Vẫn cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản
Sau giai đoạn khủng hoảng 2011-2013, thị trường bất động sản (BĐS) đã từng bước hồi phục. Tuy nhiên, do hậu quả của đợt khủng hoảng này, nhiều dự án BĐS vẫn trở thành món nợ xấu cực kỳ khó giải quyết với nhiều ngân hàng trong khi đến nay nhiều người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi để có thể nhận nhà. Do vậy, dù có những tác động không mong muốn đến thị trường BĐS, song để bảo đảm an toàn cho sự phát triển của từng thị trường và nền kinh tế, việc siết chặt tín dụng đối với thị trường BĐS là yêu cầu bắt buộc.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của các ngân hàng vào BĐS đang được duy trì trong khoảng dưới 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, giảm rất nhiều so với ngưỡng xấp xỉ 30% giai đoạn 2010-2011. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay đầu tư kinh doanh BĐS được kiểm soát chặt chẽ.
Thời gian qua, trước dấu hiệu tăng trưởng nóng, NHNN đã lên tiếng phải cảnh báo và yêu cầu các ngân hàng phải rất thận trọng khi cho vay đối với lĩnh vực này với yêu cầu thủ tục, điều kiện vay chặt chẽ, đảm bảo khâu đầu vào tốt để hạn chế rủi ro. Theo đó, các ngân hàng cần phải kiểm soát dòng vốn này để đảm bảo người vay vốn sử dụng đúng mục đích.
Thực ra, chủ trương tăng cường kiểm soát lĩnh vực rủi ro, thắt chặt tín dụng vào các lĩnh vực này đã xuất hiện từ vài năm trước, khi thị trường BĐS vẫn đang phát triển mãnh mẽ, và đến đầu năm 2018 thì được triển khai rộng trên thực tế.
Ngay từ đầu năm 2018, có nhiều văn bản liên quan đến tín dụng dành cho BĐS đã được ban hành. Cụ thể, ngày 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cuối tháng 1/2018, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án BĐS, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp… Đồng thời yêu cầu các ngân hàng giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn; Tăng hệ số rủi ro cho vay BĐS…
Đồng tình với chủ trương của Chính phủ, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần siết chặt tín dụng đối với thị trường BĐS dù có những tác động không mong muốn đến thị trường này. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, dù chủ trương trên có thể khiến thị trường BĐS bị co hẹp lại, nhưng mức độ ảnh hưởng là không nhiều thậm chí vẫn có thể hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng tích cực hơn.
Video đang HOT
Rõ ràng, việc thắt chặt tín dụng BĐS là cần thiết để giảm bớt rủi ro cho tất cả các bên tham gia thị trường. Bởi khi chủ đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, nếu dự án hoặc thị trường có biến động tiêu cực sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng, đổ vỡ.
Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng còn giúp thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các chủ đầu tư bởi họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường cũng như phương án đầu tư, thực hiện tái cơ cấu hoạt động… trước khi triển khai dự án để đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hiện nay, NHNN không cấm cho vay BĐS, những dự án tốt ngân hàng vẫn cho vay. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực BĐS cần có lựa chọn, tăng cường nguồn vốn cho các dự án hoàn thành nhanh và phát huy hiệu quả, trì hoãn đối với các dự án đắp chiếu kéo dài.
Theo tapchitaichinh.vn
HoREA đưa ra 8 khuyến nghị giúp doanh nghiệp bất động sản thích ứng dần lộ trình giảm dần nguồn vốn tín dụng ngân hàng
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/1/2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 40% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 45% như năm 2018.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Trao đổi tại Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" mới đây do Báo Thương Gia phối hợp với Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết lộ trình giảm dần nguồn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có mặt rất tích cực là đã tạo áp lực buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp BĐS hiện nay hoạt động kinh doanh chủ yếu tập trung vào nguồn vốn trung, dài hạn và còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng, nếu muốn "bứt" ra cần phải có thời gian và chiến lược cụ thể.
Mặc khác, Hiệp hội cũng thấy rõ việc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư BĐS đối với các DN còn khó khăn, chưa khả thi, trong khi sắp bước qua giai đoạn "chuyển mình".
Do vậy, để dần thích ứng với lộ trình này, HoREA đưa ra 8 khuyến nghị giúp các DN BĐS bước đầu "nới lỏng", nhằm tránh gia tăng "căng thẳng" khi bị áp lực do tìm nguồn vốn.
Cụ thể, thứ nhất, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng.
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bởi vì kể từ ngày 01/01/2019, các tổ chức tín dụng chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Kể từ ngày 01/01/2019, các tổ chức tín dụng chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn
Thứ hai, khuyến nghị các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh BĐS (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
Thứ ba, khuyến nghị các doanh nghiệp luôn luôn phấn đấu để trở thành là nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn.
Thứ tư, khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố; chương trình nhà ở xã hội của thành phố; chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; và đề án xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ năm, khuyến nghị các doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp; và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS mạnh.
Thứ sáu. khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; Các doanh nghiệp cần nỗ lực để hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, và các doanh nghiệp lớn phấn đấu để niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài.
Thứ bảy, khuyến nghị các doanh nghiệp lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Hiện nay, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung quốc (Hongkong)...
Và cuối cùng là khuyến nghị các doanh nghiệp quan tâm 03 tiêu chí an toàn quan trọng hàng đầu về xây dựng và quản trị doanh nghiệp, sau đây: An toàn về pháp lý với tinh thần thượng tôn pháp luật; An toàn về tài chính và tín dụng doanh nghiệp; An toàn về mô hình tổ chức và nhân sự, trước hết là các nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Bên cạnh đó, tùy theo lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, doanh nghiệp cần lựa chọn thêm các tiêu chí cần thiết khác.
Theo thuonggiaonline.vn
Bị siết lại, một phần tín dụng bất động sản phải "náu mình" trong tín dụng tiêu dùng Bị áp hệ số rủi ro 200% nên các ngân hàng buộc phải đưa một phần các khoản vay liên quan đến bất động sản sang tín dụng tiêu dùng. Tín dụng bất động sản cao hơn con số thông kê Các số liệu công bố cũng cho thấy trong năm 2018, tổng quy mô thị trường bất động sản Việt Nam vào...