Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị làm rõ vụ Hàn Đức Long
Vụ trưởng vụ Pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước Bùi Thị Keng vừa ký văn bản gửi đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông báo đã chuyển đơn đề nghị xem xét lại vụ án Hà Đức Long theo trình tự giám đốc thẩm sang Toà án Tối cao và VKSND Tối cao.
Sau khi nhận được Văn bản số 16/TTTVPL của Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn luật sư Việt Nam gửi đến đề ngày 7/11/2013 đề nghị xem xét lại vụ án Hàn Đức Long theo trình tự giám đốc thẩm, văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển nội dung đề nghị đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như Dân trí đã thông tin trước đó, theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (đăng ký thường trú tại huyện Tân Yên – Bắc Giang) không thấy con gái Nguyễn Thị Yến (sinh năm 2000) ở nhà, nên đã đổ xô đi tìm. Sáng hôm sau, có người phát hiện xác của cháu Yến tại mương nước ngoài đồng. Khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo cháu bị rách.
Công văn gửi đến TANDTC và VKSNDTC để làm rõ vụ án Hàn Đức Long, giết người, hiếp dâm trẻ em vào năm 2005
Sau gần 4 tháng không tìm ra thủ phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Giang tạm đình chỉ điều tra vụ án và kêu gọi dân tố giác tội phạm, trình báo việc trước nay có ai bị hiếp dâm hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó thì báo.
Sau đó, CQĐT nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (SN 1960) đều tố cáo bị ông Long về hành vi hiếp dâm (hai người này từng có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với ông Long). CQĐT lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, bị can Long thú nhận hành vi hiếp dâm mẹ con bà Khuyến cùng việc hiếp dâm và giết hại cháu Yến.
TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long.
Hồ sơ điều tra thể hiện bị cáo đã nhận tội nhưng tại các phiên tòa, bị cáo Long đều chối tội và khai bị đánh đập, bức cung. Đáng chú ý, vụ án xảy ra vào năm 2005 nhưng đến khi phải điều tra lại vào năm 2011 thì bị hại Trương Thị Năm cùng Trương Văn Sáu (con trai bà Khuyến) đã xin rút đơn đề nghị xử lý ông Long.
Cùng diễn tiến sự việc, bà Nguyễn Thị Mai, 43 tuổi, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên – Bắc Giang là vợ của bị án Hàn Đức Long cũng đã gửi đơn đến báo Dân trí đề nghị làm rõ hung thủ thực sự gây nên cái chết của cháu Yến vào ngày 26/6/2005 theo đúng quy định pháp luật.
Đơn kêu oan cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai, vợ bị án Hàn Đức Long gửi đến báo Dân trí
Video đang HOT
Bà Mai cho rằng: “Khi phiên toà được xét xử, mặc dù chồng tôi không nhận tội nhưng cả 2 phiên toà sơ và phúc thẩm lần đầu vẫn tuyên ông ấy mức án tử hình. Đến ngày 29/7/2009, TAND Tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm vụ án số 09/2009/HS-GĐT tuyên huỷ 2 bản án đã xử trước đó”.
Theo bà Mai, sau khi xét xử lại từ đầu vụ án, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã không điều tra, thu thập được chứng cứ mới trong vụ án theo yêu cầu của Cấp Giám đốc thẩm về 6 nội dung liên quan nhưng họ vẫn tuyên án tử hình dành cho chồng bà là Hàn Đức Long.
Ngoài ra, bà Mai cũng khẳng định thêm rằng, khi tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa Long khai báo đã bị cán bộ điều tra đánh đập khiến Long phải khai nhận theo những nội dung cán bộ điều tra đọc cho để viết.
Trao đổi với PV Dân trí về tình huống vụ án, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn – Đoàn Thị Liễu ( là bố mẹ của nạn nhân Yến ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, sau khi toà án tuyên ông Long có tội thì gia đình biết vậy. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này, gia đình bị hại vẫn chưa hề nhận được một đồng tiền nào cho việc đền bù những tổn thất sau khi vụ án mạng kinh hoàng xảy ra.
” Gia đình luôn mong muốn các cơ quan pháp luật làm rõ vụ án, xét xử đúng người, đúng tội trong vụ án con tôi bị sát hại năm 2005″ – Chị Đoàn Thị Liễu nói.
Bút lục trong vụ án thể hiện việc vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng
Việc thỏa thuận dàn xếp giữa bị can và gia đình bị hại được Công an Bắc Giang đứng ra giải quyết. ( Ảnh Luật sư Vũ Thị Nga cung cấp)
Cho biết quan điểm của luật sư trong vụ án này, Bà Vũ Thị Nga – Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho rằng: ” Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, là trong quá trình điều tra thì phía công an lại cho Hàn Đức Long gặp đại diện gia đình bị hại ngay tại trong trại tạm giam để bị hại cam kết không gây thù oán, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của gia đình ông Long (theo bút lục 80,81 và bút lục 1272, 1368 có trong hồ sơ vụ án)”.
Theo luật sư Nga, việc phía công an cho ông Nguyễn Văn Báu (bác ruột bị hại) vào trại giam để cam kết, thoả thuận nêu trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trước đó, vào ngày 7/11, Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi bản đề nghị viết tay đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với nội dung: “Tiếp nhận nội dung của các luật sư Liên đoàn luật sư Việt Nam về vụ án Hàn Đức Long theo trình tự giám đốc thẩm phản ảnh về vụ án này, Toà xử không đúng (Giống vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vừa rồi). Các luật sư cho rằng, Toà xử có nhiều sai trái, thậm chí có hiện tượng ép cung, dùng nhục hình dã man. Tôi đề nghị Chủ tịch chỉ đạo toà án thẩm tra lại, tránh oan sai đối với người vô tội”.
Theo Dantri
8 năm ròng, vợ đội đơn kêu oan cho chồng bị án tử
Sau 5 phiên toà, bị cáo Hàn Đức Long (Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bị tuyên án tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em.
Vấn đề ở chỗ, cả 5 phiên tòa ấy, bị cáo đều phản cung và trong trại giam, tử tù này vẫn tiếp tục kêu oan.
Lật lại hồ sơ vụ án, nhiều chuyên gia pháp lý nhận thấy vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ và có dấu hiệu lại thêm một vụ án oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được tạm tha sau 10 năm ngồi tù.
Với niềm tin chồng mình không phạm tội, ròng rã nhiều năm qua, vợ của Hàn Đức Long vẫn kiên trì đội đơn đi kêu cứu cho chồng.
Vợ và tử tù Hàn Đức Long
27 đối tượng tình nghi và 5 phiên tòa
Trong ngôi nhà trống hoác, hoang vắng, chị Nguyễn Thị Mai (vợ tử tù Hàn Đức Long) ngồi như hoá đá. Chị buồn tủi khi có người gợi lại câu chuyện đau lòng của gia đình. Một kết cục bi thảm dành cho chồng chị, người trụ cột gia đình, bị toà kết án tử hình vì tội giết người và hiếp dâm trẻ em.
Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đen dường như vô hồn, vô cảm với thế giới xung quanh của người đàn bà 44 tuổi lam lũ. Với chị, một nỗi lòng khát cháy là kiếm tiền nuôi chồng trong tù và chắt bóp mọi khoản chi tiêu đến tối thiểu, để có tiền làm đơn kêu oan cho chồng. Hơn 8 năm ròng, chị đã đi khắp nơi để gửi đơn cầu cứu. Chồng chị đã qua tổng cộng 5 phiên toà kéo dài trong hơn 8 năm nhưng mức án cuối cùng vẫn là tử hình. "Anh ấy trước đây là công an viên, được kết nạp Đảng từ trong quân ngũ với 25 năm tuổi Đảng. Chung sống với nhau nhiều năm, tôi không tin chồng mình làm điều tồi tệ như vậy", chị Mai nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Nỗi đau như có thể chạm tay vào và cảm nhận được khi chúng tôi đối diện với người đàn bà bất hạnh này. Chị nhớ lại cái buổi tối kinh hoàng người trong thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nghe tin chấn động về sự mất tích của cháu bé 5 tuổi, Nguyễn Thị Y. Đó là buổi tối định mệnh ngày 26/6/2005. Hôm sau, người dân trong thôn phát hiện xác cháu Y. ở mương dẫn nước ngoài cánh đồng. Hôm ấy, chồng chị đi xát gạo, nên cả nhà bàng hoàng khi nghe tin và thương cảm với gia đình cháu bé.
Sau 4 tháng điều tra, sau khi sàng lọc 27 đối tượng tình nghi, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Giang vẫn không xác định được hung thủ. Vì thế cơ quan này đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng phát động nhân dân tố giác tội phạm, đề nghị bà con trình báo về những sự việc từ trước nay có ai bị hiếp dâm, hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó. Trong thời gian đó, gia đình Hàn Đức Long có tranh chấp đất đai với gia đình hàng xóm là bà Khuyên. Hàn Đức Long có xô xát với gia đình hàng xóm và Long đánh con trai bà Khuyên bị thương tích 6%. Về việc này, Long đã phải nộp tiền đền bù tại công an xã với số tiền 1,6 triệu đồng.
Trong quá trình xét xử, nội dung vụ án đều được nhắc lại theo lời khai của Hàn Đức Long: Khoảng 16h ngày 26/6/2005, Long chở thóc bằng xe cải tiến đến nhà anh Diêm Quảng Nam ở cùng thôn để xát thóc. Do mất điện nên Long gửi xe tại nhà anh Nam rồi ra đồng cắt dây khoai lang đem về nhà. Khi có điện, Long lại ra chỗ xát gạo, do anh Hàn Đức Lương đang xát nên Long lấy xe đạp của anh Lương đi về nhà. Khoảng 18h30' cùng ngày, Long đạp xe ra chỗ xát gạo thì gặp bố con ông Đỗ Danh Soạn và Đỗ Danh Xuân. Long nhường cho ông Soạn, anh Xuân xát trước rồi ra đồng gọi con trai là Hàn Đức Trọng về nhà nấu cơm. Sau đó, Long quay lại chỗ xát gạo, khi đó anh Xuân vừa xát xong, Long định bê thóc lên xát, thì chị Nguyễn Thị Yên đèo thóc đến và bê thóc đổ thẳng vào máy xát tranh xát trước; đồng thời chị Đặng Thị Sổ cũng bảo Long nhường cho xát trước. Long đồng ý và ra ngồi chờ ở càng xe cải tiến cạnh bờ ao trước cửa quán xát gạo.
Do chờ lâu đến lượt, Long đi bộ sang quán bán hàng của vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn, chị Đoàn Thị Liễu thì gặp cháu Nguyễn Thị Y. sinh tháng 7/2000 (là con của anh Sơn và chị Liễu người cùng thôn) đang ngồi trước sân quán. Long hỏi cháu Y. và biết bố mẹ cháu không có nhà, cháu Y. cũng không biết Long là ai. Theo Long khai, lúc này xung quanh không có người, trời lại nhá nhem tối, Long nảy sinh ý định bắt cháu Y. đưa ra đồng hãm hiếp rồi thủ tiêu luôn vì cháu Y. còn bé. Long khai, sau khi hiếp cháu Y., không biết cháu còn sống hay đã chết Long đã hất cháu xuống lòng mương. Long quay lại xát gạo, về nhà ăn cơm tối. Nghe thông báo cháu Y. mất tích, Long còn sang nhà anh Sơn, chị Liễu nghe việc cháu Y. đến khuya mới về nhà ngủ.
Bị cáo Hàn Đức Long tại phiên tòa
Niềm tin chồng được minh oan
Đau đớn khi nghe tin chồng phạm tội, chị Mai càng cảm thấy ô nhục hơn với hàng xóm khi sau đó, chồng bị kết án tội giết người và hiếp dâm trẻ em, hiếp dâm bà già 75 tuổi. Chị Mai cảm thấy trái tim mình như bị ai đó bóp nghẹt. Nhưng trực giác của bản thân, niềm tin vẫn thiêu đốt mách bảo chị rằng chồng chị không phạm tội. Và thực tế, sau 4 tháng bị giam, chồng chị đã kêu oan.
Chị và gia đình chồng đã nỗ lực đi khắp nơi kêu cứu mong có câu chuyện cổ tích thời hiện đại được viết lên: Tử tù được trả tự do, gia đình chị được đoàn tụ.
Chồng đi tù, bao nhiêu vất vả chồng chất lên đôi vai gầy gò của người phụ nữ. Chị một vai gánh vác việc nhà, tất tả ngược xuôi kiếm tiền nuôi chồng trong trại giam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai con của chị đành gác lại chuyện học hành tìm việc làm. "Cháu Linh học giỏi năm nào cũng được giấy khen. Cháu muốn được học tiếp, nhưng bố đi tù đành ở nhà thôi. Một năm sau, Linh đi lấy chồng. Nhà chồng ở xã bên cũng hiểu nỗi ẩn ức chưa được làm rõ của anh Long nên cũng thông cảm lắm. Con trai tôi, cháu Trọng cũng phải bỏ học khi mới 16 tuổi phải đi làm thợ mộc để đỡ đần bố mẹ", chị Mai chia sẻ.
Người làm cha mẹ nuôi con lớn được dựng vợ, gả chồng cho con là trách nhiệm và hạnh phúc. Trong việc trọng đại ấy, chị Mai cũng gánh vác một mình, vì chồng chị còn đang ở trong tù. 18 tuổi, cô con gái lớn phải nghỉ học, về làm dâu nhà người. Chị chỉ báo được cho chồng rằng con sẽ đi lấy chồng trong lần vào thăm nuôi. "Anh gạt nước mắt nói với tôi thay anh lo liệu mọi việc. Tôi nhìn cái thân hình gầy còm, đôi mắt trũng sâu của anh mà thương chồng, thương cả số phận nghiệt ngã, sự vùi dập gia đình mình. Nhưng anh vẫn khẳng định không làm việc đó", nước mắt người đàn bà đã chịu nhiều đau khổ cứ lăn dài mà không thể rơi thành giọt. Có lẽ chị đã đau khổ, đã khóc quá nhiều đến mức khô cạn cảm xúc. Đời chị chỉ là những nỗi buồn triền miên khi vụ án của anh còn chưa được sáng tỏ.
Chưa "tâm phục khẩu phục"
Mong muốn những ẩn ức trong vụ án được các cơ quan có thẩm quyền, chức năng làm sáng tỏ, chị Mai đã đội đơn đi kêu oan khắp nơi. Chị làm nghề nông, nhà chỉ có mấy sào ruộng nên lúc việc đồng xong xuôi, chị lại ra Hà Nội làm phụ hồ. Mỗi ngày làm việc vất vả, chị được trả 100 ngàn đồng. Chị cố gắng làm đủ cả một tháng để đủ tiền đi thăm nuôi chồng và làm đơn đi khắp nơi. Ròng rã hơn 8 năm trời, chị lao vào công việc, bất chấp vất vả vì mục tiêu duy nhất là đi kêu oan cho chồng.
Vụ án Hàn Đức Long giết người, hiếp dâm trẻ em đã thành một vụ kỳ án chấn động Bắc Giang. Tử tù vẫn một mực kêu oan, 5 phiên toà đã qua nhưng Hàn Đức Long và gia đình vẫn không "tâm phục khẩu phục". Nhiều chuyên gia pháp lý khi nghiên cứu vụ án này, cũng nêu ra nhiều nghi vấn không được các phiên toà làm rõ. Không ít chuyên gia pháp lý đã cho rằng, đây là vụ án "trọng cung hơn trọng chứng", chỉ dựa vào lời nhận tội của bị cáo để kết tội mà chưa xem xét đến những vật chứng, nhân chứng, những yếu tố khách quan của vụ án.
Bà già 75 tuổi tố bị hiếp dâm nhưng lại không theo hầu toà Ngày 18/10/2005, Hàn Đức Long được gọi lên công an huyện vì cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo của hai mẹ con, một bà cụ 75 tuổi và người con gái 50 tuổi đều tố cáo bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Tại đây, bà Ngô Thị Khuyến cùng con gái bà là Trương Thị Năm cũng tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm và giết cháu Y. Hàn Đức Long đã bị cơ quan điều tra tạm giữ ngay trong ngày 18/10, khi đang đi ăn sáng cùng với bạn. Sau này, bà Khuyến và con gái đã rút đơn với lý do... không có thời gian!?
Theo Minh Khánh - Cao Tuân
Án oan và những người ..."dân không thương" Từng là phóng viên nội chính đưa tin từ các phiên tòa và cũng đã vào trại giam, điều ám ảnh tôi nhất là những tiếng kêu oan não nề, ai oán và những ánh mắt thất thần vì hoảng loạn và tuyệt vọng. Biết đâu trong đó cũng có những người bị hàm oan??? Gia đình bị hại mong muốn làm rõ...