‘Vạ miệng’ trên mạng xã hội: Phải làm gì?
“ Vạ miệng” có thể sẽ khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, “ném đá”, gây xáo trộn và ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống. Để “né” được “họa do miệng mà ra”, bạn trẻ cần trang bị kỹ năng gì; chẳng may “vạ miệng” thì ứng xử thế nào?
Giữ bình tĩnh là điều rất quan trọng
Thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội – Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết nếu bị hiểu nhầm vì một bài đăng hay phát ngôn trên mạng xã hội thì hãy bình tĩnh và cần hiểu rằng “9 người 10 ý”, mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt, do đó sẽ khó tránh ý kiến trái chiều. Vì vậy, không nên buồn hoặc phản ứng tiêu cực mà hãy tích cực đón nhận với tâm thế thoải mái, tinh thần học hỏi.
“Tuy nhiên, nếu những phát ngôn của bản thân thực sự có vấn đề, tức là thiếu chính xác, gây hiểu lầm… thì trước hết cũng cần đính chính một cách nhanh chóng. Hãy giải thích vấn đề một cách rõ ràng bằng những lời lẽ hết sức khéo léo và cầu thị. Dù mình đúng hay sai, thì các bạn cần sự bình tĩnh”, thạc sĩ A Say nói và cho biết việc giữ bình tĩnh giúp suy xét vấn đề, để đón nhận những tình huống xấu nhất xảy ra. Không ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có lúc sai, tuy nhiên chúng ta cần biết mình sai ở đâu để khắc phục, phải biết sửa và hơn hết là bằng thái độ cầu thị. Hãy nhớ, dù ở đời thực hay trên mạng xã hội, việc tôn trọng lẫn nhau là điều hết sức cần thiết.
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi bật khóc xin lỗi khán giả sau hàng loạt phát ngôn “vạ miệng” Chụp màn hình
Theo thạc sĩ A Say, ông bà ta đã dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, tức là khuyên chúng ta trước khi phát ngôn cần suy nghĩ cho thật kỹ, khi đã thấu đáo thì sẽ tránh được việc nói sai, nói hớ. Bên cạnh đó, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng là lời nhắn nhủ thiết thực mà thạc sĩ A Say dành cho người trẻ, cần phải khéo léo trong giao tiếp, nhất là trên không gian mạng.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết những người trẻ trước tiên cần ý thức về đặc điểm và tính chất của thông tin số có thể dẫn đến những hậu quả không thể vãn hồi. Đó là nó có thể được sao chép, ghi lại nhanh chóng và phân phối, lan truyền dễ dàng. Nội dung khi đưa lên mạng sẽ được lưu trữ ở nhiều nơi, được tạo dựng và truyền đạt tự động và một khi đã đưa cái gì lên trên mạng thì về cơ bản nó sẽ tồn tại mãi mãi ở đó và vẫn sẽ được tìm ra.
PGS-TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Trước khi quyết định chia sẻ cái gì lên mạng xã hội, mỗi cá nhân cần suy nghĩ thật kỹ. Suy nghĩ trong tiếng Anh là từ “Think” cũng muốn nhắc nhở chúng ta nguyên tắc T-H-I-N-K, tức là phải chia sẻ những thông tin đúng sự thật (chữ “T” trong từ “True”), chia sẻ thông tin hữu ích (“H” trong từ “Helpful”), chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng (“I” trong từ “Inspire”), chia sẻ những điều cần thiết cho cộng đồng (“N” trong từ “Necessary”) và hãy chia sẻ những điều tử tế (“K” trong từ “Kind”)”.
Phát ngôn của TikToker Võ Thành Ý từng bị cộng đồng mạng ném đá
Video đang HOT
Thạc sĩ A Say thì lưu ý người trẻ khi phát ngôn trên mạng xã hội cần có sự khiêm tốn, việc kể lể quá nhiều về bản thân cũng sẽ mất điểm trước người khác. “Các bạn chỉ nên chia sẻ về chủ đề mà đã nắm rõ thông tin, có sự hiểu biết nhất định. Không nên nâng quan điểm cá nhân bằng cách hạ quan điểm của người khác, việc áp đặt kinh nghiệm của mình lên người khác cũng gây tác dụng ngược. Chúng ta chỉ nên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân bằng một thái độ cởi mở, khiêm tốn chứ không nên phô trương. Để hạn chế rủi ro, các bạn trẻ cần cẩn thận, suy xét thật kỹ trước khi phát ngôn”, thạc sĩ A Say khuyên.
Không lấy quyền tự do ngôn luận làm cái cớ để ăn nói tùy tiện
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết mạng xã hội là một kênh để mọi người dễ dàng chia sẻ và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng câu “view” bằng cách tạo “phốt” hay dùng những lời lẽ thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực để đạt được sự nổi tiếng trở thành vấn nạn lớn đáng quan tâm, lo ngại. Thậm chí, có nhiều trường hợp người dùng không tiết chế cảm xúc, “bạ đâu nói đó”, phát ngôn thiếu chuẩn mực, miệt thị người khác… đã bị xử lý nghiêm khắc. Vụ án Nguyễn Phương Hằng như một lời cảnh tỉnh về chuẩn mực khi phát ngôn và sử dụng mạng xã hội.
5 lời khuyên của PGS-TS Trần Thành Nam dành cho người trẻ để tránh “vạ miệng”
Theo luật sư Tiền, dẫu biết rằng ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư, tình cảm của mình trên mạng xã hội; tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người sử dụng mạng xã hội lấy quyền tự do ngôn luận để làm cái cớ cho phép bản thân ăn nói tùy tiện, dùng những lời lẽ thô tục, trái với thuần phong mỹ tục, xúc phạm, miệt thị người khác. Đến khi chuyện đã rồi thì có hối hận cũng không kịp và bản thân phải trả giá cho những phát ngôn nông nổi, thiếu suy nghĩ đó.
“Vì vậy, các bạn trẻ hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực. Mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại số. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi video mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng”, luật sư Tiền khuyên.
Luật sư Tiền nói thêm: “Mặt khác, hãy góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống. Nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị, tôn trọng người khác… Có như thế thì người dùng sẽ không vướng vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ mạng xã hội”.
PGS-TS Trần Thành Nam thì khuyên: “Giải pháp bền vững là mỗi cá nhân cần tự nâng cao năng lực công dân số của mình. Mỗi người hãy tự tạo cho mình những thông điệp riêng để nhắc nhở bản thân khi tương tác trên mạng xã hội một cách an toàn và thân thiện. Với tôi, nguyên tắc tự nhủ trước khi vào đọc tin trên mạng xã hội là: chia sẻ có ý thức, đọc có chọn lọc, bình luận có trách nhiệm, like (bày tỏ cảm xúc yêu thích) có chừng mực và bình tĩnh trong mọi trường hợp”. (còn tiếp)
'Vạ miệng' trên mạng xã hội
Dẫu là bất kỳ ai, dù không phải người nổi tiếng đi chăng nữa... thì khi "vạ miệng" cũng có thể nhận phải những cái kết đắng chát trong công việc lẫn cuộc sống.
"Vạ miệng" rồi hại thân
Thời gian qua, không ít người nổi tiếng thuộc nhiều giới đã gây tranh cãi, thậm chí bị tẩy chay, vì những phát ngôn không thận trọng. Mọi chuyện cũng không dừng lại ở những lời chỉ trích, phản đối trên mạng mà những vụ "vạ miệng" còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, công việc ngoài đời thật của các nhân vật chính. Chẳng hạn như, á hậu M.T thừa nhận với người viết: "Do vạ miệng, tôi từng mất rất nhiều hợp đồng quảng cáo. Đó là bài học rất lớn với tôi. Để rồi từ sự cố vạ miệng, tôi cố gắng chỉn chu và cẩn trọng hơn từng hành động, phát ngôn".
Còn á hậu H.M chia sẻ: "Vì một phát ngôn sai lầm, tôi đã vướng phải scandal không đáng có trong sự nghiệp. Tôi đối diện với làn sóng giận dữ của khán giả nên phải ở ẩn suốt hơn một năm. Sau đó mới được mọi người thông cảm, tha lỗi để quay trở lại showbiz".
T.H.H.T, nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, bị đuổi việc sau một lần "vạ miệng" trên mạng xã hội CHỤP MÀN HÌNH
Ca sĩ A.P.T thì nhớ lại: "Những lần vạ miệng gây ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi. Bao hình ảnh đẹp đẽ tôi từng tạo dựng trước đó đã bị làn sóng tẩy chay che phủ. Tôi bị những khán giả từng yêu thương quay lưng và trở thành antifan".
Diễn viên H.A cũng nói với người viết: "Có những lúc tôi không kiềm được cảm xúc và "bốp chát", "đấu khẩu" lại với dân mạng để rồi vạ miệng. Chính điều đó đã kéo lùi con đường diễn xuất của tôi suốt một thời gian dài". H.A thẳng thắn cho hay: "Vạ miệng đã làm hại thân".
Bị đuổi việc, từ hôn...
Thành ngữ có câu: "Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra" nhằm lưu ý mọi người cần phải cẩn thận với lời nói. Vậy nhưng thực tế có không ít trường hợp người trẻ rơi vào tình cảnh "họa từ miệng ra" vì những phát ngôn... trời ơi đất hỡi.
Minh họa: DAD
N.T.B.C (31 tuổi), làm việc ở Công ty công nghệ thông tin Tin học Việt, Q.6, TP.HCM, cho biết từng bị từ hôn vì... lỡ lời trên mạng xã hội. Theo đó, vào tháng 2.2022, trong lúc bàn tán trên Facebook về ngoại hình một diễn viên trẻ, C. đã có những bình luận không chuẩn mực. Vợ sắp cưới của C. khi đó cảm thấy sốc và đưa ra quyết định từ hôn dù kế hoạch đám cưới đã được bàn bạc kỹ.
Đ.T.K (28 tuổi), giáo viên một trường THCS ở H.Krông Pa, Gia Lai, cũng không giấu câu chuyện đã từng "vạ miệng" khi có những câu thiếu tế nhị với phụ huynh. Cái kết cho việc nói năng buông tuồng, thiếu cân nhắc cẩn thận là K. bị trường kiểm điểm, phải xin lỗi phụ huynh, đồng nghiệp.
N.H.T (30 tuổi), làm việc ở Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi, cho biết cách đây một năm rưỡi đã từng "chém gió", bịa chuyện đăng Facebook để "câu like". Nào ngờ, hành động này đã khiến T. tự để bản thân "vạ miệng", phải làm việc với cơ quan chức năng vì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Sau đó, T. bị đuổi việc.
Tháng 2 vừa qua, T.H.H.T là nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất đã viết lên Facebook dòng trạng thái phản cảm, có tính kỳ thị với người khuyết tật khi phục vụ hành khách đi xe lăn. Sau khi nhận hàng loạt chỉ trích, phẫn nộ của cư dân mạng, T. nhanh chóng xóa bài đăng có những câu chữ không chuẩn mực. Tuy nhiên không lâu sau đó, T. bị sa thải. T. nói với người viết: "Mình đã có thái độ không đúng, dẫn đến vạ miệng, không chỉ khiến bản thân bị đuổi việc mà còn khiến công ty bị ảnh hưởng uy tín".
L.T.Y.N (29 tuổi) là cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, từng làm việc tại một thương hiệu công nghệ chuyên cung cấp điện thoại thông minh ở TP.HCM. Giữa năm 2022, khi công ty đối thủ ra mắt dòng điện thoại mới, N. đã viết lên Facebook chỉ ra hàng loạt "điểm trừ". Cô gái này không ngờ rằng bản thân đã bị đuổi việc sau đó 4 ngày.
N. kể: "Lãnh đạo nơi mình làm việc cho rằng cách nâng tầm sản phẩm của công ty bằng cách viết bài hạ uy tín của đối thủ là cách kinh doanh "không đẹp". Hành động của mình không được chấp nhận vì điều đó đi ngược lại với văn hóa của công ty".
Không thể "thích gì nói nấy"
Sau bài học nhớ đời, N. đúc kết: "Mình nhận ra, hậu quả của vạ miệng là rất lớn. Thế nên mình luôn tự nhắc nhở bản thân phải suy nghĩ chín chắn, thấu đáo và cân nhắc kỹ lưỡng mỗi khi phát ngôn, kể cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội để không bị quở trách hay vướng vào những lùm xùm làm xáo trộn cuộc sống".
Nữ ca sĩ K.H từng để lại ấn tượng với khán giả bằng giọng hát ngọt ngào và vẻ ngoài xinh đẹp. Tuy nhiên K.H thừa nhận chỉ sau một đêm vào năm 2020, danh tiếng mà bản thân rất nỗ lực mới có được đã bị hủy hoại, sự nghiệp ca hát cũng "xuống dốc không phanh".
K.H kể: "Trong thời gian nổi tiếng và được nhiều người mến mộ, vẫn có những ý kiến chê bai. Mình không ngần ngại phản bác, đáp trả. Nhưng sau đó, khi bình tĩnh hơn mới nhận ra bản thân đã quá nóng, không kiểm soát nên sử dụng nhiều câu chữ thiếu văn hóa".
"Mình bị một cộng đồng khá đông lên án gay gắt. Dù sau đó mình đã nói lời xin lỗi vì chuyện "vạ miệng" nhưng không được thông cảm. Phải trải qua vài năm trầy trật mình mới có thể quay lại làm nghề với một nghệ danh khác. Câu chuyện của 3 năm trước là sai lầm nghiêm trọng nhất cuộc đời", K.H chia sẻ.
Theo K.H: "Mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok... có thể giúp mọi người trở nên nổi tiếng. Đó cũng là môi trường để nghệ sĩ dễ tiếp cận với công chúng. Nhưng nếu có những phát ngôn không suy nghĩ, thiếu tôn trọng người khác... thì dễ rơi vào cảnh "vạ miệng", nhận hậu quả rất khôn lường".
"Dù phát ngôn bông đùa cho vui, chẳng hề ẩn ý bất cứ điều gì đi chăng nữa thì cũng phải cân nhắc thật kỹ có nên hay không. Mình buộc bản thân phải tinh tế, không thể thích gì nói nấy, vô tư trong từng câu chữ", nữ ca sĩ chiêm nghiệm.
Loạt Ảnh Thời Chưa "Dao Kéo" Của Chiến Thần Hà Linh Võ Hà Linh có lẽ là một trong những cái tên hot nhất mạng xã hội những ngày vừa qua khi "chiến thần review" vướng lùm xùm về việc livestream bán hàng và bị lập group anti lên đến gần 150.000 thành viên. Cũng vì ồn ào này, mà những câu chuyện trong quá khứ của cô nàng đã bị đào lại.. Trong...