buồn rầu vì năm nay cả những vườn mai đẹp cũng đều rơi vào tình cảnh ế ẩm, vắng bóng người mua, người thuê.
Những hình ảnh đẹp và chưa đẹp trên dòng sông Trong khi đa số người dân đã nhận thức rõ việc thả cá không thả nilon xuống sông Đà để bảo vệ môi trường thì vẫn còn một số người dân vẫn giữ phong tục cổ hủ là thả tàn tro, chân hương, hoa nhựa... xuống sông... Ngày 25/1, dọc hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình, hàng nghìn người dân nô...