Uzbekistan bắt đầu giao khí đốt cho Trung Quốc
Hãng thông tấn nhà nước Uzbekistan đưa tin quốc gia Trung Á này đã bắt đầu cung cấp khí đốt thiên nhiên cho Trung Quốc, trong một động thái có thể khiến Nga khó chịu.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga kiểm soát việc xuất khẩu khí đốt của Uzbekistan.
Bản tin cuối ngày 12.9 của UzA về cuộc họp giữa Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov và Phó thủ tướng Trung Quốc Hồi Lương Ngọc xác định rằng Uzbekistan bắt đầu giao khí đốt cho Trung Quốc ngay trong tháng 9 này.
Trung Quốc có thêm nguồn cung cấp khí đốt từ Uzbekistan – Ảnh: AFP
Khối lượng khí đốt giao cho Trung Quốc không được tiết lộ, nhưng tin tức trên đã gây bất bình cho nhiều người Uzbekistan vốn đã phải gánh chịu tình trạng thiếu hụt khí đốt trong vài mùa đông trở lại đây.
UzA cho biết việc tuyến thứ ba của mạng lưới đường ống nối liền 2 nước sắp hoàn thành sẽ làm tăng đáng kể khối lượng khí đốt xuất khẩu từ Uzbekistan sang Trung Quốc.
Theo TNO
Video đang HOT
Uzbekistan cảnh báo nguy cơ "chiến tranh nước" tại Trung Á
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov ngày 7.9 cảnh báo một cuộc tranh cãi về nguồn tài nguyên nước ở Trung Á có nguy cơ kích động xung đột quân sự tại khu vực thuộc Liên Xô trước đây.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của ông Karimov là sự chỉ trích mạnh mẽ những kế hoạch xây đập nước trên các sông trong khu vực để phục vụ các dự án thủy điện của các quốc gia láng giềng.
Uzbekistan, quốc gia đông dân nhất Trung Á, dựa vào các con sông bắt nguồn từ Kyrgyzstan và Tajikistan để tưới tiêu đất canh tác.
Quốc gia này lâu nay đã chống đối kế hoạch của những nước láng giềng khôi phục các dự án quy mô lớn thời Liên Xô nhằm xây dựng đập nước trên thượng nguồn các con sông.
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov - Ảnh: AFP
"Nguồn tài nguyên nước có thể là một vấn đề trong tương lai vốn có thể làm leo thang căng thẳng không chỉ trong khu vực của chúng tôi, mà trên mọi châu lục", ông Karimov nói với các phóng viên tại thủ đô Astana trong chuyến công du đến Kazakhstan.
"Tôi sẽ không nêu tên quốc gia cụ thể, nhưng vấn đề này có thể trở nên tồi tệ đến mức không chỉ đối đầu nghiêm trọng, mà thậm chí chiến tranh cũng có thể xảy ra".
Uzbekistan có 8,2 người trên mỗi hécta đất đã được tưới tiêu, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới, LaTUK, một tổ chức chuyên nghiên cứu về Trung Á có trụ sở tại Moscow (Nga) cho biết trong một cuộc nghiên cứu được công bố gần đây.
Với 29 triệu dân, vốn được dự đoán sẽ tăng lên đến 33 triệu vào năm 2025, Uzbekistan sẽ cần nhiều nước hơn. Lượng nước mà quốc gia Trung Á này nhận được đã giảm gần 20% trong vài năm trở lại đây, theo LaTUK.
"Sự giảm sút dần dần lượng nước cung cấp ẩn chứa nguy cơ xung đột quy mô lớn, cả trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực lẫn sự ổn định xã hội tại Uzbekistan", báo cáo của LaTUK viết.
Trên thượng nguồn, các nước cộng hòa nhiều núi non Tajikistan và Kyrgyzstan nằm trong số những nước nghèo nhất trong khu vực thuộc Liên Xô trước đây, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện nhập khẩu, cả hai nước muốn sử dụng các con sông của họ để sản xuất điện.
Kyrgyzstan đã khánh thành nhà máy điện Kambarata-2 của nước này vào năm 2010 và đang theo đuổi đầu tư của Nga để xây nhà máy lớn hơn là Kambarata-1, một dự án trị giá 2,5 tỉ USD dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Ông Karimov đặc biệt gay gắt khi nói tới đập nước Rogun của Tajikistan, một dự án trị giá 2,2 tỉ USD bị phong tỏa chờ Ngân hàng Thế giới (WB) hoàn thành công việc đánh giá.
Ở độ cao 335 mét, Rogun sẽ là đập nước nhân tạo cao nhất thế giới.
"Dường như họ đang nhắm đến kỷ lục thế giới Guinness, nhưng chúng ta đang nói tại đây về cuộc sống của hàng triệu người không thể sống thiếu nước", ông nói.
"Những dự án đã được lập vào những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, khi chúng ta đang sống trong Liên bang Xô viết, nhưng thời thế đã thay đổi. Các công trình thủy điện ngày nay cần được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn khác".
Giới chức Tajikistan chưa phản ứng về phát biểu của ông Karimov.
Quản lý các nguồn nước là một vấn đề gây tranh cãi ở Trung Á trong nhiều thế kỷ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 5.9 đã thúc giục các nước Trung Á đàm phán về vấn đề này và cho biết báo cáo của WB về đập Rogun sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn cần thiết cho việc ra quyết định về dự án của Tajikistan.
Trước đó, Ngoại trưởng EU Catherine Ashton cũng tuyên bố bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nào cũng chỉ được thực hiện nếu được hậu thuẫn bằng các cuộc nghiên cứu độc lập và đáng tin cậy.
Ông Farid Niyazov, cố vấn của Tổng thống Kyrgyzstan, nói với Reuters rằng nước ông sẵn sàng ký kết "các thỏa thuận liên quan".
"Các dự án sẽ phải trải qua những cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và những cuộc kiểm tra về an ninh toàn diện nhất. Điều đó cũng đáp ứng quyền lợi của chúng tôi", ông Niyazov nói hôm 7.9.
Theo TNO
Uzbekistan không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự Thượng viện Uzbekistan ngày 30/8 đã thông qua một dự luật thể hiện quan điểm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Islam Karimov, theo đó không cho phép đặt các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia Trung Á này, đồng thời Tashkent cũng sẽ không tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở...