Vaccine Pfizer hiệu quả 94% trong thực tế, miễn dịch cộng đồng đang đến gần?
Theo một nghiên cứu thực tế lớn đầu tiên, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn SARS-CoV-2. Đây là tín hiệu mang tính bước ngoặt đối với các quốc gia muốn chấm dứt tình trạng phong tỏa do dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế.
Vaccine Pfizer giảm 94% ca mắc covid-19 có triệu chứng
Nghiên cứu ở Israel, một trong những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới, đã cung cấp nguồn dữ liệu cho thấy, hai liều vaccine của Pfizer giảm 94% các ca nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng ở tất cả các nhóm tuổi và các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng.
Theo dữ liệu công bố trên Tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine, nghiên cứu trên khoảng 1,2 triệu người cũng cho thấy, một liều vaccine duy nhất có hiệu quả 57% trong việc chống lại các triệu chứng mắc bệnh sau 2 tuần.
Hai liều vaccine Pfizer giảm 94% các ca mắc Covid-19 có triệu chứng ở tất cả các nhóm tuổi và các ca có triệu chứng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Reuters
Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Clalit dựa trên các thử nghiệm lâm sàng năm 2020 cho thấy, hai liều vaccine có hiệu quả 95%.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên vì chúng tôi nghĩ rằng, trong thực tế, khi vaccine không được duy trì bảo quản lạnh và có nhiều người cao tuổi mắc bệnh hơn, chúng ta sẽ không nhận được kết quả tốt như trong các thử nghiệm lâm sàng. Nhưng chúng tôi đã làm được và vaccine có hiệu quả trong thực tế”, Giáo sư Ran Balicer, Giám đốc sáng lập của Viện Nghiên cứu Clalit cho biết.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng vaccine có hiệu quả đối với các nhóm khác nhau, ở người trẻ và người cao tuổi không mắc bệnh nền và ở nhóm những người có ít bệnh nền”, ông Ran Balicer nói thêm.
Nghiên cứu cho thấy, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả chống lại biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho biết, họ không thể đưa ra mức độ hiệu quả cụ thể của vaccine đối với biến chủng mới.
Nghiên cứu cũng không nêu rõ liệu vaccine Covid-19 của Pfizer có thể ngăn chặn biến thể hiện đang lây lan ở Nam Phi hay không. Theo Reuters, biến chủng SARS-CoV-2 đã được chứng minh là làm giảm hiệu quả của các loại vaccine khác.
Tin vui về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19
Trong số 9 triệu người ở Israel, một quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, gần một nửa người dân đã được tiêm liều vaccine đầu tiền và 1/3 được tiêm cả hai liều kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia bắt đầu từ ngày 19/12/2020.
Video đang HOT
Điều này làm cho Israel trở thành “vị trí đắc địa” cho một nghiên cứu thực tế về khả năng ngăn chặn đại dịch của vaccine.
“Đây là một tin tuyệt vời hơn, tôi khẳng định rằng vaccine có hiệu quả khoảng 90% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào, được ghi nhận từ 7 ngày sau khi tiêm liều thứ hai”, Peter English, chuyên gia tư vấn của chính phủ Anh về kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho biết.
“Các bài nghiên cứu gần đây từ Israel đều là các nghiên cứu quan sát. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu bệnh chứng đã chỉ ra rằng, sự khác biệt giữa các nhóm đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng là do tình trạng tiêm phòng chứ không phải do một số yếu tố khác”, chuyên gia Peter English nói.
Nghiên cứu được công bố hôm 24/2 là phân tích đầu tiên về chiến lược tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Nghiên cứu cũng cung cấp thông tin chi tiết hơn về cách vaccine hoạt động trong khoảng thời gian hàng tuần, đồng thời so sánh những người đã tiêm với những người chưa được tiêm chủng dựa trên các yếu tố như tiền sử bệnh tật, giới tính và độ tuổi.
Các trung tâm nghiên cứu khác ở Israel như Viện Khoa học Weizmann và Viện Công nghệ Israel đã chia sẻ một số nghiên cứu trong những tuần gần đây cho thấy, vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả.
Ít nhất 3 nghiên cứu ở Israel cũng cho thấy, vaccine có thể làm giảm sự lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, các nghiên cứu sâu hơn phải được thực hiện để đưa ra kết luận rõ ràng.
Vaccine có mang lại “ miễn dịch cộng đồng”?
Dữ liệu mới nhất của Viện Khoa học Weizmann chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Israel đã giảm đáng kể, bắt đầu từ tháng 2 khi nhóm tuổi đầu tiên – những người trên 60 tuổi, được tiêm chủng. Hiện Israel đã mở rộng sang hai nhóm tiếp theo để những người tiêm nhận được cả 2 liều vaccine.
Nhân viên mở tủ chứa vaccine Pfizer/BioNTech tại Israel hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
Khi tình trạng lây nhiễm virus ở Israel giảm, quốc gia này đã nới lỏng lệnh phong tỏa lần thứ ba, mở cửa trở lại nền kinh tế bao gồm các trung tâm thương mại, cửa hàng, trường học và nhiều nơi làm việc trong 2 tuần qua.
Các địa điểm giải trí như nhà hát, phòng tập thể dục và khách sạn tại Israel đã mở cửa từ ngày 21/1, nhưng chỉ đón những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ hơn một tuần trước, hoặc đã khỏi bệnh và có khả năng tự miễn dịch. Những người này được kích hoạt chế độ “Thẻ Xanh” hiển thị trên ứng dụng của Bộ Y tế Israel.
Ngày 24/2, thành phố Tel Aviv, Israel đã tổ chức một trong những buổi hòa nhạc trực tiếp đầu tiên của đất nước sau nhiều tháng bị cấm theo các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch Covid-19.
“Thật thú vị, chúng tôi thực sự rất vui khi có mặt ở đây. Thật không thể tin được sau một năm ở nhà, tôi có thể ra ngoài để thưởng thức nghệ thuật”, Gabi Shamir, 60 tuổi, cho biết khi tham dự buổi biểu diễn ngoài trời.
Tuy nhiên, vaccine phát huy hiệu quả không có nghĩa là đất nước sẽ sớm không còn đại dịch. Giống như những nơi khác trên thế giới, một phần lớn dân số tại Israel dưới 16 tuổi (chiếm khoảng 1/3 dân số), đồng nghĩa với việc họ chưa thể tiêm chủng vì chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine đối với cho trẻ em.
“Đây chắc chắn không phải là dấu chấm hết của đại dịch. Khi có vaccine an toàn cho trẻ em ở Israel và khắp nơi trên thế giới, chúng tôi mới có nói rằng chúng tôi có thể đạt được miễn dịch cộng đồng”, Eran Kopel, nhà dịch tễ học tại Đại học Tel Aviv cho biết./.
Liệu Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng?
Tháng 11/2020, bác sĩ Ajeet Jain ở New Delhi thấy như đang sống trong ác mộng khi bệnh viện chật kín bệnh nhân Covid-19, nhưng ba tháng sau, tình hình đã khác hẳn.
Ba tháng trước, hàng trăm bệnh nhân tại bệnh viện của Jain phải được đưa vào khu điều trị tích cực. Khoảng 10 người chết ở đây mỗi ngày. Giờ đây, số lượng bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chỉ hai trong số 200 máy thở đang được sử dụng. Các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên cả nước cũng báo cáo tình hình tương tự.
"Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm", Jain nói.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Kolkata, Ấn Độ ngày 3/2. Ảnh: AFP .
Ấn Độ ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 30/1/2020 và trường hợp tử vong đầu tiên vào giữa tháng 3/2020. Số ca mắc mới trong một ngày lên đến đỉnh điểm hơn 97.000 ca vào tháng 9/2020, với ca tử vong trung bình 1.000 trường hợp mỗi ngày trong tháng đó.
Số người chết sau đó bắt đầu giảm. Hôm 3/2, Ấn Độ ghi nhận 94 trường hợp tử vong. Số ca mới được báo cáo trong ngày là 8.635, tương đương mức ghi nhận vào cùng ngày ở bang New York, nơi dân số chưa đầy 2% của Ấn Độ. Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, một phần nguyên nhân được cho là dân số trẻ.
Giới chuyên gia đã cảnh báo rằng nCoV sẽ tàn phá các thành phố đông dân của Ấn Độ do điều kiện vệ sinh kém. Cũng có những lo ngại rằng hệ thống y tế thiếu đầu tư có nguy cơ ngã quỵ trước đại dịch.
Chính phủ đã tìm cách ngăn chặn virus sớm, dừng các chuyến bay quốc tế và áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới vào tháng ba. Nhiều bang bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, hạn chế đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6/2020 khi chính phủ tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bị đại dịch tàn phá. Hàng trăm nghìn người đã đổ xô về lễ hội Hindu Kumbh Mela vào tháng một, hầu hết không đeo khẩu trang. Hàng chục nghìn nông dân cũng tham gia các cuộc biểu tình đông đúc ở Delhi kể từ tháng 11/2020 để phản đối luật nông nghiệp mới.
Các nhà dịch tễ học ở Ấn Độ nói rằng có một lời giải thích khả dĩ cho việc ca nhiễm mới giảm: Virus khó lây lan hơn vì một phần đáng kể dân số, ít nhất là ở các thành phố, đã nhiễm nCoV.
Giới chuyên gia cho rằng số người nhiễm nCoV ở Ấn Độ có thể cao hơn nhiều số liệu chính thức. Các cuộc khảo sát cấp bang và quốc gia về số người có kháng thể chống nCoV củng cố luận điểm này. Một cuộc khảo sát quốc gia chính thức từ tháng 12 đến tháng 1 với nhân viên y tế, người dân tại thành thị và vùng nông thôn gần thành thị cho thấy khoảng 21,5%, tức gần 280 triệu người, có kháng thể. Trong khi đó, theo số liệu chính thức, Ấn Độ ghi nhận 10,8 triệu ca nhiễm và gần 155.000 người chết.
Tại thủ đô New Delhi, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dữ liệu huyết thanh học được công bố tuần này cho thấy hơn một nửa trong số 28.000 người được lấy mẫu đã phát triển kháng thể.
Các thành phố lớn của Ấn Độ có lẽ đã "đạt đến ngưỡng miễn dịch dân số", Giridhar Babu, nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, nói. Ông cho rằng virus sẽ tiếp tục lây lan, nhưng "số lượng ca mới sẽ không giống như trước".
Tuy nhiên, có những ý kiến trái chiều xoay quanh câu hỏi liệu miễn dịch cộng đồng đã xuất hiện ở phần lớn Ấn Độ hay không. "Tôi cho rằng đã có đủ người ở Ấn Độ nhiễm nCoV. Và đó có thể là lý do tại sao số ca mới đang giảm", nhà virus học Shahid Jameel nói. "Nhưng trong trường hợp không có con số thực tế, thực sự khó để kết luận".
Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới Poonam Khetrapal Singh ca ngợi việc người dân Ấn Độ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và giữ vệ sinh, nói rằng những điều này đã chứng minh hiệu quả trong việc hạn chế lây truyền.
Nhưng bà nói thêm: "Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và đa dạng, thật khó để quy việc giảm ca mới là do miễn dịch cộng đồng".
Trong khi đó, Ấn Độ đang nhanh chóng triển khai tiêm vaccine với mục tiêu đầy tham vọng là tiêm chủng cho 300 triệu người trước tháng 7.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet vào tuần trước cho thấy nCoV bùng phát trở lại tại thành phố Manaus, Brazil, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề, mặc dù tỷ lệ người có kháng thể ở đây cao.
Một số lý do được đưa ra bao gồm khả năng miễn dịch suy giảm do lần nhiễm nCoV trước đó và biến thể mới mạnh hơn. Các chuyên gia cho rằng những diễn biến như vậy có nghĩa là còn quá sớm để Ấn Độ ăn mừng.
"Chúng ta không thể để mất cảnh giác", Singh nói. "Chúng ta càng để virus lây lan thì nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể càng cao. Nguy cơ này hiện hữu trên toàn cầu".
Biến thể nCoV gây thảm họa y tế ở Brazil Biến thể nCoV mới tên P.1 đang khiến giới khoa học lo lắng về tốc độ lây nhiễm, khả năng gây bệnh nặng và lẩn trốn vaccine. Biến thể P.1 được phát hiện lần đầu ở hai du khách Nhật Bản đến Amazon vào đầu tháng 1 và đã lan ra 7 quốc gia. Các nhà khoa học lo ngại tốc độ lây...