V-League kịch tính nhờ thể thức mới: Hết cửa sống cho những ‘liên minh ngầm’
Cái thời tin đồn về nhiều đội bóng được cho là cùng liên minh ngấm ngầm bắt tay, “dìu nhau” vô địch đã khép lại khi V-League chuyển sang thể thức thi đấu mới.
Chiều qua (18/4), Hà Nội FC thua trắng 0-1 trên sân HAGL. Sau 10 vòng, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc chỉ có 13 điểm, kém ngôi đầu của HAGL 12 điểm. Để vô địch, Hà Nội FC phải thắng 8 trận còn lại (trong trường hợp lọt vào nhóm đua danh hiệu), đồng thời mong HAGL sẩy chân 4 trận. Mệnh đề hai khả thi, nhưng mệnh đề một quá khó.
Video: HAGL 1-0 Hà Nội FC
Hà Nội FC từng nhiều lần ngược dòng ngoạn mục. Mùa 2009, Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) xếp bét bảng sau lượt đi. Sau khi thay HLV Triệu Quang Hà bằng Nguyễn Hữu Thắng, đội lột xác ngoạn mục, vươn lên hạng tư chung cuộc.
Mùa 2016, Hà Nội T&T xếp nhóm cuối sau 5 trận đầu, trước khi bứt phá dưới sự dẫn dắt của HLV Chu Đình Nghiêm để vô địch ngay trước mũi CLB Hải Phòng.
Song, những cuộc bứt tốc “thần kỳ” của Hà Nội FC xuất hiện khi giải đấu này còn diễn ra ở thể thức cũ. Với 26 vòng, các đội có nhiều cơ hội sửa sai. Mùa này, V-League chỉ còn 18 vòng, ít hơn 8 trận so với mùa giải thông thường với những đội cạnh tranh ngôi vương. Sẩy chân ở 3 trận tới, Hà Nội FC sẽ hết cơ hội.
Ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của thể thức mới, không chỉ là cắt giảm số trận và kịch tính hóa mùa giải, mà còn góp phần triệt tiêu những tin đồn về các “liên minh” ngấm ngầm nâng đỡ, khiến các trận đấu trở nên một mất mười ngờ.
Hà Nội FC thua 3/5 trận gần nhất.
Bầu Hiển, bố của chủ tịch Đỗ Vinh Quang bên phía Hà Nội FC, từng cao hứng thưởng tiền cho cả cầu thủ Hà Nội FC, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam lẫn Sài Gòn FC.
Ông có mặt trong lễ xuất quân của Quảng Nam và trao bảng tiền thưởng cho đội bóng khi ấy được huấn luyện bởi HLV Hoàng Văn Phúc, người sau đó về làm HLV kiêm giám đốc kỹ thuật Hà Nội FC.
Bầu Hiển thưởng cho SHB Đà Nẵng số tiền lớn vì cầm hòa Viettel ở Hàng Đẫy, rồi thưởng cho thủ môn Phạm Văn Phong của Sài Gòn FC 20 triệu đồng vì thi đấu tốt. Chủ tịch Sài Gòn FC khi ấy là ông Dương Nghiệp Khôi, sau đó trở về làm giám đốc đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội dưới quyền bầu Hiển, rồi hiện giờ đang công tác tại CLB Quảng Nam.
Các HLV trong nhóm này được đổi chỗ, luân chuyển vị trí như cơm bữa.
HLV Hoàng Văn Phúc dẫn Quảng Nam, Sài Gòn rồi về nắm Hà Nội.
HLV Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa từng nói nhiều đội V-League có “phe cánh”, liên minh lợi ích với nhau. HLV Vũ Hồng Việt của CLB Quảng Nam nói chuyện “3 đi 3 về” ở bóng đá Việt Nam là có thật.
Giai đoạn 10 năm từ mùa 2009 đến 2019, chỉ 2 lần chức vô địch V-League nằm ngoài nhóm các đội bóng được cho là ràng buộc lợi ích, đó là cú đúp vô địch của Becamex Bình Dương (2014, 2015).
Mùa 2012, dư luận từng phẫn nộ khi Hà Nội T&T cố thủ cầm hòa Sài Gòn Xuân Thành để SHB Đà Nẵng lên ngôi, dù nếu thắng, đội bóng Thủ đô sẽ vô địch.
Mùa 2017, Hà Nội FC dẫn trước Than Quảng Ninh 2-0 ở vòng cuối. Nếu thắng, Hà Nội FC sẽ xưng vương, nhưng thầy trò ông Chu Đình Nghiêm lại để hòa 4-4 chung cuộc, tỷ số “vừa đủ” để Quảng Nam đăng quang.
Dù vậy, câu chuyện 3 đi, 3 về không thể lặp lại khi giải đấu “đánh lại ván cờ” sau giai đoạn một.
Mùa 2020, Quảng Nam và Đà Nẵng rơi xuống nhóm dưới. Không còn điểm số từ những trận đấu mù mờ, đội bóng của HLV Nguyễn Thành Công ngậm ngùi xuống chơi ở hạng Nhất. Ngược lại, ván cờ tàn ở giai đoạn hai khiến Hà Nội FC không tích lũy đủ điểm số để bắt kịp CLB Viettel.
Hà Nội FC không còn sức mạnh vốn có.
Do giải đấu chia thành hai nhóm sau nửa mùa, các đội không thể nhường nhịn, bởi không chắc giai đoạn sau còn gặp nhau để “trả nghĩa”. Đội nào cũng phải gồng mình chiến đấu để sinh tồn.
Sau khi Quảng Nam xuống hạng, rồi Sài Gòn FC thải loại 21 cầu thủ và đổi chủ, số đội được cho là cùng liên minh càng ít hơn nữa.
Những trận đấu “kỳ lạ”, như thảm bại 0-4 của Than Quảng Ninh trước Hà Nội FC, sẽ ít dần đi. Ở mùa giải khắc nghiệt thế này, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc không thể chờ đội nào cũng đá hời hợt như Quảng Ninh.
Các đội V-League, dù có “ân tình” với nhau, cũng phải thi đấu sống mái và quyết tâm. Đặt trên bàn cân sòng phẳng về thực lực, Hà Nội FC không còn mạnh như vốn dĩ. Sau 10 trận, đội bóng Thủ đô thua đến 5 và chỉ ghi được 1 bàn trong những trận thua này.
Sau cùng, khi tính chiến đấu, cạnh tranh của các trận đấu trở lại, khán giả cũng tin tưởng hơn vào sự trung thực của bóng đá Việt.
Tại sao CLB Nam Định dù khó khăn trăm bề, cổ động viên vẫn phủ kín sân Thiên Trường? Đó là giá trị của niềm tin, bởi thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ đá sạch, thắng thật, mà thua cũng thật. Tương tự là HAGL của bầu Đức. Niềm tin là thứ không thể mua được bằng tiền.
Sự sạch sẽ chỉ được tinh chỉnh dần dần, mà thể thức mới của V-League đang là liều thuốc tiên của bóng đá Việt.
Bảng xếp hạng V-League sau vòng 10.
Cầu thủ Hà Nội FC nhận thẻ đỏ: Vì sao cứ thua cuộc là đá xấu?
Sau 2 tình huống chơi xấu của Văn Quyết và Việt Anh, một cầu thủ Hà Nội FC nữa vừa để lại hành động không đẹp ở trận thua Viettel.
Tình huống diễn ra ở phút 89 trong trận derby Thủ đô giữa Hà Nội FC và CLB Viettel. Đội chủ nhà tấn công ở cánh trái, mất bóng và Viettel giành lại quyền kiểm soát để phản công. Trong nỗ lực lùi về phòng ngự, Phạm Đức Huy vung tay đánh vào mặt Nguyễn Hữu Thắng - cầu thủ trẻ của Viettel.
Trọng tài Ngô Duy Lân rút thẻ đỏ trực tiếp với Đức Huy. Theo HLV Hoàng Văn Phúc, thẻ đỏ là hình phạt nặng khi Đức Huy chỉ "vung tay cao" so với bình thường. Tuy nhiên, trọng tài Ngô Duy Lân không bị khuất tầm nhìn ở tình huống va chạm của Đức Huy, đồng thời quyết định rất nhanh.
Video: Tình huống Đức Huy bị phạt thẻ đỏ
Là một trong hai trọng tài hiếm hoi mang đẳng cấp "elite" ở Việt Nam (cùng ông Hoàng Ngọc Hà), ông Lân có lý do khi đánh giá Đức Huy chơi bóng bạo lực với tình huống phạm lỗi quá mức cần thiết để cản Hữu Thắng.
Nếu chỉ để ngăn chặn một pha phản công mới chớm xuất hiện trên phần sân của Viettel, Đức Huy không cần thiết phải vung cánh tay đánh vào mặt đàn em.
Nhiều tranh cãi còn xuất hiện xung quanh thẻ đỏ của Đức Huy, nhưng đây là trận đấu thứ ba liên tiếp, các cầu thủ Hà Nội FC có những pha xử lý không đẹp. Dù vậy, không phải trọng tài nào cũng mạnh tay như ông Ngô Duy Lân.
Ở trận hòa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Trần Đình Trọng từng kéo... quần của Chevaughn Walsh để ngăn đối thủ phản công. Tiền đạo Hà Tĩnh phản ứng lại với pha phạm lỗi của Đình Trọng, nhưng trọng tài chỉ rút thẻ vàng với Walsh, mà "quên" phạt lỗi rõ ràng của cầu thủ Hà Nội FC.
Trên sân Đà Nẵng, đến lượt Bùi Hoàng Việt Anh và Văn Quyết chơi xấu. Việt Anh đá thẳng vào bụng tiền đạo Papa Ibou Kebe, dù đối thủ đã thất thế và ngã ra sân. Văn Quyết đạp thẳng vào đùi Janclesio, dù không gặp phải áp lực nào bởi đối thủ vẫn đang dẫn bóng ở sân nhà và tình thế tấn công chưa nguy hiểm.
Video: Pha đạp bóng của Văn Quyết và Việt Anh
Cả hai tình huống bạo lực đều không có án phạt "nóng" thích đáng trên sân (trọng tài đều rút thẻ vàng), dẫn đến những án phạt nguội sau đó. Cả Việt Anh và Văn Quyết đều bị kỷ luật từ lần lượt 3 và 2 trận treo giò.
Nhưng, nếu trọng tài quyết liệt rút thẻ đỏ (thay vì tấm thẻ vàng an toàn) với những pha bóng bạo lực, các cầu thủ liệu có chơi xấu, chơi phi thể thao không, hay sẽ có tâm lý chùn chân vì sợ đội nhà rơi vào thế mất người?
Sự nương tay của trọng tài là nguyên nhân bóng đá bạo lực bùng phát, nhưng chính các cầu thủ mới là người hiểu và kiểm soát rõ nhất các pha xử lý trên sân.
Trên sân Hòa Xuân, Việt Anh cũng phạm lỗi thô bạo khiến khán giả, cầu thủ lẫn ban huấn luyện Đà Nẵng phẫn nộ, rồi tiếp tục có thái độ khiêu khích đối thủ. Không có chút ân hận nào của trung vệ này khi chơi bóng thô bạo với Kebe.
Việt Anh, Văn Quyết, Đức Huy,... đều là tuyển thủ quốc gia, không chỉ đại diện cho CLB, mà còn đại diện cho hình ảnh quốc gia trên đấu trường quốc tế. Có nhiều kinh nghiệm thi đấu, từng chinh chiến ở nhiều mặt trận, những pha xấu chơi này của cầu thủ đang khiến hình ảnh Hà Nội FC bị tổn hại.
Mới đây nhất, Văn Quyết và Việt Anh bị Chủ tịch Đỗ Vinh Quang của Hà Nội FC nhắc nhở riêng về việc chơi bóng bạo lực, gây ảnh hưởng đến hình ảnh "đá đẹp" mà đội bóng đang xây dựng. Những pha đá xấu đang xuất hiện thường xuyên hơn. Kỳ lạ ở chỗ, đội bóng Thủ đô ít khi đá "bậy" khi bị dẫn trước, mà chỉ chơi xấu khi đang thua.
Hà Nội FC đang thiếu hình ảnh đẹp, nhưng lại dư thừa pha bóng xấu.
Đây có phải vấn đề tâm lý của cá nhân cầu thủ hay cả đội bóng, HLV Hoàng Văn Phúc sẽ phải tìm lời giải. Tuy nhiên, chưa nói đến hình ảnh, Hà Nội FC đang gặp hậu quả nhãn tiền về lực lượng.
Ở trận tới gặp Than Quảng Ninh, đội bóng Thủ đô thiếu cả Việt Anh, Văn Quyết, Đức Huy do án treo giò, Bruno Cunha chấn thương, còn Geovane Magno và Quang Hải mới trở lại.
Những trận tới đây sẽ định đoạt tương lai Hà Nội FC ở mùa giải này. Với 10 điểm sau 8 vòng, Hà Nội FC cần giành 10 điểm trong 5 vòng tới để đạt cột mốc 20 điểm của đội xếp hạng 6 năm ngoái (CLB Bình Dương), qua đó nuôi hy vọng đua vô địch lượt về.
Nếu cầu thủ không chơi bóng bạo lực, Hà Nội FC sẽ có lực lượng tốt hơn để tích lũy điểm số. Nhưng với án treo giò của các trụ cột, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc có thể ôm hận. 5 trận còn lại của Hà Nội FC, không trận nào được gọi là "dễ" cả.
Nếu Hà Nội FC không lọt vào nhóm đua vô địch, Văn Quyết, Việt Anh hay Đức Huy có hối hận vì một giây bốc đồng, không làm chủ được bản thân mình không?
Học trò của HLV Park Hang Seo vắng mặt ở trận HAGL - Hà Nội FC Hai cậu học trò của HLV Park Hang Seo ở ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam là Bùi Hoàng Việt Anh và Đức Huy không thể ra sân ở vòng 10 V-League 2021 vì án treo giò. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang hướng sự chú ý của mình vào trận đấu giữa HAGL với Hà Nội FC tại vòng...