V Gaming: Từ những gã “underdog” đến nhà vô địch của Liên Quân Mobile Việt Nam
Từng thành viên của V Gaming chưa chuẩn bị cho ngày họ vô địch thế giới. Nhưng khi chuyện đó xảy ra, họ biết tất cả chỉ mới là bắt đầu.
Tôi tìm đến gaming house của V Gaming một ngày sau khi đội tuyển này lên ngôi vô địch Liên Quân Mobile AIC 2022. Căn hộ nằm nép trong một con hẻm thuộc quận Phú Nhuận, TP.HCM. Khi đó, đón tiếp tôi chỉ có quản lý của đội – ông Quỷ Long. “Toàn đội đang di chuyển về đây sau một buổi ghi hình cho Garena. Ngày mai, họ sẽ được nghỉ ngơi vài ngày trước khi bước vào lịch tập luyện mới cho mùa giải sắp khởi tranh”, ông Quỷ Long cho biết.
Trên các phương tiện truyền thông những ngày qua, báo chí nói về V Gaming thường gắn với con số 16 tỷ đồng họ nhận được sau chức vô địch mới nhất. Còn với các thành viên tại đội tuyển này, họ hiểu rằng tất cả chỉ mới bắt đầu. Những mỹ từ và sự bay bổng do chức vô địch mang lại cũng chính là con dao hai lưỡi giết chết họ khi thất bại tìm đến. Hơn ai hết, V Gaming đã nếm trải quá rõ những ngọt bùi trong cuộc chơi này.
“Lúc đó tôi đang theo đuổi nghiệp học vấn như mọi người. Nhưng rồi một ngày, tôi quyết định bỏ nhà đi để tìm con đường riêng cho bản thân mình là eSports. Lúc đó là vào khoảng tháng 5/2020, đội đang chuẩn bị cho giải mùa đông”, VGM.Han nhớ lại.
Cũng như những tuyển thủ eSports từng chống lại định hướng của gia đình, “công việc ổn định” – cụm từ mà phụ huynh thường nói không có nhiều sức nặng trong suy nghĩ của Han. Dù vẫn giữ liên lạc với gia đình sau quyết định ra đi, Han chỉ muốn gọi về nhà khi toàn đội giành được chiến thắng.
“Tôi tự đặt bản thân vào vị trí của bố mẹ để cố gắng hiểu những lo toan họ dành cho mình, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ tôi hiểu hết được. Đó cũng là nguồn động lực lớn lao của tôi. Để quên đi nỗi nhớ nhà, tôi chỉ có thể tiến về phía trước trong cuộc chơi này”, người hỗ trợ V Gaming chia sẻ.
Với người đi rừng Quang Hải, câu chuyện bắt đầu từ chuyến bay một mình từ Quảng Ninh vào Sài Gòn. Không một ai trong gia đình anh chàng chấp nhận sự nghiệp cầm smartphone mỗi ngày như thế này. Chưa kể, một khoảng thời gian dài nằm ở lưng chừng con dốc danh vọng của thế giới Liên Quân khiến người đi rừng V Gaming không khỏi mông lung về con đường tương lai của bản thân. “Tôi từng đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân và đồng đội, nhưng thực tế như một cú tát ngược vào niềm tin đó”, anh nói.
“Từng có khoảng thời gian tôi rơi vào khủng hoảng. Điều này thể hiện rõ trong các trận đấu mà tôi chỉ có thể farm tài nguyên và bị kết liễu”, anh nhớ lại khoảng thời năm 2020 đầy biến động trong sự nghiệp, khi phải thi đấu vòng thăng hạng tại Đấu Trường Danh Vọng Series B để tìm vé quay trở lại giải chuyên nghiệp. “Tôi như đóng băng trước những lời công kích từ mạng xã hội, vì chỉ có bản thân tôi mới hiểu rõ mình đang nghĩ gì và muốn gì”.
Nhưng cũng chính trong cơn khủng hoảng, niềm đam mê lại cứ lớn dần trong chàng trai sinh năm 2000 qua từng trận đấu. “Những ngày đầu theo đuổi eSports chuyên nghiệp, được đánh trên sân khấu lớn đã là niềm vui. Đến tận ngày hôm nay, sự cổ vũ của khán giả ở đấu trường vẫn tạo nên niềm phấn khích lớn cho tôi trong mỗi cuộc đối đầu”, Hải bày tỏ.
Video đang HOT
Nhưng chỉ có đam mê là chưa đủ. Các thành viên V Gaming phải trải qua chuỗi quy trình tập luyện lên đến 15 tiếng mỗi ngày. Với Han, chỉ có tập luyện với sự kỷ luật cao mới là thứ giúp anh gác lại nỗi nhớ về gia đình. Còn đối với những thành viên còn lại, họ có một tấm gương để nhìn vào.
Không chỉ chịu áp lực từ kỳ vọng của bản thân và gia đình vào con đường mỗi tuyển thủ lựa chọn, họ còn phải vượt qua những thử thách hàng ngày. Cãi vả, xích mích trong thời gian đầu các thành viên tập luyện chung với nhau là điều không thể tránh khỏi. “6 thành viên với 6 cá tính đến từ những vùng khác nhau, chúng tôi phải phải tự hoàn thiện chính mình để trở thành những mảnh ghép phù hợp của nhau trong bức tranh chung V Gaming”, Han bày bỏ. Do đó, các trận training đến tờ mờ sáng đã không còn xa lạ với những cái tên còn lại như BirdLB, Maris, HoàngTD…
“Sau bao lần lỡ hẹn trước ngưỡng cửa thiên đường, chúng tôi đã thành công với AIC 2022. Nhưng sự thay đổi về meta định kỳ của Liên Quân đã khiến không ít nhà vô địch trở thành cựu vương. Nếu không nỗ lực mỗi ngày, chúng tôi rồi cũng sẽ trở thành quá khứ như họ”, Quang Hải nhìn nhận.
Nói về định hướng tương lai, Hải cho rằng khi nào tay vẫn cầm máy được, cảm giác chơi vẫn còn, anh vẫn sẽ tiếp tục chinh phục những danh hiệu đang chờ mình phía trước. Còn với Han, phải 2 mùa giải chuyên nghiệp sau cái ngày bỏ nhà năm đó, anh mới bắt đầu nhận được sự ủng hộ từ gia đình.
“Chúng tôi vẫn còn điểm yếu về mặt tâm lý. Ở những trận đấu quan trọng, các thành viên thường không có được sự phối hợp tốt nhất để giành chiến thắng cuối cùng”, ông Quỷ Long mở đầu câu chuyện trong cương vị nhà quản lý đội tuyển vô địch.
Ở độ tuổi ngoài 30, người đàn ông dành cả tuổi trẻ cho eSports này tin rằng chỉ có áp lực cực kỳ lớn mới khiến một ai đó đạt được giới hạn của họ. “Nếu một tuyển thủ chịu được áp lực, đội tuyển sẽ dồn công sức để đồng hành cùng họ trong sự nghiệp. Hy sinh đủ lớn, thành công sẽ càng ngọt ngào”, ông nói.
Khái niệm “áp lực” của Quỷ Long bao hàm cả sự đúng đắn về mặt khoa học. Ông cho biết bản thân luôn nhắc nhở tuyển thủ về lịch sinh hoạt mỗi ngày, đồng thời khiến cho các thành viên cảm nhận được đây không chỉ là nơi luyện tập, thi đấu, mà còn là nơi để tất cả có thể tin tưởng, yên tâm và thoải mái sau mỗi trận chiến. “Kế hoạch của tôi như một cái cây vậy. Tôi sẽ đặt mục tiêu ở đỉnh đầu, sau đó vạch ra những nhánh việc cần làm để đạt được mục tiêu đó”, ông nói.
Chiến thắng của V Gaming tại AIC 2022 khiến cả fan hâm mộ lẫn giới chuyên môn đều bày tỏ sự khâm phục về mặt dùng người của ban lãnh đạo đội tuyển. Trong khi với phần lớn team thường thay người khi thất bại, V Gaming vẫn giữ bộ khung gồm Maris, Han, Hoàng TĐ, Quang Hải, BirdLB và DHT dự bị qua các mùa.
Cả quản lý Quỷ Long và huấn luyện viên No Fear cho hay họ có suy nghĩ rất rõ ràng về cách khai thác tiềm năng của một cá nhân. Thay vì phải liên tục thay đổi nhân sự và đánh cược vào quyết định đó, V Gaming chọn cách ổn định đội hình và khai thác tối đa tiềm năng của từng tuyển thủ. Nếu các bạn chưa bức phá để thành công, có nghĩa bản thân ban huấn luyện làm chưa đủ và tất cả sẽ phải lao động cật lực hơn nữa để phát triển vận động viên. “Chỉ khi ý chí của bạn dừng lại ở một vị trí và không có suy nghĩ tiếp tục cố gắng, ban huấn luyện V Gaming mới quyết định thay người”, ông nói.
Ít ai biết để có được tư duy này, cả HLV No Fear lẫn Quỷ Long đều phải đánh đổi bằng kinh nghiệm của bản thân. Xuất thân của No Fear là một tuyển thủ thi đấu chuyên nghiệp, nhưng với sự động viên của Quỷ Long, anh dần chuyển sang vai trò mới và thành công vang dội ở vị trí huấn luyện viên. Trong khi đó, câu chuyện của Quỷ Long lại có thể viết thành sách như một trường hợp biểu tượng cho ý chí vươn lên bậc nhất eSports Việt.
Những ai theo dõi Liên Quân Mobile lâu năm đều biết Quỷ Long từng là huấn luyện viên của nhiều đội tuyển, nhưng vì nhiều lý do, thành tích các đội ông dẫn dắt đều đi xuống theo thời gian. “Khoảng thời gian u tối nhất trong sự nghiệp là khi đội tôi dẫn dắt đại diện Việt Nam chỉ giành huy chương đồng tại Sea Games 30. Trở về nước sau thất bại, tôi cảm nhận rõ được sự ghẻ lạnh mà mọi người xung quanh dành cho mình… Có thể nói, V Gaming chúng tôi đã gặp nhau ở thời điểm tối tăm nhất trong sự nghiệp của từng con người”, Quỷ Long bày tỏ.
Huấn luyện viên trong eSports không nhiều, số lượng quản lý một đội tuyển Liên Quân chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những người như Quỷ Long, No Fear không có một hình mẫu đi trước để dựa vào. Họ – cũng như những người theo đuổi eSports khác ngay lúc này – phải đánh đổi những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời cho một niềm đam mê chưa rõ bến bờ. Khi truyền thông tung hô số tiền 16 tỷ đồng cho đội vô địch AIC 2022, vẫn còn hàng trăm tuyển thủ từ mọi bộ môn eSports khác đang phải oằn mình tồn tại với đồng lương ít ỏi cùng sự ngờ vực cho con đường mình chọn, không chỉ từ gia đình mà còn là xã hội.
“Chiến thắng của chúng tôi là chiến thắng dành cho tất cả mọi người. Cho dù bạn có phải là fan Liên Quân hay chỉ đơn giản là một người bình thường, đang cố gắng mỗi ngày để đạt được mục tiêu đề ra trong cuộc sống. Dù thành quả giành được là như thế nào, ý chí vươn lên là thứ gia vị biến cuộc sống của bạn không hề tầm thường”, Quỷ Long đúc kết.
Những dấu mốc đáng nhớ của V Gaming trước khi chạm tay đến "chức vô địch 16 tỷ"
245 ngày trước khi làm nên chiến thắng tại AIC 2022, các thành viên của V Gaming đã phải nếm trải 4 lần về nhì đầy nuối tiếc.
Đến thời điểm hiện tại, dư âm niềm hạnh phúc sau chiến thắng lịch sử tại AIC 2022 của V Gaming, đem về khoản tiền thưởng khủng 16 tỷ đồng vẫn còn hân hoan trong lòng các thành viên và những ai yêu mến đội tuyển áo vàng đen này. Thế nhưng nên nhớ rằng, đây không phải quả ngọt từ trên trời rơi xuống, trước khi được đắm chìm trong khoảnh khắc nâng cúp thiêng liêng ấy, V Gaming đã từng phải nếm trải sự nuối tiếc của 4 lần về nhì, khi mà khoảnh khắc đến chiến thắng chỉ còn cách một chút nữa.
Nhìn lại 245 ngày làm nên lịch sử, đội tuyển này trải lòng: "245 ngày tạo nên lịch sử là màn trở mình bất ngờ của V Gaming. Từ lối đánh đến từng cá nhân, V Gaming chẳng thua kém bất cứ ông lớn nào.
Mỗi trận chung kết mà V Gaming trải qua là những bài học, những kinh nghiệm và bản lĩnh còn thiếu ở các khoảnh khắc nhất định. Để rồi sau 4 lần về nhì đáng tiếc, các chàng trai V vẫn tiếp tục đứng lên, cố gắng nỗ lực để đi tiếp và tự tay nâng cao chiếc cúp vô địch Thế Giới AIC 2022 một cách thuyết phục".
Cùng với đó, đội tuyển cũng chỉ ra những dấu mốc đáng nhớ của mình:
Thất bại nuối tiếc trước SGP là bài học lớn với V Gaming khi chỉ còn cách chức vô địch ngay trong gang tấc.
Còn nhớ trước giải ĐTDV mùa Đông 2021, được đánh giá là đội tuyển tiềm năng đồng nghĩa với việc bắt đầu nhận nhiều áp lực và sự kỳ vọng của người hâm mộ, đại diện đội - Maris khi ấy đã tâm sự:
"Mình không quá tập trung vào lời khen hay chê của dư luận mà chỉ chuyên tâm phát triển bản thân Trong tương lai mình muốn phát triển theo hướng gánh đội như IPodPro và Nunu.
Mình muốn trở thành trung tâm của mọi trận đấu. 'Maris' là ngôi sao của biển cả, mình đặt tên như vậy là muốn chứng tỏ khao khát trở thành ngôi sao lớn tại ĐTDV".
Để rồi 245 ngày để sau đó, chàng tuyển thủ trẻ đã chứng minh được năng lực của bản thân với chức vô địch hoàn hảo cùng danh hiệu FMVP có giá trị giải thưởng 30.000 đô (hơn 700 triệu đồng).
Để thua trong AIC 2021.
Xếp sau trong vòng tuyển chọn SEA Games.
Để lỡ ngôi vô địch ĐTDV mùa Xuân 2022.
Làm nên kỳ tích ở AIC 2022.
Nhìn lại những dấu mốc đáng nhớ, người hâm mộ V Gaming càng có lý do để thể hiện sự nể phục những nỗ lực của Những cánh chim phương Nam. Điều này đồng thời cũng là động lực để các thành viên của V Gaming đặt mục tiêu cao trong lần tham dự tranh tài ĐTDV mùa Đông 2022 sắp tới.
V Gaming: Hành trình từ những gã vô danh đến nhà vô địch thế giới "mang 16 tỷ về cho mẹ" Sẽ chẳng ai ngờ một đội tuyển từng bị xem là "lót đường" với những cái tên lạ hoắc trở thành thế lực số 1 của Liên Quân. Cũng chẳng ai tin một đội từng để thua 4 trận Chung kết liên tiếp có thể phá bỏ cái dớp "vua về nhì" để vô địch thế giới. Ấy vậy mà các chàng trai...